Nguyên Lâm (TuoiTre) - Mặc dù Thủ tướng đã có kết luận về việc vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng, nhưng đó mới chỉ là hành động của người đứng đầu Chính phủ. Từ phía các đại biểu dân cử, lẽ ra có thể làm hoặc lên tiếng nhiều hơn. Điều tối thiểu một đại biểu Quốc hội hay đại biểu HĐND, nhất là những đại biểu ứng cử ở Tiên Lãng, có thể làm trong trường hợp này là đến với người dân để thăm hỏi, động viên.
Đó không chỉ là thôi thúc do cái nghĩa, cái tình, lòng trắc ẩn. Với tư cách là người từng về đó hứa hẹn nhiều điều, được cử tri bầu ra thì theo Hiến pháp, các đại biểu phải “liên hệ chặt chẽ” với cử tri Tiên Lãng để “thu thập và phản ảnh trung thực ý kiến, nguyện vọng”; “trả lời những yêu cầu và kiến nghị” của người dân.
Các đại biểu còn phải “xem xét, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và hướng dẫn, giúp đỡ công dân thực hiện các quyền đó”. Như vụ việc này cho thấy có rất nhiều vấn đề công dân cần đến sự đôn đốc, theo dõi, giúp đỡ của đại biểu dân cử.
Hơn thế, về gặp người dân Tiên Lãng không chỉ vì một vụ việc Đoàn Văn Vươn. Quan trọng hơn, thông tin từ vụ việc này cần phục vụ hoạt động giám sát, chất vấn, ban hành chính sách, pháp luật nói chung. Đại biểu là người chuyển những thông tin thu thập được từ Tiên Lãng (tâm tư, nguyện vọng, con số, sự kiện, hình ảnh, tiếng nói...) ra nghị trường, biến nó thành những câu chất vấn, bài phát biểu, kiến nghị giám sát, thảo luận về Hiến pháp, luật, nghị quyết...
Chẳng hạn, trước những thông tin trái chiều về vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng (trước khi có kết luận của Thủ tướng), đại biểu HĐND TP Hải Phòng đã có thể kiến nghị thường trực HĐND hoặc các ban của HĐND TP tiến hành một hoặc nhiều phiên giải trình, có tính chất “ba mặt một lời”, để tất cả các bên cùng ngồi một chỗ cung cấp thông tin cho HĐND, làm rõ thông tin để có cơ sở kiến nghị giải quyết.
Tương tự như thế, đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng, các ủy ban liên quan của Quốc hội như Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Pháp luật, Ban Dân nguyện hoàn toàn đủ thẩm quyền để thành lập đoàn giám sát, tiến hành các phiên giải trình làm rõ các vấn đề thuộc thẩm quyền của mình. Ngay cả sau khi có kết luận của Thủ tướng, từ những vấn đề ở Tiên Lãng, các cơ quan của Quốc hội vẫn có thể tiến hành các phiên giải trình như thế, chẳng hạn về sở hữu đất đai, về sự độc lập của tòa án, về cơ chế khiếu kiện hành chính...
Đặc biệt, trong quá trình sửa đổi Hiến pháp 1992 hiện nay, đây là cơ hội để đại biểu Quốc hội nêu những vấn đề bộc lộ từ vụ Tiên Lãng như sở hữu đất đai, chính quyền địa phương, tòa án. Hoặc với tư cách nhà lập pháp, đại biểu Quốc hội chính là người sẽ thảo luận và bấm nút thông qua các đạo luật liên quan trực tiếp đến những vấn đề của vụ Tiên Lãng như Luật đất đai, Luật khiếu nại, tố tụng hành chính, Luật hình sự...
Quả thật, hiện nay đại biểu dân cử gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cản trở trên nhiều phương diện, từ cơ chế bầu cử, kiêm nhiệm, điều kiện làm việc... Nhưng đã nhận lấy “gánh nặng trách nhiệm”, đại biểu không còn cách nào khác là làm hài lòng cử tri qua các việc làm cụ thể như gặp gỡ cử tri, chất vấn, giám sát, thảo luận, tranh luận, thông qua các đạo luật cần cho cuộc sống.
Tiếng vọng của Tiên Lãng cần được dội lại ở nghị trường, đừng để nghị trường lặng lẽ tiếng dân, đừng để Tiên Lãng chìm trong quên lãng ở nghị trường.