Đồng loạt kháng cáo bản án Vinashin - Dân Làm Báo

Đồng loạt kháng cáo bản án Vinashin

BBC - Tám trong số chín bị cáo nhận án tù trong vụ xử Vinashin, kể cả ông Phạm Thanh Bình, đâm đơn kháng cáo. 

Chánh án Tòa án Nhân dân Thành phố Hải Phòng Nguyễn Thị Mai được truyền thông dẫn lời cho hay chỉ có một bị cáo liên quan tới vụ án “làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” không làm đơn kháng cáo.

Trong bản án sơ thẩm ngày 30/03/2012, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiểm tổng giám đốc Vinashin bị tòa tuyên án mức án tối đa 20 năm tù trong phiên xử sơ thẩm bốn ngày ở Hải Phòng. 

Người nhận án tù nhẹ nhất, 3 năm, trong bản án sơ thẩm là ông Nguyễn Tuấn Dương - nguyên chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Cửu Long, đã quyết định không kháng cáo. 

Cáo trạng của tòa truy cứu trách nhiệm chín bị cáo cho khoản thiệt hại 910,5 tỉ đồng (43 triệu đôla). 

Trong lời nói cuối trước tòa, ông Phạm Thanh Bình được trích dẫn nói “có những lúc nóng vội, thậm chí có những lúc ‘xé rào’ làm sai quy định của Chính phủ nhưng tất cả đều vì lợi ích chung của tập thể, không vì tính cá nhân nào”. 

Hiện Vinashin đang bị mắc nợ hơn 4,4 tỷ đôla, trong đó có cả khoản nợ 600 triệu đôla mà chủ nợ là các định chế tài chính nước ngoài cho Vinashin vay qua trái phiếu. 

‘Kín tiếng về nợ’ 


Ông Phạm Thanh Bình nhận án tối đa 20 năm 

Mới đây truyền thông trong nước đưa tin "một tập đoàn đa ngành" tại Việt Nam "có tiềm lực tài chính mạnh" và "quan hệ tốt với các chủ nợ của Vinashin" đã mua lại một số khoản nợ của Vinashin. 

Giới quan sát cho rằng Ban chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin chắc chắn nắm được tên của chủ nợ mới, nếu có, đối với khoản mà Vinashin nợ Elliott Advisors. 

Ban này gồm một phó thủ tướng và sáu vị lãnh đạo thuộc các bộ tài chính, giao thông, công an, tuyên giáo, đảng ủy trung ương và ngân hàng nhà nước. 

Tuy nhiên báo chí Việt Nam dường như không được phép nêu tên tập đoàn “đa ngành” này và hiện không có thông tin gì thêm về diễn biến khoản nợ 600 triệu đôla mà Vinashin đang mắc nợ. 

Đại diện của Tòa thượng thẩm London trong tháng Ba xác nhận với BBC tiếng Việt rằng bên nguyên đơn, từng kiện Vinashin và 21 công ty liên quan tại Việt Nam, ngưng theo kiện trong một án lệnh đề ngày 15/03/2012.Vào tháng 11/2011, đơn kiện Vinashin được Elliott nộp lên tòa thượng thẩm ở Anh nhằm đòi số tiền 13,2 triệu đôla cả gốc lẫn lãi mà Vinashin nợ quỹ này. 

Đây là số tiền nằm trong khoản vay quốc tế 600 triệu đôla mà ngân hàng Credit Suisse làm đầu mối để một số chủ nợ quốc tế, trong đó có Elliott, cho Vinashin vay hồi năm 2007. 

Phản ứng sau phiên xử vụ Vinashin, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói với BBC rằng “người ta vẫn hỏi rằng chỉ có Vinashin gây ra tác hại như thế hay sao, còn có ai có trách nhiệm để dẫn đến tình trạng Vinashin như thế này hay không? 

"Chả lẽ một mình Vinashin dám tự tung, tự tác để gây ra các sai phạm như thế hay sao? Và các cơ quan giám sát, chỉ đạo thì không ái có trách nhiệm gì cả, hay sao?" 

Còn nhà quan sát Nguyễn Quang A từ Hà Nội nói: "Nếu chính phủ Việt Nam không ưu ái cho Vinashin như muốn lấy đất ở đâu thì lấy, lệnh cho các ngân hàng phải cho Vinashin vay, thì cũng không gây ra hậu quả nghiêm trọng như thế này", 

"Những doanh nghiệp như Vinashin được ưu ái đến mức người ta đưa tiền vào đến tận nơi để họ sử dụng". 

"Giới lãnh đạo Vinashin cũng có lỗi chứ không phải là không, nhưng họ thực ra chỉ là người thừa hành", ông Nguyễn Quang A nói.

*

Ban chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin 

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh (Trưởng Ban) 
Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận Tải 
Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính 
Nguyễn Văn Bình, Thống đốc NHNN 
Trung tướng Tô Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an 
Bùi Thế Đức, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương 
Trương Quang Nghĩa, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo