Huỳnh Ngọc Chênh - Bộ GD&ĐT vừa công bố rộng rãi Dự thảo Thông tư ban hành chương trình tiếng Hoa cấp tiểu học và cấp THCS. Theo đó, tiếng Hoa sẽ được đưa vào giảng dạy ở 2 cấp học này với số lượng 4 tiết/tuần.
Vì dự thảo nói rằng cơ sở pháp lý của thông tư là Nghị định số 82/NĐ-CP ngày 15/7/2010 quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên nên đã gây ra không ít hoang mang trong dư luận nhất là trong tình hình nhạy cảm như hiện nay.
Thêm nữa không hiểu do vô tình hay cố ý mà khi dự thảo đưa ra rộng rãi không nói gì đến đối tượng áp dụng của thông tư, không nói rõ là việc học tiếng Hoa như vậy chỉ dành cho hs người gốc Hoa ở VN hay là dành cho tất cả học sinh VN hay chỉ dùng cho các lớp chuyên…Hoa.
Nếu dành cho tất cả hs VN, thì việc đưa một ngoại ngữ vào chương trình giảng dạy ngay từ cấp tiểu học là vấn hệ trọng của quốc gia chứ không phải là chuyện nhỏ.
Trong tình hình đang tìm cách giảm tải cho học sinh mà lại đưa thêm vào dạy mỗi tuần 4 tiết tiếng Hoa thì liệu có ổn không? Trẻ con VN liệu có đủ sức nhồi nhét thêm kiến thức không cần thiết đó vào đầu?
Mà tại sao lại tiếng Hoa vào ngay lúc nầy nhỉ? Tiếng Hoa chưa phải là ngôn ngữ hệ trọng trong công việc giao dịch làm ăn và tiếp cận công nghệ hiện đại trên thế giới. Riêng việc dùng để tiếp cận công nghệ hiện đại và chuyên sâu thì tiếng Hoa còn nhiều hạn chế so với cả tiếng Việt.
Việc đưa tiếng Hoa vào chương trình giảng dạy ngay từ cấp tiểu học lúc nầy không thể không làm mọi người liên tưởng đến việc trước đây vì chiều lòng Liên Xô, đã từng duy ý chí, bắt học sinh học tiếng Nga để rồi sau đó phải vất hết đi một cách lãng phí vì không thông dụng.
Nếu dự thảo của thông tư chỉ áp dụng việc học tiếng Hoa cho riêng học sinh người Hoa ở VN thì cũng không hợp lý.
Thực tế khách quan không thể nào chối cãi là cộng đồng người Hoa ở VN không phải là cộng đồng dân tộc thiểu số bản địa. Họ là cộng đồng người nước ngoài tự nguyện nhập cư vào VN. Không thể xếp cộng đồng người Hoa vào nhóm cộng đồng các dân tộc thiểu số bản địa như người Cờ Tu, Ê Đê, Ba Na, Tày, Nùng…để vận dụng nghị định 82/NĐ-CP.
Điều nầy nên theo thông lệ quốc tế. Nước Mỹ không hề xếp các cộng đồng nhập cư như người Hoa, người Việt, người Hàn, người Nga, người Ấn…tương đồng với những cộng đồng người thiểu số Indian bản địa để hưởng các quy chế ưu đãi về giáo dục, ngôn ngữ và phong tục. Các quốc gia khác cũng hành xử y như vậy.
Ở các nước đó không hề có chương trình dạy tiếng Việt, tiếng Hoa, tiếng Ấn…từ cấp tiểu học để dành riêng cho các cộng đồng nhập cư Việt, Hoa, Ấn. Các tiếng nói riêng của mỗi cộng đồng chỉ có thể được xem là ngoại ngữ tự chọn và chỉ áp dụng cho hs từ cấp trung học trở lên.
Thế mà VN, ngay lúc trong tình hình đầy nhạy cảm hiện nay lại đưa ra dự thảo về chương trình dạy tiếng Hoa từ cấp tiểu học.
Rồi bô GD&ĐT còn nói rằng mục đích của việc học tiếng Hoa là nhằm bồi dưỡng tình cảm yêu quý tiếng Hoa, nâng cao nhận thức về trách nhiệm giữ gìn và phát triển ngôn ngữ và văn hóa của người Hoa ở Việt Nam.
Thế với những cộng đồng người nước ngoài nhập cư khác như Ấn Độ, Nga, Châu Phi…liệu Bộ GD&ĐT có đưa ra chương trình dạy các thứ tiếng đó từ cấp tiểu học để gọi là bồi dưỡng tình cảm yêu quý tiếng nước họ và nâng cao nhận thức về trách nhiệm giữ gìn và phát triển ngôn ngữ và văn hóa của các chủng người đó ở VN hay không?
Có ý kiến cho rằng, thực tế từ trước đến nay vẫn có những lớp học tiếng Hoa tự chọn từ cấp tiểu học cho mọi học sinh, nhưng do bô GD&ĐT chưa soạn chương trình thống nhất nên mỗi đia phương, mỗi trường dạy theo một chương trình khác nhau, nên bây giờ bộ mới tính đến chuyện ra thông tư nhằm thống nhất chương trình. Sự thực có phải như vậy không nhỉ?
Viết đến đây lại chợt nhớ hôm nay là ngày 14.3, ngày mà cách đây 24 năm, quân xâm lược Trung Cộng đã thừa lúc ta không cảnh giác đã ào vào xâm chiếm đảo Gạc Ma, bắn giết không thương tiếc 64 chiến sỹ công binh của VN, không một tấc sắt trong tay.
Hai sự việc chẳng có liên quan gì với nhau nhưng sao lòng cứ thấy gợn lên cái gì đó lấn cấn...
Huỳnh Ngọc Chênh