Hà Sĩ Phu (Danlambao) - Đã có một thời ấu trĩ, nghèo khó, trông con đường “tám thước” đã thấy “rộng thênh thang” [1], thấy ánh điện sáng trên cầu Việt Trì đã sướng nhảy lên “Ơ này anh em ơi” [2], thế mà trong đầu còn mở ra những thứ thênh thang gấp bội thì lâng lâng cũng phải. Này là bài ca hữu nghị Việt-Trung-Xô, này là anh cả Liên Xô chị hiền Trung Quốc, này là vô sản toàn thế giới, này là thế giới đại đồng…Trước những thứ hoành tráng, bát ngát như vậy cái gì là RIÊNG, là cá nhân chẳng những bị xem là nhỏ bé mà còn tội lỗi nữa, phải nép vào một xó, nhường chỗ cho những gì là CHUNG, là “tập thể”, là “toàn dân”… Đã là cá nhân, lại kèm thêm chữ “CỦA” (tức là sở hữu đấy), như của tôi, của anh, thì xấu xa lắm, phải từ bỏ ngay hoặc chôn kín trong lòng.
Đừng trách các nghệ sĩ cứ “tớn” lên mà tội, khi có cả một lý thuyết đang trùm lên xã hội. Ngọn nguồn từ mấy ông râu xồm bên Tây kia.
Số là, từ thế kỷ 18, xã hội loài người đến thời văn minh công nghiệp thì sự chênh lệch giữa con người với nhau đã rất khủng khiếp. Bằng cảm tính trực quan, rất dễ thấy sự bất công là do chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất mà ra. Bần cố nông không có ruộng nên phải làm thuê cho địa chủ phú nông chiếm nhiều ruộng đất. Công nhân không có nhà máy nên phải làm thuê cho nhà tư bản có công xưởng. Kết quả là người lao động làm ra của cải mười phần nhưng chỉ được hưởng dăm ba phần vì bị các “chủ tư liệu” chiếm mất thành quả.
Thế là, xuất phát từ cảm tính trực quan, không ít người nghĩ đến giải pháp: từ nay không cho ai chiếm hữu ruộng đất hay công xưởng nữa, tất cả tư liệu sản xuất lớn phải là của chung, sẽ chẳng ai phải làm thuê cho ai, thế là triệt tiêu “tận gốc” sự bóc lột và bất công, thế là cứu dân. Nhiệm vụ cách mạng là phải chống cái RIÊNG, đặc biệt là cái riêng trong sở hữu những cơ sở vật chất. Theo luận lý ấy, đất đai là loại hình tư liệu sản xuất đặc biệt, là nguồn vốn lớn nhất, giá cả có thể vô hạn tất nhiên không ai được sở hữu riêng, nếu quy thành luật “đất đai thuộc Sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý” thì cũng phải thôi.
Công cuộc chống cái Riêng sẽ dẫn xã hội tới Thiên đường khiến Tố Hữu reo lên:
Ngày mai đây, tất cả sẽ là CHUNG
Tất cả là vui và ánh sáng! (Tố Hữu-Liên hiệp lại)
Mơ tiếp, con người sẽ làm việc theo khả năng nhưng tiêu dùng thì tất cả đều lấy từ cái kho chung của toàn dân, như múc nước trong bể, ai khát nhiều thì múc nhiều, ai khát ít thì “tự giác” múc ít (thật quá ư nhân đạo và hợp lý), bởi khi ấy con người đều cao thượng, tất cả đã là của chung thì còn “tham sân si” làm gì nữa, thanh bình đến thế là cùng!
Chẳng còn ai có sở hữu tư liệu sản xuất riêng, ai cũng là công nhân công nghiệp hay công nhân nông nghiệp như nhau, hết cả giàu nghèo, hết cả sang hèn, nên xã hội đặc trưng ở tính chất SAN BẰNG, CÔNG HỮU HÓA, TẬP THỂ HÓA...
Đến nay, nhiều điều phi lý trong “xã hội không tưởng” như trên đã được nhận ra và không nhắc đến nữa, nhưng tại sao chủ trương Công hữu hoá về đất đai vẫn được giữ nguyên mặc dù chủ trương này đã gây nên bao vụ tranh chấp đất đai nghiêm trọng, kéo dài, như một vấn nạn lớn, thách thức sự tồn vong của chế độ?
Để trả lời câu hỏi trên, và có thể sửa chữa tận gốc sai lầm về “sở hữu toàn dân” đối với đất đai, chứ không dừng ở việc điều chỉnh để đối phó, thiết nghĩ cũng nên phân tích ngắn gọn với nhau mấy nguồn gốc xuất phát của sai lầm này.
1. Những sai lầm từ trong nhận thức của Ý thức hệ:
- Xã hội không thể san bằng: Chẳng riêng gì loài người, sinh vật một khi đã sống thành bầy đàn hay xã hội thì khó lòng tránh khỏi bất bình đẳng. Ngay trong một cơ thể thực vật, các tế bào nằm sát nhau thì vừa hiệp lực vói nhau để hoàn thành một chức phận trong cơ thể vừa giới hạn lẫn nhau, chèn ép lẫn nhau, mỗi tế bào không thể căng tròn hết cỡ như khi được nuôi tự do trong môi trường nuôi cấy nhân tạo. Vừa hiệp lực lại vừa cạnh tranh, đấu tranh với nhau trong một tổng thể vốn là quy luật tương sinh tương khắc muôn đời của Sinh giới.
- Hệ quả của quy luật nói trên là sự phân ly thành hai cực CHÍNH QUYỀN và DÂN CHÚNG, cùng với sự phân cách GIÀU NGHÈO. Những sự phân ly vừa tương sinh vửa tương khắc này là tất yếu, không thể dùng “cách mạng” để san bằng.
- Đã không thể xoá bỏ hay san bằng thì phải có Luật và có Dân chủ, gọi chung là nền Dân chủ Pháp trị, để cho những mặt đối lập cùng tồn tại, không diệt nhau mà còn nương tưa vào nhau, hiệp lực với nhau trong xã hội chung.
- Là xã hội đương nhiên có tính Tổ chức: từ cá nhân đến các tổ chức nhỏ, tiếp đến các tổ chức lớn hơn, rồi thành quốc gia, quốc tế. Do đó Dân chủ cũng có Dân chủ trực tiếp và Dân chủ đại diện. Một tổ chức cấp cao có đại diện được cho các thành viên hợp thành hay không là do Cơ chế tổ chức có Dân chủ hay không. Nếu xã hội không dân chủ thì sự đại diện chỉ là mạo danh, “sở hữu toàn dân” là một sự mạo danh.
- Sở hữu là cơ sở vật chất để con người có thể tồn tại như một thực thể riêng trong xã hội, nên việc đưa tất cả đất đai cho nhà nước thống nhất quản lý là vô lý, đặc biệt là khi Công hữu hoá lại đi kèm với những thiết chế phản dân chủ thì chủ trương xoá bỏ sở hữu tư nhân đối với đất đai chính là cột chặt sinh mệnh toàn dân vào trong bàn tay của một đảng cầm quyền, chẳng khác nào truất phế tư cách tồn tại của họ.
2. Sai lầm trong thời buổi “Kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa”.
Những sai lầm vừa kể trên là sai lầm về nhận thức, về động cơ có thể là muốn xây dựng một xã hội “của chung”, tưởng rằng mọi thứ đều công hữu hoá, tập thể hoá thì nhân dân sẽ thoát vòng nô lệ và được hạnh phúc.
Song, khi phe XHCN thế giới đã sụp đổ, đảng Cộng sản đã chuyển sang chiến lược “Kinh tế thị trường định hướng XHCN”, ảo tưởng về nhận thức không còn nữa, tại sao vẫn chủ trương “toàn dân hoá” sở hữu đất đai?
“Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý” ư? Toàn dân là một khái niệm chung chung, mơ hồ, chẳng là ai cụ thể, ai đang có quyền thì chiếm chỗ ấy. Sự thể ra sao thì vụ Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng-Hải Phòng đủ nói lên tất cả.
Đất đai là miếng mồi ngon nhất, lớn nhất. Trong một cơ chế độc quyền lãnh đạo, kẻ nào nắm độc quyền lãnh đạo ắt thèm rỏ rãi, ắt dùng tổ chức công khai, dùng con dấu để “cướp ngày, cướp cạn” (chữ của bác Lê Hiền Đức). Dân bị cướp khắp nơi, kêu trời không thấu. Kiện chỉ là kiện củ khoai vì từ dưới lên trên đều cùng một duộc. Đó là một “lỗi hệ thống”.
Trong cơ chế “trên bảo dưới không nghe”, thủ tướng cũng chẳng cách chức nổi cấp dưới thì mạnh ai nấy làm, ai có quyền cũng là “anh hùng nhất khoảnh”, ấy là nạn phân ly, “cướp ngày” nổi lên khắp nơi. Nhưng bên cạnh nạn phân ly lại có nạn liên kết: liên kết giữa kẻ có quyền và kẻ có tiền, đôi khi liên kết cả với đám lưu manh anh-chị, liên kết trong lợi ích nhóm, liên kết trong nhiệm kỳ…thả sức cướp bóc, đầy ải nhân dân.
Trong đám mây mù tệ nạn, phải tìm ra cái trục gây ác. Trục gây ác cũng là trục quyền lực. Trục “hợp tung” của quyền lực từ trên xuống là: Chủ nghĩa - Đảng – Công an (công an là chủ lực thi hành). Trục “liên hoành” là các cấp uỷ, uỷ ban, công an, các đoàn thể trong Mặt trận, các đại doanh gia, các nhà cơ hội, các nhóm xã hội đen…
- Chính cái cơ chế “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý” là nhân tố mở đường, là cái khiên che, là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt mọi đám “cướp ngày”, nó cần được huỷ bỏ.
- Việc duy trì điều luật này không còn là sai lầm về nhận thức mà là tội phạm có ý thức, nó cần được hủy bỏ.
- Điều luật này là điều béo bở cho các quan, nhưng là nỗi hãi hùng cho Dân, nó biến cái CHUNG mạo danh Nhân dân thành cái RIÊNG của các quan, sở hữu “toàn dân” biến thành sở hữu “toàn quan”, nó cần được huỷ bỏ.
Xin trích đủ 4 câu trong bài thơ “Liên hiệp lại” của Tố Hữu :
Quyết chiến đấu! Nào, ta liên hiệp lại
Hỡi tù nhân khốn nạn của bần cùng!
Ngày mai đây, tất cả sẽ là CHUNG
Tất cả là vui và ánh sáng!
(Tố Hữu-Liên hiệp lại)
Hai câu dưới là giấc mơ tương lai từ trong quá khứ, nên lưu lại trong một Bảo tàng Ý thức hệ.
Hai câu trên trải mấy chục năm vẫn như thời hiện tại, đọc lên cứ tưởng thơ tặng những gia đình khốn khổ như gia đình Đoàn Văn Vươn hôm nay.
Những tiếng nói yêu cầu huỷ bỏ điều luật này về Sở hữu đất đai, trao quyền Sở hữu ruộng đất về cho Dân (tất nhiên Công hữu xưa nay vẫn có phần dành cho Nhà nước) là những tiếng nói chân thành, nhìn thẳng sự thật, giúp đảng Cộng sản và Chính phủ vớt vát lại uy tín, vớt vát lại sự Chính danh.
Nếu tôi là những cấp lãnh đạo, tôi sẽ cảm ơn những liều thuốc đắng. Đoàn Văn Vươn cũng là một liều thuốc đắng như vậy.
Tiếng súng hoa cải ĐoànVăn Vươn là phát pháo hiệu báo nguy của anh bộ đội trên boong, báo cho người lái con tàu Titanic Việt Nam rằng: phía trước là một tảng băng ngầm.
19/2/2011
__________________________________________________
Chú thích:
[1] Ta đi tới-Thơ Tố Hữu
[2] Bài ca Ánh đèn cầu Việt trì của nhạc sĩ Hoàng Hà, 1956