Thanh tra ông Vươn cho thuê lại đầm để làm gì nhỉ - Dân Làm Báo

Thanh tra ông Vươn cho thuê lại đầm để làm gì nhỉ

Nguyễn Tường Thụy - Tin cho hay, ngày 12/3 đoàn thanh tra huyện Tiên Lãng, Hải Phòng đã có buổi làm việc với gia đình ông Đoàn Văn Vươn để rà soát các vi phạm sử dụng đất của ông Vươn.

Trong nội dung thanh tra có việc ông Vươn cho thuê lại hơn 3 héc ta diện tích đầm ông Vươn đã thuê (chính quyền địa phương cho biết diện tích ông Vươn cho thuê lại là 6 héc ta, còn theo hợp đồng giữa ông Vươn và ông Bìa chụp lại thì con số này là 5,4 héc ta).

Về nguyên tắc, ông Vươn thuê đầm thì phải làm nghĩa vụ tài chính. Việc ông Vươn cho thuê với giá cao hơn giá ông thuê cũng là chuyện thường, có thể là diện tích cho thuê lại đã qua tay ông cải tạo nên ông phải cộng thêm chi phí vào giá thành. Việc ông Vươn cho thuê lại một phần đầm và vẫn chịu cả trách nhiệm về nghĩa vụ giao nộp đối với toàn bộ diện tích ông ấy thuê, nó chẳng ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới. Kể cả khi ông Vươn không thu được số tiền cho thuê lại thì ông ta vẫn phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về toàn bộ diện tích đã thuê cơ mà. Ông Vươn không thể cãi tại ông Bìa không thanh toán cho tôi (ví dụ thế) nên tôi không làm được nghĩa vụ tài chính. Trong trường hợp này, ngoài ông Vươn thì chẳng ai có quyền đòi nợ ông Bìa cả.

Cái mà thanh tra nên làm là xem ông Vươn có làm đủ nghĩa vụ tài chính không, việc sản xuất có đúng mục đích không, có làm ảnh hưởng gì đến môi trường và các công trình xung quanh không chứ không phải là ông Vươn cho thuê lại bao nhiêu héc ta, giá thuê là bao nhiêu. Việc thỏa thuận giữa ông Vươn và người thuê là hoàn toàn tự nguyện và bình đẳng, ông Vươn không thể bắt ép ông Bìa. Biết đâu người thuê lại còn hàm ơn ông Vươn là khác.

Cái kiểu suy diễn thô mộc cho thuê lại cao hơn giá thuê là bóc lột là lối tư duy thời bao cấp, đã bị chôn vùi vĩnh viễn từ lâu rồi.

Nhìn rộng ra, trong các mối quan hệ kinh tế hiện nay, việc mua đi bán lại, mua nguyên liệu thực hiện một vài công đoạn gia công nào đó rồi bán là chuyện hiển nhiên trong nền kinh tế thị trường. Có những công ty ký hợp đồng xong giao thầu lại từng phần cho các đơn vị khác với giá thấp hơn hẳn, thậm chí chẳng làm gì, bán phắt cho công ty khác lấy phần trăm là chuyện thường thấy trong ngành xây dựng.

Trong vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng, thay vì xem xét chính quyền quản lý đất, cưỡng chế sai đúng ở chỗ nào; sự phản kháng của anh em ông Vươn sai đúng ở chỗ nào thì chính quyền, báo chí Hải Phòng lại ra sức vạch vòi ông Vươn những điều rất vớ vẩn. Nào là ông Vươn là dân ngụ cư, có nhà khang trang ở xã Bắc Hưng (sau có báo phản hồi lại đó là nhà em gái ông Vươn), nào là người ở xã Vinh Quang phải thuê lại của người xã ngoài, nào là thu hồi đầm cho thuê lại để đảm bảo sự công bằng ….

Đấy là những quan điểm rất ấu trĩ. Việc người xã Vinh Quang thuê lại đầm hay làm thuê cho một người ở xã khác là những quan hệ kinh tế hết sức bình thường, nó chỉ là con muỗi so với bao nhiêu người Việt Nam làm thuê cho tư bản nước ngoài ở ngay chính đất nước mình. Việc thu hồi đầm cho thuê lại để đảm bảo công bằng cũng không có sức thuyết phục vì đó không phải là cái bánh bao cấp mà chia đều được. Phải căn cứ vào khả năng, tiềm lực của mỗi người mà cho thuê. Người giỏi làm ăn thì sinh ra hiệu quả, người không biết làm ăn coi chừng mất trắng cả vốn đầu tư ban đầu, trở thành người đi làm thuê.

Cứ lẽ đảm bảo công bằng mà suy ra thì 10 tỉnh biên giới cho anh bạn vàng thuê hàng trăm ngàn héc ta rừng, bây giờ cần thu hồi lại rồi chia đều cho dân, mỗi người một mảnh chăng? Liệu có tỉnh nào làm nổi điều ấy không?

Mình không hiểu tại sao không thanh tra 2,4 héc ta mà ông Vươn cho thuê còn lại và huyện Tiên Lãng thanh tra cái này để làm gì. Hay nền kinh tế thị trường nước ta vẫn còn cái đuôi “định hướng XHCN” nên phải làm thế, trong khi thì mình lại thích cái kiểu làm ăn sòng phẳng dám làm, dám chịu trách nhiệm của bọn tư bản nên mới thắc mắc.

17/3/2012

TƯỜNG THỤY



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo