"Tưởng đâu chính quyền đóng cũi nhốt con cọp bắt được từ trên núi chạy xuống chớ. Hóa ra là hòn đá! Hòn đá nó có chân đâu mà sợ nó chạy mất? Buồn cười thiệt đó!" - Ông Ksor Hiền, một người dân huyện Chư Sê
Sau khi thu hồi hòn đá của một hộ dân, chính quyền huyện Chư Sê (Gia Lai) đã cho làm chiếc lồng sắt để... giam hòn đá nặng hàng tấn và đặt tại trụ sở UBND huyện.
Như Thanh Niên số ra ngày 2 và 3.4 đã thông tin, chỉ vì lấy 3 hòn đá trong rẫy của mình về nhà để chơi, bà Trần Thị Sắc và ông Lê Hùng Dũng ở xã H’bông, huyện Chư Sê bị khốn khổ đủ đường.
Các cơ quan chức năng địa phương đã quy cho ông Dũng và bà Sắc khai thác khoáng sản trái phép rồi tiến hành cưỡng chế, thu hồi 3 hòn đá này. Trong đó, chỉ có hòn đá của bà Sắc là chính quyền thu hồi thành công, còn 2 hòn đá của ông Dũng thì cưỡng chế bất thành.
Điều lạ lùng là mặc dù cưỡng chế bất thành 2 hòn đá của ông Dũng, nhưng UBND huyện Chư Sê vẫn giao cho UBND xã H’bông... quản lý. Đến nay, không hiểu chính quyền xã “quản lý” ra sao mà 2 hòn đá của ông Dũng đã biến mất, không còn tại nhà ông này.
Hòn đá bị giam trong lồng sắt - Ảnh: Tiến Thành (CTV) |
Nhiều người dân khi đi ngang đây đã không khỏi buồn cười rồi râm ran bàn tán vì lần đầu tiên chứng kiến chính quyền làm lồng sắt giam... đá. Ông Ksor Hiền, một người dân ở huyện Chư Sê, cười khà khà nói: “Mình thấy lạ hung! Tưởng đâu chính quyền đóng cũi nhốt con cọp bắt được từ trên núi chạy xuống chớ. Hóa ra là hòn đá! Hòn đá nó có chân đâu mà sợ nó chạy mất? Buồn cười thiệt đó!”.
Trong chiều qua, dù chúng tôi cố gắng liên lạc nhiều lần với ông Nguyễn Hồng Linh, Chủ tịch UBND huyện Chư Sê, để nghe giải thích từ phía huyện về việc “giam” đá nhưng ông này không nghe máy.
Quy trình “cưỡng chế” chưa phù hợp
Trước sự phản ứng của dư luận địa phương về việc cưỡng chế, thu hồi 3 hòn đá, trên trang web của UBND huyện Chư Sê, đã cho “trích dẫn” báo cáo của Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Gia Lai nhằm chứng minh việc cưỡng chế là đúng pháp luật: “Việc UBND huyện Chư Sê kiểm tra, lập biên bản tạm giữ 3 hòn đá nói trên là phù hợp và là việc làm thường xuyên theo chức năng nhiệm vụ được quy định tại luật Khoáng sản”.
Thế nhưng, trong báo cáo của Đoàn kiểm tra liên ngành, không hề có nội dung trên. Chiều 12.5, ông Phạm Duy Du, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Gia Lai, khẳng định: “Chúng tôi không hề có báo cáo với nguyên văn như trên trong báo cáo ngày 16.4.2012. Trong quy trình tạm giữ 2 hòn đá tại nhà ông Dũng cũng có những vấn đề chưa phù hợp”. Cũng theo ông Du, trong báo cáo, Đoàn kiểm tra liên ngành đã đề xuất UBND tỉnh kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc để mất 2 hòn đá tại nhà ông Dũng.
Đến nay, theo ông Phạm Duy Du, UBND tỉnh Gia Lai vẫn chưa có ý kiến cuối cùng về vụ cưỡng chế đá tại huyện Chư Sê.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đào Xuân Liên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cho biết: “Chúng tôi đang yêu cầu Sở TN - MT báo cáo lại để xem xét kỹ chính quyền thiếu sót cái gì, dân sai cái gì trong vụ việc này. Từ đó, UBND tỉnh mới có quyết định cụ thể, hợp lý trong giải quyết”.
Chưa làm rõ giá trị hòn đá
Trong thời gian qua, trên địa bàn Tây nguyên rộ lên phong trào sưu tầm, chơi đá cảnh như các loại thạch anh, opan, đá hóa thạch. Nhưng giá trị của các hòn đá bị cưỡng chế cho đến thời điểm này cũng chưa rõ ràng. Chị Hương, một người chuyên sưu tầm đá ở TP.Pleiku, cho biết: “Tôi đã đến tận nơi xem đá. Nhưng khi chưa bóc tách được lớp ngoài thì rất khó định giá. Có thể nó chỉ có giá trị trong xây dựng! Hoặc nếu nó là đá opan thì cũng không quý lắm, chỉ độ trên dưới 30 triệu đồng/tấn nếu đá tốt”.
Không thể tùy tiện tịch thu đồ vật của dân
Trao đổi với PV Thanh Niên, luật sư Võ Hồng Nam, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Bình Định, cho rằng muốn tạm giữ đồ vật gì thì phải lập biên bản và căn cứ theo điều khoản nào. Tương tự, khi tịch thu bất cứ một đồ vật, tài sản gì từ nhà người dân, chính quyền phải có quyết định tịch thu và quyết định đó dựa trên điều khoản, văn bản luật cụ thể chứ không được tùy tiện. Muốn tạm giữ và tịch thu đá nhà ông Lê Hùng Dũng và bà Trần Thị Sắc, cần phải xem lại hành vi tìm được đá trong phần đất hợp pháp của người dân có phải là khai thác khoáng sản trái phép hay không và đã được điều chỉnh trong luật Khoáng sản chưa rồi mới có căn cứ thực hiện đúng các thủ tục hành chính tiếp theo như lập biên bản, tịch thu...
Trần Thị Duyên (ghi)