Hoàng Hải Vân - Ngày 20.4, giá xăng lại tăng thêm 900 đồng/lít, dầu các loại tăng từ 400-600 đồng/lít. Quyết định này được liên bộ Tài chính - Công thương đưa ra khi CPI tháng 4 được Bộ Kế hoạch - Đầu tư ước “tăng khoảng 0,06%”.
Tức là, do không lo ảnh hưởng lạm phát nên các bộ này đã dễ dàng chấp nhận đề nghị tăng giá xăng dầu của các doanh nghiệp (DN) đầu mối, còn sự khó khăn của DN và nhất là khó khăn của hàng chục triệu người tiêu dùng thì cứ bỏ mặc. Đợt tăng giá này chỉ diễn ra sau hơn 1 tháng kể từ đợt tăng trước đó (ngày 7.3, giá xăng tăng 2.100 đồng/lít, dầu các loại tăng từ 600 - 2.000 đồng/lít).
Chính sách thắt chặt tiền tệ đã khiến cho lạm phát giảm nhiệt rất mạnh, mức tăng giá tiêu dùng cả nước trong tháng 4 giảm xuống gần bằng 0 (TP.Hà Nội công bố CPI tháng 4 giảm 0,03%, TP.HCM chỉ tăng 0,08%). Tuy nhiên, chính sách này với lãi suất quá cao đã khiến cho hàng loạt DN lâm vào cảnh điêu đứng, hậu quả là tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại. GDP quý 1 năm nay chỉ tăng 4%, là mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Gần đây lãi suất bắt đầu hạ nhưng vẫn còn cao ngất ngưởng, hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn đang trong tình trạng đình trệ do chi phí lãi vay, sức mua trong dân sụt giảm.
Hai đợt tăng giá xăng dầu cấp tập vừa rồi là một cú đánh bồi vào sự khó khăn của DN và người tiêu dùng.
Giải thích về đợt tăng giá xăng dầu lần này, theo thông lệ, đại diện Bộ Tài chính đều đưa ra điệp khúc cũ: Tăng giá vì DN kinh doanh xăng dầu bị lỗ.
Đến bây giờ người dân không còn tin vào lời giải thích đó nữa. Bởi vì Bộ Tài chính vẫn còn nợ một lời giải thích trung thực từ lợi nhuận “khủng” của Petrolimex năm 2009.
Còn nhớ, năm 2009 đã có tới 9 lần tăng giá xăng dầu, lần nào cũng với lý do “doanh nghiệp lỗ nặng”. Mãi cho đến tháng 11 năm ngoái, Bộ Tài chính mới công bố kết quả kiểm toán Petrolimex, cả nước mới ngã ngửa: Trong cái năm 9 lần tăng giá xăng dầu đó, Petrolimex không những không lỗ xu nào mà còn đạt lợi nhuận “khủng”: lãi tới 2.660 tỉ đồng từ chính hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Sau khi kết quả này được công bố chính thức, người dân không hề thấy các quan chức tài chính hoặc công thương lên tiếng xin lỗi về những phát biểu thiếu trung thực biến lãi thành lỗ của mình, cụ thể là vào năm 2009. Trong khi đến hẹn lại lên, chính những quan chức này mỗi lần tăng giá xăng dầu lại mở miệng nói như cái máy “lỗ, lỗ”. Và chẳng thấy ai bị “kiểm điểm rút kinh nghiệm” tí tẹo nào cả.
Liệu những tuyên bố “lỗ” lần này và những lần sau nữa có còn đáng tin?
HOÀNG HẢI VÂN