Hà Giang (Người Việt) - WESTMINSTER - Thẩm Phán Lanny Moriarty hôm Thứ Tư quyết định xóa “tội khinh miệt” mà ông đã kết án em Diane Trần, 17 tuổi, học sinh gốc Việt, lớp 11, trường Willis High School.
Trả lời phỏng vấn của Người Việt, Luật Sư Brian Wice, đại diện cho em Diane Trần, cho biết ông vừa nhận bào chữa cho Diane sáng Thứ Tư, và “rất hài lòng là Thẩm Phán Moriarty đã xóa tội khinh miệt tòa mà ông đã kết án Diane hôm Thứ Tư tuần trước!”
“Ðiều này có nghĩa là và vụ án đáng tiếc xem như không bao giờ xảy ra, em Diane sẽ không có lý lịch hình sự, và khi nộp đơn xin vào đại học, em sẽ có một hồ sơ tốt như tất cả những học sinh ngoan khác cùng lứa tuổi.” Luật Sư Wice nhấn mạnh.
Diane Tran bật khóc khi nói về gia đình mình, trên đài CBS News. (Hình: CBS News/Người Việt) |
Diane từng bị ra tòa một lần vì tội vắng học quá nhiều. Thẩm Phán Moriarty ra lệnh cấm cô vắng mặt lần nữa, nhưng tới khi cô lại không tới lớp, tòa gọi cô lên và bắt bỏ tù cô ngay tại chỗ.
Tại tòa, Diane Trần, đã bị tòa án của quận Montgomery, tiểu bang Texas kết án tội khinh miệt tòa, bỏ tù 24 tiếng đồng hồ, và chịu phạt $100 vì tội bỏ học hơn 10 lần trong thời gian 6 tháng, quá ấn định của Texas.
Trong khi đó, một tổ chức vô vị lợi ở tiểu bang Louisiana quyên góp được hơn $95,000 để giúp đỡ Diane Trần.
Nói chuyện với phóng viên nhật báo Người Việt, ông Paul Dietzel, sáng lập viên của Anedot, công ty cung ứng dịch vụ gây quỹ qua Internet, cho biết họ đã từng gây quỹ cho nhiều tổ chức, nhưng trong trường hợp của Diane thì kết quả thật “quá sức mong đợi.”
“Chỉ trong vài hôm, chúng tôi nhận được tiền từ 18 quốc gia và 49 tiểu bang, và mới chỉ hôm qua đến nay, số tiền nhận được đã nhảy từ $50,000 lên hơn $90,000.”
Ông Dietzel kể rằng sáng Thứ Sáu, tổ chức “Louisiana Children's Education Alliance,” trụ sở tại Baton Rouge, Louisiana liên lạc với công ty Anedot nhờ gây quỹ giúp Diane, và họ nhanh chóng thiết lập website cũng như tận dụng mọi trang mạng xã hội để gây quỹ.
Theo lời ông Dietzel thì Diane đã trở lại trường, vẫn vừa đi học vừa đi làm, đang ráo riết học thi “final,” và sẽ không trả lời phỏng vấn báo chí cho đến hết ngày Thứ Năm, sau khi em thi xong.
“Diane vừa tủi thân vừa rất xúc động khi biết em đang được nhiều người tận tình giúp đỡ.” Ông Dietzel nói.
Rồi giải thích thêm, hiện “Louisiana Children's Education Alliance” đang cùng một trong những người chủ của Diane tìm cách thiết lập quỹ “trust fund,” để chuyển tiền gây quỹ cho Diane ăn học.
Trước đó, trong thông cáo báo chí gửi đi ngày 29 Tháng Năm, tổ chức “Louisiana Children's Education Alliance” công bố là chiến dịch gây quỹ giúp Diane Trần, qua websitewww.HelpDianeTran.com và trang mạng www.Facebook.com/HelpDianeTran “rất thành công.”
Cũng qua thông cáo báo chí, ông Charlie Davis, chủ tịch “Louisiana Children's Education Alliance” nói sở dĩ đứng ra quyên tiền giúp em vì “rất đau lòng khi biết chuyện của Diane” và “cô bé không chỉ là nạn nhân của một hệ thống giáo dục công yếu kém, mà còn là nạn nhân của một hệ thống tư pháp đã dùng cô như một trường hợp ‘điển hình’ cho những người khác!”
Trên toàn quốc Hoa Kỳ, nhiều người lên án Thẩm Phán Moriarty là “cứng nhắc” và “khắc nghiệt.”
Tại tòa, Diane khai rằng em học điểm cao, còn lấy thêm 3 lớp AP (lớp trình độ cao, chuẩn bị cho đại học), nhưng vì cha mẹ bỏ nhau bất thình lình, mẹ dọn đi tiểu bang khác, em phải vừa đi học vừa đi làm hai việc, để nuôi chính bản thân và cưu mang một người anh và một người em, nên đôi khi đã phải bỏ học vì kiệt sức.
Diane làm việc toàn thời gian ở một tiệm giặt ủi, và làm thêm tại “Vineyard of Waverly Manor,” một ngôi nhà cho thuê làm đám cưới, vào cuối tuần. Cô ở nhà với gia đình người chủ Vineyard of Waverly Manor.
Một người bạn cùng học và cùng làm chung với Diane, Devin Hill, nói: “Cô ấy làm hết việc này đến việc khác, rồi đi học, làm bài, có khi thức tới 7 giờ sáng.”
Diane nói lý do cô vắng mặt là buổi sáng mệt quá không dậy được. Có khi cô bị vắng nguyên một lớp, có khi vô kịp nhưng sau khi thầy cô đã điểm danh xong.
Tin Diane bị bỏ tù trong hoàn cảnh đáng thương đã gây xôn xao dư luận khắp thế giới. Nhiều độc giả của nhật báo Người Việt gửi emails và gọi điện thoại vào tòa soạn ngỏ ý muốn giúp đỡ em.
Ông Trần Dật, một cư dân tại Los Angeles, cho biết sau khi biết tin về Diane Trần, ông cứ băn khoăn chỉ mong ước có một tổ chức nào của người Việt Nam đứng ra nhận giúp đỡ em để ông “được đóng góp.” Ông nói với Người Việt: “Cháu Diane thật can đảm và có lòng hy sinh đáng phục. Cộng đồng Việt Nam chúng ta phải làm sao không nhiều thì ít phải giúp được cho cháu. Ngoài ra câu chuyện này cũng khiến các bậc cha mẹ phải nghĩ nhiều hơn đến con cái khi quyết định ly dị.”
Trả lời phỏng vấn báo chí ngay sau khi em Diane bị bỏ tù, bà Mary Elliot, chủ nhân của Vineyards of Waverly Manor, nơi Diane làm việc hai ngày cuối tuần, cho biết em là “học sinh toàn điểm A,” và là “một cô gái rất ngoan.”
“Lẽ ra Thẩm Phán Moriarty phải hiểu hoàn cảnh của Diane mà không bỏ tù em.” Bà nói.
Nói chuyện với phóng viên nhật báo Người Việt qua điện thoại, bà Sharon Hill, thuộc phòng giám thị trường Willis High School, chỉ nói vỏn vẹn: “Theo luật của liên bang, bà không thể tiết lộ tin tức gì về Diane Trần” và “muốn biết gì thêm thì hỏi tòa án.”
Trong khi đó, trang mạng của Willis Independent School District đăng một thông cáo báo chí nói về trường hợp học sinh nghỉ học quá nhiều với thông điệp: “Trong những trường hợp này, sự việc hoàn toàn nằm trong tay tòa án.”
Vài tiếng đồng hồ trước khi có quyết định xóa án, nói với Người Việt qua điện thoại, thư ký của Thẩm Phán Moriarty cho biết văn phòng thẩm phán sẽ có thông cáo báo chí sau.
Liên lạc tác giả: HaGiang@nguoi-viet.com
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=149528&zoneid=1
*
*
Hai câu chuyện phụ nữ Việt Nam
Ngô Nhân Dụng - Hai bản tin liên quan đến phụ nữ Việt Nam khiến mọi người phải xúc động. Tin ở Mỹ cho biết cô Diane Trần bị một quan tòa ở Texas kết án một ngày tù, sau khi cô đã bỏ học nhiều lần, một bản án khiến nhiều người phẫn nộ, không riêng gì người gốc Việt Nam.
Nếu theo luật cưỡng bách giáo dục, một học sinh trung học 17 tuổi phạm lỗi nghỉ học thì phải truy tội cha mẹ. Không hiểu sao hệ thống pháp luật không dự trù và quan tòa không nghĩ tới điều đó? Cha mẹ cô đã ly dị và cả hai bỏ đi xa, nhưng tòa án có quyền truy nã họ, trước khi bắt tội cô gái nhỏ.
Dư luận cả nước Mỹ phải cảm thương hình ảnh Diane Trần lau nước mắt khi được nhà báo phỏng vấn. Họ đã đã bày tỏ lòng cảm phục đối với cô học sinh lớp 11 vốn đã được nhà trường công nhận thuộc hàng xuất sắc. Họ đã ký kiến nghị xin xóa bản án cho cô. Cô đã làm hai công việc để giúp anh em trong lúc thiếu cha mẹ. Cô nghĩ đến người khác trước khi nghĩ đến mình. Diane Trần là tấm gương cần mẫn, hy sinh, cho tất cả các bạn trẻ Việt Nam, ở trong nước hay ngoài nước học theo.
Bản tin thứ hai cũng khiến mọi người phải xúc động, kể chuyện về hai phụ nữ ở Cần Thơ đã cam chịu nhục nhã để phản đối cường quyền cướp đất. Bà Phạm Thị Lài và con gái là Hồ Nguyên Thủy, ngụ ở phường Hưng Thạnh Quận Cái Răng đã bị cướp đất trắng trợn, không có cách nào khác phải đến mảnh đất của mình ngăn cản việc công ty đầu tư đem máy móc đến san bằng đất. Hai người phụ nữ phải tự khỏa thân để cho thấy tình trạng cùng quẫn của họ, không có phương tiện nào chống cự với cường quyền.
Bà Phạm Thị Lài, 52 tuổi nói: “Chồng tôi sức yếu thế cô, uất ức quá nên đã một lần uống thuốc sâu tự tử để phản đối. Giờ mẹ con tôi biết làm gì ngoài việc lột đồ, chịu nhục để phản đối.” Khi chiếm đất này, công ty chủ đầu tư CIC 8 chỉ bồi thường cho gia đình bà 500,000 đồng một mét vuông. Hiện CIC 8 đang chào bán đất của bà Lài với giá hơn 5 triệu đồng một mét vuông. Bà cho biết: “Ðất này gia đình tôi bỏ tiền mua để cất nhà sinh sống mấy chục năm. (Công ty) CIC 8 tự đưa giá rồi ép chúng tôi nhận tiền mà không cho chúng tôi quyền được (thảo luận giá cả theo thủ tục) thỏa thuận mua bán. Chính quyền Quận Cái Răng dùng lực lượng công an cưỡng chế đất giao cho CIC 8.”
Ðảng Cộng Sản hiện đang nhiều phương pháp cướp của cải do người dân tạo ra. Các ngân hàng trả lãi suất rất thấp cho người ký thác, rồi cho các doanh nghiệp nhà nuớc vay mà không biết bao giờ trả được. Ðó là một cách cướp tiền của dân cho các cán bộ cộng sản hưởng. Các xí nghiệp quốc doanh chiếm độc quyền không cho tư doanh cạnh tranh trong nhiều lãnh vực, khiến cho người tiêu thụ phải mua với giá cao hơn trong một thị trường có cạnh tranh. Ðó cũng là một cách cướp tiền của dân nuôi các cán bộ bất tài. Ðó là những phương pháp ăn cướp ẩn hình không phải ai cũng nhìn ra. Nhưng cướp đất của dân, bồi hoàn với giá rẻ mạt, rồi bán lại cho các chủ đầu tư, để các ông chủ này khai thác với giá trị cao gấp hàng chục, hàng trăm lần, đó là phương pháp ăn cướp trắng trợn và dễ thấy nhất. Các nạn nhân bị cướp phải nhìn ra sự thật này mà chống lại.
Nỗi uất ức của những nông dân bị cướp đất đang bùng lên, biến thành hành động. Ông Ðoàn Văn Vươn chống bọn cướp đất, đã dùng đến chất nổ để phản đối. Nhân dân ở Văn Giang, Dương Nội đang tiếp tục biểu tình phản đối chính sách cướp đất trong hoàn cảnh tuyệt vọng. Ông chồng bà Lài không dám dùng vũ khí, đã tìm cách tự tử để bày tỏ thái độ. Hai mẹ con bà Lài không có cách nào khác là phản đối bằng cách tự mình chịu nhục.
Một phụ nữ bất đắc dĩ phải khỏa thân trước công chúng là một điều ai cũng thấy đáng hổ thẹn. Hai mẹ con bà Lài, cô Thủy đã nói họ “chịu nhục để phản đối.” Nhưng tất cả mọi người Việt Nam đọc bản tin này phải tự hỏi: Ai là những kẻ đáng bị sỉ nhục? Ký giả Ông Bút, trên mạng lưới “danlambaovn” đã trả lời: “Giá như bộ chính trị đảng Cộng Sản Việt Nam có một chút liêm sỉ, vâng, một chút thôi, thì sự nhục nhã này thuộc về đảng, không thuộc hai tấm thân lõa lồ này. Ðã đang tâm ăn cướp làm gì biết liêm sỉ?”
Nhưng liệu đám lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam còn chút liêm sỉ để biết chính họ đang nhục nhã trước hai phụ nữ phẫn uất gặp bước đường cùng hay không? Nguyễn Tấn Dũng khi lên làm thủ tướng đã lập ra cả một ủy ban chống tham nhũng, rồi lớn tiếng thề nguyền nếu không diệt được tham nhũng thì sẽ từ chức. Nhưng cũng chính Nguyễn Tấn Dũng tạo cơ hội cho những vụ tham nhũng lớn nhất trong lịch sử với các công ty Vinashin, rồi Vinalines.
Tự bản chất, chế độ cộng sản không biết hổ thẹn. Năm 1956, sau vụ Cải Cách Ruộng Ðất giết chết hàng trăm ngàn người oan khuất, Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp chỉ biết ngỏ lời xin lỗi. Luật Sư Nguyễn Mạnh Tường đã nói thẳng trong một phiên họp công khai: “Xin lỗi không phải là một hành động có tính chất pháp lý. Giết người rồi không thể chỉ xin lỗi rồi xí xóa đi được.”
Nói những lời đanh thép đó, giống như Nguyễn Mạnh Tường đã chỉ thẳng vào mặt Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp và nhóm lãnh đạo cộng sản mà lên án. Giết hàng trăm ngàn người, đâu có thể xin lỗi rồi xí xóa? Nhưng tất cả bọn họ đã lờ đi như không hiểu. Họ không làm gì hết ngoài việc “sửa sai.” Nhà văn Lưu Quang Vũ sau này đã viết: “Có những cái sai không thể sửa được!” Một mạng người chết, bị giết trong oan khuất, làm sao sửa sai cho sống lại được? Nếu không đưa thủ phạm ra trước công lý thì còn đâu là luật pháp và tinh thần trách nhiệm?
Khi nói thẳng đến hành động “xin lỗi” của Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, nhắc lại đến hai lần liên tiếp, “Xin lỗi không phải là một hành vi pháp lý. Giết người rồi không thể chỉ xin lỗi mà xí xóa;” hành động của Nguyễn Mạnh Tường giống như “nhổ nước bọt” vào mặt tất cả hàng ngũ lãnh đạo thời đó. Nếu những người này biết hổ thẹn thì họ đã gượng “rửa mặt” bằng cách theo ý kiến của luật sư, bảo Quốc Hội của họ mở một cuộc điều tra, đưa một số người chịu trách nhiệm ra tòa xét xử. Nhưng chính bọn lãnh đạo cộng sản thời 1956 đã không biết xấu hổ. Họ lờ đi như tai điếc; giả bộ ngớ ngẩn không hiểu ý. Ðám con cháu họ ngày nay làm sao biết đến hổ thẹn?
Báo chí “lề phải” trong nước bây giờ hay dùng chữ “Dân Oan.” Nói theo lối Nguyễn Mạnh Tường, “Dân Oan” cũng không phải là một danh từ pháp lý. Nếu một quốc gia có pháp luật thì chỉ nói đến những nạn nhân đi kiện và những thằng ăn cướp mà thôi! Dân Oan là một danh từ phân biệt dưới là Dân kêu oan còn trên là Quan bệ làm cha dân. Cứ viết Dân Oan, Dân Oan mãi chỉ chứng tỏ thời phong kiến đang sống lại, một cách các nhà báo kín đáo sỉ nhục cả chế độ. Phạm Thị Lài, Ðoàn Văn Vươn, đồng bào Văn Giang, đồng bào Vụ Bản trở thành Dân Oan vì họ không biết kiện cáo vào đâu cả! Luật pháp về đất đai thì do bọn bù nhìn nghị gật và cường hào bầy ra phục vụ quyền lợi của các đại gia. Dùi cui, doi điện nằm trong tay cường quyền. Tòa án cũng do bọn cường quyền sai bảo nốt. Những phụ nữ như Phạm Thị Lài và Hồ Nguyên Thủy biết làm cách nào để tỏ nỗi oan ức? Ngoài cách mà nhà báo mạng Ông Bút gọi là “tụt quần lòi mặt đảng!” Khi cơn giận nổi lên mà tự thấy mình bất lực, người ta còn một cách là “văng tục vào mặt chúng nó!” Các nhà báo biết giận nhưng không dám văng tục đành quay ra “văng tục vào mặt nhau!” Các tờ Sài Gòn Giải Phóng, Phụ Nữ cùng báo Ðời Sống và Pháp Luật ở Sài Gòn đang công kích lẫn nhau, ông này chỉ mặt ông kia gọi là “Báo Lá Cải.” Có báo nào thử suy nghĩ tại sao dân oan lắm thế hay không? Dân còn chịu oan khuất cho đến bao giờ?
Hai bà Phạm Thị Lài và Hồ Nguyên Thủy cho thấy phản ứng của con người trong lúc “cùng đường,” không có cách gì khác được. Hành động của họ là một cách xỉ mắng nặng nề hơn là văng tục hoặc nhổ nước bọt vào mặt băng đảng cướp đất. Bọn ăn cướp vẫn nín lặng làm thinh. Trước sau họ vẫn học theo lối Lâu Sư Ðức đời Ðường.
Lâu Sư Ðức làm tể tướng, giống như chức thủ tướng của ông Nguyễn Tấn Dũng bây giờ. Vào thời nhà Ðường bên Tàu không có những ngân hàng hay xí nghiệp quốc doanh để xếp đặt cho anh em con cháu vào làm chủ tịch. Cũng không có “Ðoàn Thanh Niên Tôn Quân” để đưa con em vào đóng vai lãnh đạo. Con đường làm giầu duy nhất thời đó là làm quan. Sư Ðức đã cử người em trai đi trấn thủ Ðại Châu. Khi tiễn em lên đường, Lâu Sư Ðức nhắc nhở: “Ta vốn không tài cán gì mà làm đến tể tướng. Chú lại sắp sửa đi làm đô đốc Ðại Châu. Nhà mình giầu sang quá, người ta sẽ ghét. Chú nghĩ phải làm thế nào?”
Người em đáp: “Ðể anh bớt lo lắng, từ nay trở đi nếu có ai nhổ nước bọt lên mặt, em cũng cứ lờ như không biết, tự mình chùi mặt lấy là xong.” Lâu Sư Ðức dạy em: “Chính vì thế mà ta lo đấy. Người ta nhổ nước bọt đầy mặt tức là họ thù oán mình. Nếu chú lại chùi mặt đi thì chỉ khiến người ta tức thêm. Nước bọt nhổ lên mặt thì dù mình không chùi tự nó cũng sẽ khô. Sao không cứ vui vẻ coi như không có gì cả?” Ông em cúi đầu nhận lỗi: “Xin nghe lời chỉ giáo của anh!”
Bao nhiêu đoàn nông dân lớp lớp biểu tình phản kháng bọn ăn cướp đất. Mỗi biểu ngữ, mỗi lời kêu than là một bãi nước bọt nhổ vào mặt đảng Cộng sản. Bao nhiêu bạn trẻ viết lên mạng đã phỉ nhổ, nguyền rủa bọn tham nhũng cướp ngày. Người dân đang nhổ nước bọt vào mặt tất cả hàng ngũ lãnh đạo đảng và nhà nước. Nhưng đám lãnh tụ này không hề có khái niệm nào về danh dự, về trách nhiệm. Họ không hề biết xấu hổ.
Cô Diane Trần mới 17 tuổi nhưng đã có ý thức về danh dự cho nên cô đã biết chia sẻ cả sự hổ thẹn của gia đình. Khi chuyện cô ra tòa lên báo, lên đài, cô ân hận đã làm xấu mặt cả cha và mẹ; chứng tỏ cô luôn kính yêu cha mẹ. Diane Trần là một phụ nữ Việt Nam đáng kính trọng. Bà Phạm Thị Lài và cô Hồ Nguyên Thủy là những phụ nữ Việt Nam đáng thương xót và cần được mọi người bảo vệ chống lại bạo lực cường quyền. Các bạn sinh viên, học sinh đọc tin tức về những người mẹ, người chị đó, thử nghĩ mình phải làm gì để được hãnh diện làm người Việt Nam.