Nguyễn Bá Chổi (Danlambao) - Không ai có thể phủ nhận được rằng, từ thời vua Hùng có công dựng nước đến thời bác cháu ta loạng quạng với nước, nhân dân ta đã trải qua bao nhiêu cuộc chiến tranh do ngoại xâm lẫn huynh đệ tương tàn, nhưng chỉ có hai cuộc chiến ý nghĩa mang tầm vóc chọc trời quấy nước nhất. Đó là cuộc chiến tranh Giải phóng Miền Nam đã qua gần bốn thập niên, và cuộc chiến tranh Giải phóng Mặt Bằng đang trong “thời kỳ quá độ” cao điểm, nói theo tiếng Mỹ Cút-lai là “ súp pờ hót- super hot”.
Theo thứ tự thời gian, ta bàn về Giải Phóng Miền Nam trước. Thực ra, đến thời điểm này - cuối Tháng Tư, 2012 - mà còn trèo lên mạng để bàn về cuộc “chiến tranh thần thánh” chấm dứt cách đây 37 năm, thì quả là người cầm bút mắc chứng chậm chạp bẩm sinh (né retardé). Thiên hạ ai ai, kể cả anh chàng Việt Khang lúc đó còn bé tí teo, không biết ất giáp gì về nó, hay cô thiếu nữ Huỳnh Thục Vy chào đời sau 1975, giờ đây cũng đã “quá tỏ tường rồi” (1). Nó là con bài ba lá đã bị lật ngữa, nằm phơi trắng bụng. Nó là con lừa to tổ chảng từ trên sân khấu ảo thuật đã bị giật tung hóa trang phóng xuống trước mặt khán giả. Chẳng những thấy cận mắt, mà người ta còn sờ tận tay từ đầu tới đuôi, véo tai nó một phát. Bàn qua bàn lại, bàn tới bàn lui chỉ làm thiên hạ “triệu người vui” nhồn nhột, “triệu người buồn” thì buồn thêm, lại còn bị rờn rợn dọc xương sống, ran rát giữa đôi chân.
Nên chi, ở đây tiện bút chỉ nhấn mạnh cái ý nghĩa chốn nhân gian ai cũng bịt-mũi-lắc-đầu-hỡi-ôi-phịt-cười-nửa-khóc-nửa-mếu của cuộc chiến tranh GPMN là: quét sạch đi cái cũ, cào Miền Nam trên cao xuống cho bằng Miền Bắc dưới trũng; để rồi từ đó cả nước bắt đầu mò mẫm loi ngoi xoay xở tìm cách leo lên lại cái mức cũ đã bị cào đi. Nói một cách khác, Miền Bắc ta đã nhân danh XHCN đánh đổ Miền Nam theo Tư Bản Chủ Nghĩa để cả nước cùng “đổi mới hay là chết” bằng bước ngoặt vĩ đại đằng sau quay vào con đường Kinh Tế Thị Trường, tuy phải chịu khó muối mặt cắm thêm cái đuôi định hướng XHCN phe phẩy để nhát đám gà con ngu ngơ ngú ngớ, rằng “này liệu hồn, tao đây vẫn là cáo.”
Đó là ý nghĩa túm gọn của cuộc chiến tranh “Giải phóng Miền Nam” mà Đảng đang kỷ niệm ăn mừng ngày đại thắng 30 Tháng Tư. Một ý nghĩa chiến thắng, diễn tả theo vè Nghệ Tĩnh là, “không có ai cại được, nỏ ngài mô cại được” (“thông dịch”: không có ai cãi được, chẳng người nào cãi được). Nó là sự thật như “mặt trời Mạc Tư Khoa”, cái mặt trời mà chính “quê choa” bất hạnh của bác bị đồng hương làng Sen chọn làm thí điểm cấy hạt giống đỏ Xô Viết (Nghệ Tĩnh) hôm nay chưa nhìn đã thấy ghét, đã tởm: hào quang của nó khúc xạ ra toàn những máu cùng xương.
Cuộc chiến tranh mang tầm vóc chọc trời quấy nước thứ hai là chiến tranh “Giải Phóng Mặt Bằng” đang diễn ra cực kỳ long trời lở đất. Trời long đất lở không phải do bom B.52 Mỹ, hỏa tiển 122 ly, đại pháo 130 ly của Liên Xô, nhưng do tiếng kêu cứu gào thét khóc than của ngàn vạn dân oan bị cướp đoạt nhà cửa vườn tược đất đai ruộng đồng, chốn thờ phượng linh thiêng, phần mộ của những người đã chết; xóa sổ, san bằng làng mạc tổ tiên gầy dựng tự mấy trăm năm. Tiếng oán than dậy trời động bể trổi lên thống thiết, trải dài từ Bắc xuống Nam.
Cuộc chiến tranh “Giải Phóng Mặt Bằng” lướt trên những oán than mà xông tới, vì những đặc tính “ưu việt” của nó mà binh thư thế giới tự cổ chí kim, đố ai tìm được.
Chẳng hạn về tương quan lực lượng. Trong nguyên tắc cơ bản chiến thuật xưa nay, quân số phe tấn công bắt buộc luôn luôn phải nhiều hơn phía phòng thủ, nhưng bây giờ ngược lại, quân số phe tấn công chỉ bằng 1/30 của phe phòng thủ (3 triệu đảng viên cs / 90 triệu lương dân). Ấy thế mà đánh trận nào thắng trận đó, trận nhỏ thắng nhỏ, trận lớn thắng lớn, càng đánh càng thắng; “bách chiến bách thắng”; có thua chỉ là thua giả đò, vờ thua, như trận đổ bộ Normanđầm Vươn, Tiên Lãng Hải Phòng, nhằm dụ khị địch để hốt mẻ sau to hơn gấp bội như trận Văn Giang vừa rồi, 24.4.2012. Sức mạnh của nó xuất phát từ cái còng số 8, từ điều 88 của bộ luật hình sự, từ điều 4 Hiếp Pháp, từ cả bọn côn đồ, và trên tất cả, từ lường gạt, dối trá, gian manh, tàn độc, phi nhân tính...
Về mục tiêu tấn công, không do tướng quân quyết định, nhưng do những người đang cầm trịch nền Kinh Tế Thị Trường định hướng XHCN. Họ có thể là ông kính đen, bà quần hồng, hay là cô là cậu; đương nhiên cô đây phải là cô chiêu, cậu đây phải là cậu ấm. Những vị tư lệnh chiến trường này được “đảng phú” cho cái khả năng lãnh đạo thần sầu quỷ khốc; họ không cần phải đáp ứng những điều kiện bắt buộc như các vị tư lệnh bên quân đội phải học hành hết trường này đến trường nọ, từ thấp lên cao, và kinh nghiệm chiến trường chết lên chết xuống mới có được; đó là chưa nói đến vốn liếng đạo đức bác hồ và thành tích cách mạng. Ngược lại, cậu ấm cô chiêu không cần chuyên môn, lấy thí dụ như cô Tô Linh Hương con ông Tô Huy Rứa, Ủy viên BCT, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Cô chiêu mới 24 tuổi, tốt nghiệp ngành Quan hệ Quốc tế (lớp Thông tin Đối ngoại K25) Học viện Báo chí và Tuyên truyền, vừa được “bầu” làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị trong CTCP Đầu tư Xây dựng Vinaconex, là lãnh vực chẳng dính dáng gì đến cái sở học của cô chiêu.
Trông cô chiêu nhà quý tộc họ Tô đang đi thị sát mặt trận, mình hạc lưng ong yểu điệu thục nữ như vậy, nhưng khi có khu nhân dân nào lọt vào mắt xanh cô chiêu là, đùng một phát cô ra lệnh “giải phóng mặt bằng” là khu đó bị cào bằng ngay.
Nhắc “cháu” Linh Hương họ Tô là phải nhắc đến “cháu” Thanh Phượng có ông tía từng là du kích “nắm lưng quần Mỹ mà đánh”, nay níu áo được thằng Mỹ Cút gốc Việt làm chồng. “Cháu” này còn đảm lược hơn nhiều: đứng đầu một lúc bốn công ty sừng sỏ túm phần lớn hầu bao của 90 triệu dân nước CHXHCNVN, mà người ta nghi là liên can trong quyết định mở mặt trận quyết thắng Văn Giang.
Người ta nghi là có cơ sở. Trái với trận đổ bộ Đầm Vươn do thiên tài quân sự Đại CaCa làm tư lệnh, mục tiêu nhỏ xíu, quân địch vài ngoe, nhưng bọn nhà báo viết lách toè loe, buộc ngài Thủ tướng nổi danh nhất Đông Nam Á phải tạm thời rút lại chiến thắng, chiến dịch Giải phóng Văn Giang, được chuẩn bị vô cùng chu đáo. Mục tiêu lớn, quân địch đông tới hàng ngàn, từ ba làng kéo đến, nhưng bọn báo nín khe, đến như nhà báo Cu Vinh can trường thương dân yếu thế cô, năng nổ xông xáo bất chấp hiểm nguy trong trận Cống Rộc khiến mọi người khâm phục cảm mến và tin tưởng giờ này cũng im re; rồi điện cúp, phôn cắt. Trận Cống Rộc chỉ khoản trăm quân, và một xe ủi, trận Văn Giang quân ta khoảng 2000, 54 xe ủi. Ai đủ sức để điều động một đạo quân như thế? Ai có đủ thẩm quyền để ra lệnh cho báo đài đồng loạt ca ngợi thành công vụ cưỡng chế? (vào Google đánh hai chữ “Văn Giang” bạn đọc sẽ thấy), trong khi đó nổi oan khiên tiếng la hét, kêu gào của một 160 gia đình lớn hơn gấp bội đối với hai gia đình anh em họ Đoàn. Điều này chứng tỏ “giang hồ xứ cảng” xưa nay nổi như cồn cũng đành mất lửa trước giang hồ xứ Ba Đình do tía cô chiêu Thanh Phượng thống lãnh thanh kiếm cái khiên.
Một tù binh địch bị quân Giải phóng bắt tại trận Văn Giang - 24.04.2012
Khác với mục đích của chiến tranh Giải phóng Miền Nam, theo như đảng nói, là nhằm lợi ích Quốc Gia, mục đích của chiến tranh Giải phóng Mặt bằng là vì lợi ích của Đại Gia.
Về nghiên kíu mục tiêu. Trong chiến tranh Giải phóng Miền Nam, khi nghiên kíu mục tiêu, quân ta phải vận dụng tình báo, ngụy trang thế nào để đi vào vùng địch, nhưng trong chiến tranh Giải phóng Mặt Bằng, ta không cần tình báo, ngụy trang gì ráo trọi, mà đích thân đại gia quần là áo lượt, mặt son mày phấn, hay mặt bóng bụng phệ, tùy giới tính, xe con bon bon vòng vòng đảo một lúc là hôm sau “mặt bằng” nếu lọt mắt xanh sẽ được/bị cắm bảng “khu giải tỏa để xây dựng khu sinh thái” hay “làm Sân Gôn” v.v..
Một tên địch già sau khi đầu hàng quân Giải phóng Mặt bằng,
nhìn cơ ngơi bao đời do tổ tiên để lại.
Hai cuộc chiến tranh mang tên giải phóng đã và đang xảy ra trên mảnh đất có hình chữ S. Cuộc chiến tranh “Giải Phóng Miền Nam” được mệnh danh vì lợi ích Quốc Gia. Cuộc chiến tranh Giải Phóng Mặt Bằng phơi bày nguyên xi bô mặt thật: vì lợi ích Đại Gia.
Mệnh danh hay phơi mặt nguyên xi, tuy hài mà một. “Tôi nói đồng bào có nghe rõ không?”.