Nhân Ngày Phụ nữ: Ô buồn trên ngực - Dân Làm Báo

Nhân Ngày Phụ nữ: Ô buồn trên ngực

Phạm Thị Hoài (pro&contra)Có lẽ Việt Nam nên thành lập hẳn một bộ, Bộ Ngực Phụ nữ chẳng hạn, trực tiếp đặt dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng, để đối diện với những thách đố triền miên đến từ đôi gò bồng đảo này. Cứ như hiện nay, hội thảo tiếp nối hội thảo, quy định chồng lên quy định, các chuyên gia nhũ học, các nhà kiểm duyệt độ hở và các biện pháp cưỡng chế da thịt vẫn không có cách nào ngăn chặn tình trạng xé rào của ngực phụ nữ. Nhu cầu xé rào ấy càng ngày càng nóng bỏng, nhất là khi truyền thông Việt Nam, từ những trang mang tên Dân trí đến những trang mang tên Giáo dục, hoan hỉ lưu ý độc giả từng độ căng, độ lệch, độ tròn của bộ phận cơ thể phụ nữ được gọi là vòng một....

*

Có lẽ chưa bao giờ trong xã hội Việt Nam sự hấp dẫn giới tính của người phụ nữ được tinh giản thành công về hai bộ phận cơ thể, chân và ngực, như bây giờ. 

Cả hai bộ phận đó vốn đều không phải là ưu thế của đàn bà Việt Nam. Một đề án nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt của Chính phủ đặt chỉ tiêu cho năm 2020 là 157 cm chiều cao trung bình ở nữ giới so với 153 cm hiện tại. Chưa có chỉ tiêu cho ngực phụ nữ, nhưng theo quan sát của tôi, áo ngực của chị em ta thường ở cỡ 34A hay 36A. 

Trước hết nói về chân. Chân dài trong tiếng Việt ngày nay đồng nghĩa với một người đàn bà có nhan sắc quyến rũ, ban đầu là người mẫu, hoa hậu, sau lan sang diễn viên, ca sĩ, rồi lan rộng ra nữa. Trước kia, hai chàng trai hỏi nhau tối nay đã hẹn với em nào, hay nàng nào chưa. Bây giờ họ hỏi, đã hẹn với chân dài nào chưa. Báo chí, chỉ trừ báo Nhân dân, thản nhiên chạy các tít với chân dài. Cả một con người, quy về cái bệ đỡ từ hông trở xuống. Tôi không cổ động cho political correctness, nhưng trong trường hợp này thì ước gì nó can thiệp để trả lại cho phụ nữ phần bị tước đoạt. Chân dài dùng để chỉ một con người, theo tôi là một khái niệm kì thị và hạ nhân phẩm. 

Bây giờ nói về ngực. Có lẽ Việt Nam nên thành lập hẳn một bộ, Bộ Ngực Phụ nữ chẳng hạn, trực tiếp đặt dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng, để đối diện với những thách đố triền miên đến từ đôi gò bồng đảo này. Cứ như hiện nay, hội thảo tiếp nối hội thảo, quy định chồng lên quy định, các chuyên gia nhũ học, các nhà kiểm duyệt độ hở và các biện pháp cưỡng chế da thịt vẫn không có cách nào ngăn chặn tình trạng xé rào của ngực phụ nữ. Nhu cầu xé rào ấy càng ngày càng nóng bỏng, nhất là khi truyền thông Việt Nam, từ những trang mang tên Dân trí đến những trang mang tên Giáo dục, hoan hỉ lưu ý độc giả từng độ căng, độ lệch, độ tròn của bộ phận cơ thể phụ nữ được gọi là vòng một. 

Chân và ngực được công khai mệnh danh là hàng của phụ nữ. Truyền thông Việt Nam không ngày nào không rên lên vì một sao nào đó lại vừa lộ hàng hay khoe hàng, tức sơ ý hay cố ý để một phần hay toàn phần đôi gò của mình rơi vào ống kính, hoặc khoái chí bình luận sao này dìm hàng sao kia, tức chân dài này bị một chân dài miên man kia lấn át. Ngôn ngữ này không phải là độc quyền của những tờ báo lá cải. Nó được sử dụng chính thức ở hầu hết mọi tờ báo chính thống, chỉ trừ ở báo Nhân dân

Trong cùng tiến trình cách điệu hóa người đàn bà thành một bộ ngực và một cặp đùi, rồi hai thứ này lại được quy thành hàng như vậy, xã hội Việt Nam ngày nay có thể tinh giản sự hấp dẫn giới tính của người đàn ông về những phẩm chất đáng mơ ước tương đương nào? Bộ óc? Trái tim? Đôi vai rộng? Sống lưng vững chãi? Không. Không hề. Khi chân dài khoe ngực thì người nam khoe một thứ khác, vừa không thuộc con người mình, không thuộc cơ thể mình, mà trong phần lớn các trường hợp được biết rầm rộ qua báo chí vừa tuyệt đối tương phản với cái cơ thể đó: những chiếc xe hơi đắt tiền. Lại thường là xe đua, trong khi chờ Formula One. Nói theo một thành ngữ tiếng Việt hiện đại, vào gú gờ chấm chân dài là ra gú gờ chấm đại gia. Chúc mừng chị em chúng ta nhân Ngày Phụ nữ, ngày đấu tranh cho phụ nữ bình quyền, khởi xướng từ phong trào cộng sản quốc tế! 


Tôi đã định viết về những Phụ nữ Áo Trắng ở Cuba nhân ngày này. Nhưng trong lúc xem những hình ảnh về họ trên mạng, câu thơ “Ngực em bầy chật một ô buồn” của nhà thơ Hoàng Hưng bỗng nhen lên trong đầu. Tôi không thể giải thích vì sao. Rồi cái ô buồn trên ngực ấy lại dẫn đến bài viết này. Nên tôi mượn nó làm nhan đề mà cũng không giải thích được vì sao. 


Bài đăng ngày 08.03.2012 

© 2012 pro&contra


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo