Chuyện của các quan chức không biết tại sao lại ảnh hưởng đến hình ảnh của thành phố Hải Phòng!?
Vụ cưỡng chế đầm ở Tiên Lãng: Lãnh đạo Hải Phòng nói gì?
Ông Đan Đức Hiệp, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Hải Phòng, đã trả lời phỏng vấn của PV Báo Thanh Niên xoay quanh vụ cưỡng chế đầm thủy sản ở Tiên Lãng. Ông Hiệp nói: “Chúng tôi rất lấy làm tiếc vì xảy ra vụ việc hôm 5.1.
Việc đó đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh của TP. Lãnh đạo TP đang chỉ đạo
các ngành kiểm tra, rà soát để xử lý dứt điểm vụ việc”.
Từ sau vụ cưỡng chế, đã qua 2 lần họp báo nhưng chưa một lần lãnh
đạo TP.Hải Phòng chính thức phát biểu với báo giới. Dường như lãnh đạo
TP coi việc này là nhỏ?
Chúng tôi không cho đây là việc nhỏ. Từ sáng 5.1, chúng tôi đã hiểu
rằng vụ việc không còn trong phạm vi Tiên Lãng, thậm chí sẽ còn gây sự
chú ý đến cả các hãng truyền thông quốc tế. Ngay sau khi vụ việc xảy ra,
lãnh đạo TP đã nghe báo cáo tình hình, hai hôm sau có báo cáo gửi Văn
phòng T.Ư Đảng và Văn phòng Chính phủ.
Sẽ xem xét trách nhiệm cá nhân
Đến nay, chủ trương xử lý của lãnh đạo TP là gì, thưa ông?
Ngay từ trước tết, lãnh đạo TP đã yêu cầu các ngành tài nguyên - môi
trường (TN-MT), tư pháp, công an, nông nghiệp - phát triển nông thôn,
tài chính, thanh tra, cục thuế kiểm tra, rà soát và báo cáo về quá trình
giao đất, thu hồi đất, cưỡng chế đầm của ông Vươn. UBND TP yêu cầu các
ngành phải làm rõ đúng sai, trách nhiệm của tập thể, cá nhân; tập thể,
cá nhân nào vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Từ ngày 31.1.2012, đoàn công tác của Bộ TN-MT, Thanh tra Chính phủ...
về làm việc. Để đảm bảo tính khách quan, TP.Hải Phòng sẽ chờ kết luận
của các bộ, ngành T.Ư.
Các đoàn công tác chưa đưa ra thời hạn, nhưng chúng tôi cũng đề nghị
các đoàn có kết luận về việc giao đất, thu hồi và tổ chức cưỡng chế vào
giữa tháng 2.2012.
Việc xử lý hành vi chống người thi hành công vụ của ông Vươn và người
nhà, Công an TP đang điều tra, làm rõ, để xử lý nghiêm theo quy định
của pháp luật.
Trước khi tổ chức cưỡng chế, H.Tiên Lãng có xin ý kiến TP?
Ngày 26.7.2011, anh Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND H.Tiên Lãng ký văn bản
gửi thường trực Thành ủy, Ủy ban TP báo cáo về việc cưỡng chế đầm của
ông Luân, ông Vươn. Trong đó đề nghị TP chỉ đạo các cơ quan chức năng,
khối nội chính của TP phối hợp với H.Tiên Lãng tổ chức cưỡng chế.
Ngày 17.8.2011, sau khi họp giao ban, nghe báo cáo, nhận thấy việc
thu hồi khu đầm là cần thiết, lãnh đạo TP đồng ý về chủ trương thu hồi
đất. Giao thanh tra TP, công an, sở TN-MT hướng dẫn UBND H.Tiên Lãng
thực hiện việc cưỡng chế đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, H.Tiên Lãng chưa thực hiện tốt việc tổ chức cưỡng chế,
chưa đánh giá đúng tình hình, có tâm lý chủ quan, chọn thời điểm chưa
phù hợp nên đã để xảy ra sự việc đáng tiếc hôm 5.1.
Lực lượng công an tiếp cận nhà ông Vươn bằng xuồng hôm xảy ra vụ việc cưỡng chế - Ảnh: Thiên Bình |
Là lãnh đạo TP, trong công việc, ông đánh giá Chủ tịch UBND H.Tiên Lãng Lê Văn Hiền như thế nào?
Đồng chí Hiền xuất thân từ ngành sư phạm, sau đó học Đại học Nông
nghiệp, đã từng qua nhiều chức vụ, từ Phó bí thư huyện ủy, sang Chủ tịch
UBND huyện. Qua sự việc ngày 5.1.2012, có thể thấy đồng chí Hiền còn
thiếu kinh nghiệm trong xử lý vụ việc phức tạp về đất đai.
Chính quyền H.Tiên Lãng, xã Vinh Quang tổ chức cưỡng chế không
tốt, không bảo vệ hiện trường chặt chẽ sau cưỡng chế... TP có xem xét
phương án xử lý cán bộ cấp xã, cấp huyện?
TP đã yêu cầu các sở, ngành có liên quan và đề nghị các cơ quan T.Ư
làm rõ đúng, sai, trách nhiệm của tập thể, cá nhân. Sau khi có kết luận,
TP sẽ xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Ai có lỗi đến đâu sẽ bị xử lý
đến đó.
Nhiều ý kiến cho rằng đằng sau việc chính quyền huyện thu hồi đầm
là lợi ích nhóm, một số chủ đầm đã mượn chính quyền để thôn tính khu
đầm của ông Vươn. Ông nghĩ sao về điều này?
Đây là những thông tin TP đang yêu cầu các ngành kiểm tra, xác minh
một cách cặn kẽ, khi cơ quan chức năng có kết luận, nếu có yếu tố tư
lợi, TP sẽ xử lý nghiêm.
Sẽ tạo điều kiện cho chủ đầm
Ngoài vụ việc của ông Vươn, hiện còn hàng ngàn ha đầm của hàng
trăm hộ dân tại Hải Phòng cũng có tình trạng đang sản xuất trên diện
tích đất đã hết thời hạn được giao, hướng xử lý của TP thế nào, thưa
ông?
TP đang giao cho ngành nông nghiệp, TN-MT, các huyện rà soát, tổng
hợp, báo cáo. Chủ trương chung của TP là sẽ đối chiếu với quy hoạch, kế
hoạch sử dụng đất. Nếu đất nuôi trồng thủy sản không phù hợp với quy
hoạch, sẽ phải thu hồi theo quy định. Nếu đất nuôi trồng thủy sản phù
hợp với quy hoạch, sẽ tiếp tục phát triển nuôi trồng thủy sản, khuyến
khích nuôi công nghệ cao, cho năng suất cao và bảo vệ môi trường để phát
triển bền vững. Những khu đầm đã hết hạn giao đất sẽ phải thu hồi, cho
thuê lại. Những hộ đang sản xuất sẽ được ưu tiên cho thuê nếu họ có dự
án khả thi, hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ tài chính với nhà nước.
Trong dịp tết vừa qua, TP chủ trương không để ai thiếu tết. Nhưng
thực tế không một cơ quan, đoàn thể nào của TP, của huyện, xã đến thăm
bà Hiền, bà Thương (vợ ông Vươn, ông Quý) là những người đang ở trong
túp lều bên khu đầm bị cưỡng chế?
Sau vụ việc ông Vươn và người nhà chống người thi hành công vụ, có
thể nhiều người còn e ngại gặp gỡ, tiếp xúc. Nhưng vừa qua, khi có thông
tin phản ánh, TP đã yêu cầu các cấp, các ngành, đoàn thể vào cuộc để
củng cố, tăng cường mối quan hệ giữa người dân với chính quyền.
Sau hơn chục năm làm đầm, kinh tế gia đình ông Vươn cũng đã ổn định,
có nhà ở cùng mẹ đẻ ở xã Bắc Hưng, H.Tiên Lãng. Theo tôi, trong dịp tết
Nguyên đán, các đoàn thể, tổ chức nên đến thăm hỏi gia đình chị Hiền,
chị Thương, điều đó thể hiện sự quan tâm của chính quyền, đoàn thể với
người dân. Việc này chủ tịch TP cũng đã có ý kiến với các cơ quan đoàn
thể.
Theo ông, bài học nào mà chính quyền Hải Phòng rút ra sau vụ việc ở Tiên Lãng?
Hải Phòng rút ra bài học sâu sắc từ vụ việc ở Tiên Lãng. Có rất nhiều
điều cần được rút kinh nghiệm, nhưng bài học lớn đó là về phương thức
tổ chức cưỡng chế. Các vụ cưỡng chế đất đai bao giờ cũng tiềm ẩn nhiều
yếu tố phức tạp. Trong công tác dân vận, cũng cần những người có trí
tuệ, am hiểu kiến thức, có uy tín để có thể giải thích, thuyết phục
người dân thay đổi nhận thức. Điều quan trọng là phải có chủ trương,
chính sách đúng đắn, minh bạch. Sau đó là phải giải thích cho người dân
hiểu và tự nguyện chấp hành. Khi xảy ra sự việc, công tác thông tin với
báo chí, để giải thích với dư luận cũng chưa được đầy đủ, nên dẫn đến
còn có nhiều ý kiến khác nhau, gây hiểu lầm giữa nhân dân với chính
quyền.
Lý do “giao đất 1997, tính 1993”
Liên quan đến những khuất tất trong việc giao đất, ông Hiệp giải thích: “Qua tài liệu về vụ việc này, ở đây có một điểm cần làm rõ: Quyết định số 447 ký ngày 4.10.1993 của UBND H.Tiên Lãng áp dụng luật Đất đai năm 1987 chỉ giao 21 ha, thời hạn 14 năm cho ông Vươn. Sau đó, ông Vươn đã tự ý lấn chiếm ra ngoài khu đất được giao theo quyết định của UBND H.Tiên Lãng và sử dụng cùng thời điểm năm 1993. Tuy nhiên, đến ngày 2.3.1997, ông Vươn mới làm tờ trình gửi UBND H.Tiên Lãng, xin giao đất bổ sung. Trong tờ trình do ông Vươn ký cũng nói rõ: “... Trong lúc thi công bằng cơ giới, thi công theo thủy triều dâng, thi công vào ban đêm nên đê bao vùng vượt diện tích theo quyết định giao đất của huyện cụ thể là 23 ha, diện tích đầm đã xây dựng là 44 ha... Đề nghị H.Tiên Lãng, xã cùng các cơ quan liên quan tạo điều kiện cho tôi là cấp bổ sung quyết định giao đất, số diện tích mà tôi đã làm vượt trên”. Đó là lý do tại sao vào thời điểm năm 1997, UBND H.Tiên Lãng giao bổ sung đất cho ông Vươn nhưng lại tính vào thời điểm năm 1993”.
|
Káp Thành Long (thực hiện)