Trung Thanh (Danlambao) - Tại Bách khoa toàn thư mở vi.wikipedia.org có một trang về ông Đinh La Thăng, ghi rõ: ông Đinh La Thăng sinh ngày 10 tháng 4 năm 1960 tại xã Yên Bình, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định có học vị Tiến sĩ Khoa học, học hàm Giáo sư (!?). Còn trên trang web của Quốc Hội, phần tóm tắt tiểu sử thì ghi Trình độ học vấn của Bộ trưởng Thăng là : Tiến sỹ kinh tế - Trên Đại học
Wikipedia là một loại tài liệu mở, tính “chính thức” không đạt được độ tin cậy cao tuyệt đối, nhưng hiện nay được sử dụng rất phổ biến. Đây là một kênh thông tin rất tiện dụng cho bạn đọc phổ thông không có điều kiện tìm hiểu thông tin tại các Thư viện chính thống. Tuy nhiên, với thông tin ông Thăng là “giáo sư tiến sĩ” (GSTS), thì quả là thông tin còn khá mù mờ.
Nhiều người để ý rằng, trong các cuộc họp chính thức của Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) khi ông Thăng còn là người đứng đầu, chưa bao giờ ông Thăng được giới thiệu là “GSTS” cả. Nhưng trong các cuộc họp hành, lễ lạt tại các tổng công ty hoặc công ty trực thuộc PVN, nhiều lần ông Thăng được giới thiệu rất trịnh trọng là GTTS mà chưa bao giờ thấy ông phản đối hay cải chính danh hiệu này.
Cán bộ, nhân viên thuộc PVN thường hay đàm tiếu: “Quái lạ, “Hoàng Thượng” học tiến sĩ lúc nào nhỉ? - “Hoàng Thượng” giảng dạy ở đâu mà được phong Giáo Sư? - Hội đồng nào phong?”… (Ghi chú: “Hoàng Thượng” là biệt danh mà cán bộ, nhân viên PVN ám chỉ ông Thăng).
Tiến sỹ Đinh La Thăng - Nguồn: Trang Web Quốc Hội nước CHXHCN VN - http://na.gov.vn/htx/Vietnamese/C1396/C1745/C1781/default.asp?sAction=DETAIL_PERS&intPersID=37#KW6rVp6vEpsi |
Nhiều người nói với nhau: đến wikipedia mà còn ghi rõ ông Thăng là GSTS nữa là…, hay là “ai đó” biết tỏng cái tật háo danh của Hoàng Thượng mà chơi đểu Hoàng Thượng (vì tội mạo danh học hàm, học vị này mà bị chính phủ điều tra ra thì bẽ mặt và mất chức chứ chả chơi). Thế nhưng tại sao chưa bao giờ ông Thăng phản đối hay cải chính danh hiệu này khi được nhiều thuộc cấp tán dương?
Nói về các “mưu sĩ” của ông Thăng. Trong thời gian ông Thăng đang đứng đầu PVN, ông sử dụng rất nhiều mưu sĩ, trong đó có Nguyễn Đình Lâm (còn gọi là “Lâm Phò Mã”, vì Lâm là con rể một đồng chí bộ trưởng, nay đã nghỉ hưu) chuyên cố vấn trong các mối quan hệ với các cơ quan trong chính phủ, và Đỗ Trung Thành, chuyên cố vấn trong các mối quan hệ với các cơ quan bảo vệ pháp luật. Thành là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Cty cổ phần Xây lắp Dầu khí Thái Bình Dương, người luôn luôn cặp kè từng bước chân với ông Thăng khi từ khi ông Thăng về dầu khí tới nay. Các lãnh đạo các đơn vị trực thuộc PVN rất nể sợ Thành. Họ cho rằng, Thành là em kết nghĩa thân thiết nhất của Thăng, Thành đang còn là đại tá tình báo(!?).
Quả thật, Lâm, Thành, (ngoài ra còn nhiều đàn em khác như Thanh, Thuận PVC…) đã phò tá cực kỳ hiệu quả cả về mưu lược lẫn kim tiền trên con đường quan lộ của Thăng. Tuy nhiên, Thành đã mắc sai lầm lớn khi tặng Thăng chiếc xe “xịn” 2,6 tỷ đồng để Thăng vi hành cho êm (và tiếp tục ưu ái cho Thành “trúng thầu” tơi tới như hồi Thăng còn ở PVN), đương nhiên không thể nào tặng đích danh cho Thăng được (vì như vậy là tối hối lộ). Khi nhận chiếc xe này, Thăng vì quá tự tin kiêu hãnh, nên không bao giờ nghĩ là thông tin lại bị cánh báo chí phăng ra và làm um xùm lên như vậy, chứ 2,6 tỷ đồng đối với Thăng chỉ là cái móng tay, nhận chiếc xe hóa ra đã bôi nhọ vào mặt mình! Nếu Thăng có đủ trí tuệ để nhớ một câu nói của ông cha ta là “cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra” thì Thăng đã không phải là Thăng nữa rồi!
Nói về tật nói vung vít, một tấc đến trời của Thăng (nói gọn một từ là “nổ”), thì đây chính là cố tật của nhiều cán bộ đoàn thanh niên, khó mà sửa được. Nhưng cố tật này lại được Thăng khéo léo biến thành ưu điểm, giúp Thăng leo nhanh và leo cao một cách ngoạn mục. Thăng luôn tự tìm ra được những đặc điểm gây ấn tượng mạnh tô bóng “tài năng” của Thăng, đó là tài ăn nói “quyết liệt”, hành động cũng “quyết liệt” luôn. Nhưng cho đến nay, nhiều người đã vỡ lẽ rằng: tài lẻ theo kiểu xảo thuật này có thể thích hợp với anh kế toán, với anh cán bộ đoàn, chứ đến tầm bộ trưởng thì nó đã lòi cái đuôi chuột ra rồi. Vì tầm cỡ bộ trưởng thì phải nói trên cơ sở có kiến thức và kinh nghiệm thực sự, suy nghĩ chính chắn khoa học và nhân văn, vì không thể lấy những lời “đại ngôn”, “có cánh” thay cho sự khiếm khuyết cả đức lẫn tài của một nhà lãnh đạo. Nhưng, cũng vẫn còn không ít người còn le lói niềm hy vọng về một bộ trưởng “đổi mới”, bộ trưởng “hành động”…
Than ôi, chỉ khổ cho người dân Việt, thất vọng, hy vọng, rồi lại thất vọng. Nếu còn có những nhà lãnh đạo đất nước như kiểu ông Thăng thì dân còn dài cổ ra mà chịu đựng, chỉ còn biết cầu Chúa hoặc lạy Phật mà thôi…