Đau đầu với các “quan” giao thông - Dân Làm Báo

Đau đầu với các “quan” giao thông

Hà Giang (NLĐO) - Gần nửa năm nay, kể từ khi ông Đinh La Thăng lên nhậm chức Bộ Trưởng Bộ Giao thông vận tải, ngày nào ra đường tôi cũng nhớ đến ông và canh cánh lo cho chiếc xe máy cà tàng và đồng lương văn phòng khiêm tốn. Tôi biết, không chỉ mình tôi lo, hàng ngàn người đang nườm nợp đổ ra đường kiếm cái ăn ngoài kia cũng đang hỏi nhau: Chiếc cầu câu cơm (xe máy) của mình rồi sẽ oằn với mức nào với các loại phí?

Ngày 1-6 tới, các loại ô tô, xe máy sẽ đóng phí mới, phí sử dụng đường bộ. Vậy là 1 nỗi lo đã thành hiện thực, coi như xong, không còn phải lo chuyện Chính phủ có “nghĩ lại” không. 

Giờ tôi chỉ còn phập phồng nỗi lo khác (chưa chắc là nỗi lo cuối): Liệu ngành GTVT có “nghĩ lại” không, có thấy là phí đang chồng phí và mức 500.000-1 triệu đồng/xe máy là quá cao không? 

Có lẽ tôi lo thì lo cho có lệ vậy thôi, chứ đọc báo, thấy phát ngôn của các "quan" là tôi biết đâu sẽ vào đấy. Vì có vẻ như họ không hiểu gì về đời sống thực tế của đại đa số người dân Việt Nam hoặc có thể hiểu nhưng “lơ” và đặt quyền lợi của Nhà nước lên trên quyền lợi của nhân dân. 

 
Ông Đinh La Thăng cho rằng 500.000 là số tiền nhỏ và sẵn sàng nộp phí lưu hành xe cá nhân 
Ảnh: VNE 

500.000 đồng/xe/năm đâu có lớn

Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ GTVT, ông Đinh La Thăng, trên Báo Người Lao Động cách đây 3 tháng về mức thu phí xe cá nhân. 

Ông còn nói: “Tôi sẵn sàng nộp các khoản phí này. Không có lý do gì mà mọi người không nộp cả. Người dân nghèo không có tiền sử dụng xe cá nhân thì có thể lựa chọn cách đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng”. 

Tôi đã đau đầu mất mấy ngày khi đọc phát biểu này của ông trên báo. 

Tôi tự hỏi, không lẽ ông Thăng không biết dân mình còn nghèo thế nào hay đã biết nhưng đã quên khi có được cương vị quan chức cao cấp, có nhà cao cửa rộng, làm việc thì có xe công vụ đưa đón. 

Không biết ông có đọc được tin, vào giữa tháng 12-2011, một phụ nữ ở tại làng T’Bưng, xã Đak Pling, huyện Kông Chro - Gia Lai treo cổ tự tử chỉ vì lỡ đánh mất 800.000 đồng. Đó là số tiền bán con heo rừng mà chồng chị và 3 người khác săn được. Mất tiền, không có trả cho 3 gia đình còn lại, chị bế tắc nên tìm đến cái chết để giải thoát. 

Thế mới biết, vài trăm ngàn đồng có thể là không lớn với ông Thăng nhưng có ý nghĩa rất lớn với đại đa số người dân, nhất là ở vùng nông thôn. Để có số tiền đó, công nhân phải tăng ca quần quật, giáo viên phải bớt chút thịt trong bữa ăn gia đình, nông dân đội thêm nắng thêm sương… 

Vậy mà, cái cách mà ông Thăng nói về nó nhẹ tợ lông hồng… 

Cũng phải thôi, vì ông là quan chức cấp bộ, nỗi lo của ông mang tầm vĩ mô, ông lo chuyện kẹt xe, tai nạn rồi đề ra các loại phí nên làm sao hiểu được những nỗi lo tủn mủn, lặt vặt của dân nghèo. 

 
Một con đường sình lầy dài 35km ở xã Đức Sơn, huyện Anh Sơn - Nghệ An. 
Người dân ở đây đi lại bằng phương tiện duy nhất là xe trâu. Ảnh: Dân Trí 

“Dân nghèo không có tiền sử dụng xe cá nhân thì có thể lựa chọn cách đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng”, đó là câu nói “trớt” nhất của ông Bộ trưởng Thăng. 

Có lẽ quen sống ở đô thị, đi công tác thì có ô tô đưa đón nên ông Thăng không biết ở quê, có nơi đi hàng chục km mới gặp đường nhựa, đi gần cả trăm cây số mới có bến xe đò, xe buýt. 

Không hiểu và thông cảm với hoàn cảnh của dân mà chỉ lo “học hỏi” nước ngoài, Bộ GTVT cứ đề xuất thu đủ các loại phí, bất chấp nó có hợp lý và công bằng không. 

Không công bằng nhưng vẫn cứ thu vì nó “tối ưu” 

Sáng nay, 16-3, trên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, nói việc thu phí sử dụng đường bộ có “nhược điểm là không phản ánh đúng việc người sử dụng phương tiện nhiều hay ít” nhưng vẫn thực hiện vì “nghiên cứu kỹ vẫn chưa tìm được phương án nào tối ưu hơn”. 

Tại sao lại như vậy? Biết là thu phí trên đầu xe máy sẽ không bảo đảm công bằng giữa người đi ít, người đi nhiều tại sao vẫn cứ thu? Đó là chưa kể, có rất nhiều người ở nông thôn, quanh năm không biết đến đường nhựa, mua chiếc xe máy cà tàng để đi làm ruộng, làm rẫy, thu nhập bấp bênh tại sao vẫn phải đóng phí bằng người ở thành thị? 

Luật lệ được đặt ra nhằm bảo đảm công bằng xã hội, đằng này biết rằng phương án đó chưa công bằng mà vẫn cố áp dụng vì “chưa nghĩ ra cách nào hay hơn” thì làm sao gọi là Nhà nước của dân, vì dân. 

 
Đường cao tốc TPHCM - Trung Lương mới xây xong đã hư hỏng nặng 

Nhà nước muốn thu phí để người dân chia sẻ gánh nặng làm đường nhưng Nhà nước có chia sẻ nỗi lo, nỗi khó của người dân chưa? Hay Nhà nước chỉ đẩy cái khó, cái khổ về phía dân với lập luận “hy sinh lợi ích riêng để bảo đảm lợi ích chung của toàn xã hội”. 

Liệu đây là phương án tối ưu có lợi cho xã hội hay có lợi cho riêng Nhà nước? Liệu số tiền này có bảo đảm rằng đường làm xong vài ba năm không bị xuống cấp trầm trọng, sẽ giảm tai nạn giao thông, kẹt xe, sự xuất hiện của hố tử thần…? 

 
Đường Cồn Tàu - Khe Mương (xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng - Quảng Trị), dài 6,2 km, kinh phí đầu tư 10 tỉ, sử dụng được 3 tháng đã xuống cấp nghiêm trọng 

Tôi chỉ là một người dân bình thường, không có tầm nhìn vĩ mô về tình hình giao thông nước mình nhưng tôi tin rằng khó mà làm được. Bởi vì, nguyên nhân chính của các vấn đề trên không phải vì thiếu tiền mà xuất phát từ năng lực quản lý, tình trạng tham nhũng tràn lan. 

Đã vậy, với cách nghĩ, cách phát ngôn có phần thiếu đồng cảm với người dân như vậy thì dù Bộ Giao thông Vận tải có thu hàng chục loại phí thì "mèo vẫn hoàn mèo". 

Vì vậy, giờ tôi không mong Nhà nước “nghĩ lại” các khoản phí nữa, đó chỉ là mong ước vụn vặt. Điều tôi mong lớn lao hơn là "quan" trên bộ hãy phóng tầm mắt nhìn xa hơn ra khỏi các đô thị lớn, nhìn sâu hơn vào bữa cơm của những gia đình nghèo… Nhìn và hãy đồng cảm để nếu không hạn chế được các loại phí thì ít nhất cũng không đưa ra những phát ngôn khiến người dân... đau đầu và đau lòng! 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo