Vị Hòa Thượng trí thức - Dân Làm Báo

Vị Hòa Thượng trí thức

Nguyễn Thanh Giang (Danlambao) - Trước biển khổ của dân tộc, những giọt nước mắt từ bi của vị sa môn này đã nhỏ xuống đời và hòa tan trong lòng biển nước mắt dân tộc; trong đó, một giọt dành cho hình ảnh dòng máu đỏ tươi phun thẳng tắp lên trời của cha Ngài bị đấu tố và bắn chết dã man trước đình làng hồi CCRĐ mà Ngài không thể nguôi quên. Hoàn toàn không phải Ngài khóc vì tấm thân tù ngục. Ngay trong tù Ngài vẫn khẳng định “Tâm ta vằng vặc trăng thu mặt hồ”...

*

Hơn chục năm qua, mấy bài Tự trào của nhà sư làm cho tôi lúc thì hình dung Thích Quảng Độ như một nho sỹ bất đắc chí: 

Quảng Độ tên mi quê ở đâu?
Thái Bình, Tiên Hải, Xã Thanh Châu
Dốt đặc cán mai mà lên mặt
Khôn nhà dại chợ lại lên râu
Nhìn đời “tiến bộ” giương mắt ếch
Nghe đạo suy đồi vểnh tai trâu
Thôi về xếp áo đi tập hát
Theo làm nghề xiếc với ông bầu

Lúc lại có nét Lỗ Trí Thâm:

Quảng Độ là mi mi biết chưa
Vóc dáng xem ra kể cũng vừa
Mắt sáng cằm vuông râu rậm rạp
Trán cao đầu nhọn tóc lưa thưa
Chữ nghĩa lem nhem nhưng biếng học
Tính tình nóng nảy vẫn không chừa
Năm nay tuổi tác vừa năm chục
Tù ngục hai lần đã sướng chưa?

Một đôi người không hiểu những bi phẫn bị nén thành tuyên thệ ẩn ức còn chê những vần thơ này: 

Đêm ngày tôi dạy cái thằng tôi
Đạo pháp suy vi bởi lẽ trời
Thấy kẻ phá chùa: khoanh tay đứng
Nhìn người đập tượng: mắt nhắm ngồi
Bắt bớ tăng ni: thây mẹ nó
Giam cầm phật tử: mặc cha đời
Miễn được yên thân là khôn đấy
Can chi ậm ọe để thiệt thòi. 

Gần đây, khi chọn người để đề xuất ý kiến trao giải Nobel Hòa bình tôi mới có dịp tìm hiểu tương đối kỹ và mới ngộ ra rằng hòa thượng Thích Quảng Độ không chỉ là một cao tăng Phật giáo ưu thời mẫn thế, dũng cảm can trường mà còn là một trí thức thật sự uyên thâm, uyên bác đã từng là giảng sư đại học, một nhà văn, một dịch giả với một kho tác phẩm rất đáng kính nể: 

Kinh Mục Liên Sám Pháp 
Kinh Đại Phương tiện Phật Báo Ân 
Thoát vòng tục lụy, Sài Gòn 1962; (truyện dịch từ Hán văn của Tinh Vân) 
Dưới mái chùa hoang, Sài Gòn 1962; (truyện) 
Truyện cổ Phật giáo, Sài Gòn 1964; 
Từ điển Phật học Hán Việt (2 tập) 
Phật Quang Đại Từ điển (9 tập) 
Chiến tranh và bất bạo động 
Thơ trong tù 06.04.1977-10.12.1978 (tháng 3 năm Đinh Tỵ đến tháng 11 Mậu Ngọ) 
Thơ lưu đày 25.02.1982-22.03.1992 (tháng 2 năm Nhâm Tuất đến tháng 2 năm Nhâm Thân) 

Vậy mà báo chí của Đảng không ngừng bôi xấu kết tội Ngài, thậm chí họ còn loan tin đã bắt gặp TQĐ trong động lắc, TQĐ đã làm hai ni cô có chửa, một cô đã tự tử... Thật là bỉ ổi, đê tiện hết chỗ nói! 

Xin dẫn ra một trong những bài viết đó đăng trên báo Sài Gòn Giải phóng số ra ngày 26 tháng 8 năm 2007: 

“Như đã đưa tin, các lực lượng bảo vệ pháp luật của Nhà nước ta vừa chặn đứng một âm mưu gây rối an ninh, trật tự do các thế lực thù địch và bọn phản động lưu vong ở nước ngoài cấu kết với một số đối tượng cơ hội chính trị và các phần tử phản động lợi dụng tôn giáo trong nước tiến hành. Các đối tượng này đã tung tiền dụ dỗ, mua chuộc những người khiếu kiện nhằm kích động họ tham gia biểu tình chống chính quyền ở Hà Nội và TPHCM. Vậy đâu là bộ mặt thật của những kẻ chủ mưu xúi giục hoặc cầm đầu kích động người khiếu kiện gây rối? 

Một trong những tên chủ mưu kích động người khiếu kiện gây rối an ninh, làm mất trật tự xã hội là Thích Quảng Độ, kẻ cầm đầu cái gọi là Viện hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, một tổ chức tôn giáo không được thừa nhận ở nước ta. 

Ngày 18-7-2007, đích thân Thích Quảng Độ đã đi phát tiền cứu trợ cho những người khiếu kiện từ một số tỉnh phía Nam tụ tập về TPHCM, trực tiếp cầm loa tay kích động họ gây rối an ninh, trật tự, gây bức xúc trong dư luận. Cũng chính Thích Quảng Độ cử Thích Không Tánh mang 300 triệu đồng ra Hà Nội để mua chuộc, kích động người khiếu kiện biểu tình chống chính quyền và sáng 23-8-2007, Thích Không Tánh đã bị các lực lượng bảo vệ bắt quả tang khi đang chuẩn bị phát tiền cho dân khiếu kiện tập trung trước trụ sở tiếp công dân tại số 110 Cầu Giấy.

Vậy Thích Quảng Độ là ai? 

Thích Quảng Độ tên thật là Đặng Phúc Tuệ, sinh năm 1927 tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, hiện đăng ký nhân khẩu thường trú tại chùa Thanh Minh Thiền Viện, số 90 phố Trần Huy Liệu, phường 15, quận Phú Nhuận, TPHCM. Xuất gia từ thuở còn trẻ, đáng lý ra nếu cứ tiếp tục quá trình tu tập như một nhà sư phụng đạo, giúp đời thì có lẽ ông ta sẽ thấm nhuần lòng từ bi, bác ái và truyền thống yêu nước của Phật giáo Việt Nam. Tuy nhiên, nhà tu hành cá biệt này lại ngộ ra một tư tưởng đi ngược với lợi ích dân tộc, ngoan cố, chống đối đến cùng chế độ chính trị, thành quả của cuộc cách mạng mà hàng triệu người con của dân tộc Việt Nam đã ngã xuống mới giành được.

Theo các tài liệu và chứng cứ mà cơ quan công an có được, trong thời gian từ tháng 4-1977 đến tháng 12-1978, Thích Quảng Độ đã có thái độ bất mãn, chống đối chính quyền nhân dân, dọa tự thiêu và lợi dụng việc tổ chức Đại giới đàn để thuyết giảng, vu cáo chính quyền đàn áp Phật giáo như: Ra thông tư kêu gọi và kích động tăng, ni sinh sẵn sàng tử vì đạo nếu cần; đồng thời nhân vụ sư cô Như Hiền uống thuốc tự vẫn (vì có hoang thai), Thích Quảng Độ cùng một số đối tượng khác tung tin sư cô Như Hiền chết để phản đối chính quyền. 

Vì có hành vi tổ chức các hoạt động chống đối Nhà nước, y đã bị Công an TPHCM bắt giữ, truy tố trước pháp luật. Tuy nhiên, xét thấy mức độ vi phạm chưa nghiêm trọng, Tòa án Nhân dân TPHCM đã xử khoan hồng, trả y về Thanh Minh Thiền Viện. Nhưng cũng kể từ đó, Thích Quảng Độ công khai chống lại chủ trương thống nhất Phật giáo toàn quốc. 

Thích Quảng Độ cùng một số đối tượng chống đối trong cái gọi là Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất (GHPGVNTN) tiến hành nhiều hoạt động nhằm cản trở việc chuẩn bị cho Đại hội thống nhất Phật giáo toàn quốc, tiếp tục duy trì các hoạt động mang danh nghĩa GHPGVNTN. 

Vì lẽ đó, UBND TPHCM đã phải ra quyết định cấm y cư trú trên địa bàn; UBND tỉnh Thái Bình cũng đồng thời ra quyết định buộc Quảng Độ cư trú tại chùa Đông Xoài, tỉnh Thái Bình. Tuy nhiên, từ năm 1992 đến nay, Thích Quảng Độ tự ý vào cư trú tại TPHCM và liên tục tiến hành các hoạt động chống đối, viết và phát tán nhiều tài liệu xuyên tạc tình hình trong nước Liên tiếp từ sau năm 1993, Quảng Độ nhân danh cái gọi là Viện trưởng Viện Hóa đạo - GHPGVNTN ký, phát tán rộng rãi trong và ngoài nước hàng chục loại tài liệu có nội dung đả kích, chống đối chế độ, yêu sách với Nhà nước đòi phục hồi GHPGVNTN. Trực tiếp chỉ đạo Không Tánh, Đồng Ngọc, Nhật Thường, lợi dụng một số đoàn khách nước ngoài đến Việt Nam tổ chức tiếp cận đưa các văn thư, kiến nghị, nhờ những người này chuyển cho Liên hiệp quốc và các cá nhân, tổ chức nhân quyền quốc tế can thiệp, gây sức ép với Nhà nước ta cho phép GHPGVNTN tái phục hoạt như trước năm 1975. 

Tháng 10-1994, Quảng Độ, Đức Nhuận chỉ đạo Thích Không Tánh, Nhật Ban, Hồng Ngọc, Nguyên Lý thành lập cái gọi là Tăng đoàn bảo vệ chánh pháp và Ban công tác từ thiện xã hội GHPGVNTN để tiến hành các hoạt động tuyên truyền, lôi kéo, kích động tăng ni, phật tử chống lại đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. 

Cũng trong năm 1994, lợi dụng tình hình lũ lụt ở các tỉnh miền Tây Nam bộ, Quảng Độ đã chỉ đạo một số đối tượng trong nhóm Tăng đoàn bảo vệ chánh pháp và Ban công tác từ thiện xã hội GHPGVNTN tổ chức cho khoảng 150 tăng ni, phật tử trương cờ, băng rôn, khẩu hiệu mang danh GHPGVNTN và lợi dụng việc cứu trợ để phô trương lực lượng và tuyên truyền nhằm công khai hóa các hoạt động của GHPGVNTN. 

Do Thích Quảng Độ liên tiếp có những hành vi chống đối, ngang nhiên lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng để vi phạm pháp luật, nên tháng 1-1995, Công an TPHCM đã thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Quảng Độ. Tháng 8-1995, Tòa án Nhân dân TPHCM đã xét xử, tuyên phạt Quảng Độ cùng nhóm của y (Không Tánh, Đồng Ngọc, Nhật Thường, Trí Lực) 5 năm tù giam và thời hạn quản chế 5 năm về tội phá hoại chính sách đoàn kết và lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước. Tuy nhiên, thực hiện chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta đối với người phạm tội biết ăn năn, hối cải, có thành tích cải tạo tốt, nhân dịp Quốc khánh 2-9-1998, Chủ tịch nước đã quyết định đặc xá, tha tù trước thời hạn cho Quảng Độ, trả về nơi cư trú cũ của y tại Thanh Minh Thiền Viện. 

Nhưng ngựa quen đường cũ, ngay sau khi về TPHCM, Quảng Độ lại cùng Huyền Quang, Đức Nhuận được sự hậu thuẫn của số chống đối cực đoan trong Phật giáo người Việt lưu vong hải ngoại như Võ Văn Ái (ở Pháp), Hộ Giác và Viên Lý (ở Mỹ) lộ rõ bản chất chính trị phản động, công khai thách thức chống chính quyền và pháp luật, kêu gọi phục hồi GHPGVNTN. 

Theo những tài liệu mà cơ quan công an thu giữ được, Quảng Độ cầm đầu, chỉ đạo số tay chân liên tục tiến hành các hoạt động chống phá Nhà nước; trực tiếp liên lạc, trao đổi, cung cấp tài liệu thông tin ra ngoài vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, tự do tôn giáo; tổ chức, sắp xếp nhân sự cho cái gọi là Đại hội GHPGVNTN nhiệm kỳ 9 tại Tu viện Nguyên Thiều (tỉnh Bình Định) và giữ chức vụ Viện trưởng Viện Hóa đạo. 

Liên quan đến lịch sử hình thành và sự kiện kết thúc quá trình tồn tại của GHPGVNTN, cũng như những hành vi ngang ngược của vị tu sĩ đặc biệt này, ngày 9-11-2005, trả lời phỏng vấn TTXVN về việc hòa thượng Thích Quảng Độ nhân danh Viện trưởng Viện Hóa đạo GHPGVNTN ký quyết định bổ nhiệm Ban đại diện Phật giáo một số tỉnh, thành phố phía Nam, hòa thượng Thích Thanh Tứ, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định việc làm này của ông Thích Quảng Độ là mạo xưng, không có giá trị pháp lý, trái với Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và trái với pháp luật của Nhà nước Việt Nam. 

Hòa thượng Thích Thanh Tứ cho biết: GHPGVNTN ra đời tháng 1-1964 tại Sài Gòn (nay là TPHCM) với sự hợp nhất của 11 hệ phái, tổ chức Phật giáo ở miền Nam lúc bấy giờ. Tháng 11-1981, các bậc tôn túc đứng đầu Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất đã cùng các vị đứng đầu Phật giáo của 8 tổ chức Phật giáo khác tự nguyện gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. 

Trong lời nói đầu của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ghi rõ: Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức duy nhất đại diện cho Phật giáo Việt Nam về mọi mặt quan hệ ở trong nước và ngoài nước. Với ý nghĩa đó, về mặt lịch sử cũng như pháp lý, GHPGVNTN không còn tồn tại theo nguyên nghĩa là một tôn giáo độc lập. Cũng trong phần trả lời phỏng vấn này, hòa thượng Thích Thanh Tứ khẳng định: Giáo hội Phật giáo Việt Nam tôn trọng quá khứ lịch sử của GHPGVNTN song không chấp nhận việc một số vị mạo xưng GHPGVNTN dựng lại tổ chức đã gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ năm 1981, thực chất đấy là việc làm hòng chia rẽ gây mất đoàn kết trong nội bộ Phật giáo và tổn hại tới lợi ích dân tộc... ” 

Bài báo đăng trên báo của Đảng mà rất vô văn hóa. Tại sao dám hỗn xược, gọi xếch mé trống không: Quảng Độ, Huyền Quang …? 

Chưa kể đến sắc hàm trong giáo hội chỉ xét tuổi tác, các vị đã xứng tuổi cha, tuổi chú không chỉ của người viết mà cả tổng biên tập, cả chủ tịch Hội Nhà báo, cả trưởng Ban Tuyên giáo TW Đảng … Nó lú thì còn chú nó phải biết khôn khi biên tập chứ. Sao các người lăng loàn thế! Học tập mãi đạo đức Hồ Chí Minh để làm gì? Tốn không biết bao nhiêu tiền của của nhân dân! 

Bài báo muốn làm nhiệm vụ quảng bá một bản cáo trạng nhằm biện giải cho hành động bạo ngược đối với các vị Hòa thượng. Nhưng, hãy xét xem ở đây những gì được gán ghép là tội? 

1- Tại sao “đích thân Thích Quảng Độ đã đi phát tiền cứu trợ cho những người khiếu kiện từ một số tỉnh phía Nam tụ tập về TPHCM” lại bị quy là phạm pháp nếu không được xem là nghĩa cử cao đẹp đáng được biểu dương?. 

Ai cũng biết, do chủ trương chính sách sai lầm của Đảng đã mở đường cho kẻ chức quyền tạo lập hệ thống mafia tước đoạt ruộng đất làm cho hàng triệu người bị thiệt thòi, hàng vạn người khiếu kiện dài ngày hết cấp này đến cấp khác. 

Họ không bị oan thì thuê bạc triệu họ cũng không đời nào bỏ cửa bỏ nhà đi hàng trăm, hàng ngàn kilomét đến nằm vạ vật đầu đường cuối phố thật thảm thương. Họ vốn không phải kẻ xấu, trong đó rất nhiều người đã xả thân cho Cách mạng, nhiều thương bệnh binh, bà mẹ Việt Nam anh hùng... 

Hòa thượng chỉ đến được một địa điểm: trụ sở Vụ Công tác phía Nam của Văn phòng Quốc hội tại số 194 Hoàng Văn Thụ, thành phố Hồ Chí Minh để phát quà “kích động”, vậy tại hàng trăm địa điểm khác rải rác suốt trong nam ngoài bắc thì ai kích động? Ai kích động ông Đoàn Văn Vươn? 

Thật là “ngậm máu phun người”, vu oan giáng họa một cách trâng tráo, độc địa! 

2- Do đâu nẩy sinh vấn đề “Quảng Độ nhân danh cái gọi là Viện trưởng Viện Hóa đạo - GHPGVNTN ký, phát tán rộng rãi trong và ngoài nước hàng chục loại tài liệu có nội dung đả kích, chống đối chế độ, yêu sách với Nhà nước đòi phục hồi GHPGVNTN”?. 

Trước hết hãy xem có chuyện: “nhân danh cái gọi là” không? 

Tổng hội Phật giáo Việt Nam được thành lập từ năm 1951 gồm các thành phần Error! Hyperlink reference not valid. khắp ba miền Bắc, Trung, Nam. Tuy nhiên, do quy mô phát triển ngày một rộng, ngày 31 tháng 12 năm 1963, một cuộc họp lớn đã được tổ chức tại chùa Xá Lợi, Sài Gòn nhằm đoàn kết tất cả các tổ chức Phật giáo dưới một hiến chương chung thành một giáo hội, lấy tên là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Thành phần gồm: 

1. Ủy ban Liên phái Phật Giáo: Thượng tọa
2. Giáo hội Tăng già Miền Bắc: Thượng tọa Thích Tâm Giác 
3. Thiền tịnh Ðạo tràng: Thượng tọa Thích Minh Trực 
4. Giáo hội Nguyện thủy Việt Nam: Thượng tọa Thích Pháp Tri 
5. Giáo hội Theravada: Lục cả Lâm Em 
6. Giáo hội Tăng già Miền Bắc tại miền Nam: Thượng tọa Thích Thanh Thái 
7. Giáo hội Tăng già Miền Trung: Thượng tọa Thích Huyền Quang
8. Giáo hội Tăng già Miền Nam: Thượng tọa Thích Thiện Hoa 
9. Hội Phật học Miền Nam: cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền 
10. Hội Phật giáo Nguyên thủy: cư sĩ Nguyễn Văn Hiếu 
11. Hội Phật giáo Miền Trung: Thượng tọa Thích Trí Quang
12. Hội Việt Nam Phật giáo: cư sĩ Vũ Bảo Vinh 
13. Ðại diện Phật tử Theravada: cư sĩ Sơn Thái Nguyên 

Ở Trung ương, Giáo hội được chia thành hai bộ phận: Viện Tăng thống trông coi hàng giáo phẩm (có thể coi như ban nội vụ); Viện Hóa đạo đảm nhiệm liên hệ với Phật tử (tức ban ngoại vụ). 

Ở cấp tỉnh, Giáo hội có Ban Đại diện (đôi khi xuống đến cấp tùy theo nhu cầu). 

Ở hải ngoại, Giáo hội có 11 chi bộ trực thuộc Viện Hóa Đạo gồm các nước Anh, Ấn Độ, Canada, Campuchia, Đức, Lào, Mỹ, Nhật, Pháp, Thái Lan, Thụy Sĩ.

Sinh hoạt dân sự của Giáo hội là một bước tiến lớn trong việc hiện đại hóa Phật giáo Việt Nam trong tinh thần nhập thế. Giáo hội đã thành lập được nhiều cơ quan, nhiều tổ chức dân sự như: Nha Tuyên úy Phật giáo. Nhà xuất bản Lá Bối, tuần báo Hải triều âm, tuần báo Chánh Đạo, tuần báo Thiện mỹ, Viện Cao đẳng Phật học, trường Thanh niên Phụng sự Xã hội, cùng cô nhi viện, ký nhi viện, bệnh xá, chẩn y viện... Về mặt chính trị Giáo hội lập ra "Lực lượng Phật giáo Việt Nam", một cơ quan thuộc Viện Hóa đạo để tranh đấu và đề đạt nguyện vọng của Giáo hội với chính quyền. 

Ngày 8 tháng 5 năm 1963, bất chấp lệnh cấm, Phật tử ở Huế vẫn công khai trương cờ Phật giáo và bị đàn áp. Vụ việc này đã châm lên ngòi thuốc nổ cho một chuỗi xung đột liên tục giữa chính quyền và các hội đoàn Phật giáo. Sự kiện Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại Sài Gòn đã gây chấn động khắp trong và ngoài nước khiến chính phủ Ngô Đình Diệm bị mất tín nhiệm. Năm tháng sau tổng thống Ngô Đình Diệm bị giết. 

Năm 1965 Hòa thượng Thích Quảng Độ được bầu làm Tổng thư ký Giáo hội Việt Nam Thống nhất. Tháng 5 năm 1999, tại Đại hội lần thứ 8 của Giáo hội, Hòa thượng được bầu làm Viện trưởng Viện Hóa đạo. Sau khi hòa thượng Thích Huyền Quang viên tịch năm 2008, theo chúc thư để lại, hòa thượng Thích Quảng Độ đã được chọn làm tăng thống thứ 5 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. 

(Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất từ khi thành lập đến nay đã có năm vị tăng thống: 
- Đệ nhất Tăng thống (1964-1973) Hòa thượng Thích Tịnh Khiết (1890-1973). 
- Đệ nhị Tăng thống (1973-1979) Hòa thượng Thích Giác Nhiên (1878-1979). 
- Đệ tam Tăng thống (1979-1991) Hòa thượng Thích Đôn Hậu (1905-1991). 
- Đệ tứ Tăng thống (2003-2008) Hòa thượng Thích Huyền Quang (1919-2008), 
- Đệ ngũ Tăng thống (2011- ) Hòa thượng Error! Hyperlink reference not valid. ( 1927 - ). 

Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là một thực thể có quy mô thực sự lớn, đã từng có đóng góp xứng đáng cho đất nước, cho dân tộc. Hòa thượng Thích Quảng Độ đã được bầu chọn làm một trong các lãnh tụ chính danh của Giáo hội. Việc ngài đấu tranh đòi tổ chức được duy trì để tiếp tục phục cho cả đạo lẫn đời là nghĩa vụ thiêng liêng cao cả mà Giáo hội trao cho Ngài, sao Đảng, Chính phủ nỡ đàn áp dã man vô lý như vậy! 

Hòa thượng Thích Thanh Tứ đã phỉ báng rất không đúng hòa thượng Thích Quảng Độ và Gíáo hội Việt Nam Thống nhất. Giáo hội Phật giáo Việt Nam của quý ông này thì sánh sao được với quy mô, tầm cỡ và sức cống hiến cho Đạo, cho Đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. 


Trên kia đã dẫn mấy bài Tự trào từng gieo vào tâm tư tôi ấn tượng không đẹp lắm về sa môn Thích Quảng Độ; thực tế, đây là một người có nhân cách cao vời. 

Tuy nương cửa Phật nhưng Ngài vẫn canh cánh bên lòng nỗi buồn nhân thế: 

Non nước nghìn trùng mờ mịt
Cùng ai thao thức những đêm thâu?”
Còn ta nay đã bạc mái đầu
Ngày tháng trơ trơ một khối sầu
Sợ hãi vui mừng như gió thoảng
Nhờ mây nhắn gửi bấy nhiêu câu. 

… vẫn nức nở cùng nỗi đau của “muôn vạn người dân vô tội” vì đi khiếu kiện kêu oan do mất đất, mất nhà, vì xuống đường phản đối Trung Quốc lấn chiếm Hoàng Sa, Trường Sa … mà bị đàn áp: 

Tôi đứng nhìn những giọt mưa rơi
Từ mái nhà đổ xuống
Lênh láng chan hòa
Trông như những dòng nước mắt của muôn vạn người dân vô tội
Đã chảy ra
Khi trải qua một cuộc đổi đời 

Nỗi đau vì nhân dân còn bị “áp bức đọa đày đời khổ nhục”, và vì “Đạo pháp bao trùm màn ảm đạm” khiến Hòa thượng không còn biết có mùa xuân: 

Rộn ràng tiếng én báo xuân sang
Lòng tôi nguội lạnh nắm tro tàn
Đạo pháp bao trùm màn ảm đạm
Giang sơn phủ kín lớp màu tang
Áp bức đoạ đày đời khổ nhục
Đói nghèo rách nát kiếp lầm than
Thẫn thờ đứng tựa khung cửa ngục
Nhìn bóng xuân sang mắt lệ tràn. 

Trước biển khổ của dân tộc, những giọt nước mắt từ bi của vị sa môn này đã nhỏ xuống đời và hòa tan trong lòng biển nước mắt dân tộc; trong đó, một giọt dành cho hình ảnh dòng máu đỏ tươi phun thẳng tắp lên trời của cha Ngài bị đấu tố và bắn chết dã man trước đình làng hồi CCRĐ mà Ngài không thể nguôi quên. 

Hoàn toàn không phải Ngài khóc vì tấm thân tù ngục. Ngay trong tù Ngài vẫn khẳng định “Tâm ta vằng vặc trăng thu mặt hồ” kia mà: 

Thân ta trong chốn lao tù
Tâm ta vằng vặc trăng thu mặt hồ
Bao trùm khắp cõi hư vô
Lao tù đâu thể nhiễm ô tâm này
Mặc cho thế sự vần xoay
Tâm ta vẫn chẳng chuyển lay được nào 

Phải chăng Ngài đang thực hiện lời dạy cuối cùng của Đức Phật là: “Hãy tự mình thắp đuốc lên, hãy tự mình nương tựa nơi mình, nương tựa Chính Pháp, chứ đừng nương tựa vào một nơi nào khác”. Bởi vì, nền tảng cơ bản về mặt tôn giáo của Đức Phật là sự phản tỉnh tự tâm. Dù đối với lòng mong muốn một cuộc sống vô hạn hay yêu cầu giải thoát, tất cả đều phát sinh từ nội tâm của ta. 

Chẳng những thế, trong tù Ngài vẫn bạn được với Trăng, thân thiết đến nỗi ngồi lo Trăng ốm kia mà: 

Buồn vui ta vốn có nhau
Giờ đây trăng ốm ta đau buồn nhiều
Cùng mang cái kiếp cô liêu
Giữa khung trời lạnh bao nhiêu đêm rồi
Đêm nay tâm sự bồi hồi
Thâu canh không ngủ ta ngồi với trăng 
Không chỉ có Trăng, Ngài còn có mây dương lên cánh buồm đưa tới bến mơ:
Ráng chiều giăng mắc ven trời
Buồm mây một cánh nhẹ trôi lững lờ
Đi tìm nơi đậu bến mơ
Không gian biển rộng cõi bờ mù khơi 
Và gió… 

Nhưng, khi “Cửa sắt xà lim ngăn gió lại” thì “Cánh gíó đưa qua lá xạc xào” vẫn làm cho Ngài nghe thấy “Đêm khuya ai gọi giữa tầng cao” kia mà.

Đêm khuya ai gọi giữa tầng cao?
Cánh gíó đưa qua lá xạc xào
Cửa sắt xà lim ngăn gió lại
Sợ làm ta vỡ cuộc chiêm bao 
Cho nên giam hãm tù đầy với Ngài không nghĩa lý gì:
Những lúc trầm tư nếm vị thiền,
Lâng lâng không bợn chút ưu phiền,
Ngục thất dầu sôi thành cam lộ
Lao tù lửa bỏng hóa hồng liên.

Thậm chí đến Thần Chết cũng được Ngài đối xử thân thiết như là bạn. (Có lẽ Ngài tin chắc chắn rằng đấy chính là người sẽ đưa Ngài đến cõi Niết Bàn) 

Xà lim trông hệt cái nhà mồ
Mỗi lần mở cửa tôi ra vô
Thấy như chôn rồi mà vẫn sống
Tử thần tôi sợ con cóc khô
Tử thần nghe vậy bèn sửng cồ
Nửa đêm đập cửa, tôi mời: dô
Sẵn có thuốc lào phèo mấy khói
Tử thần khoái trá cười hô hô! 

Phật giáo không thừa nhận có một đấng “Tạo vật Chủ”, nhất là Nguyên thủy Phật giáo, không thừa nhận một linh hồn cố định của cá nhân, mà lấy sự kết hợp giữa Thần và Người làm bản chất. Thuyết nghiệp báo và luân hồi cho rằng, các loài sinh vật vì cứ luẩn quản trong vòng sinh tử nên đều có thể là họ hàng, thân thuộc của nhau, trong nhiều đời kiếp. Tư tưởng thần thoại lại cho rằng trời, thần, tiên, ma quỷ cho đến các loài ở địa ngục đều là sinh vật cả. Cho nên hữu tình quan của Đạo đã giúp Ngài mở rộng được lòng mình với chúng sinh, trời đất. 

Gần 200 bài thơ trong hai tập “Thơ tù” và “Thơ lưu đầy” đậm vị Thiền mà đầy nghĩa khí, mà rất ung dung tự tại, không bi lụy, không óan trách. Có chăng, Ngài chỉ muốn cảnh báo bọn bá vương công hầu: 

Tranh vương tranh bá với công hầu
Nước chảy tràn sông máu đượm màu
Những tưởng cuộc đời bền vững mãi
Nào ngờ bãi biển hóa nương dâu 

Vì chân tu, Hòa thượng thấm nhiễm luật điển của Bà-la-môn đã quy định: nhiệm vụ của nhà vua là làm công bộc cho quốc dân, để mưu đồ sự thịnh vượng và công bằng trong nước, nhân dân phải lựa chọn lấy vua của mình. 

Rải rác trong bộ kinh A Hàm có những bộ kinh nổi tiếng như Vương Pháp Chính Luận kinh (Phật nói cho vua Ưu Ðiền), Giản Vương kinh, Vương Pháp kinh (Phật nói cho Thắng Quang Thiên Tử), Ðại Tát Gia Ni Kiền Tử Sở Thuyết kinh (mượn lời Ðại Tát Gia Ca để nói những điểm chủ yếu về chính trị) … Chính trị quan Phật Giáo, chứa chất trong các bộ kinh này chủ yếu là những lời giải đáp của Phật về những câu hỏi của các nhà chính trị, đặc biệt là các quốc vương, 

Sa môn Thích Quảng Độ có làm chính trị cũng chính là do Phật phán bảo. 

Vì đấu tranh cho tự do tôn giáo và cho dân chủ, nhân quyền, Ngài đã bị nhà chức trách tống tù từ tháng 6 năm 1977. Đến năm 1982, Ngài cùng thân mẫu bị trục xuất về nguyên quán xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình để quản thúc. Mười năm sau Ngài trở vào Nam hoạt động công khai đòi duy trì Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Tháng 1 năm 1995 Ngài lại bị Công an thành phố HCM bắt giam, kết án 5 năm tù và 5 năm quản chế. 

Năm 2002 Ngài được nhận giải thưởng vê nhân quyền của tổ chức Tiệp Khắc People in Need. Năm 2006 chính phủ Na Uy trao giải nhân quyền.Tháng 1 năm 2008 tạp chí Different View đặt tại Châu Âu chọn Ngài là một trong 15 người vô địch về nhân quyền cùng với các tên tuổi như Nelson Mandela, Onsan Suu Kyi, Lech Walesa... 

Từ 1999 đến nay hòa thượng Thích Quảng Độ liên tục được đề cử xét tặng giải Nobel Hòa Bình. 

Hy vọng vinh quang ấy sẽ đến vời Ngài và cho nhân dân Việt Nam ngày gần đây. 

Rút trong cuốn “ĐÊM DÀY LẤP LÁNH” 



Số nhà 6 – Tập thể Địa Vật lý Máy bay Trung Văn – Từ Liêm – Hà Nội 
Mobi: 0984 724 165 


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo