ĐẠO ĐỨC, ĐỨC TRỊ, PHÁP TRỊ và CỘNG SẢN
HỎI: Vì sao trong bài "Đôi điều suy nghĩ..." (ĐĐSN...) anh luôn đối chiếu Mác-Lê với Khổng-Mạnh?
ĐÁP: Theo nhận thức của tôi thì tư duy chính trị Mác xít chỉ là tư duy Đức trị phong kiến mang màu sắc Công nghiệp.
Trước đây, bản chất Phong kiến của hệ thống chính trị Mác-Lê bị che mờ đi là do mấy nguyên nhân sau:
* Về nội dung: Người ta thấy lý thuyết Mác-Lê có những nhân tố mà lý thuyết Đức trị phong kiến không có như "Giai cấp công nhân và Đảng tiền phong", "tính Quốc tế", tính "tập thể", "tính Công nghiệp", "tính Duy vật biện chứng"... Hơn thế, lý thuyết Mác-Lê luôn nói về ý thức hệ phong kiến như ý thức hệ phản động cần phải tiêu diệt.
* Về vai trò lịch sử: Có sự ngộ nhận rằng "chủ nghĩa Đế quốc" là giai đoạn tột cùng của Chủ nghĩa Tư bản, Chủ nghĩa Tư bản sắp cáo chung thì phải có cái gì thay thế nó chứ! Trong cơn khủng hoảng của thế giới ở những thế kỷ đầu của Văn minh Công nghiệp thì sự phê phán đối với xã hội Tư bản đương thời và khát vọng về một thế giới khác đã trở nên mảnh đất tuyệt vời để nảy mầm hạt giống Cộng sản, người ta ngưỡng vọng nó như một cái gì hoàn toàn mới mẻ... Sau những thắng lợi huy hoàng ở giai đoạn đầu của trào lưu Cộng sản: chiến thắng Phát xít, sự xuất hiện một siêu cường Cộng sản với nền công nghiệp nặng, vũ khí hạt nhân, thám hiểm vũ trụ... thì ngưỡng vọng ấy càng trở thành niềm tin thực sự. Thực tế ấy khiến cho cả những người dù có nhìn thấy những điều không ổn trong tư duy Mácxít cũng không dám nghĩ rằng tư tưởng Mácxít chỉ là bản sao mang màu sắc Công nghiệp của tư tưởng phong kiến lỗi thời.
Nhưng nếu xem xét vấn đề từ sự tiến hóa Đức trị sang Pháp trị sẽ thấy bản chất này hiện ra rất rõ.
HỎI: Đức trị và Pháp trị khác nhau thế nào? Chuyên chính Vô sản là Đức trị hay Pháp trị?
ĐÁP: So sánh đầy đủ ắt phải viết nhiều pho sách, vì trong lịch sử từ Đông sang Tây đã có nhiều biến thể phức tạp. Ở đây chỉ có thể rút ngắn chuyện nghìn năm vào một vài trang, với một vài điều cốt lõi.
Trên đường tìm kiếm những phương pháp để tổ chức, duy trì và điều hành xã hội, các nhà tư tưởng phương Tây cũng như phương Đông rút cuộc đều phát hiện các nhu cầu Đức trị, Pháp trị và nhu cầu 'phối hợp' cả hai yếu tố đó. Ba xu hướng này, với vô số biến thể của chúng, đã tồn tại và đấu tranh với nhau từ trước Công nguyên cho tới hôm nay, và cùng với chúng là những cách nhìn khác nhau về bản chất cao quý hoặc tàn bạo của Chính trị và của Nhà nước, cùng với chúng là những cẩm nang khác nhau để dạy những thủ đoạn chính trị cho nội bộ giới cầm quyền mỗi nước mỗi thời. Những chuyện "bếp núc" tàn bạo và dối trá của Chính trị, ta tạm gác sang một bên.
Về triết học mà nói, bao quát hết thảy chỉ có hai phạm trù tư tưởng về tổ chức xã hội, xây dựng trên hai nền nhân văn khác nhau: chủ nghĩa Nhân văn cổ điển và chủ nghĩa Nhân văn mới. Đạo trị nước của Nhân văn cổ điển là Đức trị, đạo trị nước của Nhân văn mới là Pháp trị. Đức trị cực thịnh ở chế độ Phong kiến, ứng với Văn minh Nông nghiệp. Quản Trọng, Hàn Phi, Vệ Ưởng, Machiavel... tuy đã đụng chạm đến "Pháp trị" nhưng về toàn cục thì vẫn nằm trong quỹ đạo Đức trị.
Đức trị hay Pháp trị không phải đơn giản là phẩm chất cá nhân hay phương pháp cá nhân của người cầm quyền hay của một triều đại như nhiều người lầm tưởng. Lại càng không nên tưởng lầm rằng áp dụng pháp luật cho cứng rắn là đề cao Pháp trị! Những chế độ phong kiến hay “Ý thức hệ trị” không thể nào có một nền Pháp trị theo đúng nghĩa.
Pháp trị chỉ có thể ra đời cùng với Văn minh Công nghiệp, mở đầu bằng "Dân chủ Tư sản" và phát triển thành nền Dân chủ Đa nguyên ngày nay. Pháp trị ngày nay cũng có yếu tố Đạo đức, song về tư duy nó khác với Đức trị về "chất", không thể lẫn lộn với Đức trị được nữa.
Chúng ta hãy xem nền chính trị "Chuyên chính Vô sản" nằm ở chỗ nào trong bậc thang tiến hóa ấy?
Trước hết phải hiểu cơ sở triết học của Nhân văn cổ điển và Nhân văn mới. Cả hai nền Nhân văn đều muốn hướng xã hội và con người đến Chân Thiện Mỹ, cho con người được hạnh phúc trong sự "hòa" với nhau và "thuận" với quy luật. Song mỗi bên nhận thức về Con người một khác và từ đó đưa ra những tiên đề khác hẳn.
Tư duy Nhân văn cổ điển dựa trên tiên đề: Con người ta bản chất là thiện và giống nhau, nhưng trong quá trình sống bị cái ác làm cho "tha hóa" đi và phân ly ra (Nhân chi sơ, tính bản thiện, tính tương cận, tập tương viễn). Vậy phải chống cái Ác và chống sự phân ly, chống sự "tha hóa", thu về một mối! Tư duy chiến lược của Đức trị là "nhất thể hóa" xã hội, mà đỉnh cao của nó thể hiện ở tính "tập thể","quốc tế","đại đồng"... của thuyết Mác-Lênin.
(Tuân tử có nói đến bản tính ác của con người, đó thật là tiếng chuông cảnh tỉnh cho phái Đức trị, song cái Ác mà Tuân tử nói tới chỉ là cái bản tính thứ sinh thôi, bởi "nếu biết tích thiện thì kẻ tầm thường cũng có thể thành kẻ sĩ rồi thành thánh nhân" thì như thế cái Ác sao có thể coi là bản tính được. Về toàn cục Tuân tử vẫn là đại biểu của Đức trị.)
Tư duy "nhất thể hóa" ấy đương nhiên dẫn đến chỗ phải tìm kiếm và khẳng định xem cái khuôn mẫu "thiện" duy nhất ấy là cái gì. Phong kiến khi xưa thì khẳng định đó là "đạo trời", (hoặc biến thái thành "đạo người", "đạo vua"...) mà Thiên tử được ủy nhiệm, Mác Lênin thì khẳng định đó là "hệ tư tưởng của giai cấp công nhân" tiêu biểu cho Thời đại, mà Đảng Cộng sản là đội tiên phong được Lịch sử giao phó. Những khẳng định ấy đều mang tính tiên đề nghĩa là chỉ được giải thích chứ không được chứng minh, hoặc đã chứng minh một lần rồi là không bao giờ được "xét lại" nữa. Bởi tất cả những "chân lý" ấy đều là do những đại biểu của họ viết ra chứ có ai biết mặt mũi ông Trời và ông Lịch sử ra sao đâu. Điều này giải thích tại sao tất cả các chính thể Đức trị đều không thoát khỏi màu sắc Tôn giáo.
Về biện pháp, lúc đầu nặng về khuyên răn, giáo dục (cẩu bất giáo, tính nãi thiên: nếu không giáo dục thì cái tính sẽ sai lệch đi), nhưng biện pháp "thiện"này bất lực trước thực tiễn, và các nhà Đức trị đã buộc phải cầu viện đến cái "ác" trong biện pháp...
Machiavel khuyên quân vương phải biết lừa đảo và tàn nhẫn, (vừa như con vật vừa như thằng người). Thế mà theo Creel thì Machiavel so với Hàn Phi vẫn chưa thấm vào đâu(); Hàn Phi, Thân Bất Hại... đề cao cái "Thuật" trong phép trị nước. Đến Mác-Lê thì sự quyết liệt này lại lên cao thêm một cấp độ nữa, không ngần ngại nói thẳng ra rằng người Cộng sản mà không dám đẩy cái đấu tranh giai cấp tới cấp độ Chuyên chính Vô sản thì cũng chưa xứng với tầm Cộng sản...!
Nếu tính Ác trong chính trị Machiavel còn được ý thức là cái Ác mà quân vương buộc phải làm, cái Ác trong chính trị Hàn Phi còn manh nha cho Pháp trị, thì đến Mác-Lê cái Chuyên chính hoàn toàn không được nhận thức như cái ác, mà là cái thiện gấp triệu lần những cái thiện khác, không còn là biện pháp bất đắc dĩ của quân vương mà biến thành cái chân lý mà quần chúng cần hướng tới, không phải mở đường cho Pháp trị mà lại trèo lên trên Pháp trị, ức chế Pháp trị. Đến Mác-Lê thì mâu thuẫn thiện-ác nội tại của Đức trị đã lên tột đỉnh.
Hệ tư duy Đức trị khởi thủy là "toàn thiện": con người thiện, phương pháp thiện, đi đến cái đích cực thiện. Nhưng lối suy nghĩ duy tâm ấy va phải thực tế nên buộc phải bổ sung bằng cách sử dụng cái Ác với tư cách phương pháp, có nghĩa là tự thâu nhận vào trong lòng mình cái Ác, và thế là phải chấp nhận cái đối lập với mình, vì bản tính của thế giới khách quan vốn là Đa nguyên. Những người Mác xít luôn nói đến tính muôn màu muôn vẻ của tự nhiên mà không nhận ra cái lẽ Đa nguyên rất tự nhiên của trời đất, bởi dẫu đã cố gắng duy vật và biện chứng (đồng thời vẫn rất duy tâm và siêu hình) nó vẫn quanh quẩn trong hệ ý thức Nhân văn cổ điển, luôn "nhất thể hóa" xã hội, cứ muốn thu xã hội về một mối, tỏa ra từ một nguồn.
Hệ Nhân văn cổ điển tuy có tự bổ sung như vậy vẫn không thoát khỏi bế tắc. Lúc đầu ta tự an ủi rằng cái Ác chỉ là phương tiện để đi tới cái Thiện nên ráng nhắm mắt mà chịu cho qua giai đoạn "quá độ". Nhưng việc tách mục đích và phương tiện một cách rành mạch như thế không "biện chứng" chút nào. Mục đích lồng trong phương tiện, và phương tiện cũng lồng trong mục đích, mục đích của công đoạn trước có khi là phương tiện cho công đoạn sau (Cái lát cắt chia đôi mục đích với phương tiện chỉ là lát cắt giả tạo!), mục đích và phương tiện luôn đổi chỗ cho nhau.
Cái Ác cũng biết tự vệ, nửa đường nó dừng lại để tự sinh sôi và không tiếp tục con đường 'Hành Thiện' nữa. Thiện sử dụng Ác làm phương tiện, thì Ác cũng biết dùng Thiện làm phương tiện! Giai đoạn "quá độ" kéo dài vô thời hạn. Thiện Ác dồn lại một cục, Đạo đức và Phi đạo đức cứ xoắn vào nhau, lẫn lộn không biết đâu mà phân biệt. Quá rành mạch cuối cùng lại không rành mạch. (Khi ấy, cái lát cắt chia đôi Thiện và Ác cũng không giúp ta phân định mọi điều được nữa! Những người chỉ một mực đưa cái Tâm lên đầu để khuyến Thiện thì nhất định sẽ trở thành người 'ba phải', không thể khác được!).
Chưa kịp đối phó với bệnh giáo điều coi "phương tiện Mác-Lê" là mục đích để gây cái hại chung, đã phải quay sang đối phó với tật thực dụng, dùng Mác-Lê làm phương tiện để tạo cái lợi riêng.
Cái bế tắc ấy của thể chế Xã hội chủ nghĩa không mới mẻ gì, chỉ là cái bế tắc nghìn đời của lý tưởng Đức trị, mà đáng lẽ đã được lịch sử cho phép cáo chung cùng với sự cáo chung của chế độ Phong kiến và Văn minh Nông nghiệp rồi.
Các nền Đức trị bế tắc vì coi cái gốc của Thiện là ở bên trên, ở Vua, ở Đảng tiền phong..., nên khi chính cái gốc ấy tha hóa thì không tự "hoàn Thiện" được. Pháp trị khơi thông được bế tắc này là nhờ coi nguồn Thiện vô tận là từ biển cả Nhân dân, nên chủ trương tạo điều kiện gây sức mạnh từ dưới lên để khống chế sự tha hóa của quyền lực thống trị và làm nó lành mạnh trở lại.
Sự ra đời của sản xuất Công nghiệp và Kinh tế thị trường đã chiếu một tia sáng hoàn toàn mới vào tư duy của con người trong việc tổ chức và điều hành xã hội. Người ta nhận ra cái nghịch lý rằng muốn cho xã hội có đạo đức hơn thì phải giả thiết là nó gồm những người những người chưa có đạo đức (đầy đủ), và không thể gom họ về một mối tốt đẹp đã định sẵn được. Nguy cơ vô đạo đức nhất luôn phát xuất từ kẻ đi thi hành đạo đức, bởi quy luật của quyền lực là bành trướng vô hạn độ, nếu không gặp phản lực. Những người đạo đức thực sự bây giờ giác ngộ rằng phải tạm gác "phương án tối đa" để đảm bảo cho "phương án tối thiểu": Chưa cần anh đạo đức, xin anh hãy sòng phẳng với chúng tôi cái đã! Pháp trị xây dựng trên sự nghi ngờ nên phải đặt ra luật để lường trước.
Nghĩa là xã hội loài người phải đổi "luật chơi".
* Thay vì sử dụng sức mạnh xã hội theo chiều từ trên xuống để tác động vào đám dân đen, bây giờ phải gây sức mạnh từ dưới lên để khống chế thế lực cầm quyền, thông qua quyền bầu cử và các quyền công dân khác, mà quyền cơ bản nhất là quyền tư hữu.
* Thay vì tập trung quyền lực vào một nguồn (nhất nguyên), bây giờ phải "tam quyền phân lập" và chấp nhận nhiều tổ chức chính trị độc lập với nhau trong xã hội (đa nguyên). Thay quyền lực định sẵn, kéo dài vô hạn, bằng quyền lực dân cử, định kỳ hữu hạn.
* Thay vì nhân danh một lý tưởng cao xa do áp đặt đơn phương, người cầm quyền chỉ được nhân danh cái khế ước rất cụ thể do mọi người trong xã hội cùng nhau thỏa thuận, gọi là luật pháp. Thay vì bị quy định trong tất cả mọi việc làm,người dân bây giờ chỉ bị quy định về những điều không được làm, do đó phạm vi tự do cá nhân được nới rộng một cách căn bản.
* Thay vì lấy chuẩn "tĩnh" là vua hoặc một tập đoàn gọi là tiền phong, phải lấy chuẩn "động" là những lực lượng tiên tiến luôn xuất hiện từ trong xã hội.
* Kết quả là một xã hội thần dân ổn định giả tạo dưới ách chuyên chế được thay bằng một xã hội công dân linh hoạt và hơn hẳn về tính Dân chủ.
Tư duy khoa học và tiến bộ này được từ khơi nguồn từ John Locke (1632-1704), Montes quieu (1689-1755)..., phát triển thành nền "Dân chủ tư sản" thế kỷ 18-19, rồi thành nền Dân chủ đa nguyên Pháp trị ngày nay.
Đức trị đã có vô số biến thể thì Pháp trị cũng không thể quy về một hình mẫu cứng nhắc nào. Một thể chế xã hội tốt, nhất định phải phù hợp với những đặc điểm Dân tộc và Lịch sử của mình. Nhưng không thể vin vào đó để duy trì một chế độ Đức trị Mácxít ảo tưởng, mà thực chất là nền Chuyên chính của thiểu số nhân danh Vô sản, thiết lập trên đầu Nhân dân, trong khi Nhân loại đã chuyển sang kỷ nguyên Pháp trị!
Trên cơ sở những điều đã trình bày trên tôi thấy có thể kết luận rằng:
Bản chất của dòng tư tưởng Mác-Lê về xã hội là dòng tư tưởng Phong kiến phục hưng, cộng với ảo tưởng Cộng sản nguyên thủy (hoặc ảo tưởng Nô lệ) trong cơn khủng hoảng tăng tốc của nền Văn minh Công nghiệp.
Học thuyết Mác-Lê không phải là cái gì cao xa chưa tới mà chỉ là cái hoài vọng đã bị vượt qua, chỉ là biến tướng mới mang cái mốt công nghiệp của chủ nghĩa phong kiến đã bị lịch sử vượt qua trước đây nhiều thế kỷ. Nó không phải là thứ cẩm nang dẫn đường đầy tính súc tích huyền bí đến mức hàng thế kỷ sau chưa có ai hiểu đúng, mà chỉ là những dự đoán lẩm cẩm không bao giờ có thực trên đời.
HỎI: Quan hệ giữa Đức trị và Đạo đức?
ĐÁP: Đạo đức là một giá trị tinh thần cao quý, nhưng cũng biến đổi theo thời đại. Khi thời đại thay đổi thì Đạo đức là yếu tố tương đối ổn định nên biến đổi chậm hơn so với những biến đổi của kỹ thuật, kinh tế, chính trị...Vì thế tác dụng của Đạo đức mang tính hai mặt. Mặt tích cực là duy trì tính ổn định của xã hội, nhất là của dân tộc, chống lại những điều "nhí nhố" nhất thời. Mặt tiêu cực là tính ỳ cao, ở những giao thời của lịch sử thì Đạo đức đương thời luôn thuộc về hệ thống cũ. Lực lượng mới của xã hội muốn đi tới bao giờ cũng phải làm cái động tác phá vỡ Đạo đức cũ như con gà con phá vỏ trứng để chui ra. Vì thế bản chất của tiến hóa và sinh sôi là "phi đạo đức"!
Đạo đức còn có một thuộc tính nữa là rất dễ bị bắt chước để làm giả. Đạo đức giả còn "mê ly" hơn cả Đạo đức thật. Nhà chính trị lão luyện nào cũng phải là một tay "chơi Đạo đức". Vì thế luật của Pháp trị lành mạnh là "Cấm trị nước bằng Đạo đức!"
Một thuộc tính khác của Đạo đức là xu hướng tự hoại, nghĩa là trong môi trường mà Đạo đức cầm trịch thì Đạo đức sẽ tự mất đi.
Đạo đức là giá trị cao quý mà mỗi con người cần có để đối xử với nhau và giáo dục nhau, muôn đời không ai dám nói bỏ Đạo đức, nhưng Đức trị thì loài người thông minh ngày nay không sài nữa rồi. Phê phán Đức trị tuyệt đối không có nghĩa coi nhẹ Đạo đức, trái lại chính là vì để có Đạo đức thật. Chừng nào chưa biết ghê sợ Đức trị thì dân tộc ấy còn ở trong cơn mê man để làm mồi ngon cho những mưu toan.
Trừ khi cả dân tộc ấy (cả tầng lớp thống trị và bị trị) đều là những tay "chơi Đạo đức" thì không kể! Nhưng chẳng lẽ điều này lại có thể xảy ra, và nếu tất cả đều ranh ma như thế thì tôi còn viết những lời ngốc nghếch này ra đây làm gì? Không, không thể như thế. Nhân dân, ít ra là nhân dân lao động và một thiểu số trí thức, bao giờ cũng lương thiện!
HỎI: Thực tiễn nào ở Việt nam minh chứng cho quan điểm của anh về bản chất Phong kiến của nền Đức trị Mác xít?
ĐÁP: Có thể nói toàn bộ thực tiễn Việt nam và thực tiễn trong "phe" Xã hội chủ nghĩa minh chứng cho quan điểm của tôi. Xin kể mấy ví dụ điển hình:
* Theo trí tưởng tượng của Mác thì ý thức hệ Phong kiến là rất xưa cũ, phải trải qua ý thức hệ Tư sản rồi mới tiến lên ý thức hệ Vô sản, mà mỗi "bước" chuyển biến ấy là cả một kỷ nguyên mới, trong lịch sử phải đo bằng ngàn năm chứ đâu phải chuyện chơi! Ý thức lại là cái thay đổi rất chậm so với kinh tế, vậy mà chẳng hiểu sao những nước Phong kiến lạc hậu như Trung Hoa, Việt Nam, Lào, Cao Miên... lại tiếp nhận thẳng ngay ý thức hệ Vô sản một cách nhạy bén đến thế, mà tiếp nhận rồi thì bám chặt lấy, tẩy cũng không đi. Trong khi đó những nước đã ở trình độ cao của ý thức hệ Tư sản thì lại tỏ ra ngu dốt không tiếp thu nổi ý thức hệ tiên tiến của Mác?
Có gì đâu mà lạ! Cùng một chất Phong kiến như nhau thì thâm nhập vào nhau đâu khó khăn gì!
Lúc đầu người ta cứ tưởng Việt nam chưa có giai cấp công nhân bao nhiêu, toàn nông dân thì tiếp thu ý thức hệ Vô sản chắc là khó lắm, ai ngờ bây giờ mới biết cái xứ sở Nông dân Phong kiến lạc hậu này mới chính là mảnh đất lý tưởng của Mác-Lê!
Cái chất Phong kiến gia trưởng thời vua chúa chưa kịp tẩy rửa bởi một nền Dân chủ đã tìm thấy chỗ đứng rất "ngon lành" trong hệ chuyên chính, "dân chủ tập trung"!
Cái chất Đức trị sặc mùi tam Cương ngũ Thường chưa bị thanh toán đã tìm thấy sự đồng điệu trong một thể chế "Ý thức hệ trị", một thứ Đức trị mới toàn những Nghị quyết, những "Cương" lĩnh, "Thường" vụ...
Nếu nhìn thấy 55 tập Lênin in tuyệt đẹp chắc cụ Khổng cụ Mạnh phải ghen tị không được sống tới bây giờ, để Tứ thư, Ngũ kinh cũng được làm quen với giấy "cút-sê"!
Nói: chủ nghĩa Xã hội chính là sự kéo dài của chế độ phong kiến là chí lý lắm vậy.
Mối tương hợp ấy Mác cũng đã mường tượng ra, nhưng ông lại giải thích nó một cách khác. Theo ông, những "Công xã nông thôn", những "Cộng đồng làng xóm chính là chỗ dựa của nền Chuyên chế phương Đông" là những thứ nhất định sẽ bị thanh toán khi tiến lên chủ nghĩa Tư bản, nhưng lại trở thành cái "khởi điểm trực tiếp để đi tới chủ nghĩa Xã hội" (!) (?).
Đấy chẳng là bằng chứng về sự tương hợp giữa hai thứ Chuyên chế là gì?
Bây giờ thử nhìn vào đội ngũ những người đã du nhập chủ nghĩa Mác-Lê vào Việt Nam.
Trước hết về chủ tịch Hồ chí Minh. Theo lời cụ Hồ, cũng như theo lời những người nghiên cứu về cụ Hồ đều thống nhất rằng cụ Hồ gốc là một nhà Nho. Nho giáo ở cụ Hồ là Khổng giáo. Tư tưởng chính trị của Khổng giáo là Đức trị, thậm chí chống Pháp trị.
Về chất Nho của cụ Hồ, ta sẽ không nói tới cái Nho trong cách biểu đạt tư tưởng, trong đó rất nhiều câu nhiều ý là từ sách vở Khổng giáo, chỉ bàn về nội dung tư tưởng bên trong cách biểu đạt đó.
- Cụ Hồ thấm nhuần đạo Khổng ở tính Đạo đức của nó. ("Đạo Khổng là một môn giáo dục về đạo đức và phép xử thế", lời cụ Hồ nói với nhà thơ Ôxíp Manđenxtam). Về biện pháp để có đạo đức thì xoay quanh mấy chữ "học", "dạy", "tu dưỡng bản thân", "phê bình và tự phê bình"...Cụ nói: "Muốn cải tạo thế giới và cải tạo xã hội thì trước hết phải tự cải tạo bản thân.". "Muốn xây dựng Chủ nghĩa Xã hội thì trước hết phải có những con người Xã hội chủ nghĩa!". Tức là cụ Hồ đã đi đúng vào cái vết xe mà Đức trị đã đi suốt mấy nghìn năm: chính tâm, tu thân, trị quốc, bình thiên hạ! Rồi cũng bằng chính tấm lòng khát khao có một thể chế Đức trị cho dân tộc ấy, cụ Hồ đã bắt gặp lý thuyết Chuyên chính Vô sản và "mê" ngay từ buổi gặp đầu.Tôi dùng chữ "cộng hưởng" là vì vậy.
Những cái hay cái đẹp như các cụ nói nào có ai phản đối. Vấn đề là làm thế nào để thực hiện? Khi xã hội đã tiến vào sản xuất Công nghiệp và kinh tế Thị trường thì việc trị nước bằng cách lấy Cá nhân làm gốc để tỏa ra làm tốt xã hội, lấy Giáo dục làm biện pháp trung tâm chắc hẳn đã bị đẩy vào quá khứ cùng với nền Đức trị phong kiến, nếu trên đời đã không sinh ra kẻ kế thừa nó, là nền Chuyên chính Vô sản.
Nếu cụ Hồ chỉ là nhà giáo dục, nhà thơ... thì ta chẳng nói, nhưng cụ Hồ đã nhận mình là "nhà Cách mạng chuyên nghiệp" tức nhà chính trị, tức người cầm quyền thì xã hội chờ đợi ở cụ một Cơ chế tổ chức xã hội, một bộ luật, và một hệ thống quyền lực sao cho trong đó cái đạo đức cứ được phát sinh và nuôi dưỡng, cái phi đạo đức cứ bị lọc ra và trừng trị; giáo dục rèn luyện chỉ còn là biện pháp hỗ trợ. Thế mới là Đạo đức thật sự, và đó chính là cái Đạo đức của Pháp trị. Nhưng thực tế, cơ chế tổ chức và hoạt động của bộ máy Đức trị Vô sản đã gây những hiệu quả ngược lại với Đạo đức.
Có gì khó hiểu đâu. Hãy xem vai trò người tối cao của bộ máy hành pháp: Thủ tướng!
Sinh thời của Hồ chủ tịch thì thủ tướng là cụ Phạm Văn Đồng. Người Việt Nam gọi cụ Phạm Văn Đồng là vị thủ tướng "của Đạo đức"(!?), cả một đời cứ nói Đạo đức, đặc biệt là đạo đức Hồ Chí Minh. Cụ Đồng nói nhiều đến đến ĐỨC và TÀI, đến HỒNG và CHUYÊN.
Nhưng ĐỨC và TÀI thì cụ Hồ đã giảng bằng lời của sách Đại học (một trong Tứ thư): "Đức giả bản giã, Tài giả mạt giã! (Tài chỉ là ngọn, Đức mới là gốc). Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức là không có căn bản!".
Đề cao Đức không phải là sai, nhưng sau khi đã đưa được Đức lên vị trí tối thượng, cụ Hồ mới cho Đức mang cái nội dung cốt tử của Chuyên chính Vô sản: chữ TRUNG! Mà "trung" là phải "trung với Đảng"! Rồi mới "Hiếu” với Dân! v.v...
Tuy Dân có được kể đến ở ngôi vị thứ nhì, nhưng rồi lại có mệnh đề "Đảng với Dân là một".
Tuy được "là một" nhưng ngồi chung vào cái ghế này "Dân" sẽ bị "Đảng" thôn tính, vì Dân phải nhớ rằng Đảng luôn là người "lãnh đạo trực tiếp, toàn diện và tuyệt đối"! Thế thì Dân còn chỗ nào mà đứng? Thương thay cho Dân đã thực sự trở thành con đỏ, được ru được nựng, được bế ẵm hết chỗ này sang chỗ kia, nhưng có cái bầu sữa thì ở trong tay "mẹ hiền" mất rồi, không khóc thì Đảng không cho bú, mà liệu có dám khóc không, khi "mẹ hiền" cầm sữa lại cầm cả roi!
Sự tước đoạt ấy là trong phạm vị ý thức hệ. "Hình chiếu" của nó ra thực tế là sự tước đoạt về "sở hữu" và "nhân quyền": Đảng hô hào đấu địa chủ để "người cày có ruộng"!. "Có ruộng chưa được mấy ngày đã phải vào tổ đổi công rồi vào hợp tác, giao hết ruộng hết trâu cho "Ban Chủ nhiệm". Và từ đấy trở đi là cảnh:
Mỗi người "làm việc bằng hai"
Để cho chủ nhiệm mua đài mua xe!
Mỗi người "làm việc bằng ba"
Để cho chủ nhiệm xây nhà xây sân!
Chủ nhiệm" là ai, dứt khoát là người trong Cấp ủy Đảng, nên quyền sinh quyền sát trong tay. Bị chủ nhiệm trù thì con thi vào đại học rồi cũng bị xã gọi về, bố mẹ có sang tỉnh khác để kiếm ăn cũng không thoát khỏi bàn tay quản lý hộ khẩu của Đảng! Trạch trong rỏ cua làm gì có quyền tự do đi học, tự do cư trú...? Có liều lĩnh "tự do ngôn luận" mà gửi đơn kiện tới Thủ tướng thì Thủ tướng lại giảng Đạo đức, Đạo đức thì phải "trung với Đảng" nên đơn kiện lại chuyển đúng về Đảng ủy xã để Đảng ủy hành... pháp!
Con đường Đức trị vòng vèo quá nên người dân đâu có nhìn thấy, Đảng an ủi cho vài câu đạo đức là lại tỉnh cả người, và lại có sức để tiếp tục "làm việc bằng hai"!.
Người không hiểu thì tưởng cụ Hồ chỉ mượn Khổng giáo cái chữ nghĩa, còn nội dung thì đã có "Đảng", có "hợp tác xã" nghĩa là đã mang tính Cách mạng rất mới mẻ rồi! Có biết đâu nội dung phong kiến của chữ TRUNG vẫn được giữ nguyên, "trung" là dứt khoát không được nghĩ đến vị chúa tể thứ hai, "lưỡng Đảng" chẳng hạn là mắc tội chết rồi. Cái mới mẻ là: đáng lẽ trung với với Vua thì nay phải trung với Đảng. Đảng đứng thay vào chỗ của Vua trong cõi tâm linh của người dân Việt, được hưởng trọn tấm lòng "trung quân" mà chế độ Phong kiến phải mất cả ngàn năm mới xây dựng được!
Ví dụ nhỏ trên đây chắc có thể giúp bạn nhận ra rằng sự Tập thể hóa kia không hề khử đi cái nội dung Phong kiến của chữ Trung, trái lại nó làm cho chữ Trung phong kiến được "cập nhật hóa" để nó có thể sống yên giữa thời sản xuất Công nghiệp, ít ra là trong buổi đầu.
Đức trị Vô sản, đem đối chiếu với Đức trị Phong kiến thì tính "cách mạng" chỉ có nghĩa là thay "sự trung thành của cá nhân thần dân với cá nhân Vua" bằng ""sự trung thành của một tập thể dân với một tập thể cầm quyền" (tức BCT), để rồi trong tập thể cầm quyền này sự trung thành tối hậu sẽ được giải quyết bằng Đảng tính và nguyên tắc Dân chủ tập trung.
Điều chua chát là trong sự tranh chấp ở cung đình này nhiều phen cụ Hồ và cụ Đồng với tư cách lãnh tụ chân chính của Đảng, đã không phải là người được nhận sự trung thành tối hậu đó. Tôi được nhiều Đảng viên hưu trí kể rằng: Cụ Đồng rất nhiều tâm sự, Cụ bảo "cả đời làm Thủ tướng, tham nhũng như rươi mà tôi chưa cách chức được một cán bộ nào! Hiện nay ta chống tham nhũng nhưng cũng chỉ chống được từ vai trở xuống thôi!".
Nghĩa là Tham nhũng ở trên đầu là không chống được! Người dân có thể chia sẻ với Cựu Thủ tướng những tâm tư ấy, nhưng chắc vị Cựu Thủ tướng của chúng ta chưa bao giờ dám nghĩ rằng cội nguồn của bi kịch này là ở bản chất Phong kiến của nền Đức trị Vô sản! Chẳng thế mà ít lâu sau cụ Đồng lại tiếp tục cuộc đánh Tham nhũng bằng... những bài giảng Đạo đức, đạo đức Hồ chí Minh!
Chính cụ Hồ với “Đạo đức Hồ Chí Minh” có thật trong tay mà chưa chống được tham nhũng, huống hồ một người nào đó không phải Hồ Chí Minh, chỉ nói Đạo đức Hồ Chí Minh chứ chắc gì đã có Đạo đức thật, thì thử hỏi chống thế nào được tham nhũng?
Xin hãy lắng nghe lời mách nước của thời đại (nếu thực tâm muốn nghe): Hãy quên Đạo Đức đi, để làm Pháp trị cho ngon lành thì Tham nhũng nó mới sợ!
Muốn có công bằng mà chọn Đức trị là đồ ngốc, vì tình cảm luôn luôn dẫn đến mất công bằng. Muốn có dân chủ mà chọn Đức trị là đồ ngốc, vì tình cảm luôn dẫn đến quân phiệt. Muốn được giải phóng mà chọn Đức trị là đồ ngốc vì Đạo đức là cái bẫy của kẻ thống trị để bẫy nhũng kẻ có tâm mà trí không đủ, chỉ thấy gần mà không thấy xa. Càng hướng thiện bao nhiêu, càng cựa quậy để tìm Đạo đức bao nhiêu thì càng rúc sâu vào bẫy bấy nhiêu. Kẻ thống trị chỉ cần nắm cái bẫy Đạo đức giơ lên là xỏ mũi được cả đàn. Không biết đến bao giờ Nhân dân mới nhận ra điều ấy, lúc ấy người ta sẽ tìm Pháp trị.
Xin nối lại một chút cái mạch suy nghĩ về ĐỨC và TÀI. Khởi đầu có vẻ như đây là hai giá trị song song. Nhưng không, ý thức hệ Đức trị buộc phải coi Đức là gốc, Tài là ngọn. Rồi cái gốc Đức ấy lại phải mang nội dung số 1 là "trung với Đảng". Chỉ cần thuyết giảng hai bước ấy thôi là TÀI (Trí thức) đã tụt xuống thân phận đầy tớ cho sự nghiệp Chính trị của Đảng. TÀI mà không phục vụ được sự nghiệp Chính trị của Đảng thì cũng "không bằng cục phân". Đừng nghĩ rằng điều quá quắt này là ở bên Tàu những năm về trước. Chính ở Việt nam đây, ngày hôm nay, giữa lúc "sự nghiệp đổi mới" rất "thành công" này, điều ấy càng đúng hơn bao giờ hết!
Đảng ta đang trọng trí thức và càng ngày càng trọng trí thức, điều ấy xin đừng ai nghi ngờ.
Vì Đảng ta thừa biết nếu chỉ dùng mấy anh bất tài thì dẫu có giữ độc quyền sở hữu đất đai để độc quyền mua bán với nước ngoài cũng không thể hòa nhập được vào thế giới đầy trí tuệ hôm nay. Nên mọi tài năng ắt được sử dụng, nhưng... với một điều kiện: phải phục vụ cho sự nghiệp "chính trị" của Đảng (chú ý rằng "Chính trị" Mác xít thì bao giờ cũng có Kinh tế trong đó rồi! Mác Lê chỉ dạy "Kinh tế - Chính trị học" Économie politique, mà không dạy Khoa học Chính trị Science politique!). Sự nghiệp của Đảng thì luôn đồng nghĩa với sự nghiệp của đất nước, nên ở Việt Nam này, dù nói "vì đất nước" hay "vì Đảng" thì ý nghĩa chính trị công khai của câu văn cũng không có gì thay đổi (nhưng trong chốn lương tri thầm kín thì hai câu văn kia lại có nghĩa đạo đức trái ngược hẳn, người ta biết anh vì đất nước thì người ta trọng, chứ biết anh là kẻ vì Đảng thì người ta lánh xa đấy, không "là một" được đâu!).
Vừa ý Đảng thì chữ TÀI liền với chữ TIỀN, trái ý Đảng thì chữ TÀI liền với chữ TAI! Chọn đường nào thì chọn!
Trí thức Việt nam nhạy bén, họ hiểu ý Đảng nên chẳng dại gì mà chọn chữ TAI, cứ chọn con đường có hình Bác Hồ chỉ lối, để "Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân"...thì "đánh đâu thắng đấy!". "Cứ có Bác Hồ trong tay là sai khiến được ráo, Chuyên chính Vô sản chỉ nghe lời Bác Hồ "! Người Việt thời nay nói về đồng tiền cách mạng một cách rất đạo đức như thế!
Đấy là bài Đạo đức mà xã hội Mác-Lê đã dạy cho họ. Trong thâm tâm họ thừa hiểu những bài Đạo đức của lãnh tụ Vô sản thuyết giáo, vô tình chỉ để tạo ra một tầng lớp Cường hào mới giầu có gấp vạn lần bọn Cường hào phong kiến khi xưa.
Thời cực thịnh của Đức trị là Phong kiến, ngày nay cứ ham Đức trị là rơi vào Phong kiến, mà Phong kiến ngày nay thì đâu còn cái nét đẹp của phong kiến cực thịnh ngày xưa? Thế nhưng, về ý thức hệ, Việt nam vẫn đang nằm trong vòng Ý thức hệ Phong kiến nên đối với đa số dân chúng, việc ca ngợi Đức trị nghe dễ thuận tai hơn.
Phân tích như trên tôi không có ý gì muốn xúc phạm đến tấm lòng của cụ Hồ Chí Minh, cụ Phạm Văn Đồng là những vị có công Cứu nước (*), cũng như không dám xúc phạm đến tấm lòng cụ “Các Mác thánh thiện”. Trái lại tôi muốn khẳng định rằng tấm lòng dù thánh thiện đến đâu cũng không thoát khỏi cái vòng Kim cô của Ý thức hệ. Đối với những người điều hành xã hội, vấn đề là phải giải phóng Ý thức hệ trong cái đầu, chứ chủ yếu không phải là khổ công rèn luyện để "chính cái Tâm"!
Đứng trong ý thức hệ ấy thì cái Tâm cũng chẳng " chính" mãi được đâu! "Chính" thật thì ra rìa!
Chú thích:
(*) Xin xem lời dẫn ở đầu bài