'Khóc' với Nghị định Quản lý kinh doanh vàng - Dân Làm Báo

'Khóc' với Nghị định Quản lý kinh doanh vàng

(Đất Việt) Cá nhân, hộ gia đình muốn buôn bán hàng trang sức, mỹ nghệ … bắt buộc phải thành lập doanh nghiệp. Doanh nghiệp sản xuất vàng nữ trang, mỹ nghệ phải xin giấy phép từ NHNN dù đó không phải là sản phẩm vàng tuổi cao (trên 90%). Đây là những quy định của Nghị định được cho là chưa hợp thực tế.

Trong khi phần lớn các DN, công ty kinh doanh vàng bạc, đá quý “thoải mái” tiếp nhận Nghị định quản 
lý kinh doanh vàng vừa ra đời, thì hàng loạt những hộ kinh doanh nhỏ lẻ đang rối bời.

Hộ gia đình không được buôn bán!

Cả nước có hơn 10.000 hộ kinh doanh, DN tư nhân về vàng bạc đá quý. 

Tiệm vàng S.Thủy (đường Lê Thánh Tôn, Q.1, TP.HCM), cho biết: “Cả năm nay buôn bán ế ẩm. Trước đây mỗi ngày được 20 khách thì nay chưa được 1. Buôn bán kim loại quý không được gối đầu nên cả năm nay tháng nào cũng lỗ. Nay lại thêm quy định các tiệm nhỏ lẻ, hộ cá thể cũng phải lập DN, không biết sẽ tính sao”. Chủ tiệm vàng Thứ Uyên (Tân Bình), cũng chia sẻ: “Quy định như thế thật sự làm khó cho cá nhân, hộ gia đình. Chúng tôi buôn bán lâu năm nhưng chỉ đăng ký là hộ kinh doanh nhỏ lẻ, làm sao thành lập DN được. Thành lập DN ngoài thuế, chúng tôi phải trả lương nhân công, quản lý, con dấu..., trong khi cửa hàng chỉ 2 - 3 người làm?”.

Theo tính toán của một chuyên gia trong ngành, nếu “chiếu” theo Nghị định này, có ít nhất 70% các hộ kinh doanh cá thể không thể chuyển đổi thành DN. Chưa hết, Nghị định cũng quy định, nếu cá nhân, hộ gia đình gia công đồ trang sức mỹ nghệ cho DN thì phải có đăng ký gia công trong giấy chứng nhận hộ kinh doanh…

Thêm 4 đơn vị báo cáo mạng lưới kinh doanh vàng
Ngày 5/4, NHNN tiếp tục có văn bản yêu cầu Tổng công ty vàng Agribank Việt Nam, Công ty Vàng bạc đá quý ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn TPHCM, Công ty cổ phần Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji và Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận báo cáo việc triển khai mạng lưới mua, bán vàng miếng. Như vậy, đã có 4 ngân hàng và 5 công ty vàng bạc đá quý được NHNN yêu cầu báo cáo mạng lưới mua bán vàng miếng. Đồng thời, báo cáo kế hoạch, khả năng triển khai mạng lưới mua, bán vàng miếng trong hệ thống (trong đó có lộ trình mở rộng mạng lưới các chi nhánh, địa điểm mua, bán vàng miếng).

C.Mỹ


Đụng đến vàng là cần giấy phép

Điều mà hàng loạt DN ca thán nữa là quy định bất cứ hoạt động sản xuất nào liên quan đến vàng đều cần giấy phép của NHNN. “Theo quy định thủ tục và hồ sơ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ- vàng trang sức mỹ nghệ được hiểu là các sản phẩm vàng có hàm lượng từ 8 kara (tương đương 33,33%) trở lên đã qua gia công, chế tác phục vụ nhu cầu trang sức, trang trí mỹ thuật. Như vậy, loại nữ trang, đồ mỹ nghệ nào có “dính” đến vàng, muốn sản xuất đều cần đến giấy phép của NHNN”, ông Nguyễn Trung Anh, Phó tổng giám đốc Công ty vàng Vina, nhận xét. Theo ông Trung Anh, quy định về sản xuất, kinh doanh, thậm chí cấm buôn bán vàng miếng hoặc với hoạt động sản xuất kinh doanh vàng tuổi cao thì cần xin giấy phép của NHNN đều ổn, nhưng với loại vàng thấp tuổi, phục vụ thị trường nữ trang, mỹ nghệ thì… “xin giấy phép của NHNN là vô lý hết sức!”. 



Với Nghị định Quản lý kinh doanh vàng, nhiều hộ kinh doanh vàng lâu năm đối mặt với nguy cơ mất nghề. Ảnh: C.X.Vinh

Chủ DN sản xuất vàng nữ trang Kim Mai (Q.10), cũng than: “Tôi thấy khó cho DN gia công, sản xuất nhỏ và khó cả cho quản lý của NHNN. Nếu tình hình cứ thế này thì các cửa hàng sản xuất hàng lưu niệm, mấy nơi làm đồng hồ (có dính đến vàng, bạc tí chút) cũng… phải đăng ký sản xuất với NHNN. Với hàng chục ngàn DN, đơn vị sản xuất loại hình này như hiện nay, NHNN “quản” được là rất khó”.
Việc cấp giấy phép sản xuất vàng nữ trang, mỹ nghệ với cả những loại trang sức chỉ có 33,33% là vàng cũng khiến nhiều người e ngại thị trường trang sức nội càng khó cạnh tranh với hàng ngoại khi thủ tục hành chính phiền hà. 

Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng, có hiệu lực từ ngày 25/5 tới. Theo đó, quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức, cá nhân được công nhận và bảo vệ theo quy định của pháp luật. Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu. 

Cũng theo quy định tại nghị định này, NHNN được bổ sung vàng miếng vào dự trữ ngoại hối nhà nước. Cơ quan này thực hiện can thiệp, bình ổn thị trường vàng qua biện pháp xuất - nhập khẩu vàng nguyên liệu; tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng; mua bán vàng miếng trên thị trường trong nước và tổ chức huy động vàng theo quy định. Hoạt động mua, bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được NHNN nước cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng. Nghị định cũng quy định cụ thể hành vi vi phạm các quy định về kinh doanh, sản xuất, mua bán vàng. Đặc biệt, nghiêm cấm việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán.

M.Yên



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo