ÐÀ NẴNG (NV) - Trong ngày 23 tháng 4, ba chiến hạm Mỹ cập cảng Tiên Sa ở Ðà Nẵng, bắt đầu chuyến thăm viếng 5 ngày và phối hợp thực tập một số hoạt động không tác chiến với Hải Quân Việt Nam. Cùng ngày này, chiến hạm huấn luyện hải quân của Trung Quốc đã cập cảng Sài Gòn theo một chương trình thăm viếng kéo dài ba ngày được Tân Hoa Xã mô tả là nhằm phát triển tình bằng hữu giữa hai dân tộc.
Phó Ðô Ðốc Scott Swift, tư lệnh Hạm Ðội 7 của Hoa Kỳ, được tặng hoa và các sĩ quan Hải Quân CSVN chào đón ngày Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012 khi đoàn 3 chiến hạm Hoa Kỳ đến cảng Tiên Sa, Ðà Nẵng để tham dự 5 ngày thao diễn các hoạt động chung (không tác chiến) trên biển. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
Thông Tấn Xã Việt Nam loan tin 3 chiếc tàu của Hải Quân Hoa Kỳ gồm tuần dương hạm USS Blue Ridge (soái hạm của Hạm Ðội 7), khu trục hạm USS Chafee và tàu cứu hộ USNS Safeguard sẽ “tham gia trao đổi với Hải Quân Việt Nam chuyên môn về y học dưới nước, y học lặn và buồng cao áp trên tàu USNS Safeguard; trao đổi kinh nghiệm về tìm kiếm cứu hộ cứu nạn trên biển trên tàu USS Chafee.”
Bản tin TTXVN cho biết thêm, “Sĩ quan và thủy thủ còn trao đổi chuyên môn về các kỹ thuật cấp cứu tại Vùng 3 Hải Quân; giới thiệu về hoạt động diễn tập An ninh Hàng hải tại Vùng 3 Hải Quân; trao đổi chuyên môn về hoa tiêu và đảm bảo sức sống trên tàu; trao đổi chuyên môn trên tàu USS Chafee về cách thức thông tin liên lạc với tàu các nước khác và ngôn ngữ tiếng Anh thường được sử dụng.”
Tàu Trịnh Hòa của Trung Quốc đến Sài Gòn thăm viếng là chặng đầu tiên trong chuyến viếng thăm và thực tập trên biển cho các sinh viên sĩ quan của Trung Quốc và sinh viên sĩ quan hải quân các nước khác, trong chuyến hải trình kéo dài khoảng 6 tháng và tới 11 nước trên thế giới.
Khu trục hạm USS Blue Ridge, soái hạm của Hạm Ðội 7 Hoa Kỳ được các tàu kéo, hướng dẫn vào cảng Tiên Sa ngày 23 tháng 4, 2012. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
Có vẻ như sự sắp đặt cho sự thăm viếng của chiến hạm Hoa Kỳ và chiến hạm Trung Quốc cùng một thời điểm để cân bằng mối quan hệ đối ngoại quân sự và ngoại giao của Hà Nội trong thế đu dây nhân dịp các tin tức về tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Ðông đang diễn ra với những dấu hiệu căng thẳng.
Ngày Thứ Sáu vừa qua, Trung Quốc thả 21 ngư dân và một chiếc tàu đánh cá (còn giữ lại một tàu) của ngư dân huyện đảo Lý Sơn Việt Nam sau hơn một tháng rưỡi bắt giữ họ gần quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền.
Ngư dân Việt Nam vẫn tiếp tục đến khu vực Hoàng Sa để khai thác hải sản vì đây là ngư trường truyền thống suốt bao nhiêu đời qua dù khu vực này đã bị Trung Quốc đoạt từ năm 1974.
Mối quan hệ mọi mặt giữa hai nước Trung Quốc và Việt Nam thường xuyên được ca ngợi lấy tôn chỉ “16 chữ vàng” và tinh thần “4 tốt” làm kim chỉ nam. Nhưng những tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Ðông đang là rào cản. Nhà cầm quyền Bắc Kinh luôn luôn dùng thế nước lớn, quân sự ăn trùm để lấn ép Việt Nam.
Năm ngoái, khi một đoàn 3 chiến hạm Mỹ tới Ðà Nẵng cũng với chương trình tương tự, báo chí Bắc Kinh lộ ý nghi ngờ các chủ đích thầm kín của vụ việc nên đã nhao nhao lên chỉ trích.
Ngày 17 tháng 4, nhân chuyến thăm viếng Bắc Kinh của phái đoàn quân sự cao cấp Việt Nam do Thượng Tướng Ðỗ Bá Tỵ, tổng tham mưu trưởng quân đội dẫn dầu, TTXVN loan tin và bình luận chuyến đi này lấy “hợp tác quốc phòng làm trụ cột quan hệ Việt-Trung.”
Tàu huấn luyện Trịnh Hòa của Hải Quân Trung Quốc. (Hình: Internet)
Tuy vậy, các hành động của Trung Quốc tại khu vực quần đảo Hoàng Sa cho thấy Bắc Kinh vẫn tiến hành các kế hoạch khai thác kinh tế vừa để khẳng định chủ quyền lãnh thổ tại quần đảo họ đã cướp được, bất chấp các phản đối của Hà Nội.
Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã phản đối Bắc Kinh rất nhiều lần gồm nhiều hoạt động khác nhau của Trung Quốc tại Hoàng Sa nhưng đều không thấy có tác dụng. Ngược lại, những hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam hoặc các đối tác của Việt Nam ngay trong vùng đặc quyền kinh tế trên thềm lục địa của mình đều bị Bắc Kinh cản trở hoặc gây áp lực buộc hủy bỏ khi vướng phải cái “Lưỡi Bò.”
Philippines đang chuẩn bị để kiện Bắc Kinh tại Ủy Ban Quốc Tế về Luật Biển để giải quyết những tranh chấp về bãi đá Scarborough mà Bắc Kinh đặt tên là Hoàng Nham đảo. (TN)