Những kẻ ám sát cánh đồng - Dân Làm Báo

Những kẻ ám sát cánh đồng

Thùy Linh -  Nhớ chuyện bố kể ngày xưa... Nhà chỉ có hai anh em đùm bọc nhau vì ông bà mất sớm. Ngày toàn quốc kháng chiến năm 46, cả bố và chú mình đều muốn đi bộ đội. Chú nhất định không cho bố đi vì sợ “lỡ hai anh em mình đều hy sinh thì độc lập để ai hưởng?”. Bố ở lại và sống đến năm 83 tuổi, hưởng cuộc sống công chức nghèo thanh bần. Còn chú hy sinh ngay ngày đầu kháng chiến khi mới tròn 20 tuổi. Chú nằm xuống cánh đồng chiêm trũng quê nhà ngập úng. Một sư thầy chôn chú vội vàng vào phút nghỉ giữa hai trận đánh. Mộ chú sau này không tìm thấy… Cả đời bố day dứt về chuỵên này.

Gậy chọi với súng và đạn hơi cay... 

Giờ thì mình nghĩ kiếp người ngắn ngủi chưa chắc đã dở? Vì giả sử chú còn sống thì sau chiến tranh sẽ về làm gã nông phu ở làng? Sẽ cày cấy trên thửa ruộng được chia sau năm 54? Và bây giờ có thể sẽ đứng vào đám đông như những người nông dân Văn Giang để chọi lại súng đạn, hơi cay quyết giữ lại mảnh đất nuôi sống mình? Nhiều người bảo ngày xưa, sau năm 54 có khẩu hiệu: “người cày có ruộng”; “ruộng đất về tay dân cày”…Giờ khẩu hiệu đó đã đổi lại: “ruộng đất về tay tư sản đỏ”. Liệu chú có chịu đựng được cú sốc này? 

"Ra trận"? 

Xem clip cưỡng chế đất ở Văn Giang. Thấy từng đoàn, từng đoàn binh lính được che chắn, bảo vệ bởi đủ các giáp, mũ, súng đạn. Và quan trọng hơn họ được bảo trợ bằng quyền lực, tiền lực, lực lượng đông đảo. Khí thế lắm. Dàn quân như trong các bộ phim về chiến tranh thời trung cổ với giáp sắt, mũ, khiên…Chợt nhớ ngày xưa trong một bài thơ của Việt Phương mà lớp lớp học sinh phải nằm làu có câu: “Bác không gọi trận đánh chết nhiều người là trận đánh đẹp”. Còn giờ những người lính cầm vũ khí dẹp đánh nhân dân mình, trước khi ra quân họ tin là sẽ thắng lợi vì kế hoạch tác chiến nhịp nhàng và sẽ làm nên trận đánh “đẹp”. Nhìn những kẻ mặc sắc phục công an say máu đánh người mà rùng mình.

Nón lá chọi với mũ sắt... 

Người họ chiến thắng là ai? Là những người nông dân cố sống chết bám lấy thửa ruộng của mình dù chỉ có gậy gộc, mũ bảo hiểm loại rẻ tiền. Trận đánh “đẹp mặt” của kẻ biết dùng tiền, quyền vào đúng chỗ, đúng lúc để bắt những người nông dân rời bỏ ruộng vườn… 

Nhân dân vẫn cố níu vào lá cờ Tổ quốc để giữ đất... 

Sau này, cha mẹ những người lính ấy và quê hương họ cũng bị cưỡng chế để lấy đất thì ai sẽ đứng vào hàng ngũ người lính để tạo ra những trận đánh “đẹp” như thế nhỉ? Không lẽ người với người thay phiên làm âm binh để hại nhau? 

Rùng rùng quân đi như sóng? 

Mỗi khi nhắc đến Hà Lan là người ta nhớ ngay đến chuyện chả giống ai: đất nước nhiều diện tích nằm dưới mực nước biển; là nước thu nhập chủ yếu nhờ dịch vụ; có hoa tuy líp nổi tiếng xuất khẩu; nghề gái điếm được bảo hiểm xã hội vì là một nghề được xã hội công nhận; là nước thừa nhận hôn nhân đồng giới; được phép sử dụng ma tuý công khai…Nhưng có lẽ ấn tượng nhất là màu xanh mướt mát của những cánh đồng bát ngát. Cảm giác như đang hưởng thụ một cuộc sống điền viên yên bình, thanh tịnh dù ở bất cứ đâu ở Hà Lan. Chả cần vênh vang, cạnh tranh với các nước công nghịêp phát triển, Hà Lan tự tìm cho mình thế mạnh riêng: bên cạnh việc trồng ngũ cốc, rau cải, cây ăn trái và hoa, việc trồng hoa tuy líp ảnh hưởng đến cả lịch sử của đất nước, là nuôi bò sữa trên quy mô lớn, là cơ sở làm pho mát, một sản phẩm xuất khẩu quan trọng. Nền nông nghiệp Hà Lan tạo việc làm cho gần 4% người lao động nhưng lại góp phần quan trọng trong xuất khẩu. Sau Mỹ và Pháp, Hà Lan là nước xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp lớn thứ ba trên thế giới. VN đã được hưởng thụ những sản phẩm tuyệt vời như vậy của Hà Lan: sữa, pho mát…Tại sao VN không là nước nông nghịêp phát triển? Cố công trở thành một nước công nghiệp phát triển nhưng đến giờ chỉ dừng ở mức…gia công và lắp ghép. Vậy là bao đất đai nông nghiệp đã bị thu hồi cho các khu công nghiệp và khu dân cư cho có vẻ hiện đại. Bao nhiêu nông dân mất đất, mất nghề điêu đứng. Và chỉ ở nước mình mới có công thức: công nghiệp hoá = bần cùng hoá nông dân. 

Đồng quê còn lại chút này... 

Lâu nay mình hay đi phượt. Mỗi khi qua những cánh đồng thấy cò về nhiều lắm. Có vùng quê cánh cò trắng đồng, chấp chới, lấp lóa dưới nắng chiều. Nhìn thân cò mò mẫm bên thửa ruộng thấy tồi tội, dễ thương…Trông chúng như người lầm lụi. Tự nhiên thấy yêu cánh đồng hơn gấp bội. Tự bảo: điềm lành vì người nông dân không còn giết cò để ăn. Ruộng đồng bớt thuốc sâu để cò bắt con tôm con tép. Người biết gần gũi thân thiện với cò. Cò đã biết yêu người, yêu đồng. Cánh đồng không có cò như bức tranh thuỷ mạc thiếu mực vẽ chưa xong. 

Đồng chiều, cuống rạ? 

Giờ thì nhiều kẻ rắp tâm “ám sát cánh đồng” (xin mượn tên tiểu thuyết của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều). Từng cánh đồng lần lượt bị ám sát. Từng gia đình nông dân bị chết mòn. Giờ cánh cò sẽ tan tác về đâu? 

Câu ca dao sẽ được người lớn ru trẻ nhỏ là thế này: 

Con cò đi đón cơn mưa 
Tên bay đạn nổ ai đưa cò về? 
Cò bèn bỏ quán, bỏ quê 
Bỏ cha bỏ mẹ cò về nơi đâu? 

Không lẽ giấc ngủ trẻ thơ giờ chỉ còn tiếng súng vọng và đạn hơi cay xé mí mắt?




Mời bạn bè nghe bài hát "Mùa xuân đầu tiên" của nhạc sỹ Văn Cao để nhớ về những mùa xuân trên cánh đồng thơ mộng xinh đẹp của nước mình...





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo