Viết Lê Quân - Nền dân chủ ở Ô Khảm liệu có phải là điều kiện để những phong trào chống tham nhũng và chống trưng thu ruộng đất vô lối ở Trung Quốc hy vọng vào một mặt bằng chính trị ở vị thế cao hơn, ít ra cũng trên phương diện hình thức?
Chuyện chưa từng có tiền lệ
Vào năm 2011, đã có những việc "lần đầu tiên" xảy ra ở Trung Quốc. Ô Khảm là một minh họa sống động như thế. Và năm nay - 2012, cũng hứa hẹn sẽ có thêm những "lần đầu tiên" tiếp theo diễn ra. Ô Khảm đã lại mở màn cho xu thế của những câu chuyện chưa từng có tiền lệ ở đất nước này.
Vào ngày 3/3/2012, một sự kiện lịch sử đã diễn ra tại ngôi làng nhỏ ở Quảng Đông: lần đầu tiên người dân Ô Khảm được chính tay mình và bằng chính tâm hồn mình bầu chọn người đứng đầu của mình. Người đứng đầu đó lại chính là một trong những người đã lãnh đạo thành công cuộc biểu tình chống trưng thu ruộng đất cách đây ba tháng.
Đã không có bất kỳ ứng cử viên nào được chính quyền Quảng Đông giới thiệu "đi cơ sở" ở Ô Khảm, cho dù toàn bộ truyền thống về công tác nhân sự lớn nhỏ từ trước tới nay đều phải bắt nguồn từ quan điểm "lấy quan làm gốc".
Sự việc hy hữu trên khiến người ta cứ ngỡ Ô Khảm là một đảo quốc trong thế giới lý tưởng của Voltaire - nơi mà tính bình quyền chỉ đến với mọi người khi người ta đã không còn chờ đón nó nữa.
Nhưng ở một khía cạnh khác, sự việc cũng trở nên khó xử không kém. Để giải quyết vấn đề tại ngôi làng có số dân chỉ chiếm 1/100.000 dân số Trung Quốc, nghe đâu vụ việc này đã phải đề đạt tới cấp thường vụ Bộ chính trị.
Một phép thử đang diễn ra trong chuyến tàu hoàng hôn. Không có Ô Khảm, chính quyền trung ương ở Bắc Kinh cũng đã đủ "điên đầu" với làn sóng chống trưng thu đất đai nổi lên ở hầu hết 70 thành phố lớn của đại lục. Đó là hậu quả tất yếu từ năm 1990 đến nay, với 43% nông dân bị chính quyền trưng thu đất đai. Cách đây không lâu, một cuộc điều tra tại 17 tỉnh và khu vực do Đại học nhân dân Bắc Kinh tiến hành, được công bố trên báo 21st Century Business Herald, đã phát lộ: 12,7% nông dân bị trưng thu đất mà không được nhận bồi thường, 9,8% nông dân bị chính quyền quỵt tiền đền bù... Tại một số địa phương, đất trưng thu đã được các công ty bất động sản quốc doanh và tư nhân bán lại với giá trung bình cao gấp 40 lần so với giá đền bù.
Nhưng xung đột đất đai chỉ là một trong nhiều "diễn biến hòa bình" mà Bắc Kinh có đầy đủ lý do để quan ngại sâu sắc. Cứ mỗi năm trôi qua, nội địa của người Hán lại chứng kiến cái hình vòng cung của ba khu tự trị Tây Tạng, Tân Cương và Nội Mông siết dần lại. Tại những nơi này, tình hình không còn đơn giản như cái cách mà các viên chức chính quyền phủi tay khi nói về những cuộc khiếu kiện đông người của dân chúng về đất đai. Gần như ngược lại, không khí trở nên đậm đặc đến mức thật dễ bị phát nổ: biểu tình ở Nội Mông, tự thiêu ở Tây Tạng, bạo loạn tại Tân Cương, những biểu hiện như thế đều đang dẫn ra một thứ điềm báo hoàn toàn chẳng lành chút nào.
Lần đầu tiên người dân Ô Khảm được chính tay mình và
bằng chính tâm hồn mình bầu chọn người đứng đầu của mình. Ảnh: AP
Dân chủ tượng trưng và con dao hai lưỡi
Trong bối cảnh quá khó xử trên, Ô Khảm lại trở thành... chuyện nhỏ. Trước hết, theo cách so sánh truyền thống của người Trung Quốc, ngôi làng này là quá nhỏ so với tầm vóc của cả một quốc gia vĩ đại và có dân số lớn nhất thế giới. Thứ nữa, nếu có phải "thí điểm" một phép thử về trao quyền dân chủ cho Ô Khảm thì cũng không vì thế mà chính quyền trung ương sẽ đánh mất chính kiến về chính sách tập quyền của mình.
Một lần nữa, cũng như chiến dịch đánh lạc hướng dư luận trong nước ra khu vực biển Đông vào tháng 7/2011, Bắc Kinh thấy cần phải làm một điều gì đó để ít ra cũng làm nguôi ngoai cái đầu nóng của những người nông dân bị đẩy vào tình thế bức bách. Ô Khảm dĩ nhiên là một ví dụ và một cơ hội tuyệt vời, để ít ra dân chúng cũng lần đầu tiên chấm điểm cho chính quyền về một hành động dân chủ mang tính thực chất.
Song trong thực tế, nếu Ô Khảm trở thành một tiêu điểm về thực chất dân chủ và là địa phương đầu tiên có đủ lý do để tiếp nhận một sự nhượng bộ từ chính quyền trung ương, thì kỳ vọng của Bắc Kinh về việc sẽ không xảy ra thêm những Ô Khảm khác lại là điều kiện để những phong trào chống tham nhũng và chống trưng thu ruộng đất vô lối ở Trung Quốc hy vọng vào một mặt bằng chính trị ở vị thế cao hơn, ít ra cũng trên phương diện hình thức.
Mặt khác, không phải bất kỳ ai trong giới lãnh đạo cấp cao Bắc Kinh cũng đều quay lưng với Ô Khảm. Thủ tướng Ôn Gia Bảo là một gương mặt được người dân kỳ vọng ở thái độ dân chủ không phải bằng lối phát ngôn sáo rỗng. Đã không phải một lần, vị thủ tướng này tỏ ra ưu ái đến dân chúng, đến những người bị thu hồi đất và bị mất đất, bắt đầu từ nhận định "sự oán ghét của dân chúng", cho đến gần đây nhất là bênh vực quyền sở hữu đất đai của người dân.
Tiếng nói của Ôn Gia Bảo vì thế đã tỏ ra có đôi chút trọng lượng và phần nào có sức lan tỏa, dù đây lại là vị thủ tướng sắp mãn nhiệm. Nhưng trong cái nhìn cởi mở hơn, dù sao đó cũng là tiếng nói hiếm hoi xuất hiện trong giới quan chức sắp về hưu - một hiện tượng không dễ kiếm tìm trong cơ chế xã hội được coi là khép kín.
Không khí xung đột đất đai ở Trung Quốc cũng vì thế mà có cơ may lắng dịu lại đôi chút, lồng trong bầu không khí chuẩn bị cho đại hội đảng lần thứ 18 của Bộ chính trị.
Có lẽ tất cả sẽ chỉ thay đổi đáng kể vào một thời điểm nào đó, khi Ô Khảm không còn được xem là "lần đầu tiên", mà đã trở thành một tiền lệ cho các tiền lệ khác.