Cơ sở giáo dục Thanh Hà: Giáo dục hay phản giáo dục? - Dân Làm Báo

Cơ sở giáo dục Thanh Hà: Giáo dục hay phản giáo dục?

Tường Thụy Nhìn thấy cái biển “Cơ sở giáo dục Thanh Hà”, tôi lại liên tưởng đến “Trung tâm giáo dục thường xuyên” trên dịa bàn huyện Thanh Trì, cách nhà tôi chừng 4 km. Nhiều lần, tôi chứng kiến các cháu học sinh tan lớp, mặc áo dài, đi xe đạp, ríu rít ùa ra khi tan học. Khung cảnh thật thanh bình. 

Một đằng là trung tâm giáo dục, một đằng là cơ sở giáo dục, xem ra hai cái tên chẳng khác chi nhau. Áy vậy mà nội dung gọi là “giáo dục” ở trại Thanh Hà khác nhiều lắm.


Tôi cùng với 25 người bạn của Bùi Thị Minh Hằng đi 5 ô tô từ Hà Nội lên thăm cô lần thứ 5 dưới trời mưa phùn, gió bấc của một ngày cuối Giêng, 

Từ 9 giờ 30 sáng đến 4 giờ chiều, ăn cơm hộp, cơm nắm, chúng tôi chỉ có mục đích được nhìn thấy Minh Hằng một chút. 

Chuyến đi thăm Minh Hằng tất nhiên có cháu Bùi Nhân, con trai út của cô, là người được quyền thăm nuôi. Đoán các phương án họ sẽ dẫn Hằng đi theo đường này hoặc đường kia để ra nhà thăm nuôi, chúng tôi chia nhau mai phục ngoài hàng rào ở các vị trí có thể nhìn thấy Minh Hằng. 



Minh Hằng kia rồi. Tôi áp mặt vào tường rào, thấy hai công an áp giải cô đi. Mọi người gào lên đến lạc giọng, chỉ sợ xa quá cô không nghe thấy: 

- Hằng ơi, chị Phượng đây! 

- Hằng ơi, Aqua đây! 

- Chị Hằng ơi, em Cải đây! 

- Hằng ơi, anh đây! 

- Hằng ơi, chị Lân Thụy đây. Em hẹn đến anh chị ăn tết mà sao không thấy! 

Phương Bích và Bé Cải ôm nhau khóc ròng ròng. Những giọt nước tràn ra mi mắt phụ nữ. Rồi những giọt nước măn chát ấy lan sang cánh đàn ông, bắt đầu từ Chí, một chàng trai râu ria xồm xoàm trông có vẻ dữ tơn, rất khảng khái, quyết liệt trong những cuộc xuống đường. Tôi cắn chặt môi quay mặt đi, len lén đưa ống tay áo lên mắt, không muốn cho ai nhìn thấy. Chẳng gì thì tôi cũng là người lớn tuổi hơn so với đa số. Không nên để cho các em, các cháu thấy mình cũng mềm lòng. 

Minh Hằng đã nghe thấy, giơ cả hai tay lên. Cô dừng lại được vài tích tắc rồi bị đẩy đi. Tiếng gọi Hằng vẫn tiếp tục: 

- Hằng … ằng ơ … ơ … ơi! 

Một vài tay săn ảnh cự phách rình chụp được hình Mình Hằng. Chúng tôi xúm vào xem, ảnh rất rõ nét, thấy cô tiều tụy quá. Cô khóc, mặt méo xệch đi. Lúc ấy là lúc cô nghe thấy những tiếng gọi. 

Giáo sư Ngô Đức Thọ khẩn khoản nói với mấy cậu công an chỉ đáng tuổi cháu mình: 

- Chúng tôi, những công dân, là người quen của cô Bùi Thị Minh Hằng cũng chưa bị tước quyền công dân chỉ yêu cầu nhìn thấy cô ấy xem thể chất cô ấy ra sao, khỏe mạnh hay ốm yếu. Chúng tôi chỉ xin trông thấy cô ấy 1 phút thôi. Chúng tôi hứa không nói với nhau câu nào, không trao vào tay cô ấy cái gì. Chúng tôi biết mình không thuộc diện thăm nuôi nên không đòi thăm nuôi. Chỉ cần nhìn thấy cô ấy một chút … 

Lời khẩn khoản ấy được Giáo sư Ngô Đức Thọ, Đại tá công an Nguyễn Đăng Quang, tôi và những người khác, nói đi nói lại một cách kiên trì suốt từ sáng sang chiều. 

Tay công an đứng trước Gs Ngô Đức Thọ đầu luôn lúc lắc, lúc gã ngoẹo cổ sang trái, lúc ngoẹo sang phải, lúc ưỡn ngực ngửa cổ lên nhưng không khi nào gã cúi xuống, chắc động tác ấy chỉ dành khi làm việc với cấp trên. Tay gã thì luôn khua khoắng vung vít. Ngứa mắt, tôi nghiệm giọng bảo gã: 

- Anh nên nhớ rằng, anh đang đứng trước những người tuổi cha, bác thậm chí tuổi ông anh. Anh cần giữ thái độ cho nghiêm túc. 

Những tiếng gọi bạn thống thiết dưới màn sương (tên một bài viết của Phương Bích) không làm cho những người cai quản trại này xao lòng: 

- Chúng tôi không thể giải quyết … 

- Các bác không được gặp, đó là qui định … 

- Để chúng tôi báo cáo chỉ huy … 

Lúc thì thấy dàn công an hơn chục cậu xuất hiện quanh chúng tôi như thể để áp đảo, đe dọa. Lúc lại thấy tất cả lẩn đâu hết, chỉ còn một cậu canh chừng. Lúc lại nghe thấy một hồi kẻng mà chúng tôi đoán là báo động. Họ nghĩ chúng tôi cướp trại đến nơi chăng? 

Họ lặp đi lặp lại rằng đối tượng thăm nuôi theo qui định chỉ có bố mẹ, con, anh em ruột, chúng tôi không thuộc diện. 

Nào chúng tôi có yêu cầu thăm nuôi. Chúng tôi chỉ là người quen biết Minh Hằng, chúng chỉ có nguyện vọng nhìn thấy cô trong giây lát. Một phút hay vài giây cũng được. 

Đứng mãi ở khu vực gần phòng thường trực, chúng tôi yêu cầu được vào phòng tiếp dân, không yêu cầu nước uống, để đỡ mỏi chân và tránh mưa nhưng không được. Ngược lại, họ luôn luôn yêu cầu chúng tôi ra khỏi cổng. 

Chúng tôi tìm cách thuyết phục: nếu các anh tiếp dân chu đáo, điều đó chỉ tốt cho các anh. Chúng tôi về sẽ tuyên truyền rằng, cơ sở giáo dục này tiếp dân ân cần như thế, như thế sẽ khiến cho những gia đình có người cải tạo ở đây yên tâm rằng, con em mình được cải tạo trong một cơ sở với những cán bộ đàng hoàng như thế chắc sẽ mau chóng tiến bộ. 

Tuy nhiên, lời nói của chúng tôi chỉ là vô ích. 



Buổi chiều, chúng tôi bảo nhau vào thẳng phòng khách nộp đơn xin gặp Minh Hằng. Họ yêu cầu chúng tôi cử đại diện còn lại “mời” chúng tôi ra đường. Ai còn lạ gì cái từ “mời” của công an hay chính quyền. 

Nguyễn Hữu Vinh kịp thời lột trần bản chất của từ “mời” ấy: 

- Nói đuổi cho nó đúng. Người ta chỉ có mời vào chứ không ai mới ra. 

Khi chúng tôi lọt được vào trong phòng cho đỡ lạnh thì họ tắt phụp điện. Phòng tối, chúng tôi lại quay trở ra. Chỉ đến khi chúng tôi chấp nhận chỉ cử 2 đại diện làm việc với ban giám đốc, số còn lại ra khỏi cổng, họ mới đóng điện trở lại. 

Lúc này, trời lại mưa thành hạt, chúng tôi chỉ xin trú dưới mái hiên chứ không vào phòng làm việc nhưng không được. Cô Nga cũng đành ôm đứa con đang tuổi bú ra khỏi cổng. Họ liền đóng sập cổng, lấy thêm xích sắt khóa lại. 

Cuối cùng, Nguyễn Hữu Vinh, Phan Trọng Khang quay trở ra sau một gàn hai giờ căng thẳng, mang theo biên bản ghi rằng, yêu cầu của chúng tôi sẽ xem xét sau. 

Chuyện đấu lý với công an ở đây, nhiều cây bút có mặt hôm ấy đã nói tới nên tôi không muốn nhắc lại. Có một cảm giác: công an ở đây chẳng hiểu gì về pháp luật. Còn sự vô cảm ư? Nó cũng như các cơ quan công quyền khác mà mọi người từng biết đến. Tuy vậy, không phải không có ai trong số họ biết nguyện vọng của chúng tôi là chính đáng, nhưng lại chung nhau một điểm: sợ trách nhiệm. 

Minh Hằng bị đưa đi cải tạo, vẫn còn quyền công dân. Vậy mà một bước đi của Minh Hằng vẫn có công an áp giải, rồi điều kiện thăm nuôi, cưỡng bức lao động, xem ra chẳng khác gì tù nhân. Tôi tự hỏi: họ định cải tạo Minh Hằng hay là hành hạ cô cho thỏa lòng căm tức đây? 

Tôi thật không hiểu nổi, tại sao họ sợ chúng tôi nhìn thấy Minh Hằng hay Minh Hằng nhìn thấy chúng tôi đến thế? 

Sự đày đọa đối với Minh Hằng và các “học viên” ở đây cũng được nhiều bài viết nói tới. Với cách cải tạo kiểu như thế, với những con người quản lý cơ sở này như thế, thử hỏi họ định cải tạo Minh Hằng thành con người như thế nào, hay chỉ làm cho Minh Hằng vững vàng hơn, căm thù cái xấu, cái ác hơn, những người biết đến cái trại cải tạo này thất vọng, mất thêm lòng tin vào chế độ hơn? 

Minh Hằng làm sao phải cải tạo? Cô bị bắt ngày 27/11/2011 tại Sài Gòn khi cô yêu cầu trả tự do cho 20 người ở Hà Nội bị bắt lên trại phục hồi nhân phẩm Lộc Hà, núp dưới cái tên “cơ sở lưu trú”. Sau đó cô bị cưỡng bức đi cải tạo ở trại này. Tôi cho rằng, kẻ phải cải tạo chính là những kẻ hại dân dưới danh nghĩa cán bộ chính quyền nhân dân, danh nghĩa đảng, đầy tội lỗi đang tại vị để xét xử những người là nạn nhân của họ. Chính quyền Hải Phòng – Tiên Lãng là một ví dụ. 

Tôi không cố tìm hiểu xem vì cái qui định nào mà chúng tôi lặn lội từ Hà Nội lên đây chỉ có nguyện vọng nhìn thấy Minh Hằng một chút nhưng không được. Cái qui định quái đản ấy, dù bằng văn bản hay bằng miệng thì cũng là một qui định vô nhân đạo, phi nhân tính. 

18/2/2012 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo