VOA - Một công ty vận hành tàu du lịch của Trung Quốc ngày 10/4 loan báo tàu của họ vừa trở về từ các tour du hành thử nghiệm tới các quần đảo ở Biển Đông mà Việt Nam có tuyên bố chủ quyền. Con tàu đã thực hiện chuyến hải du 3 ngày tới quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc gọi là Tây Sa để nghiên cứu thăm dò về các tuyến du lịch khả dĩ trong tương lai.
Một nhân viên của công ty vận tải Hải Nam, Trung Quốc, cho AFP biết chiếc tàu của Trung Quốc hôm 9/4 đã về neo đậu tại đảo Hải Nam sau chuyến du hành.
Tân Hoa xã loan tin chính quyền Hải Nam đang phát thảo kế hoạch phát triển du lịch xung quanh quần đảo này và đề nghị bước đầu đưa ra là các chiếc tàu du lịch sẽ du hành tới một trong những hòn đảo này nhưng không đưa du khách không lên bờ.
Phản hồi trước tin này, ngày 9/4, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lương Thanh Nghị, tuyên bố chuyến du hành vừa kể của tàu du lịch Trung Quốc là bất hợp pháp và vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.
Ông Nghị nhấn mạnh Trung Quốc phải ngay lập tức chấm dứt hành động này và không có các hành động nào thêm nữa làm phức tạp thêm tình hình.
Nguồn: AFP, Reuters
http://www.voanews.com/vietnamese/news/vietnam/china-cruise-ship-dispute-water-04-11-2012-146966565.html
*
Trung Quốc vẫn 'ngoan cố' phát triển du lịch tới Hoàng Sa
Du thuyền Coconut Princess của Trung Quốc hoàn thành chuyến khảo sát phát triển du lịch thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Con tàu này cập cảng Tam Á hôm qua sau hành trình ba ngày khảo sát địa hình tại Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa). Sau cuộc khảo sát, Trung Quốc sẽ tổ chức nhiều tour du lịch ra đảo Phú Lâm nhưng hành khách sẽ chỉ được ở trên tàu khi đi ra vùng biển này.
Phó Phòng Quản lý Vận tải, Sở Giao thông tỉnh Hải Nam, ông Hoàng Bành cho biết: "Du khách sẽ đi chơi quanh bãi phía Bắc của Hoàng Sa và thưởng thức cảnh đẹp, không khí trong lành trước khi quay về Hải Nam. Giai đoạn kế tiếp, công ty lữ hành sẽ triển khai tàu du lịch lớn hơn với trang thiết bị hiện đại để phục vụ hành khách hạng sang".
Trung Quốc tiếp tục có động thái khẳng định chủ quyền tại Hoàng Sa
khi lên kế hoạch phát triển tour du lịch ra đảo Phú Lâm. Ảnh minh họa: Xinhuanet.
Trước sự kiện này, vào tháng 3/2012, Trung Quốc bắt giữ 21 thuyền viên Việt Nam thuộc hai tàu cá của ngư dân đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Bắc Kinh tuyên bố rằng những ngư dân này đánh ca bất hợp pháp trên vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Thậm chí, Trung Quốc còn đòi tiền chuộc lên tới 70.000 NDT (gần 200 triệu đồng VND mỗi người).
Sau khi nhận được thông tin trên, Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam kịch liệt phản đối hành động này của phía Trung Quốc, yêu cầu Bắc Kinh thả tất cả thuyền viên vô điều kiện và chấm dứt ngay các hành động vi phạm đến hoạt động của ngư dân Việt Nam thuộc lãnh hải của mình.
Tiếp đó, trước việc ngày 30/3/2012, chính quyền tỉnh Hải Nam, Trung Quốc vẫn tiếp tục tổ chức cuộc đua thuyền buồm "Cúp Ty Nam" xuất phát từ Tam Á đến quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam khẳng định việc Trung Quốc tổ chức đua thuyền buồm tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Và việc làm này đi ngược lại chính cam kết của Trung Quốc là không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nhấn mạnh: "Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay hoạt động nêu trên, tuân thủ DOC, đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông".