Tam Thái (Phunutoday) - Nếu hòn đá mà biết nói năng, ắt hẳn những kẻ độc mồm chê bai các ông quan huyện, quan xã cưỡng chế hòn đá của dân sẽ chẳng còn răng mà húp cháo. Thậm chí, đá còn có thể nhỏ lệ vì cảm động trước tấm lòng vì dân, vì nước của các vị quan “phụ mẫu chi dân” nữa kìa.
Này đây, lời nói rành rành của ông Phó chủ tịch thường trực UBND huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai được báo chí ghi lại: “Xét thấy đây là khoáng sản, là tài sản quốc gia nên tiến hành lập biên bản thu giữ. Việc thu giữ hai viên đá này, chúng tôi sẽ tổ chức bán đấu giá và trích lại tiền cho chủ hộ có đá bị tạm giữ. Số tiền còn lại được sung vào ngân sách".
Ừ phải rồi, giữa lúc tài nguyên khoáng sản đang bị khai thác ồ ạt, thậm chí bị tận thu, những kẻ hám lợi thì lợi dụng bòn rút tận xương tủy đất nước tươi đẹp, kể ra cần khen thưởng việc lãnh đạo huyện này thu hồi hòn đá mới phải.
Thử so sánh với các ông quan “sống chết mặc bay” thời phong kiến như trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố mà xem, ắt sẽ thấy ngay chúng ta vô cùng may mắn được sống cùng thời với mấy vị cán bộ cấp xã, cấp huyện một lòng tận trung báo quốc mà lại thanh liêm nữa chứ. Cứ thấy tài sản quốc gia ở đâu là sung công quỹ ngay, thấy hòn đá sai rành rành thì phán ngay là hòn đá sai chứ sao nữa. Hòn đá sai còn dám nói, huống chi dân sai, ngại gì mà không nói? Đã hưởng lương của đất nước thì một lòng báo quốc, chí công vô tư, không vì bất cứ một lý do gì mà bẻ cong sự thật. Quý lắm thay! Lấy làm mẫu mực, cho đi báo cáo điển hình rồi nhân rộng tấm gương này ra cả nước, chả mấy chốc mà quan trường sạch như gương sáng.
Mà cũng chẳng phải so sánh gì với thời xưa, chỉ cần nghĩ tới cái đám trọc phú ngày nay, kẻ này mua trinh nữ sinh, người nọ đánh cờ bạc tỷ, có nơi hàng trăm ông quan “quy hoạch” cùng nhau nhờ người thi hộ, thậm chí cấp cứu 115 cũng chủ yếu… kiếm tiền (theo Thanh Niên), kể ra thì ai cũng phải phải rỏ nước mắt mà cám ơn trời phật đã cho dân một vị quan thanh liêm, mới đúng đạo.
Ngược lại, vụ việc này cũng một lần nữa chứng tỏ cái bản tính cố hữu của người dân, ấy là quyết không chịu xì ra một tí tẹo nào để đóng góp cho làng cho nước. Hai hòn đá xù xì thô nhám chứ quý giá gì mà tiếc, thật đúng như lời một vị thứ trưởng của ngành giao thông từng không kìm nén nổi mà bật lên lời cảm khái, rằng vài trăm nghìn mua son thì chẳng tiếc, thu trăm nghìn tiền phí lại kêu ầm lên. Cứ theo như hành xử của chính quyền Chư Sê, từ nay người dân nên sẵn lòng hiến của quý trong nhà cho ngân sách thông qua các vị quan thanh liêm tận trung báo quốc!
Đến đây, những kẻ lươn lẹo ắt hẳn sẽ vặn vẹo lại, mấy hòn đá ấy chẳng có giá trị gì, thì sao các ông lại bảo đấy là tài sản quốc gia, không lẽ đất nước Việt Nam ta rừng vàng biển bạc lại hiếm của báu đến thế? Xin thưa, mấy vị quan ở Chư Sê có lẽ đã thấm nhuần lời dạy của tổ tiên rằng một thước núi, một tấc sông không có lẽ nào tự tiện bỏ đi được. Nhìn bằng mắt thường cũng thấy, hòn đá quả cũng to tương đương một thước núi thật.
Như vậy, có thể khẳng định như đinh đóng cột: những kẻ nào nói quan huyện có ý tham lam cho mình trong vụ này là nói càn nói bậy, quan nào có tham? Tất cả là vì quốc gia cả mà thôi. Và đúng là chính nhân quân tử đi không đổi họ, ngồi không đổi tên, chả việc gì mà phải giấu diếm, các bác ấy huy động cả một lực lượng hùng hậu đến cưỡng chế hòn đá giữa thanh thiên bạch nhât, trước sự chứng kiến của hàng trăm người.
Hơn nữa, cũng chẳng ai dám chắc mấy hòn đá này là vô giá trị cả. Ngọc bích họ Hòa nổi danh trong lịch sử Tàu chẳng phải qua ba đời vua nước Sở mới được công nhận quả thật là ngọc, chứ không phải là đá đó sao. Có hai giả thiết về lý do khiến các quan cưỡng chế hòn đá: Hoặc họ có con mắt tinh đời, phân biệt được đâu là thật, đâu là giả (đáng quý vô cùng giữa thời buổi vàng thau, thậm chí là vàng đá lẫn lộn), hoặc họ chẳng có con mắt xanh ấy nhưng lại lo xa trong cục đá tầm thường có viên ngọc triệu đô, ngân khố quốc gia mất đi thì tiếc biết chừng nào. Lại đem so sánh với những vị vua Sở có mắt mà như mù, phải nói các vị quan thời nay mắt sáng quắc như thể được uống dầu gan cá thay nước từ thủa lọt lòng.
Với tấm lòng như vậy, với con mắt như vậy, có lẽ cơ quan chức năng nên thăng vượt cấp và chuyển các vị sang làm nhiệm vụ giữ gìn công sản, hứa hẹn tạo bước tiến mới trong lĩnh vực này, giữa lúc người ta đang kêu trời kêu đất về tình trạng xài của công như của tư đang tràn lan như dịch bệnh.
Nếu ông đày tớ nhân dân nào cũng chí công vô tư như ở Chư Sê, thì lo gì lòng dân không trơ như đá vững như đồng, ai lay chẳng chuyển ai rung chẳng rời?
Và với góc nhìn này, việc ngành điện quyết định xả cạn nước thủy điện Sông Tranh 2 nhất định là một sự lãng phí ghê gớm. Trời ạ, giữa lúc báo Tuổi Trẻ giật một cái tít 4 chữ mà mỗi chữ đều nặng như hòn đá bị cưỡng chế bất thành ở Chư Sê: “Thủy điện lãi lớn”, thì các báo đồng loạt đưa tin: Tập đoàn Điện lực đang vận hành hết công suất các tổ máy, giảm nhanh mực nước lòng hồ để khắc phục rò rỉ, thấm dột đập chính thủy điện Sông Tranh 2.
Phải nói rằng giữa lúc các doanh nghiệp đang làm ăn khốn khó, riêng trong quý I có tới 2.200 doanh nghiệp giải thể và trên 9.700 doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động, và cả EVN cũng chưa bao giờ có vinh dự làm ăn hòa vốn, thì cái sự lãi lớn của thủy điện quả là đáng khen ngợi. Đồng thời, cái nghịch lý ngành điện lỗ nặng còn nhà nhà đua nhau, người người ganh nhau làm thủy điện lại hóa ra vô cùng hữu lý.
Khó mà nói cho hết được sự lãng phí của EVN qua vụ việc này và xấu hổ thay cho những người từng mở miệng khen EVN có tinh thần triệt để tiết kiệm khi dùng giẻ rách vá đập Sông Tranh. Này, EVN và nhiều cơ quan chức năng khác từng nhiều lần khẳng định tóm lại là đập vẫn an toàn, mà đã an toàn thì xin mời các vị cứ tiếp tục vận hành nhà máy để kiếm lãi to, tuyệt đối không nên lãng phí nguồn tài nguyên như thế. Còn việc dân hão huyền lo vỡ đập, các nhà khoa học rỗi hơi thương mấy loài cá tuyệt chủng, nơi cuối nguồn nơm nớp sợ thượng lưu giở quẻ… đều là chuyện nên để bàn sau cả, đập an toàn chắc cú rồi, lại còn có ăn dày nữa chứ!
Mà lo xa làm gì hả trời, một hòn đá mà cả lực lượng cưỡng chế hùng hậu còn không dời nổi lấy một phân, hà cớ sao cứ ngại đập thủy điện bê tông cốt thép khổng lồ như thế sập xuống nhỉ?