Chúng tôi đi tặng hoa cho Bùi Hằng - Dân Làm Báo

Chúng tôi đi tặng hoa cho Bùi Hằng

Phương Bích - Theo đúng hẹn, sáng 8/3, bốn chị em cô cháu chúng tôi đi một xe lên Thanh Hà, mua một lẵng hoa to để tặng Bùi Hằng. Vì thằng Bùi Nhân vẫn ở trong Vũng Tàu nên chúng tôi không đem đồ tiếp tế cho Bùi Hằng được, mà chỉ có độc một lẵng hoa, vì vậy cũng không cần đi nhiều người.

Ngày hôm nay thiên hạ đi chơi hết hay sao ấy mà đường thông thoáng quá. Chúng tôi vẫn còn sung về cái vụ gặp gỡ tối mồng 7 tháng 3 ở nhà hàng Quốc Bảo, nên chuyện trò rôm rả suốt dọc đường, chả mấy chốc mà lên đến Thanh Hà. Xe lướt qua hàng rào, thoáng thấy có cái gì là lạ. Đến lúc xuống xe, mới thấy phía trong khuôn viên của trại là một hàng lưới đen sì được dựng lên chạy song song với hàng rào. Tôi cười phá lên, chỉ cho mọi người thấy:

- Này nhìn kìa, che rồi kìa.

Chắc là rút kinh nghiệm để mọi người chụp được ảnh Bùi Hằng từ vụ thăm nuôi lần trước đây. Không chỉ thế, dọc bờ tường có treo một loạt biển đỏ như: Cấm tụ tập đông người, Cấm quay phim chụp ảnh...

Chúng tôi chả quan tâm, đàng hoàng xuống xe, gỡ lẵng hoa ra khỏi cốp, chỉnh trang lại ngay ngắn rồi thi nhau chụp ảnh bên lẵng hoa. Ông chủ quán ven đường thấy chúng tôi, bèn đi lại vui vẻ chào hỏi. Tôi hỏi ông ta:

- Quán của anh có bị khó dễ gì không?

- Không, tôi thì việc ai người nấy làm, tôi cũng chả quan tâm đến việc các chị ở đâu đến

- Ồ thế thì tốt quá, tôi chỉ lo vì chúng tôi mà anh bị người ta gây khó dễ, Tốt rồi.

Lúc chúng tôi đến, cánh cửa trại còn mở, bên trong một nhóm trại viên nam đang lao động sát hàng rào. Chỉ sau vài phút, cánh cổng trại đã đóng lại, có khóa hẳn hoi, đám trại viên bên trong đã nhanh chóng giải tán. Chụp ảnh xong, chúng tôi mang lẵng hoa đến bên cánh cổng. Ngó cậu cảnh sát trẻ qua cánh cửa sắt, chúng tôi yêu cầu gặp trực ban của trại, cậu ta lúng búng bảo để vào báo cáo. Vài phút sau, cậu ta chạy ra bảo chúng tôi chờ.

- Các anh phải mở cửa ra chứ tiếp đón dân qua cửa sắt thế này à? Chờ bao lâu, cả ngày chắc?

- Dạ...

Trong khi cậu cảnh sát trẻ bối rối thì một tay sĩ quan đi ra – tay này lần trước quay phim chúng tôi, khi bị phản đối thì bảo đây là nhà của họ đấy. Anh ta vẫn đứng bên trong cổng sắt nói vọng ra – sợ gì nhỉ?

- Chị cho kiểm ra giấy tờ.

- Anh mở cổng ra chứ đón tiếp dân như thế này thật chẳng ra làm sao cả.

- Chị thông cảm, chúng tôi đang sửa sang...

- Vừa nãy chúng tôi đến, thấy cửa còn đang mở kia mà

- Chị thông cảm

- Thế xuất trình giấy tờ qua khe cửa thế này à?

- Vâng, chị thông cảm

Không vấn đề gì! Tôi chỉ cần biết cái cung cách làm việc của công an ở đây như thế là đủ. Còn có cái để kể chứ. Tôi ra xe lấy chứng minh thư, đút qua khe cửa cho cậu cảnh sát trẻ ban đầu, cậu ấy cầm bằng cả hai tay rất lễ độ. Ngay lập tức tôi thấy có thiện cảm với cậu chiến sĩ trẻ này. Tay sĩ quan sau khi nghe tôi nêu yêu cầu, bắt đầu nhắc lại cái điệp khúc muôn thuở: các anh chị không phải là đối tượng thăm nuôi.

- Xin lỗi anh, anh không cần phải nhắc lại thêm một lần nào nữa về cái quy định ấy đối với chúng tôi. Xin nói lại là chúng tôi không đến thăm nuôi! Không gửi bất cứ đồ tiếp tế nào cho chị Hằng! Hôm nay là ngày 8/3, chúng tôi chỉ gửi một bó hoa cho một người phụ nữ ở trong trại này, có thế thôi.

Dù cánh cổng sắt không kín mít, nhưng mấy cái thanh sắt lại che đúng tầm mắt tôi, nên thấp như tôi cũng phải một là cúi xuống, hai là nghển cổ lên để nhìn vào mắt người đối thoại (cảnh tượng này hài hước đúng không ạ). Trong khi tôi nói, một sĩ quan khác từ trong trụ sở bước nhanh tới, bảo cậu cảnh sát trẻ:

- Mở cửa ra

Thấy tay sĩ quan lúc trước nói gì đó, anh ta nhắc lại lần nữa, không hề cao giọng nhưng rõ ràng là ra lệnh

- Tôi bảo mở cửa ra.

Viên sĩ quan đến sau nói anh ta là phụ trách ở Phân trại này, lắng nghe tôi trình bày mục đích của chúng tôi xong thì gật đầu đồng ý ngay. Tôi nhìn vào biển hiệu đeo trên ngực anh ta, thấy dòng chữ Trần Thái Hòa. Tôi cảm ơn anh ta và chẳng yêu cầu gì thêm. Khi bắt tay, lại một lần nữa, mối thiện cảm trong lòng tôi tăng lên. Tôi hay xét đoán cái tâm của con người qua cách bắt tay. Bàn tay anh ta ấm (chứng tỏ anh ta là con người tốt), cái bắt tay chặt (biểu hiện sự quyết đoán và chứng tỏ anh ta biết tôn trọng người khác), giữ hơi lâu một chút (đủ để tạo và lưu giữ mối thiện cảm). Trong khi bước ra, tôi nghe thấy tay sĩ quan trẻ ban đầu đang hùng hổ to tiếng với cháu Phương về việc chụp ảnh, tôi bèn quay lại nói với anh ta:

- Đề nghị anh không to tiếng như thế. Anh thấy không? Lãnh đạo của anh còn từ tốn thế này..

- Lãnh đạo khác, tôi khác, đấy là tính cách của tôi.

- Anh không nói thế được! Anh nên nhớ anh đang làm nhiệm vụ, tức là phục vụ nhân dân. Trong khi làm nhiệm vụ, anh không được đặt cái tôi của anh lên trên như thế

Tay này không nói gì nữa, còn viên sĩ quan chỉ huy thì có vẻ dàn hòa cho nhanh. Chúng tôi bước ra khỏi cửa sau khi chào và cảm ơn viên chỉ huy một lần nữa.

Chúng tôi lên xe trở về Hà Nội ngay. Dọc đường sôi nổi bình luận xem họ có chuyển hoa cho Bùi Hằng không. Tôi đoán họ không dám thất hứa (vì chúng tôi có thể kiểm chứng trong lần thăm nuôi tới), nhưng chắc chắn họ sẽ gỡ cái băng rôn trên lẵng hoa ghi dòng chữ: Bùi Hằng - chúng tôi luôn bên cạnh chị.

Tôi nhớ trong lần đi thăm trước, có nghe thấy khi tranh luận, một tay công an nào đó ở trại Thanh Hà bảo đây là cơ quan an ninh quốc gia???

Không rõ định nghĩa thế nào là một cơ quan an ninh quốc gia, nhưng tôi cảm thấy tay kia nói như thế là tùy tiện. Riêng cái việc công an đứng ra quản lý trại giáo dục cải tạo đã thấy nó rất không hợp lý tẹo nào. Bây giờ lại xưng – liệt một cái trại giáo dục cải tạo trở thành cơ quan an ninh quốc gia thì có lẽ là mạo nhận, kỳ quặc quá. Trừ Bùi Hằng, việc quản lý mấy cái anh nghiện hút, chích choác, hay gay gổ côn đồ mà lại được xếp vào hàng an ninh quốc gia thì ngộ thật.

Một điều nữa là cái sự xuất hiện của hàng rào bằng lưới đen kia nó nói lên điều gì? Sự sợ hãi, sự căm ghét cái tình người?

Hẳn là có tin rất nhiều người sẽ lên thăm Bùi Hằng vào ngày 8/3 nên họ phải chăng lưới để không cho người ta nhìn thấy Bùi Hằng? Nhầm rồi các anh ơi, cái tình nó ở trong trái tim, trong trí óc con người chứ đâu phải bằng sự hiện hữu. Có bức tường nào ngăn cản được những ý nghĩ người ta dành cho nhau. Có loại băng keo nào chặn được âm thanh của những tiếng gọi nhau vang vọng qua không gian?

Phương Bích


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo