BBC - Việt Nam xử tù tám người từ 24 đến 30 tháng, liên quan vụ bất ổn liên quan hàng ngàn người H'Mông Cơ đốc giáo ở tỉnh Điện Biên năm ngoái.
Phiên tòa sơ thẩm diễn ra ở tỉnh Điện Biên ngày 13/3.
Truyền thông nhà nước nói những người này bị xử về tội "phá rối an ninh trong vụ tụ tập đông người, gây sức ép với chính quyền, yêu sách đòi thành lập 'Vương quốc Mông'".
Báo Nhân Dân nói hai người 'cầm đầu', Vàng A Ía và Thào A Lù, đang bị truy nã.
Tờ báo dẫn lời cơ quan công an cáo buộc hai người này "lôi kéo" người dân tộc H'Mông để đòi chính quyền cấp đất thành lập "vương quốc H'Mông".
Đến nay vẫn chưa có nhiều thông tin về những gì đã xảy ra ở Mường Nhé
Công an Việt Nam nói đây là vụ án "gây hậu quả đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, gây phức tạp về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng xấu đến đời sống, sức khỏe của hàng nghìn hộ gia đình".
Vụ Mường Nhé xảy ra từ cuối tháng Tư đến đầu tháng Năm 2011, khi người H'Mông từ các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Đắk Lắk, Đắk Nông kéo về bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé.
Hàng ngàn người đã cắm trại trong suốt một tuần để chờ 'vị cứu tinh' của họ.
Thiếu thông tin
Thông tin khi đó nói quân đội và trực thăng được điều động lên trấn áp.
Có cáo buộc cho rằng có hàng chục người H'Mông chết hoặc bị thương - điều không thể xác nhận vì khi sự việc xảy ra, chính quyền không cho phép giới ngoại giao và báo chí nước ngoài tới khu vực.
Vào những ngày xảy ra biến cố, Sứ quán Mỹ ở Hà Nội ra thông cáo nói họ đang điều tra và "kêu gọi các bên liên quan không sử dụng bạo lực, giải quyết mâu thuẫn một cách hòa bình và theo đúng luật pháp Việt Nam cũng như các tiêu chuẩn nhân quyền đã được quốc tế công nhận".
Tại phiên tòa, hai bị cáo, Giàng A Sì và Vàng A Giàng, bị mức án 30 tháng tù giam.
Sáu người còn lại, Mùa A Thắng, Thào A Khay, Chang A Dơ, Thào A Lâu, Cư A Báo và Giàng Seo Phừ, bị mức án 24 tháng tù giam kể từ ngày bị tạm giam.
Những người này sẽ còn bị quản chế 24 tháng sau khi mãn hạn tù.
Giới quan sát cho rằng vụ Mường Nhé đã khiến chính quyền một lần nữa phải xem xét chính sách tôn giáo và dân tộc, nhất là đối với các khu vực đồng bào sắc tộc ít người.