Trần Huy Thuận (blog NguyenTrongTao) - Không phải đến hôm nay mới có bằng chứng bà Hoàng Yến man khai lý lịch, mà có từ lâu rồi chứ? Công nhận. Nhưng… Nhưng gì? À… Không có gì! Ý mình là có lẽ các cơ quan bảo vệ pháp luật hồi đó đang còn bận nhiều việc khác, nên vụ này lọt lưới… Nhiều người dân lại nghĩ: Cái vụ này cũng có nguyên nhân “Nén bạc đâm toạc tờ giấy” như nhiều vụ án khác mà thôi! Vụ này dính cả vi phạm luật pháp, có yếu tố người nước ngoài, bố quan tham nào dám bao che? Ngay đến trường hợp bà Yến này xuất túi ra cả tiền tấn để … “chạy” ...
*
Kèo: – Này Cột! Cậu biết tin MTTQ đang xem xét tư cách của ĐBQH Hoàng Yến chưa?
Cột: – Thế hả? Nhưng mà sao trước không làm, nay lại làm nhỉ?
Kèo: – Trước chưa có bằng chứng, nay có thì nay làm chứ sao!
Cột: – Trước chả có bằng chứng rồi là gì. Báo CCB, rồi báo NCT đều đã chả đưa công khai rồi đó sao?
Kèo: – Nhưng hồi đó, bà ĐBQH Hoàng Yến đã phản công lại báo CCB rồi, bà còn đe: “Làm mất uy tín một ĐBQH là làm mất uy tín cả Quốc hội, cả cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan bảo vệ pháp luật”[1].
Cột: – Nhưng đang nói về vấn đề bằng chứng cơ mà. Báo CCB hồi đó đã đặt vấn đề “Tiêu chuẩn quan trọng nhất của ĐBQH là phẩm chất, đạo đức, sự trung thực thì bà Đặng Thị Hoàng Yến không đủ tiêu chuẩn và lẽ đương nhiên chưa xứng đáng là ĐBQH” và đưa ra dẫn chứng cụ thể, tóm tắt như sau: Thứ nhất, bà Hoàng Yến từng là đảng viên chính thức nhưng trong lý lịch ứng viên ĐBQH, bà Yến lại khai là “không phải đảng viên”. Thứ hai, bà Yến còn bỏ không khai 4 điểm: - Bà Yến liên quan đến chuyên án AB98, “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, chiếm đoạt bí mật Nhà nước trong đấu thầu dự án điện”. – Bị cấm xuất cảnh hai năm. – Từ năm 2002 đến năm 2007, bà Yến sống ở Mỹ. – Lấy chồng là Việt kiều Mỹ, thuộc thành phần bất hảo đã trốn về Mỹ và bị truy nã.
Kèo: – Vậy à? Hồi đó mình có nghe dư luận xôn xao, nhưng mình tin vào sự minh xét của Quốc Hội và MTTQ VN. Nếu man khai đến mức ấy, thì qua mặt sao được các cơ quan ấy?!.
Cột: – Thế mà vẫn qua mặt được đấy thôi! Cậu không thấy bức ảnh các báo chụp ĐBQH Hoàng Yến tươi cười phát biểu trong một cuộc họp Quốc Hội à? Bởi vì cơ quan “thẩm tra tư cách ĐBQH của QH đã khẳng định bà hoàn toàn đủ tư cách rồi mà!
Kèo: – Thế nay mới có chuyện!
Cột: – Vậy cậu phải công nhận với tớ một điều: Không phải đến hôm nay mới có bằng chứng bà Hoàng Yến man khai lý lịch, mà có từ lâu rồi chứ?
Kèo: – Công nhận. Nhưng…
Cột: – Nhưng gì?
Kèo: – À… Không có gì! Ý mình là có lẽ các cơ quan bảo vệ pháp luật hồi đó đang còn bận nhiều việc khác, nên vụ này lọt lưới…
Cột: – Nhiều người dân lại nghĩ: Cái vụ này cũng có nguyên nhân “Nén bạc đâm toạc tờ giấy” như nhiều vụ án khác mà thôi!
Kèo: – Vụ này dính cả vi phạm luật pháp, có yếu tố người nước ngoài, bố quan tham nào dám bao che? Ngay đến trường hợp bà Yến này xuất túi ra cả tiền tấn để … “chạy”
Cột: – Thì cứ đợi hồi sau xem sao. Như vậy là tạm thời có thể rút ra một kết luận: THÌ RA NGƯỜI DÂN MÌNH CŨNG “CAO GIÁ” LẮM ĐẤY CHỨ?
Kèo: – Cậu nói gì mình không hiểu?.. Đang chuyện ĐBQH Hoàng Yến lại nhảy sang chuyện “người dân cao giá”?
Cột: – Thì vẫn chuyện ĐBQH Hoàng Yến đấy chứ. Cái vị trí người dân mình có cao giá, thì bà Hoàng Yến mới sẵn sàng bỏ Đảng, để được bầu làm đại diện cho dân mình chứ? Đúng chửa?!.
Báo CCB ViệtNamnhận được thư yêu cầu của bà Đặng Thị Hoàng Yến, ĐBQH khóa XIII đề ngày 13-12-2011. Trong thư, bà viết: Ngày 26-11-2011, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thông báo kết luận chính thức của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội với giới truyền thông báo chí là các nội dung báo đăng là chưa đúng. “Báo CCB ViệtNamđăng bài vu khống và sai sự thật làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cá nhân tôi và uy tín chung của toàn thể ĐBQH khóa XIII cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan bảo vệ pháp luật”.
Trước khi trả lời thư yêu cầu của bà Đặng Thị Hoàng Yến, Báo CCB ViệtNam xin nói rõ hai điểm như sau. Một là, ngay từ đầu bức thư bà Yến đã viết sai sự thật. Ngày 26-11-2011, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội họp báo về kết quả kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIII chứ không phải là “Thông báo kết luận chính thức của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về kết quả xác minh làm rõ về nhân thân bà Yến”. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chỉ trả lời câu hỏi của PV về vấn đề bà Yến mà thôi, còn kết luận về vụ việc liên quan đến bà Yến sẽ được công bố trước ngày 31-12-2011. Hai là, trong thư yêu cầu, bà Yến ngụy biện cho là “Làm mất uy tín một ĐBQH là làm mất uy tín cả Quốc hội, cả cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan bảo vệ pháp luật”. Vậy phải chăng, các vụ cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, các vụ công dân phạm tội bị bỏ tù, bị tử hình đều làm mất uy tín Đảng, Nhà nước hay các vụ đó chỉ chứng tỏ sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước ta?
*
Trong mắt người già - Sự thật về ĐBQH Đặng Thị Hoàng Yến?
(Thứ Sáu, 05/08/2011-8:58 AM)
Kì họp Quốc hội thứ Nhất (khóa XIII) vừa công nhận bà Đặng Thị Hoàng Yến, sinh năm 1959, cử nhân kinh tế thương mại, Chủ tịch Tập đoàn Tân Tạo, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tân Đức, Chủ tịch HĐQT Đại học Tân Tạo trúng cử là ĐBQH khóa XIII với tỉ lệ 62,36% số phiếu hợp lệ tại khu vực bầu cử số I tỉnh Long An
.
Bà Yến còn có em trai là ông Đặng Thành Tâm cũng là Tổng giám đốc một doanh nghiệp trúng cử ĐBQH ở đơn vị bầu cử số 6 (quận Bình Thạnh và quận Phú Nhuận TP Hồ Chí Minh) đạt tỉ lệ 57,82% phiếu hợp lệ…Sự việc này gây xôn xao dư luận ở Long An vì trước đó có đơn thư của đại diện các cử tri kiến nghị xem xét tư cách ĐBQH của bà Yến, bởi không chỉ là bản lí lịch xấu mà vị này dùng nhiều tiền vào việc “lôi kéo mua chuộc cử tri”, vi phạm Điều 12 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XII) về bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp nhiệm kì 2011-2016.Sau khi Báo Cựu chiến binh Việt Nam ngày 21-7-2011 đăng bài “Cần xem xét tư cách Đại biểu Quốc hội khóa XIII của bà Đặng Thị Hoàng Yến”, lập tức bà có “đơn đề nghị” viết dài hơn bài báo, tố cáo Tổng Biên tập, phê phán, kết tội Báo Cựu chiến binh Việt Nam “lặp lại luận điệu của các blog và các báo phản động nước ngoài chống Đảng và Chính phủ Việt Nam”, “tiếp tay cho những thế lực giả danh lãnh đạo và các thế lực phản động nước ngoài…” rằng “bài báo còn chứa đựng các nội dung bịa đặt xúc phạm danh dự của cá nhân tôi và ĐBQH khác”.v.v…
Vậy, sự thật là ở đâu?
Sự thật là bà Đặng Thị Hoàng Yến quê ở quận An Hải (Hải Phòng) lại khai quê quán là quận Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh). Năm 1998, để tham gia đấu thầu dự án lớn, bà Yến (thông qua lái xe vị lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đánh cắp tài liệu mật, nên ngày 2-3-1998 Cơ quan An ninh Bộ Công an tiến hành khởi tố bị can Đặng Thị Hoàng Yến với tội danh “cố ý làm lộ bí mật Nhà nước…”) là có thật. Một vị lãnh đạo cấp cao đã chỉ đạo xử lí nghiêm nhưng có vị khác cản trở nên bà Yến “thoát hiểm”. Đầu những năm 2000, biết là ở trong nước khó thoát khỏi “lưới trời lồng lộng”, bà Yến trốn sang Mỹ là có thật! Bà Yến lấy chồng có tên là Jim – my Trần và chung sống tại một biệt thự sang trọng ở thành phố Hu- xtơn, gần dinh thự Cựu Tổng thống Mỹ Gioóc-giơ Bu-sơ là có thật! (Có nhà báo đã từng dự tiệc ở đây). Sau nhiều năm ở Mỹ, năm 2007 vợ chồng bà Yến quay về Việt Nam làm ăn là có thật! Bà là Chủ tịch Tập đoàn Tân Tạo là có thật! Jim- my Trần lừa đảo, chiếm đoạt 210 tỉ đồng của Công ty CP và Phát triển Đô thị Việt Nam rồi trốn về Mỹ, có lệnh truy nã toàn quốc là có thật!.v.v…
Bà Đặng Thị Hoàng Yến kết tội báo chí vu khống bà “lôi kéo mua chuộc cử tri”, còn trong thực tế là lãnh đạo tỉnh Long An, lãnh đạo các huyện Đức Huệ, Đức Hòa, Bến Lức và Thủ Thừa đều “nhất trí” cho bà tổ chức “tri ân” các cô chú có công địa điểm tại Công ty CP Đầu tư Tân Đức (huyện Đức Hòa) với 1.300 đại biểu và mỗi người được nhận 500.000 đồng sau khi nghe bà đăng đàn ngày 29- 4-2011 là có thật!
Thưa bà Yến! Nếu chỉ là “tri ân” thì tại sao lại chỉ có 4 huyện, nơi bà ứng cử ĐBQH thuộc đơn vị bầu cử số 1. Còn các huyện Châu Thành, Tân Trụ, Cần Đước, Cần Giuộc, TP Tân An (đơn vị bầu cử số 2), và các huyện Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng (đơn vị bầu cử số 3) không có may mắn được bà “tri ân”. Bản danh sách 1.300 người nhận phong bì còn lồ lộ ra là có thật! Bà hứa với một số tổ chức Hội cho vay 8 tỉ đồng và sẽ làm nhà tình nghĩa, cầu đường cho một số xã nhưng trúng cử rồi bà lờ tịt đi là có thật!.v.v…
Với lai lịch và hành vi sai trái như thế, chỉ là một công dân cũng phải được xem xét, huống chi là đại biểu của nhân dân, thành viên của cơ quan quyền lực cao nhất đất nước.
Vũ Phong