Từ vụ án Tiên Lãng nghĩ về “định hướng tuyên truyền” - Dân Làm Báo

Từ vụ án Tiên Lãng nghĩ về “định hướng tuyên truyền”

Nguyễn Dương (Danlambao) -  Mang tiếng là “Tiếng nói của đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương” nhưng báo đài của tỉnh, thành chỉ dám đụng đến những sự việc, cán bộ be bé, cỡ cấp xã phường trở xuống, còn cao hơn thì phải coi chừng. Và cũng vì thế mà có những sự việc bức xúc, gây phẫn nộ cho người dân mà báo chí địa phương vẫn tảng lờ như không hay biết, hoặc cố tình bóp méo sự thật, hướng dư luận đi theo cái có lợi cho chính quyền. Bỉ ổi hơn có khi họ còn lên chiến dịch bôi nhọ, nói xấu những ai “gây hại cho địa phương”. Để tăng thêm sức mạnh, họ còn kéo vây cánh bằng cách lôi mấy anh báo công an, quân đội nhân dân… vào cuộc để hiệp đồng tác chiến cho “đẹp mắt”. Những gì mà báo chí Hải Phòng đã làm trong vụ việc Đoàn Văn Vươn là chuyện sẽ xảy ra ở bất cứ cơ quan báo chí địa phương nào. Có chăng khác nhau ở chỗ phương pháp...

*

Điểm lại thông tin về “Vụ án Tiên Lãng” nhiều người nhận định đã lâu lắm rồi mà cả báo chí “lề đảng” và “lề dân” đều có được tiếng nói chung khi đứng về nhân dân, đứng về lẽ phải. 

Thế nhưng vẫn có một luồng dư luận từ đầu đến cuối ra sức bảo vệ, bao che cho chính quyền Huyện Tiên Lãng và Tp Hải Phòng. Và người ta không khó khi “gọi tên sự vật, hiện tượng”, đó là hệ thống truyền của bộ máy Đảng, chính quyền nơi đây. 

Ban Tuyên giáo Thành ủy, đài PTTH TP Hải Phòng, báo Hải Phòng, báo An ninh Hải Phòng, rồi Ban Tuyên giáo Huyện ủy, cổng thông tin điện tử Tiên Lãng ngay từ đầu đã thể hiện quan điểm “nhất quán” đó là khẳng định chủ trương cưỡng chế đầm ông Vươn là đúng. Dựng lên cả một chiến dịch, viết bài, lấy ý kiến cách mạng lão thành địa phương để củng cố cho lập trường, quan điểm của mình. Bộ máy tuyên truyền này “định hướng dư luận” bằng cách cả vú lấp miệng em, trơ tráo bôi nhọ, bóp méo sự thật khi cho rằng ông Vươn là “tội phạm nguy hiểm”, được mô tả là kẻ thiếu hiểu biết pháp luật, tham lam, ngông cuồng, bị chính người dân địa phương lên án… Thậm chí ngay sau khi có kết luận của Thủ tướng và sự việc đã rõ mười mươi thì ông Ủy viên TW Đảng, bí thư Thành ủy trước hàng trăm cán bộ cách mạng lão thành vẫn cố tình bưng bít, chạy tội khi cho rằng “báo chí nói sai, ghép ảnh.. nhân dân cả nước tập trung vào việc này mà ngưng trệ sản xuất”… 

Đặc biệt báo chí của Hải Phòng không đề cập gì đến việc làm sai trái dù nhỏ nhất của lãnh đạo và các ngành chức năng địa phương; thay vào đó là nhai đi nhai lại điệp khúc “đúng quy định pháp luật, “tội phạm nguy hiểm”, “nhân dân đồng tình”… Điều dể nhận thấy là tất cả các bài phóng sự của báo giấy, báo hình, cổng thông tin điện tử đã phối hợp với nhau như một dàn hợp xướng rất ư là ăn ý. Tất nhiên những giọng điệu, lập luận này đều đã được định hướng từ trước. 

Không chờ đến khi sự việc đã ngã ngũ, từ lâu dư luận đã lên án, vạch mặt bộ máy tuyên truyền của Hải Phòng là dối trá, bỉ ổi, là “bồi bút thời hiện đại”. Người ta không khỏi nhức nhối khi nghỉ đến việc lẽ nào đội ngũ những người làm báo Hải Phòng lại hèn như vậy?! Những người cầm bút ở đây chỉ vì miếng ăn mà trở thành bồi bút hết cả sao? 

Thế nhưng khi bình tâm trở lại chúng ta mới đối diện với một sự thật còn phủ phàng hơn. 

Không riêng gì ở Tiên Lãng, Hải Phòng mà nếu như sự việc ông Vươn có xảy ra ở bất cứ nơi đâu trong 64 tỉnh thành cả nước, thì báo chí địa phương nơi đó cũng sẽ hành xử như vậy. Cũng có nghĩa là phải thực hiện theo sự chỉ đạo từ Ban tuyên giáo Tỉnh ủy, Huyện ủy để bảo vệ cho việc làm của chính quyền. 

Xin khẳng định lại cho dù đó là ngay Thủ đô Hà Nội “gần ánh mặt trời” hay giữa Tp HCM “năng động phát triển” thì cũng sẽ vậy thôi! 

Ai đã từng làm báo Đảng địa phương thì sẽ biết rất rõ điều này: Sinh mệnh của tờ báo, của một đài truyền hình không nằm ở ông Tổng Biên tập, một giám đốc đài mà chính là ông Trưởng ban Tuyên giáo của tỉnh, hoặc thành phố. Hàng tuần Ban Tuyên giáo đều tổ chức họp giao ban với các quan báo chí trong tỉnh để phổ biến “định hướng tuyên truyền”. Ngoài ra, khi có sự cố gì xảy ra lại có những cuộc họp, cuộc giao ban đột xuất để báo chí địa phương “kịp thời định hướng dư luận”. Tất nhiên việc “định hướng” ở đây là khẳng định, bênh vực cho chính quyền, có khi là viết bài “đập” lại báo chí bên ngoài có bài viết bất lợi cho địa phương. 

Ngay như ở Hà Nội, khi mà một ông giám đốc công an Tp hả hê cho rằng việc cưỡng chế đầm ông Vươn là một trận hiệp đồng tác chiến “đẹp mắt”, có thể viết thành binh pháp. Khi ông quan đứng đầu thành phố cho rằng dân bức xúc phá nhà ông Vươn… thì có cho kẹo ông tổng biên tập, giám đốc đài truyền hình Hà Nội dám nghỉ khác, nói khác. Biết đâu lúc đó các cơ quan báo chí của thành phố Hà Nội còn hợp đồng tác chiến rầm rộ, “có định hướng” hơn cả Hải Phòng! 

Định hướng quan điểm, tư tưởng từ lớn đến nhỏ của một tờ báo, một đài truyền hình địa phương chính là ban Tuyên giáo. Không một tờ báo, đài truyền hình nào có thể đi chệch ra khỏi quỹ đạo này. Đó là về phần hồn. 

Còn về phần xác thì đã có UBND lo. Một ông giám đốc đài truyền hình không thể vuốt râu hùm đụng đến Ủy ban khi mà cơm áo gạo tiền hàng ngày đều do ổng quyết. Năm nay xin xây trụ sợ mới, mua thêm xe mới, trang thiết bị mới…. đều phải có cái gật đầu từ ủy ban. Một ông Tổng biên tập báo đảng địa phương, khi mà tờ báo không đủ nuôi sống quân mình thì càng phải dè dặt hơn. Chớ có dại dột mà đụng vào bầu sữa nuôi sống hàng ngày. Ăn cơm chúa phải múa tối ngày là vậy. 

Một ông quan báo chí muốn giữ được cái ghế của mình phải nằm lòng điều này. Và đội quân báo chí dưới tay ông thì phải tâm niệm cái quy tắc vàng này hơn. 

Chẳng thế mà mang tiếng là “Tiếng nói của đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương” nhưng báo đài của tỉnh, thành chỉ dám đụng đến những sự việc, cán bộ be bé, cỡ cấp xã phường trở xuống, còn cao hơn thì phải coi chừng. Và cũng vì thế mà có những sự việc bức xúc, gây phẫn nộ cho người dân mà báo chí địa phương vẫn tảng lờ như không hay biết, hoặc cố tình bóp méo sự thật, hướng dư luận đi theo cái có lợi cho chính quyền. Bỉ ổi hơn có khi họ còn lên chiến dịch bôi nhọ, nói xấu những ai “gây hại cho địa phương”. Để tăng thêm sức mạnh, họ còn kéo vây cánh bằng cách lôi mấy anh báo công an, quân đội nhân dân… vào cuộc để hiệp đồng tác chiến cho “đẹp mắt”. 

Nói tóm lại những gì mà báo chí Hải Phòng đã làm trong vụ việc Đoàn Văn Vươn là chuyện sẽ xảy ra ở bất cứ cơ quan báo chí địa phương nào. Có chăng khác nhau ở chỗ phương pháp. 

Chính vì vậy, trong lúc mọi người đang lên án, xem thường những gì báo chí Hải Phòng đã làm đối với anh Vươn thì với tư cách là người đã từng làm báo Đảng, tôi xin chia sẻ với các anh một điều: Các anh đừng buồn. Trong trận chiến thông tin này các anh không đơn độc. Bên các anh vẫn còn hàng chục nghìn đồng nghiệp của 64 cơ quan báo chí các tỉnh, thành. 

Hãy giữ vững lập trường, quan điểm đã được định hướng. 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo