S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (RFA Blog)- Tôi nghe nhà văn Nguyễn Khải kể chuyện làng quê ở nước mình mà thấy bất an, và bứt rứt:
“Trong mấy ngày xuống xã vừa vui vừa buồn. Ai cũng giàu có hơn trước, nấu cơm bằng nồi cơm điện, tối xem tivi mầu, giờ rảnh thì xem phim bộ. Mỗi xóm đều có cửa hàng cho thuê băng vidéo, có gái điếm cho ngủ chịu đến mùa trả bằng thóc, có cờ bạc, có hút thuốc phiện và chích heroin, thành phố có gì ở làng quê đều có, cả hay lẫn dở, dở nhiều hơn hay.
Tôi về một xã, xã cho tôi ở nhà một anh bưu tá, lúc rảnh rỗi hỏi chuyện gì anh cũng bảo không biết. Ở xã ba ngày, đảng uỷ, uỷ ban không ai tiếp cả. Có một buổi tối có một anh chàng to béo đến chơi với gia đình, cả vợ lẫn chồng nhà chủ ăn nói thưa gửi, bộ điệu khúm núm. Anh ta ngồi ưỡn người trên ghế tựa, hai chân xoạc rộng, hai bàn tay đặt lên bụng, nói hỏi trống không, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn tôi nhưng không hỏi gì, chào cũng không, mắt nhìn cứ lừ lừ, mà hắn chỉ đáng tuổi con tuổi cháu. Tôi cứ nghĩ tay này hẳn là dân buôn bán ở tỉnh có họ hàng gì với anh chủ nhà, tạt qua chốc lác rồi đi. Nhưng anh bưu tá lại bảo đó là ông chủ tịch xã...”
Hình ảnh của ông chủ tịch xã, bây giờ, quả là đáng ... ngại: "ngồi ưỡn người trên ghế tựa, hai chân xoạc rộng, hai bàn tay đặt lên bụng, nói hỏi trống không... mắt nhìn cứ lừ lừ.” Dân làng “ăn nói thưa gửi, bộ điệu khúm núm” là phải cách. Tránh voi chả xấu mặt nào.
Đến cỡ chủ tịch huyện thì uy quyền chắc hết biết luôn. Nhân vật này hẳn phải như một vị lãnh chúa, trong lãnh địa của mình, vào thời phong kiến.
Chuyện kể của ông Nguyễn Khải giúp cho người ta hiểu tại sao tại sao những vụ cưỡng chế đất đai là chuyện vẫn thường ngày xẩy ra ở huyện, và tại sao sự kêu than của hằng triệu lương dân đã không vang đến tận Cửu Trùng. Mãi cho đến khi có tiếng súng hoa cải của nông dân Đoàn Văn Vươn phát nổ thì Thiên Tử mới ... từ từ vào cuộc. Thì cũng ghé mắt ngó qua chút xíu, nói láp giáp đôi điều ba chuyện – cho có nói, và cho phải chuyện – vậy mà.
Cái Thông Cáo Báo Chí của UBND Hải Phòng là minh chứng rõ ràng cho vụ việc này – theo như nhận định của ông Trần Minh Thảo: “ TCBC của Hải Phòng chứng tỏ Hải Phòng có đảng tính cao, vững vàng: dân sai, đảng đúng (tớ sai, chủ đúng).”
Nói rõ ra – và nói theo cách bình dân, cho dễ hiểu hơn – vẫn theo lời của Trần Minh Thảo:
“đất của vua, chùa của Phật. Thực nghĩa của thành ngữ ấy phải được hiểu: chùa hay Phật cũng là của vua vì đất là của vua rồi. Nâng ‘đất’ thành ‘lãnh thổ’ thì quả thật trời, đất, rừng, biển, thánh, thần, Phật, Chúa, người dân, trường học, bệnh viện, cầu đường… trên đất của vua là tài sản của vua và tập đoàn cai trị (chẳng hạn chế độ quân chủ Nho trị ở Á đông ngày trước). Đảng cộng sản cai trị, lãnh đạo đất nước thì có gì trên lãnh thổ Việt nam không phải là của đảng? Người dân được học hành, chữa bệnh, đi lại, ăn ngủ… là được hưởng ân huệ của vua, của đảng. Người dân đòi quyền làm chủ đất đai (rộng ra là lãnh thổ), là làm đảo lộn chế độ sở hữu, tất yếu là phản động, chống đảng (chống vua)!”
Và tưởng cũng cần nói thêm chút xíu (nữa) rằng không chỉ “trường học, bệnh viện, cầu đường… trên đất của vua là tài sản của vua và tập đoàn cai trị” mà những gì nằm trong lòng đất cũng vậy luôn – kể cả sỏi đá lụn vụn – theo như bài tường thuật (“Quan Huyện – Xã Quyết Cưỡng Chế Hai Hòn Đá Của Dân”) của phóng viên Nguyễn Tâm, trên Phụ Nữ Today, số ra ngày 2 tháng 4 năm 2012:
“Chỉ vì 2 hòn đá người dân đào được cách đây 3 năm mà chính quyền huyện Chư Sê (Gia Lai) dẫn cả đoàn tới nhà dân để khống chế, ép thu hồi bằng được 2 hòn đá mà không hề giải thích rõ ràng. Việc làm này đã khiến hàng trăm người dân chứng kiến phẫn nộ, bất bình và kịch liệt phản đối....
Vợ chồng ông Dũng kể lại: Gia đình ông có một lô đất rộng 7.000m2 gần nhà đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cách đây 3 năm (2009), gia đình ông đào ao để lấy nước tưới cho cây tiêu đã trồng trên lô đất ấy. Trong khi đào ao, gia đình ông đã phát hiện 2 hòn đá có màu sắc đẹp. Ông gọi một số hộ dân thân cận ra xem xét rồi thuê xe kéo về để ở sân nhà.
Từ đó cho tới nay, 2 hòn đá vô tri vô giác có màu sắc khác thường ấy nằm chình ình trước sân chẳng ai hỏi một lời, kể cả chính quyền các cấp. Đùng một cái, sáng 29/3 (tức sau hơn 3 năm), vợ chồng ông đang ở nhà thì thấy các vị quan huyện dẫn theo đoàn vào nhà lập văn bản thu hồi.
Là người dân làm nông, ít am hiểu về luật pháp nhưng vợ chồng ông cũng không chấp nhận để cho chính quyền thu không như vậy được.
Trước tình hình trên, các vị quan xã được huyện triệu tập và đội quân an ninh của xã cũng được huy động để hỗ trợ nhằm mục đích cưỡng chế bằng được 2 hòn đá. Ông Bùi Sỹ Nguyên, Chánh văn phòng UBND huyện Chư Sê tiến hành lập biên bản với nội dung gia đình ông bà đã tàng trữ tài nguyên khoáng sản không rõ nguồn gốc và cho rằng đây là tài sản quốc gia nên phải thu hồi (?!).”
Ông Lê Đình Huấn, phó chủ tịch huyện Chư Sê, cho phóng viên báo chí biết thêm: "Hòn đá là tài sản quốc gia và cành cây, que củi, hạt cát… cũng là tài sản quốc gia.”
Ảnh:tamnhin.net
Về sự kiện này, blogger Đào Tuấn có đôi lời bàn (ngang) như sau:
“Dư luận lại nóng lên xung quanh một vụ cưỡng chế. Nhưng lần này, không phải là vụ cưỡng chế đầm như ở Tiên Lãng, hay cưỡng chế đất như ở Hà Nam, mà là cưỡng chế… đá. Vâng, đúng là đá, 100% là đá. Còn đó là đá gì trong hàng ngàn loại đá, quý thế nào, giá trị bao nhiêu thì ngay cả những người cưỡng chế cũng không biết...
Nhưng câu chuyện ở Chư Sê hoàn toàn không đơn giản chỉ là câu chuyện ‘hai hòn đá’, bởi nó chứa trong đó thái độ và cách thức ứng xử của chính quyền đối với dân. Một thái độ quá hách dịch, cậy quyền, quan liêu, một thứ quan liêu bất biết’, vô tri và ‘Chí Phèo’. Một cách thức ứng xử lạm quyền và ưa vũ lực, bất chấp trình tự hành chính tối thiểu của một cuộc cưỡng chế là một tờ quyết định.”
Ôi, tưởng gì chớ “một tờ quyết định” thì dễ ợt. Cùng ngày mà UBND huyện Chư Sê thực hiện việc cưỡng chế hai hòn đá tại sân nhà ông Lê Hồng Dũng thì ở huyện Tam Kỳ, ông Huỳnh Ngọc Tuấn (và hai con Huỳnh Thục Vy và Huỳnh Trọng Hiếu) đều nhận được quyết định cưỡng chế từ UBND tỉnh Quảng Nam “xử phạt vi phạm hành chính trong lãnh vực công nghệ thông tin” với số tiền tổng cộng là 270 triệu đồng, và thời hạn phải nộp phạt là 10 ngày, kể từ ngày 29/3/2012.
Cưỡng chế đất thì cần đến xe ủi, cưỡng chế đá thì cần xe cẩu, còn cưỡng chế thu nhập, tài khoản ngân hàng hay tài sản thì rõ ràng là giản dị hơn – nếu người bị cưỡng chế có thu nhập, tài khoản, hay tài sản. Tuy nhiên, trong buổi nói chuyện với phóng viên Hoà Ái – RFA – vào hôm mùng 3 tháng 4 năm 2012, ông Huỳnh Ngọc Tuấn (buồn bã) cho biết:
“Về biện pháp thứ nhất là trừ tiền lương và chiết trừ tài khoản ngân hàng, thì ba bố con tôi không có lương cũng không có tài khoản ngân hàng. Cho nên biện pháp thứ nhất là không thể thực hiện được.
Còn biện pháp thứ hai là tịch biên một số tài sản tương đương 270 triệu thì ba cha con tôi cũng không có tài sản gì hết. Cái nhà tôi đang ở là cái nhà của cô em gái tôi là cô Huỳnh Thị Hường và của mẹ tôi là bà Mai Thị Yến. Còn tôi đi tù về, nhà cửa và cơ sở ba tôi đã bán hết cách đây mười mấy năm rồi để nuôi tôi trong tù và nuôi các cháu. Còn tôi chỉ về ở đây tạm thời thôi. Cho nên tôi không có nhà. Cho nên không biết tịch biên cái gì vì ba cha con tôi là vô sản, không có cái gì hết thì tịch biên làm sao?”
Gia đình ông Huỳnh Ngọc Tuấn. Nguồn ảnh: ĐCV
Sao tôi chán cái ông Tuấn này quá xá. Thiên hạ chỉ chơi cờ thôi mà tiền cá độ mỗi ván đã cả tỉ đồng, còn mua Tầu làm kiểng mà gía cũng hàng ngàn tỉ. Vậy mà cả ba cha con ông không có nổi vài trăm triệu để nộp phạt cho nhà nước là nghĩa làm răng? Nghèo vừa thôi, chứ nghèo như vậy thì làm sao mà sống được, cha nội?
Và như vậy thì kể như huề, chớ còn (mẹ) gì nữa? Làm sao UBND tỉnh Quảng Nam có thể cưỡng chế tài sản của những người dân vô sản (chân chính) như thế được?
Vụ cưỡng chế gia đình Huỳnh Ngọc Tuấn (đến đây) nghe đã có vẻ hài ước lắm rồi nhưng chưa giễu cợt bằng câu chuyện sau, qua lời của Cu Làng Cát:
“Nghe kể, quan huyện vốn tham lam sai quân nha đi khắp vùng vơ vét, từ đầm vùng đến cây cối, đá cảnh, nhà ai có chai lọ lạ cũng cưỡng chế bằng được về bỏ trong phủ chiêm ngưỡng. Cứ nghe đến cái gì lạ, huyện quan lại cho đi cưỡng chế, căn cứ đủ thứ có vẻ dỏng dạc để đưa hết về phủ, nói là tài sản quốc gia, nhưng không đưa cho con dân văn bản nào chứng minh. Cứ cưỡng chế, cưỡng chế, rồi về lấp khắp phủ, khiến huyện đường đông đúc các vật dụng cưỡng chế được từ thượng vàng đến hạ cám...
Ở huyện Lò này, cái quần con của chị Ả Mẹt, nghe mô có người quen bên Pháp tây tặng, dân đồn giá những ngàn quan pháp, đắt lắm, huyện quan cũng cho dân đến cưỡng chế với lý do phơi phóng không đúng nơi quy định. Cũng khổ, chị Ả Mẹt một hôm giặt giũ xong lại phơi nở nạp rào, huyện quan ngang qua thấy khéo quá mà cưỡng chế.
Có bữa, huyện quan đến làng Lòi, thấy gái nữ trong làng mặc đồ toàn hàng hiệu Guci, thấy khéo cũng tìm hiểu, té ra hàng nhập lậu, huyện quan đọc lệnh cưỡng chế thu hồi, làm chị em làng Lòi một phen nuy bất đắc dĩ...”
Cu Làng Cát (chắc) xạo, xạo chắc. Chớ giới quan lại cách mạng nổi tiếng gian tham và ngu dốt thiệt nhưng đâu có ngu và tham (dữ vậy) đúng không?
S.T.T.D Tưởng Năng Tiến