Lãi suất Việt Nam “khủng” nhất thế giới - Dân Làm Báo

Lãi suất Việt Nam “khủng” nhất thế giới

Anh Vũ - Thanh Xuân (ThanhNiên) - Lãi suất cao bậc nhất thế giới và kéo dài nhiều năm; doanh nghiệp (DN) phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng ngân hàng. Đó là lý do, khi tiền tệ bị siết lại, DN phá sản hàng loạt.

Cao và kéo dài

Trong vài năm trở lại đây, lãi suất (LS) cho vay thương mại của hệ thống ngân hàng (NH) luôn ở mức cao. Đặc biệt, kể từ năm 2011 và quý 1/2012, LS cho vay thông thường lên tới hơn 20%/năm, cao hơn gấp từ 3 - 4 lần so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia…


Nhiều doanh nghiệp tỏ ra rụt rè và không dám vay vốn với mức lãi suất cao nhất nhì thế giới của Việt Nam hiện nay - Ảnh: Ngọc Thắng


Theo thống kế mới nhất của NHNN, LS cho vay đối với VNĐ trong tháng 3.2011 vẫn tiếp tục đứng ở mức cao. Cụ thể, cho vay sản xuất - kinh doanh dao động bình quân từ 16,5% đến 20%/năm, cho vay lĩnh vực phi sản xuất từ 20% đến 25%/năm. Đối với lĩnh vực được khuyến khích và ưu đãi là nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu, lãi vay cũng phố biến từ 14,5% đến 16%/năm. Như vậy có thể thấy, tại các NH thương mại cổ phần, mức LS hầu như không hề giảm.

Với mức lãi suất lên tới trên 20%/năm như hiện nay, Việt Nam đang được xếp vào các nước có lãi suất cho vay cao nhất thế giới 

TS Lê Xuân Nghĩa

Trao đổi với PV Thanh Niên, TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho biết, với mức LS lên tới trên 20%/năm như hiện nay, Việt Nam đang được xếp vào các nước có LS cho vay cao nhất thế giới.

Chuyên gia tài chính NH, cố vấn cao cấp của HĐQT NH BIDV, TS Cấn Văn Lực cũng nhìn nhận hiếm có quốc gia nào LS cao và duy trì kéo dài như tại Việt Nam. “Hiện tại, LS cho vay tại Trung Quốc tầm 5%/năm, Indonesia cũng mức này, còn Singapore thấp hơn. Trung bình của khu vực từ 6 - 8%/năm. Đây là mức LS cơ bản do NH T.Ư các nước công bố. Nếu so sánh với trần LS huy động của NHNN Việt Nam là 13%/năm và đầu ra tức lãi cho vay 16%/năm, thì khoảng cách giữa Việt Nam và các nước cũng đã “một trời một vực”.

Khó giảm

Ngày 13.3, NHNN đã giảm LS cơ bản 1%/năm, ngay lập tức các NH thương mại cổ phần giảm LS huy động tiền đồng xuống 13%/năm. Thế nhưng LS cho vay đối với các DN chỉ giảm từ 2 - 4%/năm, vẫn còn ở mức từ 17 - 19%/năm.

TS Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị DN, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cho rằng: “Nếu như LS huy động các kỳ hạn đúng 13%/năm như quy định, LS huy động không kỳ hạn ở mức thấp dưới 5%/năm thì LS đầu vào của các NH khoảng 11%. Như vậy, LS cho vay ở mức 14 - 15%/năm là NH đủ "sở hụi". Thế nhưng LS cho vay hiện vẫn ở mức 17 - 19%/năm. Nên câu hỏi đặt ra là, liệu NH có thật sự huy động với LS 13%/năm hay không? Thực tế cho thấy, ngay sau khi NHNN giảm LS 1%, các NH ồ ạt tung ra các chương trình khuyến mãi. Khách hàng gửi tiền tham gia chương trình bốc thăm trúng thưởng ngay (tần suất trúng thưởng 100%), cào trúng thưởng và chương trình quay số trúng thưởng cuối chương trình với giải đặc biệt từ 1 tỉ đồng trở lên... Cộng thêm chi phí này, LS huy động thực đã cao hơn 13%. "NH huy động được 10 đồng phải trích dự trữ bắt buộc, để lại một phần tiền dự trù thanh khoản, NH phải mua bảo hiểm tiền gửi cho số tiền này... Số còn lại mới cho vay. Số tiền cho vay này phải gánh cho toàn bộ chi phí trên, kể cả một phần lợi nhuận. Chi phí huy động tăng cao thì tất nhiên chi phí đầu ra buộc phải tăng cao" - TS Dương phân tích.

PGS-TS Trần Hoàng Ngân - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM nhận xét: “Khi người ta mua giá thấp thì sẽ bán giá thấp, bản thân các NH cũng muốn triển khai cho vay nếu không thì chết. Tuy nhiên một số NH lách vượt trần LS là do vấn đề thanh khoản và thị trường chưa mang tính nghiêm minh. Đó là lý do LS khó giảm”.

Một nguyên nhân khác khiến LS cho vay vẫn chưa thể giảm được, theo TS Lê Thẩm Dương do tâm lý "phòng thủ" thanh khoản. Những NH huy động được tiền thay vì cho DN vay thì lại mang tiền này mua trái phiếu hoặc cho vay trên thị trường liên NH. Theo số liệu từ NHNN, doanh số giao dịch trên thị trường liên NH tháng 3 tăng cao hơn so với 2 tháng trước, lên hơn 660.000 tỉ đồng, trong đó giao dịch qua đêm và 1 tuần lên hơn 508.000 tỉ đồng. Ông Lê Thẩm Dương cho rằng cho vay trên thị trường liên NH có tài sản thế chấp và nhanh thu hồi vốn vì kỳ hạn ngắn. Điều này giúp các NH cho vay khi cần có thể đáp ứng được thanh khoản. Chính vì vậy mà vốn từ NH không chảy vào sản xuất. Hơn nữa các NH hiện nay là NH cổ phần nên chịu sức ép lợi nhuận từ các cổ đông, trong khi đó tỷ lệ nợ xấu trong NH ngày càng tăng nên đòi hỏi việc trích lập dự phòng ngày càng cao. Do đó, biên giữa chi phí huy động và cho vay cao để mang lại lợi nhuận cao giải quyết các vấn đề trên.

Anh Vũ - Thanh Xuân



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo