Dân trí - Sự thiếu gương mẫu này phần nào lý giải cho tình trạng giao thông hỗn loạn, người dân thiếu ý thức chấp hành luật lệ tại Thủ đô Hà Nội. Điều càng nghiêm trọng hơn nếu như trong suy nghĩ của họ, họ tự coi mình là những “ông vua con”, đứng trên pháp luật.
“Thanh tra giao thông đỗ xe công trên đường cấm” là hàng tít chạy trên một số tờ báo những ngày qua.
Theo phản ánh của báo chí, trưa 12/4, một nhóm khoảng một chục cán bộ thanh tra giao thông TP. Hà Nội đã đỗ xe trên đường cấm khi vào một quán bia trên đường Trần Duy Hưng. Trong xe, có cả Đội trưởng Thanh tra cầu đường bộ (Thanh tra giao thông Hà Nội) Vũ Mạnh Huề.
Trả lời báo chí, ông Huề nói biết đây là phố cấm, ông đã bảo tài xế đánh xe đi gửi chỗ khác nhưng "khi mọi người định đánh xe đi thì bảo vệ của quán bảo để đó họ trông..." - Ông Huề nói. Về việc uống rượu bia buổi trưa, theo ông đội trưởng, do vào quán để ăn trưa chứ không phải nhậu nên khi nhân viên nhà hàng "cứ mang bia ra mời", mỗi người uống một cốc. "Tôi uống nửa cốc…".
Minh họa: Ngọc Diệp
Đọc đến đây, mình thấy bác Huề rất hồn nhiên và… dễ tính. Bảo vệ nhà hàng bảo bác “để đó họ trông” là bác đỗ xe vào đường cấm. Nhân viên nhà hàng “cứ mang bia ra mời” là bác uống. Từ nay, nếu bạn nào bị thanh tra giao thông xử phạt vì tội đỗ xe, bạn cứ trả lời như bác Huề là bảo vệ họ bảo “để đó họ trông” nhé. Còn nếu bạn nào trót uống bia khi lái xe, bị thanh tra giao thông phạt thì bảo tại nhân viên nhà hàng “cứ mang bia ra mời” nhé, nhé, nhé. Zui zẻ thật.
Gần đây, tình trạng ùn tắc giao thông ở Thủ đô Hà Nội đã trở nên nhức nhối. Nguyên nhân chính gây nên sự ùn tắc giao thông là do ý thức của người tham gia giao thông mà việc dừng đỗ xe không đúng nơi qui định là một trong số các nguyên nhân chính. Điều này cũng đã được nêu trong nhiều báo cáo cũng như các bài trả lời phỏng vấn về nguyên nhân ùn tắc giao thông của lãnh đạo giao thông Hà Nội.
Trở lại với sự việc 3 chiếc xe chở các cán bộ thanh tra giao thông đã đỗ vào con đường cấm đỗ do chính ngành giao thông qui định là hành động vi phạm Luật giao thông một cách cố ý. Điều này càng trở nên phản cảm khi họ phạt những vi phạm chính những điều mà họ mắc.Hình ảnh thanh tra giao thông mặc sắc phục lại đỗ xe công vào đường cấm cũng là hình ảnh gây phản cảm. Sự thiếu gương mẫu này phần nào lý giải cho tình trạng giao thông hỗn loạn, người dân thiếu ý thức chấp hành luật lệ giao thông tại Thủ đô Hà Nội hiện nay. Điều càng nghiêm trọng hơn nếu như trong suy nghĩ của họ, họ tự coi mình là những “ông vua con”, tự cho mình “đặc quyền” đứng trên pháp luật.
Có lẽ không chỉ riêng mình mà nhiều, rất nhiều người đang trông chờ việc xử lý nghiêm minh từ phía lãnh đạo Thanh tra Giao thông TP. Hà Nội. Sự việc tuy không phải là lớn nhưng nếu xử lý không nghiêm, hậu quả không nhỏ bởi nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của nhân dân.
Theo các bạn, nên xử lý vụ việc này ở mức độ nào thì thấu tình, đạt lý và có tác dụng giáo dục cao nhất?