Bá Tân - Khi còn sống trên đời, mỗi người đều có nơi trú thân. Dù là chui rúc gầm cầu chẳng khác gì lũ chuột, đó là vẫn là nơi trú ngụ của một kiếp người. Ngây ngất trong biệt thự tráng lệ hàng triệu đô, suy cho cùng, chỉ là nấm mồ đắt giá của người đang sống mà thôi. Đã là nhà ở đương nhiên có giá nhưng giá ngôi nhà không đồng nghĩa với giá của chủ nhà. Hãy thông cảm và chia sẻ với những người gửi thân nơi gầm cầu hoặc các nhà trọ ổ chuột. Sự nghèo túng cơ cực của họ có phần nguồn gốc từ những biệt thự triệu đô. Tổng giá trị toàn xã hội là một hồ nước, ai cũng cần sử dụng, người này múc nhiều, người khác còn ít, kẻ tham lấy nhiều, người lành chậm chạp mất phần.
Không ít người lao động chân chính chui rúc trong khu nhà trọ ổ chuột. Một bộ phận quan tham mua biệt thự bỏ hoang. Hơn cả nghịch lý. Bóng tối và ánh sáng cũng không đối nghịch đến thế. Xã hội công bằng, dân chủ, văn minh mà như thế à.
Cả nước hiện có hàng chục triệu căn nhà. Ngoài giá trị sử dụng, mỗi căn nhà còn có sắc thái riêng về ý nghĩa. Trong tổng số nhà trên địa bàn cả nước, hiếm có căn nhà nào mang ý nghĩa nổi bật như căn nhà của gia đình Đoàn Văn Vươn.
Vợ chồng Đoàn Văn Vươn đã từng có căn nhà kiên cố, xây dựng bên khu đầm. Căn nhà ấy đã trở thành chứng tích. Hiếm có ngôi nhà nào , sau khi trở thành chứng tích, xuất hiện dày đặc trên báo chí như là ngôi nhà của Đoàn Văn Vươn. Nếu thu tiền bản quyền, Đoàn Văn Vươn thừa tiền xây dựng lại ngôi nhà khang trang hơn như thế. Sẽ không có chuyện đó. Đoàn Văn Vươn không phải là người tham tiền. Thủ phạm đập phá ngôi nhà Đoàn Văn Vươn chính là bộ máy công quyền của đia phương. Hành động ấy tự nó xếp hạng nhóm quan chức ấy không bằng bọn giang hồ. Chỉ đạo đập phá nhà dân mà coi như cái vẩy đuôi vô tâm, vô hồn của một con vật. Không chỉ Tiên Lãng, loại “đầy tớ” hại dân kiểu đó còn chui rúc nơi nọ, nơi kia.
Nhà cũ của gia đình anh Vươn trước khi bị tàn phá (ảnh: từ blog Cu Vinh)
Dựng lại nhà tạm cho vợ con Vươn, đơn sơ nhưng ấm nồng tình nghĩa con người (ảnh: từ blog Cu Vinh)