Giới thiệu trang blog: Cầu Nhật Tân - Quyền và Lợi ích hợp pháp của người dân bị xâm phạm - Dân Làm Báo

Giới thiệu trang blog: Cầu Nhật Tân - Quyền và Lợi ích hợp pháp của người dân bị xâm phạm

caunhattan.wordpress.com - Báo Sự thật & Công lý! Tiếng nói của nạn nhân “giải phóng mặt bằng”

Tờ báo này là tập hợp của sự thật khách quan. Chúng tôi tin tưởng rằng những sự thật này sẽ được xã hội có lương tri nghiêm túc xem xét.  Chúng tôi có niềm tin mãnh liệt rằng nền dân chủ, tất yếu, sẽ được thiết lập ở Việt Nam, khi ấy chính nhân dân sẽ tổ chức một tòa án đặc biệt để xét xử những kẻ phạm tội đồng thời phục hồi quyền, lợi ích hợp pháp của người bị áp bức, bóc lột trong nạn “giải phóng mặt bằng”.

*

Tuyên bố

Người dân trong nạn “giải phóng mặt bằng” dự án Cầu Nhật Tân (phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội) nhận thấy: 

Trong quá trình chính quyền “thu hồi” đất, tài sản và tái định cư: 

- Quyền và lợi ích hợp pháp về nhà, đất, tài sản của người dân mất đất chúng tôi bị xâm hại nghiêm trọng một cách có hệ thống bởi các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng Cộng sản mọi cấp. 

- ”Công cụ chuyên chính vô sản” như quân đội, công an (cảnh sát, an ninh) cùng nhiều lực lượng bán chính quy, các tổ chức đội lốt dân sự dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của đảng Cộng sản (hệ thống chính trị) được sử dụng làm công cụ đắc lực nhằm thực hiện những ý đồ bóc lột, áp bức, đàn áp đối với nhân dân. 

- Quyền tự do ngôn luận của nhân dân chúng tôi bị khống chế và hạn chế trên mọi phương diện. 

- Bộ máy tư pháp không tồn tại độc lập, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của đảng Cộng sản các cấp nên không bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. 

- Trong nạn “giải phóng mặt bằng” này, chúng tôi trở thành mục tiêu của áp bức, bóc lột, đèn nén, trở thành nạn nhân của thể chế Cộng sản độc tài, toàn trị, phi dân chủ, mất nhân tính mà không được pháp luật bảo vệ. 

Thực hiện quyền tự do cơ bản nhất của con người được Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc về quyền con người thừa nhận, đó là quyền tự do ngôn luận, nhân dân chúng tôi lập ra tờ báo Sự Thật & Công lý này làm diễn đàn thực hiện quyền đã nêu bất chấp sự theo dõi gắt gao và khủng bố khốc liệt của toàn bộ hệ thống chính trị cộng sản. 

Tờ báo này là tập hợp của sự thật khách quan. Chúng tôi tin tưởng rằng những sự thật này sẽ được xã hội có lương tri nghiêm túc xem xét. 

Chúng tôi có niềm tin mãnh liệt rằng nền dân chủ, tất yếu, sẽ được thiết lập ở Việt Nam, khi ấy chính nhân dân sẽ tổ chức một tòa án đặc biệt để xét xử những kẻ phạm tội đồng thời phục hồi quyền, lợi ích hợp pháp của người bị áp bức, bóc lột trong nạn “giải phóng mặt bằng”.


Liên lạc với Tổng biên tập Tòa báo – Email: bobientap@yahoo.com

*

Chữ ký của quan tham nhũng phá chục nghìn tỉ & hơn 300 gia đình mất nhà

Lời dẫn: 

Chữ ký chúng tôi muốn nói tới là của Đỗ Hoàng Ân, thành ủy viên đảng Cộng sản Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội. Ân chỉ là người tiếp nối & làm giàu truyền thống của đảng bộ & chính quyền thành phố – ấy là truyền thống nắn quy hoạch để trục lợi, hại nước, hại dân. Năm 2005, Ân đã từng nắn quy hoạch đường Láng Hạ để nhà Ân ra mặt đường. Ngoài ra, Ân cũng là người nắm quy hoạch đường ven Hồ Tây, cướp đất của biết bao nhiêu hộ dân phường Xuân La chỉ để y, Lê Quý Đôn (nguyên thành ủy viên đảng Cộng sản, nguyên phó chủ tịch thành phố) và tên Bất (giám đốc công ty tư vấn thiết kế GTVT của Sở GTVT Hà Nội) trục lợi, tham nhũng đất đai. Vẫn cặp bài trùng này cùng với Vũ Hồng Khanh đã tự vẽ ra quy hoạch đường Văn Cao- Hồ Tây để cướp đất của nhiều hộ dân ven Hồ Tây và để nhà của Vũ Hồng Khanh (thành ủy viên, phó chủ tịch UBND Tp Hà Nội) ra mặt đường ven hồ (gần chung cư cao cấp Golden Westlake, Thụy Khuê). 

Không dừng lại ở đó, để tiếp tục đánh một “quả đậm” khác cặp Ân, Khanh, Bất cùng cấu kết với Khôi “nghẹo” (lúc đó là Giám đốc Sở GTVT), nay là thành ủy viên, phó chủ tịch UBNDTP Hà Nội bóp méo quy hoạch, lái cầu Nhật Tân vào khu dân cư, biến vị trí của Công ty Xây dựng giao thông đô thị thành chung cư để chia nhau. 

Công trình khách sạn và nhà ở cao cấp do Sở GTVT (lúc đó là Sở Giao thông công chính) làm chủ đầu tư đã được khởi công từ 2005. Công trình này phải vừa làm vừa lo giấy phép. Phần móng xây dựng dở dang đã sớm bị Sở Xây dựng tuýt còi dừng lại vì không có giấy phép xây dựng do vi phạm quy hoạch vì khu đất này đã được tư vấn TEDI đưa vào chỉ giới làm đường dẫn lên cầu Nhật Tân. Ban giám đốc Sở GTCC lúc này lo sốt vó. Khôi “nghẹo” (giám đốc sở) thì gần như bó tay vì giám đốc sở Xây dựng lúc đó đang cạnh tranh với Khôi tranh chức Phó chủ tịch thành phố phụ trách 1 mảng rất béo bở là giao thông & xây dựng cơ bản. 

Khôi và Ban giám đốc đành giao phó việc “chạy” giấy phép và “bẻ” quy hoạch này cho Trần Danh Lợi (Phó giám đốc). Sở dĩ Lợi được giao việc này vì Lợi trước đây là Thượng tá công an Hà Nội, là đồng hương Bắc Ninh và anh em kết nghĩa với Nguyễn Quốc Triệu (Phó Bí thư thành ủy, Chủ tịch thành phố). Vụ này ban đầu Ân cũng không dám ký nên phải gõ cửa cao hơn là Triệu. 

Khôi lúc đó đang bận rộn lo chạy chức Phó Chủ tịch thành phố, lo bịt vụ xi-căng-đan thất thoát hàng trăm triệu đô ở dự án thoát nước mà Khôi làm giám đốc Ban quản lý. Tập đoàn này đồ rằng nếu Khôi lên được ghế này, Lợi (đang là phó thường trực) sẽ nghiễm nhiên ngồi ghế giám đốc Sở. Vì vậy, ngoài lợi ích về tiền bạc, Triệu có lý do riêng để ủng hộ việc bẻ quy hoạch. 

Dĩ nhiên sau đó không lâu (8/2006), thường trực thành ủy và ủy ban họp ra nghị quyết nhất trí làm văn bản (giao Đỗ Hoàng Ân- phó chủ tịch ký) để bẻ quy hoạch như tường thuật dưới đây và hợp thức việc xây dựng cao ốc không phép, sai quy hoạch của Sở GTVT Hà Nội. 

Sau này Khôi lên chức Phó chủ tịch thành phố đã đặc cách cử 1 thượng tá công an làm thư ký riêng của mình cho oai, thực chất là để dẹp yên cái vụ lùm xùm trăm triệu đô và cái vụ bẻ quy hoạch do Khôi chủ mưu, Triệu hậu thuẫn, Ân ký và Lợi làm cò. Mỗi vị trong ủy ban và thành ủy đều được hưởng phần hậu hĩ trong thương vụ này. Tuy nhiên, nhà nước đã phải tốn thêm hàng chục nghìn tỉ, hơn 300 gia đình mất nhà đất một cách oan uổng chỉ vì toan tính của một tập thể các quan tham. 

Câu chuyện 

Người dân các tổ 47B, 47C, 47D tiếp tục phản ánh do “một chữ ký” mà hàng trăm hộ dân với hàng nghìn nhân khẩu bỗng chốc mất đất, mất nhà… để chủ đầu tư vô tư nắn tuyến tránh đất doanh nghiệp, đất đấu giá…; còn Nhà nước thì phải chi thêm ra hàng nghìn tỉ đồng chỉ để làm vườn hoa và đảo cỏ… 

Ngày 19-1-2006, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 128/TTg-CN cho phép đầu tư xây dựng dự án cầu Nhật Tân và đường dẫn hai đầu cầu trên địa bàn quận Tây Hồ và huyện Đông Anh, TP Hà Nội, trong đó chỉ đạo: “Giao Bộ GTVT phối hợp với UBND TP Hà Nội nghiên cứu lựa chọn giải pháp kỹ thuật, lấy ý kiến nhân dân và giới chuyên môn để xem xét, quyết định phương án kết cấu, trên nguyên tắc tiết kiệm đầu tư…”

Tuy nhiên, trong quá trình thi công cầu Nhật Tân, nhân dân tổ các 47B, 47C, 47D phát hiện có việc nắn chỉnh nút giao phía nam cầu Nhật Tân cắt qua đất của họ mà chính họ không được ai hỏi lấy một câu… Suốt 5 năm qua, hàng trăm hộ dân đội đơn theo kiện khắp nơi nhưng chỉ nhận được sự giải thích lòng vòng. 

Dấu hiệu đầu tiên của việc đẩy các hộ dân phải đội đơn khắp nơi là việc PMU 85 đã báo cáo dối cơ quan chức năng TP Hà Nội và Bộ GTVT là đã lấy ý kiến nhân dân. Tại Công văn số 617/BQL-DANT ngày 29-6-2009 PMU 85 gửi UBND quận Tây Hồ và Hội đồng BTHT&TĐC quận Tây Hồ cho rằng đã lấy ý kiến nhân dân vào ngày 6 và 7-8-2005, nhưng thực chất những ý kiến này là của nhân dân các tổ 51 và 52, cụm 8, phường Phú Thượng (nằm phía ngoài đê Hữu Hồng, nơi cây cầu chính đi qua) được ghi nhận để phục vụ cho việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường do Trung tâm đầu tư phát triển công nghệ và tư vấn lập dự án (TEDI) phối hợp với UBND phường Phú Thượng tổ chức. 

Tại văn bản trả lời các hộ dân của Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường ký ngày 20-10-2011, thì quá trình thiết kế nút giao thông Phú Thượng, tư vấn dự án đã rà soát, nghiên cứu điều chỉnh một số yếu tố kỹ thuật của nút sao cho phù hợp với hiện trạng quy hoạch, trong đó phương án dạng nút hoa thị được giữ nguyên và phạm vi nút giao vẫn đảm bảo nằm trong phạm vi quy hoạch có bán kính 300m. Tuy nhiên, người dân cho biết bản chất thiết kế này đã được điều chỉnh theo lợi ích nhóm. Thứ nữa nếu nói bán kính 300m thì tâm của nó sẽ ở chỗ nào chưa thấy được chỉ rõ? 

“Né” đất doanh nghiệp… vẽ vào đất của dân 

Theo thiết kế ban đầu người dân biết thì đường dẫn lên đầu cầu phía nam bắt đầu từ ngã ba Lạc Long Quân với đường An Dương Vương, vòng chạy phía ngoài 3 tổ dân phố 47B, 47C, 47D, cắt vào đất của Công ty Xây dựng giao thông đô thị – thuộc Sở Giao thông công chính Hà Nội, đất của Tiểu đoàn 577 – Phòng không – Không quân… nhưng sau đó chỉ một văn bản của TP Hà Nội nó đã được “đổi chiều”. Cụ thể, ngày 8-8-2006, nguyên Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Đỗ Hoàng Ân ký Văn bản số 3453/UBND-XDDT gửi Bộ GTVT đề nghị: “Điều chỉnh nút giao với đê Hữu Hồng (đầu cầu phía nam cầu Nhật Tân) để không cắt vào khu đất đã được UBND TP giao thực hiện các dự án: Khu đất D1, D3 thuộc khu đấu giá quyền sử dụng đất tại phường Phú Thượng và phường Xuân La, quận Tây Hồ; khu đất của Công ty xây dựng giao thông đô thị (Sở Giao thông công chính Hà Nội) hiện đang triển khai xây dựng công trình văn phòng, dịch vụ công cộng, khách sạn và nhà ở cao tầng”. 

Người dân cho rằng, nếu không có đề xuất điều chỉnh thì 300 hộ dân đang sinh sống ổn định không bị đẩy vào quy hoạch, không phải giải phóng gần 200 căn nhà cao 3 đến 5 tầng để làm đảo cỏ, vườn hoa… và số tiền chi phí đội thêm lên hàng nghìn tỷ đồng – đó là một phần lý giải của người dân. 

Còn lý giải của Bộ GTVT thì sao: “Việc làm “đảo cỏ” là để tránh khói bụi, tiếng ồn, rung và đảm bảo mỹ quan đô thị…”. 

Vậy thì câu hỏi đặt ra, những công trình nhà ở sau đó mọc lên sát dọc đường nhánh hoa thị (phía bên ngoài đảo cỏ) cũng hội tụ đủ các yếu tố mà Bộ GTVT lập luận như trên sao lại để cho tồn tại mà không phải xóa bỏ? 

Theo kiến nghị của người dân, “sự tất yếu cần thiết để thỏa mãn mỹ quan đô thị” ở dự án này chỉ đúng một phần, nhưng phần lớn hơn ở chỗ xóa đi cả một cụm dân cư để làm “đảo cỏ”, để phải chi phí đầu tư thêm hàng nghìn tỷ đồng cho việc đó liệu đã đúng với tinh thần của Văn bản số 128 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo trước đó? Và phải chăng đất qui hoạch của TP Hà Nội đem đấu giá bán lấy tiền, đất cho doanh nghiệp xây khách sạn, làm nhà cao tầng bán lấy tiền thì… đề nghị Bộ GTVT điều chỉnh để không cắt vào; còn đất của người dân 3 tổ dân phố 47B, 47C, 47D, đa phần họ là những người lính từng vào sinh ra tử trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; chiến thắng trở về, họ chắt chiu từng đồng vốn mới mua được mảnh đất nhưng… không thấy được ai lên tiếng, đề xuất để đất của họ không bị cắt vào? Đúng là nghịch lý!… 

- Những năm 2006 và 2007, nhiều hộ dân tổ dân phố 47B, 47C, 47D vẫn được quận Tây Hồ cấp phép xây dựng nhà cao từ 3 đến 5 tầng. Nhiều hộ cho rằng, nếu rơi vào quy hoạch làm đường dẫn lên cầu Nhật Tân, liệu cơ quan có thẩm quyền cấp phép như vậy không? 

- Trước đó, ngày 19-4-2004, TP Hà Nội có quyết định cấp sổ đỏ cho toàn bộ các hộ gia đình của 3 tổ dân phố 47B, 47C, 47D càng là minh chứng cho việc 3 tổ dân phố không nằm trong phạm vi dự kiến quy hoạch nút giao Phú Thượng.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo