Bá Tân (Nguyễn Thông blog) - Số phận của đại biểu quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến sẽ đi đến hồi kết như thế nào, việc đó còn phải chờ “chiếu chỉ” của quốc hội. Dù vậy, qua một số quy trình vừa thực hiện ở địa phương và kể cả trung ương, có thể dự đoán vị đại biểu này rất có thể “đứt gánh giữa đường”.
Nếu không còn là nghị viên, trước hết đó là nỗi buồn của bà Hoàng Yến. Nhưng cử tri nói chung và nhất là người dân Long An tự dưng có thêm nỗi buồn, trong khi cuộc sống đang rất cần có thêm niềm vui và lòng tin. Kể cả quốc hội khóa 13 cũng chẳng hay ho gì khi đưa ra thảo luận và đi đến quyết định còn hay mất tư cách của một vị đại biểu.
Với cử tri, ngoài nỗi buồn, họ còn bị oan. Vâng, trong vụ việc này, gánh nặng nỗi oan tự dưng vô cớ ập đến với người bỏ phiếu, trước hết là cử tri tỉnh Long An.
Về mặt pháp lý, cử tri quyết định người trúng cử đại biểu quốc hội (cũng như đại biểu hội đồng nhân dân các cấp). Bầu ai, gạch tên ai, đó là quyền và công việc của người dân khi đi bầu cử. Thế hệ chúng tôi đã từng làm nghĩa vụ công dân từ thời Việt Nam dân chủ cộng hòa. Bà Yến cũng như bất cứ người nào, sẽ không trở thành đại biểu quốc hội nếu không đủ số phiếu do cử tri bầu. Về mặt này mà nói, đại biểu quốc hội đúng là của dân, do dân. Của dân bầu, do dân bầu.
Về mặt pháp lý chẳng có gì phải bàn cãi. Nhưng, vấn đề đáng nói là ở cái nhưng này đây. Cái logic hình thức (ngoại biên) đúng là như vậy. Thực chất của vấn đề chưa hẳn đã vậy. Cử tri bị oan là ở chỗ này.
Khi đi bầu cử, số đông cử tri ở trong tình trạng chỉ biết loáng thoáng về người được chọn lựa. Tiểu sử vắn tắt, đọc qua đều thấy sáng ngời. Giá như trang bị kính hiển vi hiện đại nhất cũng không nhìn thấy khuyết tật, sai phạm của người có trong danh sách đại biểu. Hồ sơ ghi thiếu hay thừa? Tại sao ghi thêm hoặc bớt đi? Cử tri làm sao biết được. Đưa 5 bầu 3. Đưa 3 bầu 2. Cử tri chỉ được giơ lên đặt xuống trong số đó. Hồ sơ của đại biểu đúng hay sai? Việc đó trở thành bài toán vô nghiệm đối với cử tri. Cầm lá phiếu bầu cho đại biểu cố ý gian lận (nếu có) như thế không chỉ bị oan mà còn là bi kịch trong trò bầu bán.
Trong các kỳ bầu cử đều có hội đồng bầu cử. Cả nước có hội đồng bầu cử trung ương. Từng địa phương có hội đồng bầu cử của địa phương. Bầu cử giống như một cuộc thi. Hồi đồng bầu cử, về thực chất, như là ban giám khảo. Sinh ra hội đồng bầu cử là để “giám định” mọi mặt của người đại biểu cả trong cuộc sống thường ngày cũng như trong hồ sơ lý lịch. Hội đồng bầu cử là và phải là bộ lọc tinh khiết đưa đến cho cử tri những “sản phẩm” hoàn hảo để họ lựa chọn nhân lực cho bộ máy quyền lực cao nhất của đất nước. Xảy ra sai phạm (nếu có) tầng nấc phải chịu trách nhiệm trước hết và cơ bản chính là hội đồng bầu cử. Nếu cười trừ cho qua, đổ vấy sai phạm cho cử tri; nếu hành xử kiểu đó thì hóa ra cử tri trở thành nạn nhân. Lập luận phản biện thế thôi, thực ra tôi vẫn tin sẽ không xảy ra cách hành xử mất lòng tin như thế.
Bà Đặng Thị Hoàng Yến là doanh nhân có tầm cỡ. Doanh nhân lớn lên trên thương trường, va chạm nhiều, rủi ro lắm. Trên thương trường, bà là người từng trải, nếm trải đủ loại va vấp. Sóng gió tình trường cũng không loại trừ bà. Bây giờ đến lượt chính trường thử sức chịu đựng của bà. Sự vĩ đại của con người là sau khi vấp ngã, tự đứng dậy và đi tiếp. Phật đã khuyên dạy như vậy. Lời của phật chắc đã thấm vào máu của doanh nhân Đặng Thị Hoàng Yến.
Va vấp của bà Đặng Thị Hoàng Yến chỉ ở mức 1 tảng đá. Va vấp của ông Chu Dung Cơ là 1 quả núi. Thế mà ông Chu Dung Cơ đã vượt qua, trở thành vị thủ tướng nổi danh vào loại bậc nhất của đất nước Trung Hoa thời hiện đại. Tư cách đại biểu quốc hội có thể không còn. Nhưng con đường doanh nhân vẫn là đại lộ đối với bà Yến.