Trong khi chưa điều tra làm rõ nguồn gốc hai hòn đá và giá trị thực như thế nào nhưng cả 2 cấp chính quyền đã vào cuộc để cưỡng chế thu hồi, khiến cho dư luận rất bức xúc.
Sau khi thu hồi bất thành hai viên đá của gia đình ông Lê Hùng Dũng ở thôn Ia Sa, xã H’bông, huyện Chư Sê, Gia lai, UBND huyện Chư sê đã giao cho chính quyền xã H’bông giám sát hai hòn đá nhằm không để gia đình ông Dũng tẩu tán.
Một trong hai hòn đá của ông Dũng bị cưỡng chế thu hồi
Ngày 3-4, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hồng Linh, Chủ tịch UBND huyện Chư Sê cho biết: “Mặc dù những viên đá được khai thác trong vườn đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là để cho người dân sản xuất trồng trọt chứ không phải để khai thác đá”.
“Sắp tới, huyện sẽ trực tiếp mời các hộ gia đình đang sở hữu lên để làm rõ nguồn gốc những viên đá khai thác từ đâu. Nếu là đá khai thác trong vườn thì dù có giá trị hay không có giá trị, cơ quan chức năng cũng đều có quyền thu” – Ông Linh nhấn mạnh.
Tuy nhiên vị lãnh đạo huyện cũng thừa nhận, việc thu hồi hai viên đá do ông Phó chủ tịch thường trực phụ trách như vừa qua là không hợp tình, hợp lý vì chưa làm rõ nguồn gốc mà đã tổ chức thu hồi.
Ông Nguyễn Văn Lãng - nguyên Phó chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TPHCM:
Lạm quyền và cố tình làm khó dễ người dân
Nói là đá quý, nhưng nó chỉ quý đối với những người có thú chơi đá cảnh, cây cảnh hoặc duy tâm một chút gọi là đá phong thủy, hoàn toàn không phải “quý” theo tiêu chuẩn của nhà nước hoặc theo định nghĩa khoáng sản.
Đối với trường hợp cưỡng chế 2 hòn đá ở Chư Sê, nếu đúng thật sự là đá quý thì phải có kết luận xét nghiệm của cơ quan chức năng và tiến hành theo đúng quy định pháp luật. Còn chính quyền địa phương chỉ nhìn bằng mắt thường rồi “phán” đây là tài sản quốc gia để thu hồi thì tôi nghĩ đây là lạm quyền và cố tình tìm cách làm khó dễ người dân.
Ông Phan Chánh Tâm - GĐ Công ty TNHH Thiên Vạn Sài Gòn:
Chỉ là đá cảnh bình thường
Với kinh nghiệm chơi đá cảnh hơn 30 năm, tôi nhận định 2 hòn đá mà chính quyền H.Chư Sê cưỡng chế của dân chỉ là đá cảnh bình thường, không phải đá quý hiếm có giá trị lớn hay tài sản quốc gia gì cả. Loại đá này được bán rất nhiều ở Bảo Lộc, Đắk Nông. Nó chỉ có giá trị đối với những người đam mê đá cảnh do có hình dáng, màu sắc đẹp, nguyên khối, nhưng trị giá cũng chỉ tầm vài chục triệu, không thể đến mức cả tỉ đồng như nhiều người đồn thổi.
Có thể vì những tin đồn này mà chính quyền địa phương “quan trọng hóa” vấn đề và đến tận nơi để cưỡng chế, như vậy khiến nhiều người nghĩ rằng họ tìm cách để “cướp đá” của dân. Về phía người chơi đá cảnh, kinh nghiệm của tôi từ trước đến nay là mua đá từ những khu vực đã được cấp phép khai thác, việc mua bán giao dịch cũng phải có hợp đồng thỏa thuận rõ ràng để tránh phát sinh tranh chấp sau này.
VietNamNet - Thanh Niên