Nhân ngày 30-4: Câu chuyện về 16 tấn vàng - Dân Làm Báo

Nhân ngày 30-4: Câu chuyện về 16 tấn vàng

Bùi Tín (VOA Blog) - Chuyện này xảy ra đã gần 37 năm. Từ đầu năm nay tôi nhận được 6 điện thư từ trong nước, từ Canada và Cộng hòa Liên bang Đức hỏi về chuyện này. Đây là chuyện rất cũ, nhưng do chế độ độc đảng luôn duy trì nhiều mảng tối, không công khai minh bạch, nên có nhiều vấn đề lịch sử cần làm rõ.

Trưa 30-4-1975, trong phòng lớn của Dinh Độc lập, sau khi tôi gặp và hỏi chuyện tướng Dương Văn Minh và ông Vũ Văn Mẫu, không khí dần dần bình thản. Ông Nguyễn Văn Hảo ghé tới nói nhỏ với giọng miền Nam, «Thưa tôi là Nguyễn Văn Hảo, phó thủ tướng đặc trách về kinh tế - tài chính, có chuyện cần trình bày riêng với các ông». Tôi cùng ông Hảo đến ngồi bên chiếc bàn nhỏ gần cửa sổ. Vừa ngồi xuống, ông Hảo nói ngay: «Chúng tôi vừa trao đổi với nhau, muốn nhờ ông báo ra ngoài đó là bọn này đã giữ lại hơn 16 tấn vàng không để họ mang đi, hiện để trong ngân khố, mong ngoài đó cho người vô nhận». Tôi hỏi lại: «Ông nói sao? 16 tấn vàng trong ngân khố? Có thiệt không?». Tôi ghi vội vài chữ trên sổ tay: Ng. v Hảo, 16 tấn, ngân khố…, và nghe ông Hảo trả lời: «Thiệt chớ, bọn này chịu hoàn toàn trách nhiệm mà». Ông còn nói thêm: «Nếu các ông gửi (ông dùng tiếng Pháp «placer») ở các ngân hàng quốc tế lớn thì sau sẽ có thể thành 18 tấn, 20 tấn. Nếu cần, bọn này sẽ giúp».

Tối hôm đó tôi đi trên chiếc xe jeep của đơn vị thông tin Quân đoàn II khi được biết họ sắp vào sân bay Tân Sơn Nhất để bắt liên lạc với phái đoàn ta trong Ban Liên hợp Quân sự bốn bên (về sau là Ban LHQS hai bên) lập ra từ sau Hiệp định Paris tháng 1-1973. Tôi đã từng ở đó 60 ngày trong một khu gọi là trại Davis. Thật là may mắn không ngờ. Tôi hướng dẫn Thiếu úy Hà lái xe vì tôi đã hàng chục lần đi con đường này hồi 1973, và đã nghiên cứu rất kỹ bản đồ Sài Gòn mấy ngày đó. Tôi vào trại Davis như về nhà. Anh Võ Đông Giang, anh Hoàng Anh Tuấn vẫn ở đó. Chào hỏi xong tôi vội xuống trạm thông tin, thì vẫn là tổ thông tin hơn 2 năm trước. Dạo ấy anh em vẫn đánh bài viết của tôi cho báo Quân đội Nhân dân. Chiều nay sau khi viết bài báo xong, tôi rất băn khoăn vì các nhà báo Pháp, Ý, Đức đều cho tôi biết là bưu điện Sài Gòn đóng cửa 2 hôm nay rồi. Điện thoại viễn liên bị cắt đứt. Họ đang bế tắc không sao gửi bài đi được. Tôi cũng sốt ruột không kém. Vì gửi bài báo ngay đêm nay để sáng mai bài báo được in trên báo QĐND là một yêu cầu cấp bách. Thượng sỹ thông tin trẻ măng người Thái Bình tên là Hải đánh bài báo của tôi bằng tín hiệu Morse, tè tè tích tích. Bài báo gửi cho Thiếu tướng Lê Quang Đạo, phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, để chuyển cho báo QĐND. Ngay sau bài báo là mấy dòng chữ «Gửi riêng Thủ trưởng Tổng Cục Chính trị - Tuyệt mật. Hôm nay 30-4-1975 Phó thủ tướng Nguyễn Văn Hảo đặc trách kinh tế - tài chính báo tin cho tôi là đã giữ lại trong ngân khố hơn 16 tấn vàng, mong ta cho người vào nhận. Bùi Tín».

Sau đó tôi mới thong thả gặp gỡ các anh em ta trong trại Davis, cùng ăn một nồi chào gà tuyệt trần sau một ngày cực kỳ căng thẳng, mệt nhọc.

Bài báo đăng trên báo QĐND sáng ngày 1-5-1975 là bài báo duy nhất gửỉ được từ Sài Gòn vì hồi đó chưa có điện thoại cầm tay, chưa có máy điện toán xách tay như hiện nay. Máy fax rất nặng nề. Do bài báo được chuyển bằng tín hiệu Morse tè tè tích tích, nên có 2 chữ ghi sai. Đó là khi tôi nói về thực đơn của Tổng thống ngày 30-4 được in trên giấy đặt trên bàn làm việc của ông, có 2 món là «cá thu kho mía» và «gân bò hầm sâm», một món của cao lâu Tàu được gọi là «ngầu pín», đã bị ghi sai thành cá thu kho giá và gan bò hầm sâm. Nhiều người thắc mắc cá thu kho giá và gan bò hầm sâm thì có gì ngon và bổ. Người đánh và nhận Morse đã nhầm chữ «g» (tè-tè-tích) thành chữ «m» (tè-tè) và chữ «â» thành «a». 

Ít lâu sau đó, tôi đọc trên cuốn A Decent Interval (Khoảng cách vừa phải) của Frank Snepp, một cán bộ CIA ở Sài Gòn trước đó, nói rằng Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã mang đi hàng chục tấn tài sản quý sang Đài Loan, nơi có anh ông là đại sứ Nguyễn Văn Kiểu, để đưa sang Hoa Kỳ sau đó. 

Tất cả các báo chính thức ở Hà Nội hồi đó đều trích đăng cuốn sách của Frank Snepp, đoạn nói về việc ông Thiệu chở tài sản quốc gia trong đó có hơn 10 tấn vàng trong ngân khố ra khỏi nước, và ai cũng đinh ninh là chuyện này là có thật.

Ở hải ngoại nhiều bài viết cho đến nay vẫn đinh ninh chuyện ông Thiệu mang đi 16 tấn vàng là có thật, lên án ông rất nặng nề là trong tình hình cực kỳ khẩn trương ông đã chỉ lo vun vén cho cá nhân, lo chiếm đoạt tài sản công thành của riêng một cách tồi tệ.

Về phía chính quyền độc đảng ở trong nước, họ vẫn cố tình duy trì một tình hình ỡm ờ úp úp mở mở, không rõ ràng minh bạch về hơn 16 tấn vàng trong ngân khố Sài Gòn hồi ấy, với ý định không sạch sẽ là để cho mọi người hiểu lầm về chuyện này.

Năm 1994, khi tôi đã ở Paris, một bạn người Việt làm việc cơ quan nghiên cứu và lưu trữ về chiến tranh Việt Nam ở Lubbock, Tiều bangTexas, Hoa Kỳ, cho tôi địa chỉ điện thoại của ông Nguyễn Văn Hảo. Tôi gọi ngay cho ông và từ đó có dịp nói chuyện về ngày 30-4-1975. Ông cho biết ông đang ở Port-au–Prince, thủ đô nước cộng hòa Haiti, trong vùng Antilles - Caribbean, làm cố vấn kinh tế cho chính phủ Haiti. Ông cũng được biết đầu tháng 5-1975 ngoài Hà Nội đã cho riêng 1 chuyến chuyên cơ vào tiếp nhận hơn 16 tấn vàng và chở ra Hà Nội. 

Đầu tháng 5-1975 tôi cũng được tướng Đào Đình Luyện, chỉ huy không quân, cho biết nguyên một chuyến chuyên cơ IL 18 đã chở số vàng thu được từ Sài Gòn ra Hà Nội.

Ông Hảo kể lại chuyện này: «Hồi đó, ông Vũ Văn Mẫu đề xuất với tướng Dương Văn Minh rồi giao cho tôi (là ông Hảo) mật báo cho đại diện của các ông, sau khi được báo là một sỹ quan cao cấp vào gặp bọn này». Ông nói thêm: «Các ổng muốn các ông hiểu rõ là bọn này đã cố giữ lại không cho họ mang đi để giữ lại tài sản quốc gia đặng giao lại cho quý ông». Ông còn cười vui: «Lẽ ra quý ông có một lời tiếp nhận và đánh giá công khai chuyện này cho đồng bào cả nước biết thì bọn này mới thật hài lòng». Lần sau gặp ông trên điện thoại, ông cho tôi biết thêm là «công bằng mà nói, đã có nhiều dự án chuyển hết số vàng trong ngân khố ra nước ngoài, qua các ngân hàng quốc tế, nhưng các cuộc thương lượng chưa ngả ngũ thì quý ông đã vô rồi. Anh em phụ trách Ngân khố quốc gia cũng tỏ rõ thái độ không để cho họ mang đi. Lẽ ra các ông nên có lời khen cho anh em đó vui lòng».

Trong các phiên họp của chính phủ, của quốc hội sau 30-4-1975, không có một chi tiết nào về hơn 16 tấn vàng được chính quyền miền Nam chính thức giao lại. Nó có thật sự nhập kho Nhà Nước đầy đủ, và được dùng vào những việc gì? Không ai biết. Đại biểu Quốc hội không ai hỏi, vì 90 % đại biểu là đảng viên, số ngoài đảng còn bảo hoàng hơn nhà vua.

Tháng 4-2010, Bộ Quốc phòng Hà Nội có cuộc họp «viết lại một cách chính thức diễn biến ngày 30-4-1975 ở Dinh Độc lập», họ không nhắc đến tên tôi, coi như nhà báo Bùi Tín không hề có mặt ở Sài Gòn ngày hôm đó, cũng không hề nhắc đến chuyện hơn 16 tấn vàng, một chi tiết không nhỏ, nhưng họ không muốn nhắc đến nữa.

Năm 1987, khi có dịp gặp ông Trường Chinh ở Đà Lạt, tôi kể lại chuyện này, ông cho biết : « Tôi có biết chuyện này, nhưng hết sạch cả rồi, trong mấy năm khó khăn, cấu véo hết tấn này đến tấn khác, mua lương thực, nguyên liệu, nay còn gì nữa đâu!». Đây là câu duy nhất tôi nghe được về số phận của hơn 16 tấn vàng năm 1975, từ miệng một nhà lãnh đạo.

Các phiên họp Quốc hồi từ 1975 đến nay, không ai biết, cũng không ai hỏi , chiến lợi phẩm thu được ở miền Nam, số tiền hồi ấy bộ Công an có chủ trương bán bãi, bán tầu thuyền, thu vàng cho mỗi người lên tàu di tản - từ 3 lạng đến 6 lạng, có khi lên đến 12 lạng vàng mỗi đầu người - tất cả là bao nhiêu? Và tiền thu của người Hoa bị xua đuổi từ Cẩm Phả, Hon Gai, Hải Phòng vào đến Vũng Tàu, Chợ Lớn, Cần Thơ...là bao nhiêu? Lại còn tiền của thu được qua các chiến dịch tiêu diệt công thương nghiệp tư nhân, cái gọi là diệt gian thương trên toàn miền Nam hồi đó, tiêu tan đi đâu cả rồi? Trong Quốc hội có Ban Kinh tế - Tài chính, nhưng có ai được biết gì đâu, có ai dám hỏi gì đâu, cả một khối mờ ám cỡ quốc gia, do đồng nhất đảng với nhà nước, đảng với quốc gia, đảng với nhân dân, tuy ba mà một.

Lại còn trong chiến dịch gọi là giải phóng Campuchia khỏi diệt chủng của Khơ-me Đỏ cuối năm 1978- đầu năm 1979, đơn vị đặc công và một sư đoàn của Quân đoàn IV được lệnh chiếm các cơ sở trong thủ đô Pnom Penh, đặc biệt là khu hoàng cung, tiền của, kho tàng, đồ cổ lớn nhỏ đã được thu về bao nhiêu? Mang về nước ta bao nhiêu? Ờ đâu, có biên bản, thống kê gì không? Tôi được biết phần lớn là giao cho Ban Tài chính - Quản trị trung ương đảng, một cơ quan kinh tế - tài chính - thương nghiệp xuất nhập khẩu - sản xuất kinh doanh riêng của đảng, mà biên chế còn lớn hơn cả bộ Công thương và bộ Kế hoạch - Đầu tư cộng lại.

Chế độ hiện tại quan tâm đến tiền bạc, ngoại tệ, ngân khố, ngân hàng, hơn là cái gốc của nền kinh tế là sản xuất ra của cải với kỹ thuật cao, giá thấp . Họ quên chức năng cơ bản của nhà nước là phân phối, điều tiết phân phối lại thành quả phát triển cho toàn xã hội cùng hưởng.

Các bộ của chính phủ coi rất nhẹ việc quản lý về hành chính, chỉ chăm chú đến sân sau là các công ty kinh doanh để chia chác bổng lộc, mặc cho các chỉ thị thu rất hẹp lĩnh vực này.

Xin quan sát kỹ để thấy rằng ai dính đến tài chính, ngân hàng, ngân sách đều được thăng quan tiến chức nhanh nhất; thủ tướng hiện nay từng là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; chủ tịch Quốc hội hiện nay trưởng thành từ Cục trưởng Cục Ngân sách, rồi thứ trưởng tài chính, rồi bộ trưởng tài chính, rồi phó thủ tướng thường trực. Một phó thủ tướng hiện nay cũng từng là thứ trưởng rồi bộ trưởng bộ tài chính. Nguyên thống đốc ngân hàng Trần Đức Thúy cùng cậu con trai Trần Đức Minh và cộng tác viên thân cận là đại tá công an Lương Ngọc Anh đều là những nhân vật con cưng của chế độ, những công thần hàng đầu trong việc ngang nhiên phân phối lại tiền của của nhân dân đổ vào ngân sách riêng của đảng. (Các bạn có thể đọc thêm bài báo «Nạn chảy máu tài nguyên quốc gia» trên VOA ngày 17-8-2011).

Lúc này giới cầm quyền trong nước cần nhớ lại lời khuyên tâm huyết của ông Lý Quang Diệu mươi năm về trước là: «Khi sẽ có nhiều khoản tiền đầu tư lớn từ nước ngoài chảy vào, hãy giữ gìn cẩn thận, không để cho đồng tiền chỉ huy, ngự trị, làm chủ lương tâm viên chức, hãy rất cảnh giác với đồng tiền bẩn, đồng tiền phi pháp, nó sẽ phá hoại công cuộc phát triển». Cũng chính Cụ Lý - như một số người trong nước thân mật gọi – căn dặn cách phòng chống tham nhũng có hiệu quả là: luật pháp, ngành tư pháp, tòa án phải rất nghiêm (để không ai dám tham vì sợ tù ), lương viên chức tạm đủ sống (không cần tham nhũng), tuyên truyền giáo dục nêu gương các viên chức trong sạch sống thanh bạch, chỉ ra kẻ tham là kẻ cắp, kẻ cướp xấu xa ô nhục tàn phá rường cột của quốc gia (không ai nỡ tham nhũng vì sợ nhục). 

Có thể nói tiền nong, vàng bạc, của cải trong chế độ độc đảng đã gây nên tham nhũng, bất công kinh khủng chưa từng có trong xã hội nước ta, tiền của vàng bạc phi pháp đã tha hóa giới cầm quyền ở mọi cấp, tàn phá đảng cộng sản Việt Nam từ gốc lên ngọn.

Hiện là thời kỳ đảng viên quan chức lao lên trước đi tiên phong để trở thành đại gia, đại điền chủ, đại trọc phú, đại tư bản đỏ, bỏ mặc nhân dân của mình nghèo đói ở phía sau, đến nỗi nhà Mác-xít Lữ Phương phải la trời rằng đảng cộng sản đã đi đầu trong xây dựng chủ nghĩa tư bản man rợ. Đó là thời kỳ các quan chức vứt hàng ngàn tỷ này đến hàng nghìn tỷ khác qua cửa sổ, chìm nghỉm dưới đáy biển, để mặc cho hệ thống y tế và giáo dục tàn tạ, bệ rạc.

Thời đại kim tiền của các nhà cầm quyền tỷ phú Marcos, Suharto, Park Chung Hy, Ceausescu, Ben Ali, Ghadafi, Mubarak…đã kết thúc bi thảm. Gương tày liếp cho những bầy sâu chói mắt vì ánh vàng.

Bùi Tín

http://www.voanews.com/vietnamese/blogs/tin/16-tan-vang-04-12-2012-147209025.html


*


Dân Làm Báo xin gửi đến 1 bài viết của Tác giả vào năm ngoái:


Nạn chảy máu tài nguyên quốc gia

Cựu Tổng thống Tunisia Ben Ali và cưụ Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak đang bị truy tố và xét xử về nhiều tội, trong đó quan trọng nhất là tội “đàn áp, tàn sát công dân trong các cuộc biểu tình yêu nước”, và “biển thủ tài sản quốc gia, cắt từng mảng lớn ngân sách quốc gia cho đảng độc quyền và cho các quan chức của đảng”. Riêng về 2 tội này, mỗi người có thể bị ít nhất 20 năm tù giam, hoặc tù chung thân, tài sản riêng bị sung vào công quỹ, trả về cho nhân dân.

Các chế độ toàn trị, không cộng sản như Tunisia, Ai Cập, hay cộng sản như Việt Nam, Trung Quốc, đều có những nét chung, đó là đàn áp công dân yêu nước và cắt xén ngân sách quốc gia quy mô lớn cho đảng độc quyền, để từ đó biến công quỹ thành tài sản riêng của các quan chức tham nhũng của đảng.

Về tội danh thứ hai, từ khi còn ở trong nước, tôi đã băn khoăn về hiện tượng cắt xén tài sản quốc gia để chuyển sang cho đảng độc quyền. Năm 1986, khi làm tuần báo Nhân dân Chủ nhật, tôi có yêu cầu đặt mua máy in 5 màu của Nhật Bản, phải dùng ngoại tệ, nên Ban Tài chính Quản trị Trung ương Đảng triệu tập tôi đến làm việc, hỏi cụ thể về chuyện này.

Ông Hoàng Quốc Thịnh, trưởng Ban, là ủy viên Trung ương Đảng, vốn là bộ trưởng Nội thương, cùng một vụ phó vụ tài chính của Ban, tiếp tôi trong phòng khách của Ban, tại tòa nhà của trường Albert Sarraut cũ, một dinh thự vào loại lớn ở Hà Nội.

Qua vài dịp tiếp xúc với Ban Tài chính Quản trị Trung ương Đảng, tôi dần dà hiểu rằng nó là một cơ quan kinh tế – tài chính kinh doanh công- thương nghiệp riêng của đảng, với rất nhiều bất động sản, biệt thự, nhà nghỉ, xí nghiệp, cửa hàng, công ty, bãi xe, đoàn xe, đội tàu biển, có cả cơ sở ngoại thương ở Quảng Châu (Trung Quốc) và Phnom Penh (Campuchia). Lúc ấy 2 công ty của Ban này là công ty An Phú và công ty Tây Hồ.

Gần đây một số bạn nhà báo trong nước cho biết Ban Tài chính Quản trị Trung ương Đảng nay đã phát triển rộng lớn, bế thế hơn trước gấp nhiều lần, đặc biệt là từ khi mở cửa, nước ta vào Tổ chức thương mại thế giới (WTO), nhận viện trợ và đầu tư lớn của quốc tế. Nó lớn hơn, bề thế hơn, có quyền lực lớn hơn trước, đi cùng với quốc nạn tham nhũng. Nó có cả hệ thống các ban tài chính quản trị của đảng thuộc các tỉnh – thành ủy, quận – huyện ủy. Trụ sở của đảng, các phòng họp trung ương đảng được xây dựng lại, trang bị lại to lớn, lộng lẫy khác hẳn trước. Cơ ngơi vật chất của các tỉnh ủy đều đàng hoàng, trụ sở tỉnh ủy, nhà ở, xe cộ, trang phục cho đến tiền lương, phụ cấp của bí thư tỉnh ủy thường cao hơn so với chủ tịch tỉnh.

Nay tôi mới được biết chỉ có Tổng bí thư, Uỷ viên thường trực Ban bí thư và Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đảng là 3 nhân vật về nguyên tắc nhận được báo cáo riêng của Ban này. Chính phủ không có quyền gì với nó, Quốc hội cũng không ai nói đến, chất vấn gì, nhân dân càng không biết. Nó nắm cơ man nào là tiền, là của, là tài sản chìm nổi, và hoàn toàn ở ngoài vòng pháp luật. Đây là đặc trưng lớn nhất của một chế độ độc đảng, độc quyền đảng trị.

Những nhân vật làm tay trong của đảng để cắt từng mảng lớn ngân sách quốc gia, tiền đóng thuế của dân, tiền viện trợ, tiền quốc tế cho vay lãi thấp, tiền đầu tư của các nước… để chuyển sang ngân sách của đảng gồm có: Bộ trưởng tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Phó Thủ tướng đặc trách kinh tế tài chính, Thủ tướng, Tổng bí thư Đảng CS. Họ tự cho mình cái quyền làm như thế, để phục vụ đảng, để còn tự chia chác, trong một chế độ mà nhóm chuyên gia Harvard, Hoa Kỳ, ở Việt Nam gọi là hệ thống phe nhóm cánh hẩu – Crony System.

Không có gì trớ trêu bằng những người từng tự vỗ ngực là vô sản, là lãnh tụ vô sản, là bênh vực giai cấp vô sản tại Việt Nam nay lại trở thành những triệu phú đôla, đại tư bản đỏ, chủ chứng khoán đỏ, vượt xa các đại điền chủ Nam bộ thời Pháp thuộc. Họ chia chác cho nhau rất tùy tiện, tự cho mình quyền hưởng thụ, tự nghĩ rằng đã hy sinh, cống hiến cho đất nước. Họ quên hẳn câu châm ngôn về đạo đức của mọi đảng viên: “Lo trước thiên hạ, sướng sau mọi người”. Hóa ra đây chỉ toàn là những lời đạo đức giả!

Trong việc truy tố và xét xử các cựu tổng thống Tunisia và Ai Cập về tội cắt xén từng mảng lớn ngân sách, bất động sản, tài nguyên quốc gia để làm của riêng của đảng cầm quyền, báo chí phương Tây gọi đây là những “cuộc chảy máu tài nguyên quốc gia” do các chế độ toàn trị gây nên, là những cuộc cướp bóc cực lớn và man rợ giữa thế giới văn minh.

Trong suốt 22 năm “Bắc thuộc” vừa qua, đất nước ta cũng gặp tai ương lớn như thế, có thể gọi là nạn chảy máu ròng, máu đỏ của toàn dân chảy vào cơ thể của đảng trọn quyền thao túng, theo phương châm “đảng lãnh đạo thường xuyên liên tục và tuyệt đối”. Nhân dân lao động, nông dân, công nhân, viên chức cần cù sống đồng lương ít ỏi, ba cọc ba đồng, con cái gầy còm, xanh xao trong khi các quan chức CS cấp cao tha hồ ăn chơi xả láng.

Từ thời xa xưa đã có những câu thơ về bức ảnh lãnh tụ bên các cháu nhi đồng:

Bác Hồ cùng với bác Tôn (Tôn Đức Thắng)
Cả 2 bác ấy đều thương nhi đồng
Hai bác má đỏ hồng hồng
Ngồi bên các cháu mặt xanh, cổ cò
Ngày nay lại càng khác xa.

Cháy máu ròng không cầm được là chết. Huống gì nước ta đang bị chảy máu ròng xuyên qua thế kỷ. Chênh lệch giàu nghèo đang mở rộng vô hạn độ. Người ăn không hết, kẻ lần không ra.

Người ăn không hết hầu hết là kém tài, đức hiếm, kẻ lần không ra là người lao động, viên chức cần mẫn lương thiện, ngay thật, có cả hàng triệu đảng viên thường không thế lực.

Không phải ngẫu nhiên mà các quan chức cấp cao nhất, từng dính đến vụ chảy máu ròng xuyên thế kỷ của quốc gia bất hạnh này đều được khen thưởng xứng đáng, lên cấp trong cuộc chia ghế vừa qua. Không phải ngẫu nhiên mà thủ tướng 2 khóa liền từng một thời là thống đốc Ngân hàng Nhà nước, chủ tịch Quốc hội mới từng là bộ trưởng tài chính rồi là phó thủ tướng thường trực đặc trách kinh tế – tài chính ; Phó thủ tướng mới là từ bộ trưởng tài chính mà lên, một ủy viên ban thường trực Quốc hội mới khóa XIII vừa rời chức thống đốc Ngân hàng Nhà nước; rồi tổng kiểm toán Nhà nước, chủ tịch ủy ban giám sát tài chính của Quốc hội cũng từng là cán bộ cao cấp ngành Ngân hàng Nhà nước cả.

Nhiều xe triệu đô được nhập về VN trong những năm quaĐó là những nhân vật liên quan trực tiếp đến ngân sách, kho bạc, tiền, vàng, đôla của đất nước, liên quan sâu đến quốc nạn chảy máu tài sản quốc gia kéo dài xuyên thế kỷ.

Qua việc mà báo chí nước ngoài gọi là “cuộc thay ca kíp ở Hà Nội”, 2 loại nhân vật được trọng dụng nhất là ngành công an và ngành tài chính – ngân hàng như nói trên. Một đại tướng công an làm ủy viên thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, một trung tướng công an làm chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, một nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước, rồi thứ trưởng công an làm thủ tướng thêm một nhiệm kỳ. Trong khi đất nước cần những nhân tài kỹ trị, có trí tuệ và tâm huyết trong các ngành khoa học, kỹ thuật, giáo dục và văn hóa ở những vị trí then chốt của quốc gia. Họ đâu cả rồi? Đây là nỗi đau chung của đất nước hiện nay.

Xin hỏi gần 500 đại biểu Quốc hội mới và đông đảo bà con cử tri nước ta suy nghĩ ra sao về hiện tượng rất không bình thường, lại có vẻ rất bình thường này của đất nước?

Blog Bùi Tín (VOA)


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo