(Trái hay Phải) - "Kinh tế của chúng ta chưa đâu vào đâu nhưng chúng ta đã để cho những mặt xấu có cơ hội nảy nở"... - TS Nguyễn Quang A, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam - Hungary, nguyên Tổng Giám đốc Công ty 3C chia sẻ với Phunutoday xung quanh việc đốt tiền chơi ngông của một số đại gia đang gây xôn xao dư luận.
Theo TS Nguyễn Quang A, mặc dù có nhiều tiền song hành động chơi trội của những "đại gia" này chỉ thể hiện một phông văn hóa thấp, tuyệt nhiên không biến họ thành “sang trọng” hay “có đẳng cấp” như họ mong muốn.
Chỉ có những kẻ trọc phú mới làm vậy!
PV: - Thời gian gần đây dư luận chứng kiến quá nhiều lùm xùm xung quanh việc thể hiện của một số đại gia: mang nợ tiền tỷ nhưng vẫn có ý định mượn máy bay để rước dâu, thuê dàn xe siêu khủng lượn quanh thành phố khiến thiên hạ được phen lác mắt, rồi mặc sức khoe nhà giàu có, kiếm mỗi ngày bạc tỷ sau hành động "đuổi" con dâu ra khỏi nhà vì nghi cô đã mất trinh... Là một chuyên gia kinh tế, xin TS cắt nghĩa hiện tượng này?
TS Nguyễn Quang A: - Có hai chuyện tách biệt. Thứ nhất, những người trốn thuế, vi phạm pháp luật mà tiêu xài hoang phí, phô trương, thậm chí để che giấu sự phá sản sắp xảy ra bằng cách “đánh bóng” chính mình, trấn an các chủ nợ hay khách hàng là những kẻ phạm pháp phải bị trừng trị về những sự vi phạm pháp luật.
Thứ hai, những người không phạm pháp nhưng tiêu xài hoang phí, phô trương đáng trách về mặt đạo đức nhưng không thể bị lên án về các mặt khác.
Những người kiếm tiền chân chính bằng sức lực và trí tuệ của họ thường rất quý đồng tiền và biết cách tiêu tiền sao cho có ý nghĩa. Họ tiêu ra sao là quyền của họ.
Nhưng họ không phải sống trên mặt trăng, họ sống giữa các mối quan hệ xã hội chằng chịt, giữa hoàn cảnh cụ thể của cộng đồng và đất nước, nên người biết tiêu tiền luôn lưu ý đến hoàn cảnh và môi trường đó để chi tiêu sao cho phù hợp. Chắc chắn họ không chi tiêu vung vít, tiêu để khoe giàu, để thể hiện “đẳng cấp”,..
Chỉ có những kẻ trọc phú mới làm vậy hay những người không biết quý đồng tiền hay kiếm được tiền quá dễ và có thể bằng cách bất hợp pháp. Đấy là một biểu hiện của sự xuống cấp hay sự đảo lộn thang giá trị và hệ thống đạo đức. Không nên khuyến khích hiện tượng này và nên lên án về mặt đạo đức.
Chiếc xe rước dâu sang trọng trong đám cưới siêu khủng
gây chấn động phố núi Hương Sơn, Hà Tĩnh ngày 29/2 vừa qua.
PV: - Có ý kiến cho rằng: cách thể hiện như thế là tâm lý nôn nóng khoe khoang gấp gáp chứng tỏ mình là người sang trọng, vương giả của lớp trọc phú mới nổi ở Việt Nam. TS nghĩ sao về điều này?
TS Nguyễn Quang A: - Thật đáng thương cho những người đó. Việc làm như thế chỉ chứng tỏ điều ngược lại, chứ tuyệt nhiên không biến họ thành “sang trọng” hay “có đẳng cấp”.
Dấu ấn của sự trả thù quá khứ nghèo đói!
PV: - Sự khoe khoang lố lăng, kệch cỡm, lối hành xử ấy xuất phát từ đâu? Từ một phông văn hóa thấp hay niềm tự hào, kiêu hãnh tự cho mình có quyền cao hơn người khác thì sẽ được ứng xử như vậy? Hay đó là sự "trả thù" của một quá khứ nghèo khổ, khó khăn, thưa ông?
TS Nguyễn Quang A: - Phông văn hóa thấp, sự kênh kiệu và có thể cũng là dấu ấn của sự “trả thù” quá khứ nghèo đói.
Phông văn hóa kém ở một tâm lý nhược tiểu, từ chỗ là một người yếu đuối, tự ti, kém cỏi tự nhiên kiếm được một đống tiền thì người ta mới hãnh diện như vậy. Nó chứng tỏ một tiềm thức, dấu ấn của một quá khứ nhược tiểu yếu đuối.
PV: - Qua những hiện tượng như vậy, ông có nghĩ rằng cái danh "đại gia" - sự giàu có ở đây vẫn hàm chứa một cái gì đó của sự nghèo nàn: Người nghèo về chữ Biết, kẻ nghèo về chữ đức, chữ Nhân?
TS Nguyễn Quang A: - Bị tràn ngập trong đống tiền (không rõ mức sạch bẩn ra sao), nhưng hết sức nghèo nàn và nông cạn về các mặt khác. Cuộc sống có hàng trăm mặt, có được mặt tiền bạc thì họ nghĩ rằng đấy là mặt bao trùm hết, họ tưởng như vậy là hay nhưng điều đó càng chứng tỏ rằng họ không có một sự hiểu biết nào chứ không chỉ riêng phông văn hóa, hay chữ Đức, chữ Nhân.
PV: - Với những hành động sắm nhà bạc tỷ, mua chó triệu đô, mượn máy bay rước dâu ngông nghênh của một số đại gia hiện nay, ông có cho rằng đó là cả một bài toán kinh doanh? Là một chuyên gia kinh tế, xin ông một lời giải đáp?
TS Nguyễn Quang A: - Sự hợm hĩnh kệch cỡm hơn là bất cứ bài toán kinh doanh nào. Không ai phải đổ mồ hôi công sức ra để kiếm được đồng tiền lại làm như vậy.
Không thể thờ ơ với những chuyện như vậy!
PV: - Thưa ông, tại sao thời nay lại xuất hiện ngày càng nhiều những hiện tượng như vậy? Và nó nói lên điều gì trong xã hội chúng ta hiện nay?
TS Nguyễn Quang A: - Một sự đảo lộn các thang giá trị, đáng lo ngại.
PV: - Ông có cho rằng chúng ta đang bị lệch pha giữa kinh tế và văn hóa không? Làm thế nào để xử lý độ lệch này, thưa ông?
TS Nguyễn Quang A: - Kinh tế của chúng ta chưa đâu vào đâu nhưng chúng ta đã để cho tất cả những mặt xấu có cơ hội nảy nở. Toàn bộ xã hội phải vào cuộc. Không thể thờ ơ với những chuyện như vậy.
Báo chí có vai trò lớn. Đáng tiếc, do chạy theo quảng cáo, muốn tăng người xem và người đọc, đôi khi báo chí lại góp phần đắc lực gây ra hiện tượng này với cách đưa tin, giật tít, câu khách rẻ tiền của mình.
Báo chí có tác động lan tỏa (cả tốt và xấu) rất lớn.
Phải đấu tranh với những việc hủy hoại đạo đức như vậy của cả báo chí nữa.
- Xin cảm ơn ông!
Huyền Biển (Thực hiện)