“Tôi trả tiền cho tất cả” - Dân Làm Báo

“Tôi trả tiền cho tất cả”

Đào Tuấn - Đại biểu QH Nguyễn Bá Thuyền hóm hỉnh kể lại câu chuyện ghi lưu niệm nhân lễ khánh thành một nhà văn hóa địa phương. Trong cuốn sổ đó, ngành giao thông, hùng hồn như Đinh Bộ trưởng, khẳng định “Tôi bảo vệ cho tất cả”. Còn đại diện cho những người dân ghi câu chốt “Tôi trả tiền cho tất cả”

Nâng mức xử phạt, nâng tiền xử phạt, buộc mở tài khoản để tham gia giao thông, ký quỹ để thu phạt qua tài khoản... Hàng loạt những biện pháp mạnh đã được “Bộ trưởng hành động” Đinh La Thăng đưa ra, thực ra là tái nhấn mạnh, hôm qua trong phiên giải trình của ông trước Ủy ban Pháp luật của QH. Và dư luận lại được dịp “há mỏ trợn mắt” khi bỗng nhiên phát hiện sẽ phải trả tiền, rất nhiều tiền nếu còn muốn thực hiện một trong bốn quyền cơ bản của con người là “ra đường”.

Trước phiên chất vấn, dư luận được dịp bàn tán xôn xao xung quanh đề nghị “5×5”, cấm ô tô 5 giờ mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần của một… phi công. Tình tiết đáng chú ý là cơ quan chức năng có vẻ rất hứng thú với đề nghị rất hợp ý ngành giao thông này, bởi ngay lập tức, đề nghị Bộ GTVT… nghiên cứu. Thực ra, ý kiến này không tệ, lại đơn giản, bởi “chân lý” là nếu muốn khỏi tắc đường, khỏi tai nạn chỉ cần sửa một chữ số 7: “7×7”, cấm 7, hoặc 17h mỗi ngày và 7 ngày mỗi tuần, với tất cả mọi phương tiện.

Nhưng nếu chỉ đơn giản là cấm tiệt, phạt tiệt, thì có lẽ “ai làm Bộ trưởng cũng được”- như lời đại biểu QH Nguyễn Bá Thuyền nói về công việc của Bộ trưởng Thăng khi Bộ trường lần đầu “trả bài” trước QH.

Hôm qua, trước hàng loạt các “biện pháp mạnh” của Bộ trưởng Thăng, vị dân biểu này hóm hỉnh kể lại câu chuyện ghi lưu niệm nhân lễ khánh thành một nhà văn hóa địa phương. Trong cuốn sổ đó, đại diện các lực lượng đều “kể công”. Ngành giao thông đương nhiên với khẩu khí hùng hồn khẳng định “Tôi bảo vệ cho tất cả”. Và cuối cùng, đại diện cho những người nông dân ghi câu chốt “tôi trả tiền cho tất cả”.

Ngẫm ra không thể xử lý 8,3 triệu vụ vi phạm chỉ bằng cách tiền, tiền, tiền.

Còn nhớ hồi đầu năm, dư luận đã một lần dậy sóng khi CSGT Hà Nội được giao chỉ tiêu xử phạt 500 tỷ đồng, gấp đôi “chỉ tiêu” năm 2011. Câu hỏi được đặt ra bấy giờ là quy định khoán phạt trên liệu có ép CSGT phải xử phạt cho đủ chỉ tiêu mà bỏ qua nhiệm vụ quan trọng không kém là tuyên truyền để người dân không tái vi phạm luật lệ ATGT?

Thực tế cho thấy phạt chưa bao giờ là biện pháp để có thể chấm dứt vi phạm.

8,3 triệu vụ vi phạm, chưa hẳn đã phản ánh hết mức độ vi phạm, cũng chưa hẳn là lỗi của người tham gia giao thông. Tuần trước, vụ một CSGT đã “đu bám” ô tô, chạy với tốc độ 50 km/h suốt hơn 1km đã được một tờ báo nước ngoài mô tả là “treo như người nhện” trong một “chuyến quá giang hoang dã”, giống y phim hành động, đúng hơn là “nguyên văn một pha tự sát”. Đây không phải là lần đầu CSGT đóng vai siêu nhân, mà chỉ là tiếp nối những vụ CSGT “làm xiếc” trên nắp capo.

Nếu vô tình xem những pha thót tim này, hầu hết bà con đều cho rằng nó kịch tính hơn phim hành động, mạo hiểm hơn so với vượt đèn đỏ, trông giống với việc sẵn sàng đổi mạng và có vẻ vi phạm Luật giao thông, hơn là hành động dũng cảm “tấn công tội phạm đến cùng” để duy trì pháp luật.

Đã có những vụ lái xe đâm chết CSGT xảy ra. Nhưng những vụ tai nạn chết người này chắc chắn không xảy ra, các vi phạm lẻ tẻ kiểu “sai làn, thiếu nhan, quên mũ” sẽ không thành vi phạm đến mức chết người nếu CSGT Việt Nam học tập tí chút nghiệp vụ của các sheriff Mỹ: Không lao đầu vào ô tô, không “làm xiếc”, không “đu bám”, không dồn đuổi.

Câu chuyện CSGT thành người nhện dường như cũng ít nhiều liên quan đến “chỉ tiêu phạt”. 70% trong số 2.540 tỷ đồng tiền phạt vi phạm giao thông được dùng để chia lại cho CSGT.

Các dân biểu hôm qua đã dùng chữ “lạm thu”, đã phản bác quan điểm xử phạt để tăng thu nhập cho cán bộ, bởi đó chính là việc “đè dân ra phạt”. Kinh phí dành cho ngành giao thông năm 2012 đã phân bổ hết, thậm chí ngay khi năm mới chưa bắt đầu, nhưng nếu Bộ trưởng Thăng không xin được Quốc hội mấy chục ngàn tỷ từ cơ quan cũ, cũng không có nghĩa ông có thể “đè dân ra phạt” để “thịt tiền” dưới danh nghĩa “người bảo vệ cho tất cả”.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo