Chiến Tranh Việt Nam nhìn dưới Chiến Tranh Lạnh - Dân Làm Báo

Chiến Tranh Việt Nam nhìn dưới Chiến Tranh Lạnh

Thái Phục Nhĩ (Danlambao)Quốc gia thống nhất dưới chủ nghĩa cộng sản, nhưng sự thống nhất mang tính cách áp đặt đó chưa làm cho dân tộc Việt Nam tiến tới chỗ hòa giải hoàn toàn, và tuyệt nhiên sự thống nhất dưới một chính thể độc đảng đã đưa tới một chế độ độc tài, thiếu tôn trọng nhân quyền và xâm phạm tự do của công dân. Sự độc lập mà những người giải phóng cộng sản dùng để chiêu tập quốc dân chiến đấu cho họ đến nay lại bị nghi vấn, khi từ sau sụp đổ của chế độ cộng sản ở LBS và Đông Âu chính trường Việt Nam nay vẫn bị anh cả của chế độ cộng sản là Trung Quốc chi phối. Thống nhất mà không có quyền tự quyết về số phận của dân tộc, và không có tự do cho người dân thì, sự thống nhất ấy chỉ là một kiểu thực địa kiểu một nhóm người áp đặt lên toàn dân tộc mà thôi...

*

Lời ngỏ

Muốn đánh giá một sự kiện thì không thể không đặt sự kiện đó vào một bối cảnh lịch sử của nó. Chúng tôi đặt hai cuộc chiến tranh Việt Nam sau Thế Chiến II, nhất là cuộc chiến có người Mĩ hậu thuẫn chế độ Sài Gòn, vào trong bối cảnh Chiến Tranh Lạnh để độc giả biết thêm về căn nguyên, diễn tiến, và hậu quả của nó. Đa số tài liệu chúng tôi dùng trong này đều của các sử gia phương Tây, nên độc giả cũng có thể biết thêm cách người phương Tây nhìn về Việt Nam chúng ta qua giai đoạn lịch sử đầy xáo trộn và tan thương đó. 

Sách giáo khoa của nhà nước cộng sản gọi hai cuộc chiến trên Việt Nam sau Thế Chiến II là hai cuộc đấu tranh chống ngoại xâm để giành lại độc lập. Những người làm sách đó chỉ rút lịch sử Việt Nam trong giai đoạn 1945-75 xuống còn cuộc đấu tranh nhất thống quốc gia dưới một chế độ của người cộng sản. Khi một dân tộc bị chia hai vì ý thức hệ, một bên được một thế lực riêng hậu thuẫn, bằng võ khí, phương tiện, hay là bằng tài chính và binh lực, thì có thể gọi những thế lực hậu thuẫn đó là xâm lược hay không? Và thống nhất quốc gia có phải là quốc dân có quyền tự quyết về vận mạng dân tộc và được hưởng tự do hơn không? Có thể những người cộng sản muốn dân tộc Việt Nam hết thảy đều theo cộng sản, nên nhìn cuộc chiến tranh theo lí tưởng đó của họ. Nhưng cái nhìn phiến diện nào cũng có chỗ thiếu sót, và đã phiến diện thì khó soi thấu sự thật. Lịch sử dù khắc nghiệt đến đâu cũng cần ghi chép lại một cách trung thực, để người sau có thể đọc và học được ở nó. Danh từ cần gọi đúng tên sự thật, nếu danh từ chỉ để tránh sự thật thì sách giáo khoa về lịch sử cũng chỉ là hàng mớ dối trá. Chúng ta không thể dạy mãi con cháu chúng ta những điều dối trá như vậy mà mong dân tộc có ngày cường thịnh. 

Bài viết này quá sơ lược, chúng tôi mong ở độc giả sự thông cảm, và lượng thứ nữa, vì chúng tôi không có điều kiện tham khảo nhiều tài liệu gốc. 


Một nước nhược tiểu trong cái vòng xoáy

Thế Chiến II kết thúc chưa lâu thì thế giới bị cuốn vào một vòng xoáy mới: Chiến Tranh Lạnh. Trật tự thế giới thay đổi, những đế quốc thuộc địa châu Âu tan rã, nhường vị thế bá quyền cho Mĩ và Liên bang Soviet (LBS). Hai cường quốc mới này lại bất đồng ý thức hệ; trong chiến tranh họ chịu bỏ một bên mọi khác biệt để chống lại Adolf Hitler và phe Trục, nhưng hết chiến tranh lại trở mặt nhau. Người Mĩ coi LBS khổng lồ là một mối thách thức đối những giá trị dân chủ của Mĩ. Còn phe cộng sản đòi thay đổi thế giới, tìm cách phá đổ những giá trị và tôn giáo truyền thống để đưa công nhân lên lãnh đạo. Ngay khi chiến tranh chưa kết thúc Anh, Mĩ, và LBS đã thỏa hiệp với nhau một số điều khoản ăn chia thế giới thời hậu chiến. Stalin giải phóng Đông Âu khỏi Đức Quốc Xã xong, chỉ trong vòng hai ba năm đã dựng lên chính phủ cộng sản chư hầu tại đây. Anh và Mĩ sợ chủ nghĩa cộng sản tràn qua các nước dân chủ ở Tây Âu, tìm cách ngăn chặn. Giới làm chính sách ở Mĩ ngại tình hình kinh tế những nước đồng minh Tây Âu suy tàn, sẽ làm mồi cho chính trị bất ổn mà châu Âu trở thành đất nuôi cộng sản. Năm 1947 – 48, Mĩ dùng Chương Trình Phục Hồi Châu Âu viện trợ cho Tây Âu tái thiết và đưa Tây Âu về phía mình. Đáp lại chính sách viện trợ kinh tế này mà Stalin cho là Mĩ dùng để mua chuộc các nước Tây Âu, năm 1949, LBS thành lập Hội Tương Trợ Kinh Tế với các nước Đông Âu. COMECON thất bại vì LBS không đủ mạnh để viện trợ cho Đông Âu. Kinh tế không thành, Stalin càng dùng chính trị và quân sự siết chặt các nước Đông Âu hơn nữa.

Cuộc cạnh tranh về chính trị, võ bị, công nghệ và kinh tế vô tiền trong lịch sử nhân loại này giữa hai khối tư bản và cộng sản tạo thành một vòng xoáy cuốn cả thế giới vào một cuộc tranh chấp mới. Nhiều nước nhược tiểu vừa thoát khỏi chiến tranh, thoát khỏi ách thuộc địa lại rơi vào thế phải chọn một trong hai khối quyền lực đang chi phối đời sống chính trị thế giới. “Bức màn sắt” trở thành sự chia cắt giữa hai thế lực tư bản và cộng sản, không những ở Đức, ở châu Âu, ở Địa Trung Hải (1947), mà còn lan san cả những vùng khác trên thế giới. Những nước nhược tiểu vừa mới thoát khỏi ách thuộc địa như Triều Tiên và Việt Nam không may trở thành con tốt thí trên bàn cờ tranh chấp.

Chiến tranh kháng Pháp

Tháng Tám 1945 Nhật đầu hàng Đồng Minh. Đảng Cộng Sản Đông Dương do Hồ Chí Minh thành lập cầm đầu một liên minh quốc gia gồm nhiều đảng là Mặt Trận Việt Minh nhân thời cơ Nhật đang rút đi giành được chính quyền ở Bắc và Trung Việt. Chính phủ này lấy tên là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và có thái độ thân với Đồng Minh và đặc biệt với người Mĩ. Mĩ cũng thấy cần để cho Việt Nam độc lập và thoát khỏi chế độ thuộc địa, không muốn Pháp quay trở lại Đông Dương. Nhưng khi Hồ Chí Minh viết thư đề nghị Mĩ công nhận nền độc lập của Việt Nam, thì chính quyền Mĩ của Harry Truman lại làm ngơ, vì “Hồ Chí Minh có liên hệ trực tiếp với Cộng Sản”, Mĩ không muốn để cho Việt Nam vừa ra khỏi thuộc địa lại trao cho một “tổ chức chính trị có gốc gác từ Kremlin và bị Kremlin chi phối”. (1) Pháp quay trở lại Đông Dương, đàm phán giữa Pháp và chỉnh phủ của Hồ Chí Minh bất thành, cuối năm 1946, chiến sự nổ ra. Pháp trấn giữ đồng bằng và thành phố, Việt Minh rút lên vùng núi. 

Trong vòng ba năm Việt Minh tạo được chiến tranh nhân dân, mục tiêu là giải phóng quốc gia khỏi thực dân. Ban đầu, Mĩ và LBS không thấy có lợi ích chiến lược gì tại bán đảo Đông Dương, không thèm lưu tâm tới cuộc chiến này. Truman không thích gốc gác cộng sản của Hồ Chí Minh, nhưng cũng không muốn theo Pháp mà lún quá sâu vào Đông Dương. Stalin đang truyền bá chủ nghĩa cộng sản ở châu Âu, cũng không mặn mà với Hồ Chí Minh khi Hồ yêu cầu Moscow thừa nhận Việt Minh đại diện cho quyền lợi hợp pháp của người Việt.

Điện tín của Hồ Chí Minh kêu gọi Mĩ ủng hộ phong trào độc lập. 
In trong Allan M.Winkle; 2000 p.111

Cuộc đấu tranh chống thực dân này bắt đầu cuốn vào chiến tranh lạnh khi phe cộng sản lên nắm quyền ở Trung Hoa. Mao Trạch Đông đuổi được Tưởng Giới Thạch ra Đài Loan rồi, thành lập nước Trung Quốc cộng sản, không muốn giáp ranh với một Việt Nam chống cộng. Đầu năm 1950, Bắc Kinh bắt đầu yểm trợ quân sự cho Việt Minh. Truman sợ Đông Dương bị cộng sản nhuộm đỏ, quyết định giúp đỡ tài chính và kĩ thuật cho Pháp. Nhưng sau thế chiến Pháp đã kiệt quệ, ngổn ngang chuyện quốc gia, dân Pháp không muốn sa lầy thêm vào những chiến trường thuộc địa. Pháp thua nhiều trận, tại Điện Biên Phủ mùa xuân 1954, Pháp đại bại, đành phải dàn xếp hòa ước với Việt Minh. Hội Nghị Geneva tổ chức năm 1954, có mặt đầy đủ Việt Minh, Pháp, Mĩ, LBS, và Trung Quốc. Mĩ không can dự quá sâu vào tình trạng Đông Dương tại Hội Nghị này. Kremlin và Bắc Kinh thì đòi phải có giải pháp cho Đông Dương, chỉ thị cho Hà Nội tạm thời chấp nhận chia đôi Việt Nam tại vĩ tuyến 17. Vùng DMZ lập nên tại vĩ tuyến này. Việt Nam tạm thời chia thành hai quốc gia đối địch, Miền Bắc thuộc kiềm kiểm soát của chính phủ cộng sản và được Trung Quốc và LBS chống đỡ, miền Nam thành lập một chính phủ thân phương Tây, được Mĩ yểm trợ. Cả hai phía rục rịch dồn sức xây dựng cỗ máy chiến tranh đối đầu với nhau.

Chính sách khiên chế của Mĩ

Hồi đầu chiến tranh lạnh, tức sau thế chiến cho tới khi nhà nước cộng sản Trung Quốc thành lập, Mĩ và LBS chỉ tranh chấp nhau ở châu Âu. Stalin và Truman đều không muốn lún sâu vào những tranh chấp ở châu Á, nhất là cuộc nội chiến ở Trung Hoa đại lục giữa phe cộng sản của Mao Trạch Đông và quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch. Mĩ chỉ muốn điều đình cho Mao và Tưởng thỏa hiệp với nhau, mà Stalin thì không tin Mao có thể thắng được Tưởng, lại vì quyền lợi chiến lược của LBS sẵn sàng kí hiệp ước với Tưởng. Khi nội chiến Trung Hoa đến hồi kết, chính quyền của Tưởng tỏ ra yếu kém, có thể sụp bất cứ lúc nào, thì Điện Kremlin và Tòa Bạch Ốc đều không muốn để mất chỗ trống do Tưởng tạo ra tại Trung Hoa. Tưởng thua, cùng đồng đảng rút qua Đài Loan. Mao thống nhất toàn Trung Hoa dưới trướng cộng sản. Chủ nghĩa cộng sản đã chiếm trọn một nước rộng lớn hàng nhất nhì thế giới, thì Mĩ không thể làm ngơ thêm nữa. Năm 1950, công luận Mĩ rung chuông báo động về đại họa cộng sản mà họ coi là một thứ bệnh dịch lây lan khắp hoàn cầu. Quốc hội Mĩ đòi chính quyền Truman thay đổi chính sách đối ngoại để giữ vị thế và quyền lợi của Mĩ tại châu Á. Kết quả của đòi hỏi này là chính sách an ninh quốc gia NSC-68, Mĩ tuyên bố sẽ dùng mọi biện pháp để chặn cộng sản bành trướng tại châu Á, gọi là chính sách khiên chế. Trung Hoa đã rơi vào tay cộng sản, người Mĩ lo rằng nếu để Triều Tiên và Việt Nam cho cộng sản làm chủ, thì sẽ tạo ra hiệu ứng domino, những nước vừa thoát khỏi thuộc địa khác cũng lọt vào tay cộng sản nốt. Sự cạnh tranh về ý thức hệ giữa Mĩ, LBS, và Trung Quốc, cộng với phong trào đòi độc lập tại chính hai nước nhỏ này, dẫn tới hai cuộc chiến tranh mà kết cục không giống nhau. 

Chiến tranh Triều Tiên, Trung-Mĩ đối đầu

Hai tháng sau khi NSC-68 phê chuẩn, Mĩ liền bị kéo vào một cuộc tranh chấp quốc tế trên bán đảo Triều Tiên. Triều Tiên từ 1905 tới 1945 là vùng chiếm đóng của Nhật. Ngay khi Nhật đầu hàng tháng Tám 1945, Roosovelt và Stalin đã thỏa thuận chia đôi bán đảo Triều Tiên tại vĩ tuyến 38. Ý định ban đầu của Đồng Minh là tổng tuyển cử để lập chính phủ quốc gia cho bán đảo Triều Tiên. Về sau LBS và Mĩ ngày càng bất hòa, mỗi bên thành lập một chính phủ riêng trên hai vùng chiếm đóng. Bắc Triều Tiên được LBS tiếp sức, Nam Triều Tiên được Mĩ ủng hộ, bên nào cũng coi mình là đại diện hợp pháp của quốc dân, tìm cách thống nhất Triều Tiên theo ý mình. Căng thẳng gia tăng. Tháng Sáu 1950 bắc Hàn xua quân vượt đường phân cách trên vĩ tuyến 38 đánh Nam Hàn. Chính quyền Truman đưa hải quân và không quân yểm trợ Nam Hàn. Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc phê chuẩn một nghị quyết cho phép can thiệp quân sự tại Triều Tiên. Tháng Chín năm đó Lực lượng LHQ do tướng Mĩ Douglas MacArthur dẫn đầu đánh quân Bắc Hàn ra khỏi Nam Hàn và vượt vĩ tuyến 38 với ý định nhất thống Triều Tiên dưới một chính quyền phi cộng sản. Tháng Mười Một 1950, Trung Quốc nhảy vào tham chiến, đẩy liên quân về lại Nam Hàn. Cuộc chiến tiếp tục, bất phân thắng bại, cho tới khi thỏa hiệp ngừng bắn năm 1953 chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Đường ranh giới cũ tại vĩ tuyến 38 làm đường phân cách giữa hai quốc gia trên bán đảo này cho tới ngày nay. Người Mĩ cho rằng chính sách khiên chế cộng sản tại châu Á như vậy là thành công bước đầu. 

Cuộc chiến này biến quan hệ Mĩ-Trung thành thù địch. Trung Quốc tham chiến, làm cho Mĩ càng lo ngại thêm về mối đe dọa của cộng sản với thế giới dân chủ. Sau chiến tranh Triều Tiên, năm 1954, Mĩ và Đài Loan kí hiệp ước an ninh song phương, bảo đảm cho Mĩ can thiệp quân sự nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan. Trung Quốc yêu sách Mĩ rút khỏi hiệp ước đó để đổi lấy cải thiện quan hệ giữa hai bên, chính quyền Truman đáp lại bằng Hạm Đội VII, điều tới trấn eo Đài Loan để ngăn Trung Quốc. Đến cuối thập kỉ 50, Trung Quốc ngầm ủng hộ cỗ máy chiến tranh Bắc Việt, thì đàm phán ngoại giao Trung Mĩ hoàn toàn sụp đổ. Liên tiếp hơn hai chục năm, Mĩ không công nhận chính phủ cộng sản của Trung Quốc lục địa. 

Chiến tranh Việt Nam

Chính sách khiên chế của Mĩ thành công tại Triều Tiên, nhưng sang Việt Nam lại thất bại thảm hại. Hiệp định Geneva 1954 định trong vòng hai năm từ ngày kí kết, Việt Nam sẽ tổng tuyển cử lập ra chính phủ liên minh. Tuyển cử không bao giờ có. Sau hiệp định, Pháp rút hẳn khỏi Đông Dương; Lào và Cambodia độc lập dưới chính quyền trung lập. Xung đột giữa Bắc Việt và Nam Việt ngày càng tăng, Việt Nam bắt đầu trở thành một chiến trường trong cuộc đối đầu ý thức hệ giữa phương Tây và Chủ Nghĩa Cộng Sản. Năm 1959, Hồ Chí Minh tin rằng không có giải pháp hòa bình nào để thống nhất Việt Nam, bèn viện tới chiến tranh cách mạng để giải phóng Nam Việt. Cùng năm đó, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam thành lập để tuyên truyền cho cộng sản Bắc Việt. Những người cộng sản ở Việt Nam giương cao lá cờ độc lập dân tộc để chiến đấu. Hồ Chí Minh coi Mĩ đặt chân vào Việt Nam cũng chỉ là để thay Nhật và Pháp để biến Việt Nam thành thuộc địa mà thôi. 

Mĩ tìm cách chặn đứng cộng sản chiếm trọn Việt Nam, như đã làm ở Triều Tiên. Trong chiến tranh Việt-Pháp trước 1954, người Mĩ chỉ viện trợ tài chính cho Pháp để đổi lại Pháp hợp tác với Mĩ chặn cộng sản ở Tây Âu. Sau khi Pháp rút, Mĩ ra mặt ủng hộ chính phủ Nam Việt chống lại phe cộng sản Bắc Việt.

Nam Việt kiến thiết và chiến tranh dưới chế độ Ngô Đình Diệm

Việc làm đầu tiên của Mĩ là xây dựng một chính quyền cổ súy tự do và có lập trường chống cộng. Hoàng Đế Bảo Đại làm quốc trưởng từ thời Pháp còn chiếm Việt Nam, lúc đó vẫn còn tại vị, nhưng không có thực quyền. Ngô Đình Diệm là cựu triều thần của nhà Nguyễn và có tư tưởng bài cộng sản quyết liệt. Họ Ngô lúc lưu vong ở Mĩ thuyết rất hùng hồn về một quốc gia Việt Nam phi cộng sản và tự do, lọt vào mắt Mĩ, và được Mĩ sắp xếp cho về nước lãnh đạo chính phủ Sài Gòn. Ngô Đình Diệm cứng nhắc và độc tài, không chấp nhận đối lập, người Mĩ biết con người chống cộng của Diệm không có cái sức mê hoặc được quần chúng như Hồ Chí Minh, nhưng vẫn ủng hộ Diệm. Năm 1955, Nam Việt tổng tuyển cử, họ Ngô thắng Bảo Đại, làm Tổng thống của nền Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam. 

Mĩ kiến thiết Nam Việt để nó sẽ thành một quốc gia tự do kiểu mẫu ở châu Á. Liên tiếp hai đời tổng thống Mĩ là Einsenhower Kennedy đều dùng nhiều chính sách viện trợ tài chính và quân sự cho Nam Việt Nam. Nhưng chính quyền của Ngô Đình Diệm là một chính phủ tham nhũng và không lấy được lòng dân. Trong khi đó, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam lại tuyên truyền rất hiệu quả cho chế độ ở Bắc Việt, và lính Việt Cộng lại phát huy được lối đánh du kích trong quần chúng. 

Chính quyền Kennedy nới rộng viện trợ tài chính và viện binh cho Nam Việt ngày càng nhiều, tới năm 1963 là 25,000 người, hơn một phần ba số đó là cố vấn (2). Nhưng cuộc chiến vẫn chưa ngả ngũ. Chính trường miền Nam ngày một rối ren; họ Ngô mất ủng hộ của quần chúng, vì độc tài và đàn áp đối lập, đàn áp Phật giáo. Giới Phật tử phản kháng bằng nhiều hình thức và quyết liệt, cao điểm của phong trào phảng kháng đó là việc Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại trung tâm Sài Gòn. Bức ảnh chụp một vị sư ngồi trong biển lửa hôm sau loan truyền trên khắp báo chí thế giới, giáng một đòn mạnh vào chính quyền Ngô Đình Diệm.

Hoà thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo. In trong Allan M.Winkle, 2000 p.119

Chính quyền Kennedy biết là Nam Việt Nam đang gặp vấn đề. Tháng Mười Một năm 1963, một nhóm tướng lĩnh do Dương Văn Minh Kì lãnh đạo làm đảo chánh, Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu bị thảm sát. 

Chiến tranh leo thang

Năm 1963, sau cuộc khủng hoảng tên lửa tại Cuba 1962 đưa thế giới tới bờ vực của chiến tranh hạt nhân, căng thẳng giữa Mĩ và LBS giảm bớt. Nhưng Mĩ bắt đầu bị cuốn sâu vào chiến tranh Việt Nam. Chính quyền quân nhân mới ở Nam Việt cũng tỏ ra kém cỏi, làn sóng Việt Cộng tràn vào Nam Việt ngày càng lớn. Ở Mĩ, tổng thống Kennedy bị ám sát. Phó tổng thống Lyndon Johnson lên thay. Johnson cương quyết bằng mọi giá phải thắng cộng sản ở Việt Nam.

Chính quyền Johnson duyệt y Nghị Quyết Vịnh Tonkin, đưa chiến tranh Việt Nam leo thang. Theo sau nghị quyết này là chiến dịch trút bom xuống Bắc Việt của Mĩ, và Mĩ chính thức đưa lính sang Việt Nam yểm trợ cho chính quyền Sài Gòn ngăn phe cộng sản thống nhất Việt Nam.

Ở Bắc, không kể viện trợ chính từ LBS, Hà Nội lúc này còn được Bắc Kinh công khai ủng hộ. Mao Trạch Đông rất hài lòng có một đồng minh theo đúng những chính sách của mình, từ cải cách ruộng đất tới cách mạng văn hóa. Ban đầu, Bắc Kinh còn ngại ủng hộ Việt Nam sẽ trực tiếp đối đầu với Mĩ, mà cũng ngại nếu để Bắc Việt mạnh lên sẽ mất hết ảnh hưởng tại Đông Dương. Ban đầu Trung Quốc còn do dự, nhưng bắt từ 1964 trở đi, khi chiến tranh bắt đầu leo thang, và khi Trung Quốc tự cho mình chứ không phải LBS mới thật là ân nhân những nước bị áp bức, thì Trung Quốc ra mặt ủng hộ Bắc Việt. 

Trong loại chiến tranh, không hễ có vũ khí tối tân, có quân lực hùng hậu là thắng. Trong thập kỉ 60, người Mĩ đưa sang hơn nửa triệu lính mà không sao quét sạch được cộng sản ra khỏi Nam Việt#. Đội quân Việt Cộng gồm những người bản xứ quen với thổ nhưỡng, lại dùng chiến thuật du kích, phòng những lúc không ngờ mà tấn công. Dân quê Nam Việt Nam oán ghét sẵn chính phủ thối nát miền Nam, sẵn sàng giúp đỡ Việt Cộng nằm vùng. 

Chiến sự liên miên chỉ làm cho hai bên tổn hao binh lực, mà đất Việt lại bị tàn phá. Bắc Việt không đủ sức lật đổ chế độ Sài Gòn, mà người Mĩ mặc dù cho bom tàn phá Bắc Việt lại không muốn mang chiến tranh ra thẳng Bắc Việt vì ngại sẽ xung đột thêm với phe cộng sản mà đưa thế giới tới chỗ hủy diệt. 

Mậu Thân kinh hoàng. Bất phân thắng bại

Thế cân bằng đó kéo dài tới mãi năm 1968 là năm khủng khiếp nhất của cuộc chiến. Thương vong hai bên đã nhiều, mà vẫn chưa bên nào giành được thế thượng phong. Bắc Việt tổ chức một đợt tổng tấn công làm rúng động Nam Việt. Cuộc tấn công này người cộng sản coi là một cuộc tổng tấn công đầy mưu lược thành công, nhưng phe miền Nam coi là một cuộc khủng bố, và đã trả đũa bằng những chiến dịch phản công ác liệt. Cộng sản bị hao tổn binh lực trầm trọng, không thể một sớm một chiều khôi phục ngay được. Chế độ Sài Gòn cũng rã rời và gặp phải những khó khăn mới vì người Mĩ bắt đầu chia rẽ về viện trợ của họ cho chế độ Sài Gòn. 

Trong loại chiến tranh mà người cộng sản gọi là chiến tranh nhân dân này, Việt Cộng có thể giả dạng như thường dân, ở với thường dân, lúc cần thiết và có cơ hội họ có thể trở tay bắn giết như trên chiến trường. Người Mĩ không quen với kiểu chiến tranh khủng bố đó, cảm thấy đánh nhau mà bị trói một tay. Họ không phân biệt được Việt Cộng với thường dân, và khi thấy chiến thuật của họ bị phá vỡ, thấy đồng đội họ bị giết, khi làng xóm và thành phố bỗng dưng trở thành chiến trường trong tay người cộng sản, thì tinh thần họ hoảng loạn. Sự hoảng loạn và sợ hãi ở những người cầm võ khí trong tay và đã lờn mắt trước cảnh máu đổ có thể đưa tới những hành động man rợ của kẻ mang máu lạnh. Những vụ tàn sát vô cớ, ghê rợn nhất là vụ Mĩ Lai, chính là hậu quả của kiểu chiến tranh khủng bố này.

Chiến sự liên miên và nhiều hình ảnh khủng khiếp khác trong năm đầy rẫy bạo động 1968 này làm Việt Nam nổi bật trên dư luận quốc tế. Những cảnh giết chóc ở Huế, bức ảnh hành quyết giữa Sài Gòn của Eddie Adams, và những tin tức truyền đi mỗi tối màn truyền hình của người Mĩ khiến họ thay đổi thái độ về cuộc chiến Việt Nam. Can thiệp quân sự không chứng tỏ được hiệu quả, người Mĩ và chính trường Mĩ thêm chia rẽ về Việt Nam. Phong trào phản chiến lên tới đỉnh cao. Sinh viên và giới trẻ ở Mĩ biểu tình rầm rộ ở các đại học đường. Ở Washington nhiều người Mĩ xuống đường đòi chính quyền rút quân khỏi Việt Nam. Cuộc chiến chống cộng sản bành trướng của họ đã gây quá nhiều chết chóc cho người Việt lẫn người Mĩ. Khi Johnson cho chiến tranh leo thang, thì phong trào phản chiến cũng lan sang châu Âu, vốn đã có nhiều bất mãn và giận dữ trong giới trẻ đối với các giá trị và trật tự đương thời tại phương Tây. Trước thế bất phân thắng bại và trước áp lực của công luận phản chiến, các bên can dự bắt đầu tính tới giải pháp hòa bình tại Paris.

Lyndon Johnson mặc dù đã mất nhiều tâm lực vào chiến tranh Việt Nam, vẫn không đưa nó tới một kết cục tốt đẹp có lợi cho sự nghiệp chính trị của ông. Cuộc chiến này làm hao tổn công sức của ông mà đáng lẽ ra ông đã có thể dành cho chương trình cải cách nước Mĩ. Trong khi dự án cải cách xã hội the Great Society là con đẻ mà Johnson ôm ấp còn chưa làm xong, nếu ông bỏ rơi nó mà chạy theo đứa con nuôi là Nam Việt thì ông sẽ mất hết. Nhưng nếu bỏ rơi đứa con nuôi cho cộng sản thì ông cũng không đành; thiên hạ sẽ chê ông là thằng hèn, mà nước Mĩ cũng mất thể diện#. Chịu nhiều áp lực như vậy, Johnson rút khỏi cuộc bầu cử tổng thống năm 68. Richard Nixon thuộc Đảng Cộng Hòa thắng bầu cử năm ấy và đưa chiến tranh Việt Nam tới một khúc rẽ khác.

Nixon và chấm dứt chiến tranh

Richard Nixon nhậm chức tổng thống, hứa với dân Mĩ sẽ đưa chiến tranh Việt Nam kết thúc đẹp đẽ cho người Mĩ. Giải pháp cho kết thúc đó là trút chiến tranh lại cho người Việt Nam giải quyết. Để phòng Bắc Việt chiếm Nam Việt khi Mĩ rút đi, Nixon tìm cách phá cỗ máy chiến tranh của Bắc Việt. Đầu tiên chính quyền Nixon rút lính Mĩ về nước và dự hòa đàm ở Paris để xoa dịu giới phản chiến. Chiến sự lắng được một thời gian ngủi, đầu năm 70 Nixon mở chiến dịch tấn công những cứ điểm trọng yếu của Bắc Việt ở Đông Dương, nhiều nhất là ở Cambodia. Biểu tình lại nổ ra, Nixon vẫn quyết theo đuổi mục tiêu kết thúc đẹp cho chiến tranh Việt Nam, nhưng không hoàn toàn vì lợi ích của Việt Nam cho bằng vì lợi ích của người Mĩ. 

Có nhiều yếu tố đưa tới chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Yếu tố quan trọng thứ nhất phải kể đến là đầu thập kỉ 70, chiến tranh lạnh bước vào giai đoạn hòa hoãn yên ổn nhất. Xung đột tay ba giữa Mĩ, LBS, và Trung Quốc trong CTL không phải lúc nào cũng có tính cách không khoan nhượng, nó có cái tiết điệu lên xuống, và chiến tranh Việt Nam cũng chịu chi phối của tiết điệu này. Lúc Nixon trúng cử ghế tổng thống năm 69, nước Mĩ bị phân tán vì chiến tranh Việt Nam, Nixon muốn thiết lập ổn định quốc nội và quốc ngoại bằng cách giảm bớt căng thẳng với LBS và TQ. Nhưng phải đợi hai năm rưỡi sau mới bắt đầu có nhiều đối thoại. Tháng Năm năm 72, Mĩ và LBS kí Hiệp Ước Tên Lửa Phòng Đạn (antiballistic Missile Treaty), hiệp ước này gọi tắt là SALT I. Hiệp ước này ràng buộc hai nước chỉ được phép xây dựng hai hệ thống tên lửa phòng đạn mà thôi, tạo sự quân bình về quân lực và hỏa lực để tránh một cuộc đối đầu hủy diệt toàn diện.

Chính quyền Nixon cũng đưa ra chính sách mới là cải thiện quan hệ với Trung Quốc, vì Trung Quốc bớt yểm trợ Bắc Việt thì gánh của Mĩ ở Nam Việt sẽ nhẹ đi. Các chính quyền Mĩ từ Harry Truman trở đi đều cô lập Trung Quốc. Nixon chống cộng vào hạng nhiệt liệt nhất là người đi tìm cách giải phá thế cô lập đó cho Trung Quốc. Cuối thập kỉ 60, LBS và Trung căng thẳng cực độ, LBS rút hết cố vấn về nước và còn dọa tấn công Trung Quốc. Nixon nhận thấy cơ hội chia rẽ hai cường quốc cộng sản, bí mật phái Henry Kissinger sang Bắc Kinh. Kissinger báo trước cho lãnh đạo Bắc Kinh là Mĩ sẽ rút khỏi vũng lầy Đông Dương. Bắc Kinh đáp lại thịnh tình của Nixon, mời Nixon sang thăm Trung Quốc, và năm 72, Nixon với Mao Trạch Đông gác mọi bất đồng về Đài Loan và Đông Dương sang một bên để bắt đầu một 'quan hệ chiến lược' mới.

Richard Nixon bắt tay Mao Trạch Đông ở Bắc Kinh năm 72 
AP image. Trích lại trong William J. Duiker and Jackson J. Spielvogel 2010, p.792

Năm 72, chiến tranh vẫn nổ ra ở Việt Nam. Nhưng năm đó chính trường Mĩ phân cực vì đến thời bầu cử tổng thống. Những nước lớn đang tìm cách hòa hoãn với nhau, thì không có lí do gì khiến họ phải làm căng tình hình Việt Nam. Lại thêm tình hình chính trị rộn ràng ở Mĩ vào thời điểm bầu cử, Mĩ và các cường quốc đối nghịch bắt đầu rút chân khỏi Việt Nam và thỏa hiệp lập ra kế hoạch hòa bình cho Việt Nam tại Paris năm 73.

Tháng Một 1973, Nam Việt và Bắc Việt cùng các bên tham chiến kí Hòa Ước Paris ngưng chiến tranh ở Việt Nam. Hiệp ước này đòi Bắc Việt ngưng chiến tranh để đáp lại Mĩ rút hết lực lượng ra khỏi Nam Việt; xung đột giữa hai chế độ ở Việt Nam sẽ giải quyết bằng thỏa hiệp. Thỏa hiệp bất thành, đầu năm 1975, chế độ cộng sản khai chiến và dễ dàng chiếm Nam Việt. 

Sự thất thủ của Miền Nam là quá rõ. Chế độ Sài Gòn, cũng như Tưởng Giới Thạch hồi trước, mặc dù được hậu thuẫn rất lớn của Mĩ, không có một nhân tố nào có thể đoàn kết quốc dân. Mĩ rút đi, chế độ Sài Gòn vừa mất chỗ dựa, lại vừa bị sốc như bị đồng minh phản bội. Bắc Việt ngược lại, kí hòa ước buộc Mĩ rút quân về nước là thắng lợi trên mặt trận ngoại giao của họ, tinh thần đang lên, lại được LBS viện trợ khí giới liên tục. Có một yếu tố không thể đánh giá thấp là ý chí của những người cộng sản và những người ủng hộ họ. Từ đầu đến cuối, chế độ cộng sản giương cao lí tưởng độc lập và thống nhất dân tộc để kêu gọi chiến tranh nhân dân, và chính người dân ở Nam Việt cũng ngầm ủng hộ họ vì tin rằng chế độ cộng sản nuôi cỗ máy chiến tranh một cách bền bĩ như vậy là vì lí tưởng độc lập và thống nhất quốc gia.

Kết

Việt Nam rơi trọn vào tay cộng sản, nhưng nhiều nước thuộc địa khác cũng độc lập dưới một chính thể đa đảng và có ít nhiều tự do hơn. Thuyết domino của người Mĩ hòa thành ức thuyết, mà sức mạnh của Mĩ nếu chỉ dựa trên võ lực thôi cũng tỏ ra điểm yếu của nó. Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến dai dẳng vào loại nhất lịch sử, không những làm xáo trộn tận xã hội nước Mĩ mà còn làm thay đổi tận gốc đời sống người Việt Nam. 

Những người cộng sản Việt Nam coi đó là cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, nhưng xét kĩ thì cuộc chiến đó cũng chỉ là một mặt trận trong cuộc đối đầu giữa hai khối tư bản và cộng sản trong chiến tranh lạnh. Bài học mà cuộc chiến để lại là, nếu lòng người dân không quy về một mối thì không thể dựa vào ngoại bang hoàn toàn mà có thể thành công. Khi dân tộc bị chia rẽ thì những người có hùng tâm lãnh đạo quốc gia phải sáng suốt lắm để khỏi bị ngoại bang chi phối và càng không thể để cho sự xung đột ý thức hệ dẫn dân tộc vào chỗ khói lửa triền miên. Cuộc chiến nào cũng tệ, cuộc chiến dân tộc tương tàn là ngu xuẩn nhất.

Quốc gia thống nhất dưới chủ nghĩa cộng sản, nhưng sự thống nhất mang tính cách áp đặt đó chưa làm cho dân tộc Việt Nam tiến tới chỗ hòa giải hoàn toàn, và tuyệt nhiên sự thống nhất dưới một chính thể độc đảng đã đưa tới một chế độ độc tài, thiếu tôn trọng nhân quyền và xâm phạm tự do của công dân. Sự độc lập mà những người giải phóng cộng sản dùng để chiêu tập quốc dân chiến đấu cho họ đến nay lại bị nghi vấn, khi từ sau sụp đổ của chế độ cộng sản ở LBS và Đông Âu chính trường Việt Nam nay vẫn bị anh cả của chế độ cộng sản là Trung Quốc chi phối. Thống nhất mà không có quyền tự quyết về số phận của dân tộc, và không có tự do cho người dân thì, sự thống nhất ấy chỉ là một kiểu thực địa kiểu một nhóm người áp đặt lên toàn dân tộc mà thôi. Chừng nào người cộng sản chịu trả lại quyền tự quyết cho dân tộc Việt Nam, trả lại cho mỗi người dân cái quyền tự do để xây dựng quốc gia thịnh vượng? Chí có sự tự do và thịnh vượng ấy, cuộc sống của dân Việt thôi lầm than và lạc hậu như bây giờ, thì mọi hi sinh cho lí tưởng thống nhất và độc lập của bao nhiêu người trong chiến tranh mới hóa ra có giá trị.

Những ngày nóng bỏng cuối tháng Tư 2012



____________________________________________

Sách tham khảo:

(1) Jackson J. Spielvogel. Western Civilization. New York: Thomson Wadsworth, 2009

(2) Allan M.Winkle. The Cold War A History in Documents. New York: Oxford University Press, Inc., 2000

(3) William J. Duiker and Jackson J. Spielvogel. World History, Seventh Edition. (Massachusettes: Wadsworth, 2010)

(4) William J. Duiker. Twentieth Century World History, 3rd Ed. CA: Wadsworth, 2005


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo