Phan Mai (Pháp Luật TP) - Tại cuộc họp báo công bố kết quả công tác của Thanh tra Chính phủ hôm qua, ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, cho hay trong những sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) có trách nhiệm của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng khi còn là người đứng đầu tập đoàn.
Dĩ nhiên trách nhiệm đó cụ thể thế nào thì lại phải… đợi nhưng cách nói của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ dường như là trách nhiệm chính trị của ông Thăng với tư cách là bí thư Ban Cán sự Đảng, chủ tịch HĐQT PVN, chứ không phải trách nhiệm của một chủ thể trực tiếp gây ra sai phạm.
Cùng thời điểm, sự kiện Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh phê bình Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật VN (VUSTA) về chuyện “vào cuộc hơi muộn” trong việc đánh giá và nghiên cứu chất lượng công trình thủy điện Sông Tranh 2 cho thấy việc “nhận trách nhiệm” của lãnh đạo Bộ Công Thương về sự “an toàn” của đập chỉ mang yếu tố chính trị, không có giá trị chuyên môn. Bởi vì nếu đập quả có “an toàn” như lãnh đạo Bộ cam đoan thì chiều 4-4, 10 chuyên gia đầu ngành về thủy lợi, đập đá, thủy điện của VUSTA đã không phải họp lên kế hoạch điều tra sự cố tại đập thủy điện Sông Tranh 2.
Lý do đơn giản là vì người dân địa phương, các nhà khoa học khó có thể yên tâm với các phát ngôn “chịu trách nhiệm… nếu sự cố ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của dân” nếu Bộ chưa công bố quy trình kỹ thuật, lịch trình, nhật ký thi công… của đập Sông Tranh 2 cũng như toàn bộ các đập thủy điện trên cả nước.
Theo các văn bản pháp luật hiện hành, trách nhiệm pháp lý của người đứng đầu về việc để xảy ra tham nhũng-lãng phí thì hiện đã có hai nghị định của Chính phủ nhưng trách nhiệm chính trị thì… hiện chưa có tiêu chí đo lường cụ thể. Chỉ khi sự việc (sự cố, sai phạm) quá ầm ĩ (tức là có hậu quả) thì Quốc hội mới đem Luật Hoạt động Giám sát của Quốc hội ra so, nếu có sự đồng thuận trên 20% tổng số đại biểu Quốc hội thì mới xảy ra việc bỏ phiếu tín nhiệm để dẫn đến các quyết định bãi nhiệm, miễn nhiệm. Nhưng thực tế hầu như chưa có trường hợp nào Quốc hội tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định tại luật này.
Riêng về trách nhiệm phát ngôn, hiện mới có quy chế ban hành kèm Quyết định 77/2007 của Thủ tướng nói về các hình thức, thời điểm phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của lãnh đạo cơ quan hành chính nhà nước và Điều 8 Nghị định 02/2011 xử phạt việc né tránh hoặc cản trở việc cung cấp thông tin, chứ chưa có chế tài trách nhiệm nào về việc cung cấp thông tin sai.
Xu hướng lãnh đạo cơ quan nhà nước xuất hiện ngày càng nhiều trước công chúng là một tín hiệu tích cực, thể hiện sự minh bạch, dân chủ. Nhưng xuất hiện mà đưa ra kiểu nhận “trách nhiệm” một cách chung chung thì người dân càng hoang mang, mà chuyện ở đập Sông Tranh 2 là ví dụ điển hình!
PHAN MAI