Nguyễn Văn Hoàng - Tôi xin hỏi quý vị: đường (lộ) làm ra để làm gì???
Nhiều quý vị sẽ bực mình rằng hỏi câu con nít. Từ bé đến lớn, chẳng cần học hành người ta cũng biết đường (lộ) làm ra là để phục vụ nhu cầu dân sinh; để người và phương tiện lưu thông chứ không phải ùn ứ; là cầu nối giữa các vùng miền giúp nâng cao dân trí; để thay đổi, chỉnh trang bộ mặt đô thị; để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; để thúc đẩy xã hội phát triển; để hãnh diện ngẩng mặt, tự hào với bạn bè trong và ngoài khu vực…
Nhưng, có một “mục đích” mà tôi tin nhiều “học thật” cũng chả nhìn ra chứ chưa nói gì đến“học giả”. Đó là đường (lộ) làm ra để… hỏng!
Thật vậy. Chẳng khó khăn gì khi các vị lên Google, chỉ cần gõ vào đấy cụm từ “đường chưa đưa vào sử dụng” hoặc “đường mới đưa vào sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng”, tôi tin rằng quý vị sẽ khó tin vào mắt.
Nào là mới đưa vào sử dụng chưa đầy 2 năm, đường dẫn cầu Phú Mỹ với tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng đã hư hại nghiêm trọng. Hàng loạt vị trí mặt đường bị bong tróc tạo thành các ổ gà, ổ voi ngổn ngang đất đá, gây cản trở và tai nạn cho người tham gia giao thông; Nào là dự án đại lộ Đông - Tây tổng số vốn đầu tư trên 600 triệu usd mới đưa vào sử dụng đã hư hỏng nặng. Lún, nứt, xét toạc tạo thành rãnh, ngập nước cục bộ; Đại lộ Võ Văn Kiệt - công trình giao thông trọng điểm của TPHCM với kinh phí gần 10 nghìn tỷ đồng chưa kịp hoàn thành thì nhiều hạng mục công trình đã hư hỏng, xuống cấp; Đường cao tốc TPHCM - Trung Lương hơn 17 nghìn tỷ được đưa vào khai thác tạm từ 2010 đã bị lún, có nơi sâu 32 cm. Những vết lún sâu xuống mặt đường tạo thành những rãnh gợn sóng kéo dài hàng trăm mét. Có đoạn xuất hiện hố và những vết rạn nứt kéo dài; Đường tránh TP Đồng Hới (Quảng Bình) mới sử dụng hơn một năm nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Mặt đường xuất hiện nhiều vết nứt, ổ gà, ổ voi, mặt cầu tróc lộ cả tấm thép bên dưới; Tuyến QL 1A tránh TP. Huế đưa vào sử dụng từ năm 2004 đến năm 2007 đã hỏng; Đường Nha Trang - Đà Lạt (đường 723) giai đoạn 2… Rồi cả đường dàng riêng cho xe buýt mới sử dụng 3 năm đã xuống cấp, trở thành nỗi khiếp đảm của hành khách và tài xế với 8 hố ga sụt lún trên 100m đường!?
Nói theo cách “tư duy nhiệm kỳ”, ở Việt Nam, rất nhiều con đường tuổi thọ chưa đầy… khóa!
Tại sao đường hỏng?
Người ta viện dẫn vô vàn lý do gây nên đường hỏng: mật độ xe lưu thông, xe chở quá tải, do thiết kế, giám sát, thi công trên nền đất yếu, đầm lu không đảm bảo, chất lượng bê tông nhựa nóng chưa đạt tiêu chuẩn… Thời tiết bị coi thủ phạm là lẽ đương nhiên nhưng có những lý do người phàm không thể hiểu nổi như “dòng sông cổ”, “quan trắc” rồi cả hiện tượng “bán nhật triều”!?
Tôi thì tôi vẫn nghĩ nguyên nhân chính là do “lãng phí, thất thoát”!
Theo ông Ngô Văn Điểm (Ban Nghiên cứu TT Chính phủ): “Khi nhận thầu, đơn vị phải chi cho bên trúng thầu (hoa hồng chuyển nhượng) 1,5% giá trị công trình, chi cho bộ máy của cấp trên 3 - 5% (được gọi một cách văn vẻ là "đạo lý phí") tổng trị giá, chi cho các bên giám sát, chủ đầu tư, nghiệm thu... khoảng 10 - 15% tổng trị giá... Cuối cùng số tiền đơn vị thi công thực có khi chỉ còn lại khoảng 35 - 45% tổng chi phí mà Nhà nước duyệt”.
Quả thực, không khó khăn để biết chất lượng công trình sẽ như thế nào?
Một số đại biểu Quốc hội khóa XI thực sự để lại ấn tượng khi quyết liệt yêu cầu mổ xẻ, minh bạch vấn nạn này. Nhưng cho đến nay, đội ngũ đông đảo, hùng hậu các Giáo sư, Tiến sĩ với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật vẫn chưa thể đưa ra chính xác thống kê thiệt hại do lãng phí, thất thoát!?
% thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản là tương đối… dễ. Là người Việt Nam ai chẳng một lần trong đời phải xây nhà. Không khó để nhận ra con số rơi vãi thực.
Vậy sao Nhà nước cứ giấu giếm mãi mà không huỵch toẹt thẳng ra?
Vì khi đó, người dân sẽ hỏi nhau rằng: có ai ngu đến mức mửa mật ra để kiếm tiền rồi đưa thằng khác “phá” không?
Các lỗ "chân voi", rãnh lún xuất hiện ngày càng dày đặc trên đường cao tốc TP HCM - Trung Lương. Ảnh nguồn Vnexpress