Một dạng hối mại quyền thế mang tính tập thể - Dân Làm Báo

Một dạng hối mại quyền thế mang tính tập thể

Nguyễn Ngọc Điện (SGTT.VN) - Một công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông công cộng tặng một chiếc ôtô cho bộ Giao thông vận tải. Bộ Tài chính chấp nhận xác định chiếc xe ấy là tài sản công rồi giao cho bộ Giao thông vận tải sử dụng. Nhiều ý kiến cho rằng việc doanh nghiệp tặng tài sản cho cơ quan nhà nước là chuyện hiếm gặp, nhưng không có gì sai.


Đáng chú ý là những chuyện như thế này không thể xảy ra ở các nước tiên tiến; bởi vậy, vô phương tìm kiếm bài học về ứng xử trong trường hợp tương tự ở xứ người để so sánh, rồi đánh giá, phán xét.

Không thể xảy ra, đơn giản vì ở các nước ấy, bộ, sở, nói chung cơ quan đảm nhận chức năng quản lý nhà nước, không phải là những pháp nhân; nghĩa là, nó không có khả năng đứng ra giao tiếp như một chủ thể độc lập trong cuộc sống dân sự. Đặc biệt, nó không có quyền tự nhân danh mình tiếp nhận các tặng vật có giá trị tài sản. Tư cách pháp nhân thường chỉ được thừa nhận cho những đơn vị sự nghiệp công lập, như trường học, viện nghiên cứu, bệnh viện, bảo tàng... Có thể nghe nói việc người này, người nọ tặng cho bệnh viện hoặc trường học tài sản, tiền bạc nhiều khi có giá trị rất lớn và đó là việc rất bình thường; còn tặng cho bộ Giáo dục, sở Y tế... thì tuyệt nhiên không.

Chiếc xe bộ trưởng Giao thông vận tải đi và gặp tai nạn hôm 9.4 được cho là chiếc xe do một công ty tặng cho bộ Giao thông vận tải, được bộ Tài chính chấp thuận. Ảnh: Báo Tiền Phong

Không phải tự nhiên mà cùng là cơ quan nhà nước, nhưng nơi này được trao năng lực tự mình giao dịch trong cuộc sống đời thường, còn nơi kia không được. Người ta nói đơn vị sự nghiệp công lập chỉ chuyên cung ứng dịch vụ và không nắm quyền lực công: nó không thể ra một quyết định mang tính chất quản lý nhà nước có lợi cho người này, bất lợi cho người kia, nghĩa là không có điều kiện gây khó dễ cho người dân trong quan hệ quản lý công. Tập trung thực hiện chức năng phục vụ lợi ích cộng đồng, nó cần được trao tư cách pháp lý của một chủ thể độc lập để có được quyền hạn rộng rãi nhất trong việc quản trị dân sự đối với khối tài sản của mình, nhằm mục tiêu cao quý đó.
Không nên hào phóng thừa nhận tư cách “người” cho mọi cơ quan nhà nước, kể cả cơ quan nắm công quyền: người nào mà chẳng có lợi ích riêng tư để theo đuổi; và nếu có lợi ích riêng tư, đồng thời có quyền lực, thì tự nhiên sẽ xuất hiện nguy cơ lạm dụng quyền lực để phục vụ lợi ích riêng.
Trái lại, cơ quan quản lý nhà nước được trao một phần công quyền. Nếu được coi là một pháp nhân độc lập, cơ quan quản lý nhà nước sẽ vừa là người có năng lực nắm giữ tài sản, vừa là người có quyền thế. Một người như thế khi xuất hiện trong cuộc sống dân sự để giao tiếp sẽ tự nhiên tỏ ra là một kẻ mạnh và khiến người cùng giao dịch với mình, tức là người dân hoặc doanh nghiệp, bị đặt ở vị thế yếu hơn. Các giao kèo xác lập trong trường hợp này thường có lợi nhiều hơn cho kẻ mạnh. Lợi ích thu được từ đó có thể không đi hẳn vào túi một cá nhân; nó là của pháp nhân cơ quan, hay đúng hơn nữa là của một nhóm người ít nhiều xác định được danh tính, cùng thụ hưởng chung. Muốn nói gì thì nói, đó thực sự là một dạng hối mại quyền thế mang tính tập thể.

Bởi vậy, ở các nước ấy, luật pháp không trao tư cách pháp nhân cho cơ quan quản lý nhà nước. Các cơ quan quản lý công thực hiện giao tiếp công vụ nhân danh một pháp nhân duy nhất là nhà nước. Nếu cơ quan công, thông qua một vị trí nào đó, mà làm sai và gây thiệt hại cho người khác, thì nhà nước chịu trách nhiệm bồi thường. Bản thân cơ quan chỉ là một phần của bộ máy nhà nước, đảm nhận một phần chức năng chung của nhà nước và chỉ thực hiện phần chức năng đó, không được làm gì khác.

Với quan niệm như thế, thì không có chuyện một cơ quan quản lý nhà nước lấy tư cách, danh nghĩa cơ quan đi xác lập thoả thuận, giao kèo để cung ứng dịch vụ, tiện ích cho riêng một chủ thể nào đó trong đời sống kinh tế, dân sự.

Cũng không thể có doanh nghiệp hay một cá nhân nào đó nghĩ đến việc tặng tài sản cho một cơ quan quản lý nhà nước. Nếu muốn, người ta có thể tặng cho nhà nước: sẽ có một cơ quan được chỉ định đứng ra tiếp nhận nhân danh nhà nước.

Trong khung cảnh pháp lý hiện tại, việc doanh nghiệp tặng tài sản cho cơ quan nhà nước không bị coi là sai. Vấn đề, rốt cuộc, là phải xem lại cả một triết lý dùng làm nền tảng cho hệ thống pháp luật về chủ thể đang vận hành. Điều quan trọng là không nên hào phóng thừa nhận tư cách “người” cho mọi cơ quan nhà nước, kể cả cơ quan nắm công quyền: người nào mà chẳng có lợi ích riêng tư để theo đuổi; và nếu có lợi ích riêng tư, đồng thời có quyền lực, thì tự nhiên sẽ xuất hiện nguy cơ lạm dụng quyền lực để phục vụ lợi ích riêng.

PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo