Hoa mộ đường rừng - Dân Làm Báo

Hoa mộ đường rừng

Như Khanh (Danlambao) - Dù đây là câu chuyện được phóng tác nhưng dựa trên hồi ký của nhiều tác giả khác nhau, những người từng trải qua thời gian học tập cải tạo lâu dài. Người viết chỉ kể lại câu chuyện sau ngày 30/04/75 với cái nhìn khách quan- không ngoài mục đích phản ảnh một vài sự kiện có thật trong thời điểm của câu chuyện xảy ra- ngay cả trong sự diễn đạt ý nghĩ của nhân vật, và không đưa ra kết luận. Người đọc chỉ có thể tìm thấy một kết luận qua suy diễn dựa trên một vài chi tiết phù hợp trong câu chuyện nhằm tránh sự chủ quan trong cách nhìn mà mỗi người trong chúng ta thường hay bị ảnh hưởng do hoàn cảnh sinh sống hay môi trường giáo dục khác nhau. 

Thăm Chồng 

Hai người phụ nữ, một già, một trẻ, theo chân vệ binh, rón rén bước vào căn trại của khu cải tạo, hướng về phía một căn phòng nhỏ, nơi có mảnh gỗ sơ sài được treo méo lệch bên trên cửa ra vào, với hàng chữ viết tay xiên xẹo được tô đậm bằng bút chì: "Phòng Tiếp Tân". 

"Đợi đó!" Anh chàng vệ binh non trẻ buông giọng cộc lốc của người miền quê Nam bộ, và chỉ vào mảnh gỗ dài kê sát vách tường lá. Sau hơn nửa tiếng, anh ta quay lại với vài tờ giấy vàng ố, cùng bút chì trên tay và chìa ra trước mặt hai người phụ nữ bơ phờ, mệt mỏi: "Điền vào đây!" Đoạn anh ta quay bước ra. Tiếng người phụ nữ trẻ vội vã cất vói theo: "Thưa cán bộ… cho… cho tui hỏi chút." Anh ta xoay nghiêng và hất mặt hỏi lại: "Gì vậy?"

- "Tui… tui…" Giọng ngập ngừng pha lẫn nỗi sợ hãi của người phụ nữ trẻ khiến anh ta bực tức hơn dù cảm thấy thích thú. Anh ta nói như ra lệnh: "Hỏi gì thì hỏi mau lên!" Người phụ nữ có tuổi, đỡ lời giùm: "Thưa cán bộ, con dâu tui muốn hỏi là sau khi điền giấy xong rồi nộp ở đâu hay đưa ai?" 

- "Chút vào lấy." Anh ta trả lời trống không, cầm súng bỏ đi, miệng lẩm bẩm, "Cán bộ, cán bộ... Vớ vẩn!" 

Nắng bên ngoài dường như đã dịu nhờ đám mây đen kéo về nhưng bên trong căn phòng nhỏ hẹp còn giữ sự oi bức, lan tỏa theo những giọt mồ hôi lăn dài trên mặt của hai người phụ nữ. Chung quanh vắng lặng im lìm trong cái không khí cô đọng nặng nề như không cách gì tan loãng. Như một khi có sự hiện hữu nơi đây thì không thể nào tan biến một cách dễ dàng vì đó là một trại cải tạo dành riêng cho những quân nhân có cấp bậc của một chế độ dù chỉ còn tồn tại trong tâm thức của họ. 

Người phụ nữ trẻ đang lúi húi điền vào tờ giấy thăm nuôi. Gương mặt nàng sạm nắng nhưng không giấu được nét đẹp thầm kín dưới làn tóc đen buông dài. Nàng cẩn thận dò xét lần nữa sau khi xong, những liệt kê về hàng quà cho người chồng đang học tập… để được cải tạo - một chương trình theo chính sách được áp dụng trên toàn nước, trên toàn dân, và trên một phần tư thế kỷ qua. Năm năm rồi, nàng và mẹ chồng theo dấu chân những người đi-học-cải-tạo từ Nam chí Bắc, và từ Bắc vào Nam, cả những căn trại chênh vênh giữa núi rừng Tây Nguyên. Những căn trại học tập được bảo vệ bằng những vòng lớp thép gai hoặc hàng nứa rắn chắc, nhọn cao đầu, bên hào lũy rộng chạy bao quanh. Đó là những "mái trường" khó quên của những con người được đổi mới trong một xã hội mới mang chủ nghĩa mới. Và nàng cũng có một cuộc sống "mới", khác xa cái "cũ", mặc dù không có nghĩa là mới hơn hay tốt hơn như đi mua một món hàng mới. Mà "mới" phải hiểu là hoàn toàn đối ngược từ ngữ "cũ", dù nó có dị biệt; thậm chí là quái dị như thế nào. 

Năm năm trời, nàng đã đánh đổi tuổi thanh xuân để chăm lo, phụ giúp người chồng "học tập", sau khi thành hôn được 6 tháng. Nhưng không phải như ngày xưa, nàng Châu Long cất công lo Lưu Bình đỗ đạt Trạng Nguyên trong kỳ thi 4 năm một lần - một khoảng thời gian đã xem quá dài, đòi hỏi lòng kiên nhẫn của cả hai người. Riêng niềm hãnh diện trong ngày "vinh qui" của người chồng được tốt nghiệp thành con-người-mới đã đổi đi hơn khoảng thời gian của nàng Châu Long nhưng không ai xác định được sẽ kéo dài đến khi nào và đã thách thử sự chịu đựng của nàng trong những hoàn cảnh nghiệt ngã mà dường như sách sử chưa bao giờ nói đến. Không chỉ riêng nàng là một Châu Long thời đại, mà có hàng vạn vạn Châu Long khác, cùng thời, cũng miệt mài chăm lo những "sĩ tử" bất đắc dĩ và thời gian được tính bằng năm, không phải là tháng hay ngày.

- "Mấy giờ rồi con?" Người mẹ cất tiếng hỏi nàng dâu, trong sự bồn chồn lo lắng khi nhìn ra bên ngoài trời u ám, lưa thưa vài giọt nước mưa bắt đầu. Nàng vén tay áo bà ba nâu sậm, nhìn chiếc đồng hồ cũ kỷ nhưng vẫn thoát ra vẻ đẹp của một thời trang xa xưa nào đó: "Dạ, gần 2 giờ rồi mẹ." Bà đứng lên, nép mình bên cửa ra vào, rướn người nhìn chung quanh tìm kiếm anh chàng vệ binh lúc nảy. Hơi đất ẩm xông lên, từ sức nóng vùng Tây Nguyên được tích tụ trong ngày, khi cơn mưa nhỏ giọt, khiến bà chợt rùng mình vài cái và cảm thấy choáng váng. Nàng thấy vậy, vội vã chạy đến dìu bà ngồi xuống: "Mẹ ngồi đây, con xức dầu cho." Vừa thoa dầu lên cổ, hai bên thái dương, nàng nói trấn an: "Chắc cán bộ đó cũng sắp trở lại thôi mẹ! Mình ráng đợi chút nữa." 

- "Được, được rồi con. Mẹ không sao đâu." Thấy nét mặt lo lắng của đứa con dâu, bà thương cảm quá nên tỏ ra như vẫn khỏe mạnh, bình thường. Mặc dù bà biết rằng sức lực của bà càng lúc yếu hơn khi phải trải qua những lần thăm nuôi đứa con duy nhất còn lại. Bà đã phải nén lòng, chưa bao giờ dám báo hung tin về đứa con út đã vĩnh viễn thoát ly "mái trường" cải tạo khi chưa xong "tốt nghiệp" chỉ vì vài cọng rau muống của nông trường lao công của trại cải tạo. Bà âu yếm hỏi con dâu nhằm lãng tránh sang chuyện khác: "Con có xem lại hàng quà chưa con? Nhớ viết cho đúng, kẻo người ta làm khó!" 

- "Dạ mẹ. Lúc nãy con xem lại hết rồi. Mẹ yên tâm đi." Rồi nàng nói tiếp, cho mẹ yên lòng hơn: "Trước khi vào đây, con cũng đã "biếu quà" cho mấy anh ngoài cổng rồi, mẹ. Chút nữa, con đưa thêm cho anh cán bộ đó luôn."

- "Ừ, ừ… Con đừng quên nha!"

Nàng mỉm cười, gật đầu và dìu bà tựa vào bức vách lá. Đôi bàn tay của nàng xoa bóp êm ái trên hai vai khiến bà thiêm thiếp, rơi dần vào cơn buồn ngủ mệt mỏi. Sau cùng, nàng cũng tựa đầu vào vai bà khi không cưỡng được sự đòi hỏi tịnh dưỡng của một cơ thể yếu đuối nhưng vẫn quá gắng sức trong sự chịu đựng lam khổ triền miên. 

Chợt tiếng động vang lên, khiến hai mẹ con vụt bừng tỉnh. Đứng trước lối cửa là một cán bộ khác, cũng lăm le trên tay cây súng, đang gườm gườm nhìn hai người và nói: "Gớm thế! Vào đây còn ngủ gật thế cơ à? Giấy tờ xong chưa, đưa xem 'lào'?" Nàng lật đật quơ tờ giấy để kế bên, đưa cho anh ta và rụt rè nói: "Dạ, đây… đây. Xong rồi, thưa cán bộ." Anh ta khẽ nhìn vào hai chiếc giỏ nhỏ bằng lát dưới chân nàng và hỏi lại: "Chị ghi xuống hết 'zrồi' phải không? Chúng tôi phải kiểm 'nại', rồi mới cho thăm viếng sau." Nàng trao anh ta hai giỏ quà và không quên kèm theo bao thuốc 555: "Dạ, cảm ơn. Thưa cán bộ." 

- "Được 'zrồi', tôi nhận hai túi xách nầy và sẽ cho người thông báo chồng chị 'nên' gặp." Anh cán bộ vội quay bước ra cửa. Dường như chợt nhớ điều gì, anh ta quay đầu nhìn lại, bắt gặp gương mặt sạm nắng nhưng ẩn chứa nét duyên dáng, hiền lành, thu hút kỳ lạ của người miền Nam, đang ngước lên. Nàng vội cúi đầu lẫn tránh ánh nhìn bất chợt và nụ cười nhếch miệng đó. 

Nàng quay lại, nắm lấy tay mẹ và vui vẻ ra mặt: "Mẹ! Chút nữa được thăm viếng rồi đó!" Bà cũng mỉm cười nhìn đứa con dâu: "Ừ, mẹ cũng mong gặp nó, rồi còn về." Hai mẹ con dường như quên hết những mệt mỏi, cả cơn đói khát chỉ được lót dạ qua buổi sớm. Nàng đưa tay gỡ chiếc trâm lược vắt trên đầu. Dù đã nhiều lần ngắm nghía, mân mê nó, nàng vẫn cảm thấy thích thú khi lần ngón tay theo từng nét khắc trên đó. Một rung cảm nhẹ nhàng, vô hình được kết nối qua không gian, như đang thực sự chạm vào bàn tay tinh tế của người chồng hoạn nạn nhưng vẫn không quên gởi lại thương yêu cho nàng qua những đường khắc kỷ công, nắn nót trên chiếc trâm lược bằng tôn từ trại cải tạo năm nào. Nàng luôn mang nó trên mái tóc để được cảm nhận như có chàng bên cạnh dù trong sớm tối cô đơn, vất vả, thiếu vắng hơi ấm nồng nàn hay những lúc âm thầm tâm sự cùng những giọt lệ nhớ thương. Nàng biết rằng, trên đời nầy sẽ không bao giờ có thêm chiếc trâm lược thứ hai giống y như thế vì tình cảm con người mới trong xã hội mới nầy dường như được tái tạo trong dây chuyền sản phẩm giáo dục mới. 

Mọi thứ đều theo qui cũ. Mọi thứ đều phải giống nhau theo định hướng, từ vật chất đến tinh thần như những con ong, đàn kiến chỉ có bề ngoài kích thước khác nhau, hay loài cá, chim phân biệt được giống tính qua màu sắc, hay những thú nuôi với tư duy, tình cảm, luôn bị hạn chế bởi thiên tính hay do con người đặt qui luật. Theo nàng nghĩ, con người mới đó dường như là sự kết hợp bởi 3 đặc tính xưa cũ đó trong quá trình đào tạo một giống hoàn toàn thuần chủng trong ý thức hệ. 

Mãi mê theo đuổi ý nghĩ, nàng quên mất thời gian chóng thoáng qua trong sự chờ đợi viếng thăm. Mẹ nàng cũng thiếp đi từ lúc nào. Nàng chợt giựt mình khi nhìn lại, thấy cây kim đồng hồ trôi quá xa. Đã hơn 4 giờ chiều rồi! Nàng định đánh thức mẹ, nhưng ngại làm tan giấc nghĩ. 

Bên ngoài mưa đã tạnh nên nắng chiều mùa hè vẫn chưa tắt. Nàng nhẹ bước đến cửa ra vào, nhìn quanh, và lắng nghe. Đâu đó, dường như có tiếng người nói chuyện, và mùi khói bếp nhẹ lan. Nàng nghĩ thầm, có lẽ những nhóm đi lao động đã trở về, trong số đó chắc có chồng nàng. Từ xa, một người đang tiến về phía nàng, trong bộ đồng phục màu vàng nhạt úa thường gặp của cán bộ công an. Đứng bên trong căn trại, người đó vẫy tay ra hiệu kêu nàng đến. Nàng quay lại thấy mẹ vẫn còn mê mệt nên bước ra ngoài với hy vọng được biết thêm tin tức về người chồng và giấy phép cho viếng thăm. Người đó gật đầu chào đáp lễ và nói: "Tôi 'nà' Trung úy, từ Công an Trung ương, trong chuyến công tác kiểm tra trại, và được biết chị đang chờ quyết định thăm viếng, phải không?"

- "Dạ, thưa cán bộ." Nàng đáp.

Người đó tiếp: "Tôi có xem qua giấy tờ xin quyết định của chị. Tạm thời, hoãn cuộc thăm viếng, không phải vì chị sai sót hay thiếu giấy tờ hợp 'nệ'. Tôi vừa được báo cáo, chồng chị bị tai nạn trong 'núc' 'nao' động nên không thể về trại ngay bây giờ. Tôi đến thông tin cho chị hay, trước khi ra đó rà soát lại xem sự việc thế 'lào'. " 

Nàng hốt hoảng, hỏi dồn: "Ảnh có sao không sao, hả, thưa cán bộ? Chồng tôi bị tai nạn gì vậy? Hiện giờ ảnh đang ở đâu?" Trông thấy đôi mắt rơm rớm đỏ chực khóc, người cán bộ công an an ủi: 

- "Tôi chưa có báo cáo rõ ràng. Chị yên tâm. Giờ tôi phải ra đó xem sao".

Nàng cuốn quít nói mau: "Thưa cán bộ, cho tui đi theo được không?"

- "Cũng được. Sẵn tiện tôi có xe hai bánh. Đèo giùm chị vậy." 

Nàng quay lại nhìn mẹ thấy vẫn còn ngủ say mệt. Bước đến, nàng lôi chiếc áo ấm cũ màu trong chiếc giỏ lát còn lại và khoác lên người bà trước khi bỏ ra ngoài. 

Bên Dòng Suối 

Đội đốn củi hôm nay được cho nghĩ sớm hơn thường lệ vì nhằm ngày lễ Quốc Khánh như theo thông báo của Ủy viên chính trị trước khi họ ra rừng. Nhóm người còn được phép tắm suối mà theo qui định của trại chỉ dành cho những ai đạt được thành tích lao động vượt chỉ tiêu trong ngày. Tuy nhiên, dường như chẳng ai có thể vượt chỉ tiêu- tận lực cố gắng lắm là vào khoảng chỉ tiêu. Vượt chỉ tiêu cũng đồng nghĩa sẽ tăng chỉ tiêu hầu tận dụng sức lao động một cách hiệu quả và nâng cao năng suất. 

Theo thời gian trải dài cuộc sống lao tù, những thiếu thốn tối thiểu về vật chất là lẽ đương nhiên, nhưng cũng không sao được no bụng hơn với phần lương thực đã vốn thấp kém như đồ thừa cặn bị vứt bỏ đi từ xã hội mới bên ngoài vòng rào, lại còn bị hạn chế theo qui định "làm theo năng suất, hưởng theo lao động" và qui luật riêng của cán bộ trại trường hay đội trưởng tùy theo cảm giác vui buồn. Mặc dù năng sức lao động được tận dụng tận tình theo chính sách nhà nước trong thời kỳ phôi thai của nền kinh tế mới, và số lượng sản xuất từ những công-nông-lâm trường lao động như những trại cải tạo nầy cũng đóng góp một phần không nhỏ, vì họ, những người lao động theo đúng nghĩa, là hoàn toàn vô sản. Tiền công của họ được qui bằng vài chén bo bo độn, hay chục lát mì khô Ấn Độ(1), cùng nước muối, mỗi hai lần một ngày- không thay đổi! Tư sản của họ mảnh áo quần rách nát, đắp vá, và cái lon guigoz(2) nhôm đa dụng. 

Tuy nhiên trong những ngày lễ chính thức như đại lễ Quốc Khánh hôm nay, những "cải tạo viên" được dịp hưởng mùi vị của chất thịt, chất tanh (cá). Hưởng mùi vị theo đúng nghĩa như những vong linh được mời về nhìn mâm cúng, và chỉ hưởng được mùi vị qua nhang đèn. Dù sao họ chưa phải là những vong linh, vì khả năng lao động còn cần thiết. Họ được đưa tay va chạm thớ thịt còn dính thừa trên vài cục xương được phân phát, hay nhâm nhi trong miệng miếng mở vụn trong nước rau muống dùng làm canh. 

Họ là những người lao động "biệt lệ" trong chính sách "khoan hồng" của nhà nước mới. Những sản phẩm được ra ngoài thị trường để trao đổi, hoặc tiêu dùng hàng ngày, xen lẫn vào trong sinh hoạt của xã hội. Nhưng mấy khi, có ai đó biết rằng bó rau, củ khoai, bao gạo, hay nắm ngô v.v. mà họ mua đem về nhà nấu ăn, là một phần sản phẩm của những người lao động biệt lệ đó. Hay những lúc ngắm nhìn ngôi nhà trang trọng mới xây, hay tầng cao ốc khang trang, có mấy ai biết rằng trong những mảnh ván gỗ xây dựng đó, có cả mồ hôi, nước mắt, và sinh mạng của những lao công biệt lệ nơi núi đá hiểm nguy và rừng hoang độc địa. 

- "Chào bác!" Ông già trong y phục người Thượng, đang săm soi bắt cá trong lòng suối bằng cái chĩa cây, ngẩng nhìn lên, mỉm cười đáp lại người lạ mặt đang rón rén bước đến gần, và lên tiếng: "Chàoo on." Người lạ mặt tỏ vẻ vui mừng pha lẫn sự ngạc nhiên khi nghe âm thanh lơ lớ Việt của người miền núi. Anh ta nhoẽn miệng cười thân thiện và bước lên bờ suối để tránh làm động nước. 

- "Được khá không bác?" Anh buông tiếng hỏi nhỏ khi ngồi xuống cạnh hòn đá to che khuất từ hướng vừa đến. 

- "Nhoà on gìiời mưa, có ít cá, on." Ông đưa lên khoe xâu cá nhỏ đeo bên mình và nói tiếp: "Cho on vài cá. On muống kông?" Vứa nói, vừa bước lên bờ suối, ông ngồi phệt xuống đất bên người lạ: "Tooi biet on haai làam rừng trongg đây... Mấy on lúc trước cóo qua làong tooi." Ông xoay người chỉ tay về hướng xa xa, bên kia khu rừng và cố gắng nói tiếp: "Tooi biet mấy on tốt lắm... Haai cho thuoốc, cáai ăn cho làong." Lắng nghe ông già chậm rãi trong từng câu nói, Anh cảm thấy an lòng và xúc động hơn. Đôi mắt anh chợt rơm rớm qua hình ảnh ông già người Thượng như nhòa đi trước mặt. Anh run run, nắm lấy bàn tay già nua, chai lì vì sương nắng, mới hay rằng bàn tay mình cũng quá nắng sương, chai lì từ lúc nào. 

Ông già loay hoay tháo gút thắt xâu cá. Thấy vậy, anh nói: "Đưa tôi làm cho, ông." Mỉm cười chữa thẹn, ông ra cử chỉ như khoác tay: "Kông sao đâuu, tooi có cáai nầy..." Vừa nói, ông vừa đưa tay vào ngực áo, lấy ra một miếng kim loại có dáng cong cong như chiếc lá Thu rừng. Ông đưa cho người lạ và nói: "On dùung cáai nầy, cắt dây cá dùm tooi. Tốt lắm." Anh nhanh nhẹn cầm lấy. Thoáng chốc xâu cá bị đứt rời. Ông già tước từng con cá nhỏ ra khỏi sợi dây, đoạn dáo dác nhìn quanh tìm kiếm lá rừng to bảng để gói lại. 

Anh thong thả ngồi chờ, nhìn theo. Tay mân mê miếng kim loại trong tác động tự nhiên theo cảm giác thúc đẩy nào đó. Bất chợt, ngón tay anh run lên theo sức mạnh thu hút vô hình dâng lên trong linh cảm. Anh không tin vào đôi mắt mình khi nhìn lại miếng kim loại đó. Vội vàng lau sạch vết đất, anh đưa lên tầm mắt lần nữa. Một thoáng nhận định mau chóng trong đầu làm Anh choáng váng: đây là chiếc trâm lược chính tay anh làm ra! 

Biệt Giam 

Cái lạnh về đêm trong thùng conex(3) biệt giam khiến anh bừng tỉnh sau khi thiếp đi khá lâu vì trận đòn phạm qui của trại. Cảm giác đau đớn được đánh thức trên khắp thân thể vốn còm rỏi vì thiếu ăn và lao lực quá sức: từ đỉnh đầu, sau lưng, trước ngực, đến đôi ống chân bị siết chặt trong khoen cùm. Anh đưa tay dụi mắt để làm quen với bóng tối vây quanh. Chợt nghe nhức rát trên mí mắt, anh cảm thấy một dòng nước chảy dài xuống trên mặt, và chất mặn tanh tanh thấm trên môi. Cũng nhờ vậy, cơn khát được dịu phần nào dù cảm giác đói bắt đầu hành hạ anh. 

Ánh sáng vàng vọt xuyên qua lỗ nhỏ như cây đinh khiến anh chợt nhớ đến đêm trăng sau cùng khi chia tay người vợ. Anh lần mò trong mình tìm chiếc trâm lược mà ông già người Thượng có nhã ý trao trả lại dù chỉ là hoài công trong một ít hy vọng tạm bợ. Vì anh biết, trước khi bị tống vào đây, người ta đã khám kỹ từng mảnh vải trên người và khắp vùng da thịt. Cũng như đã bao lâu rồi, anh tự an ủi định mệnh và hy vọng viễn tưỡng, khi nhìn thấy một số người được trả về quê quán. Thời gian trôi qua chầm chậm như cố ý kéo dài thêm sự kiên nhẫn chờ đợi. Anh lại hy vọng và tự an ủi mình khi nghĩ đến người vợ và mẹ. Dù biết rằng trong số người được thả ra chỉ là tội hình sự, khác với bản án chính trị của một cấp sĩ quan bại thế. Phương sách tâm lý đó gieo lên mầm hy vọng ít nhiều trong lòng những tù nhân học tập cải tạo vì với bản án không cần xác định rõ ràng thời hạn nên họ sẽ cố gắng tự ép mình trong khuôn khổ thuần phục để trở thành con người mới hoàn toàn theo tiêu chuẩn được định hướng. 

Anh chợt nhớ đến đứa em trai cũng trong "mái trường" cải tạo. Không biết có đủ sức chịu đựng những năm dài ròng rã mà mẹ anh ít khi nào cho biết thêm tin. Nổi đau thầm kín lại được dịp bừng lên, khi anh nghĩ đến câu chuyện của ông già người Thượng. Theo lời ông kể lại, ông tím thấy một nấm mồ xa lạ, ẩn khuất bên đường rừng mòn, khoảng 3 nương rẫy từ làng- theo cách ước tính của người miền núi- không xa nơi ông nhặt được chiếc trâm lược, cách đây vài tháng trước. Những thắc mắc cứ xoáy trong đầu anh về chiếc lược và nấm mộ. 

Cũng có thể trên đường đến đây với mẹ, vợ anh đã đánh rơi không hay biết, và nấm mộ là của người dân làng. Anh lại nghĩ, nếu là nấm mộ của người làng, sao ông già người Thượng không biết? Hay ít ra cũng được cất trong một khu riêng của làng. Vã lại, theo phong tục của dân tộc thiểu số, thường là người quá cố sẽ được hỏa táng, hoặc chôn cất trong phần mộ không nấm mồ, ngoài vài hòn đá chồng lên nhau để đánh dấu. Từ suy luận đó, anh lại nghĩ, cũng có thể một trong những người đồng cảnh đã ra đi. Nếu là vậy, tại sao phải tốn công đưa đi chôn cất ở một nơi cách xa trại gần cả khu rừng? Trong khi, ngày nào anh đi lao động cũng phải ngang qua khu mộ tù nhân bên bìa rừng gần trại. 

Đầu anh bỗng đưng đau nhức. Anh cảm thấy mạch máu hai bên thái dương như đang phập phồng lên xuống, không biết vì do đòn phạt hội đồng hay suy nghĩ quá nhiều. Đưa hai tay lên xoa thái dương, và nắn bóp quanh đầu, anh chợt nhớ đến chiếc trâm lược mà anh giấu dưới phần tóc dài phía sau đã không được cắt từ hơn 6 tháng qua bằng mủ keo gỗ. Anh cẩn thận gở xuống trong nổi xúc động dâng trào khiến những ngón tay như đang run lên vì cứ ngỡ chiếc lược bị vệ binh thu lại. Giờ mới nhớ ra, chính anh đã đổi chổ giấu chiếc lược sau khi bỏ vào ngực áo cùng mớ cá. Nhờ mảnh lá gói cá bị phát hiện nên họ không cần khám xét kỹ hơn. 

Anh đưa hai tay ôm lấy chiếc trâm lược vào lòng như đang cuốn trọn người vợ trong vòng tay. Bao nhiêu nhớ thương chôn giấu tưởng chừng vượt thoát như suối nguồn vào mùa mưa Tây Nguyên. Toàn thân run lên khi nghĩ rằng nấm mộ đó có thể là của vợ anh, và mẹ anh đã phải trở về một mình nhưng chưa có dịp đưa tin. "Có thật thế không?" Tiếng gào thét tự hỏi vang lên trong đầu làm anh càng thêm choáng váng và nghe buốt nhói tận cùng trái tim. 

Sau một lúc lắng dịu cảm xúc, anh ôn lại những gì đã xảy ra. Đó cũng là khoảng thời gian anh nằm trong bệnh viện, sau tai nạn trợt chân lúc khiên cây. Một ân xá khá đặc biệt cho anh mà qui định trại không có phần đó dành cho những tù nhân học tập cải tạo. Vì anh từng chứng kiến biết bao người mang trọng bệnh hay thương tích phải chịu chết lần mòn trong trại. Anh cũng đã nhiều lần tự hỏi và tìm hiểu lý do nhưng không một cán bộ nào hé tin. Những người bạn đồng cảnh cũng chẳng biết gì hơn vì họ phải lao động liên tục nơi rừng sâu mỗi ngày. Thôi thì cứ xem là may mắn! Anh đã tự nhủ thế. 

Tuy nhiên, đó cũng là khoảng thời gian thăm viếng theo qui định của trại. Anh chợt cảm thấy xốn xang, không yên lòng khi nghĩ về mẹ. Trong lần gặp vừa qua, anh thấy mẹ đã già đi, và yếu sức hơn nhiều vì những nhọc nhằn trong cuộc sống và bao gian nan vượt đường xa thăm viếng hai đứa con đang học tập cải tạo ở hai nơi. Dù anh cũng rất mong đợi người thân, nhưng thầm nghĩ rằng, cũng có thể mẹ anh phải đi thăm viếng đứa em trước, khi được tin bị chuyển trại bất ngờ. Bất giác, anh cảm thấy bờ môi thấm ướt mặn nhưng không biết đó máu hay nước mắt mình. 

Trong may cũng có cái rủi. Nếu hôm đó không gặp ông già người Thượng, anh sẽ không bị tống vào conex sau khi vệ binh phát hiện. Ngược lại, anh cũng sẽ không bao giờ có dịp nhìn lại chiếc trâm lược được gởi cho người vợ dạo đó, bị thất lạc giữa rừng hoang. Anh tự hỏi, định mệnh nào có dành cho anh và gia đình một sự may mắn ít ỏi nào khác không, trong khi bóng đêm buông chùng nặng nề hơn ánh sáng qua khe nhỏ như cuộc đời anh. 

Anh thầm cầu nếu như ước nguyện, xin hoa mộ tỏa cánh đường rừng sau khi mãn hạn biệt giam. 



____________________________________

Chú thích: 

1. Khoai mì H-34 nhập cảng từ Ấn độ, còn gọi là mì công nghiệp, vì nó dùng để lấy nhựa làm bao bì nylon chứ không ăn được. Tinh bột khoai mì H-34 này được trại dùng làm bánh tráng. Tuy mỏng, nhưng nó cứng như mica; ngâm vào nước cả ngày chưa mềm ra được. Mì H-34 có hàm lượng chất độc Acid Cyanhydric rất cao, tích tụ nhiều nhất ở hai đầu củ mì, trong dây tim và ngoài lớp vỏ. Cây mì có cọng lá màu trắng, lớp vỏ lụa cũng màu trắng, và cho năng suất cao gấp 5, 6 lần mì gòn lại dễ trồng trên bất cứ đất đai nào. Ăn mì H-34 lúc còn tươi (hàm lượng chất độc cao nhất) dẫn đến cái chết tức thời, hay ít ra cũng nôn ói đến tận mật xanh (trích từ "Cuối Tầng Địa Ngục", Chương 4, Phần 1, của Đỗ văn Phúc). 

2. Lon guigoz là hộp nhôm tròn đựng sửa bột của Hòa Lan, được dùng để đựng thức ăn, nước uống và để nấu thức ăn. 

3. Thùng Conex là loại thùng làm bằng sắt dày hơn 2 ly để chứa và chuyên chở hàng hóa. Có nhiều cỡ, nhưng thông dụng nhất tại Việt Nam thời đó là loại army container (thùng chứa của quân đội) nhỏ kích thước 1.2 x 1.6 x 1.8 mét; loai trung 1.8 x 1.6 x 1.8 mét. Thùng conex làm rất kín. Ở các khe cửa có bọc một lớp viền cao su để không khí và nước không lọt vào được. Vì thế, khi di chuyển bằng đường thủy, thùng conex có thể thả xuống nước để kéo mà hàng hóa không hề bị hư hỏng (trích từ "Cuối Tầng Địa Ngục", Chương 2, Phần 3, của Đỗ văn Phúc). 


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo