Khi nền công vụ thiếu vắng đội ngũ có lương tâm chức nghiệp - Dân Làm Báo

Khi nền công vụ thiếu vắng đội ngũ có lương tâm chức nghiệp

Diệp Văn Sơn (SGTT.VN) - Vụ cưỡng chế thu hồi đất của 166 hộ tại xã Xuân Quan, Văn Giang (24.4), trên mạng xuất hiện clip dài hơn một phút cho thấy nhiều người mặc sắc phục công an và thường phục đeo băng đỏ đánh hai người đàn ông. Sau đó được biết đây là hai nhà báo của... VOV.

“Phải xem lúc bị đánh các phóng viên có xưng là nhà báo không, có thẻ hành nghề không hay là khi bị đưa về cơ quan công an mới xưng là nhà báo? Vấn đề này cần làm rõ mới xác định được tính chất vụ việc”. Đó được cho là nguyên văn phát biểu của chánh văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên khi trả lời phỏng vấn của báo chí.

Vụ việc không chỉ gây bức xúc, dư luận đồng thời còn ngạc nhiên vì cách đặt vấn đề kỳ quặc và phi lý ấy lại là của ông chánh văn phòng UBND, một quan chức có cỡ của một tỉnh. Công luận có quyền đặt câu hỏi: nếu hai người đàn ông trên là hai công dân bình thường thì được tha hồ hành hung ư?

Chuyện bệnh lạ ở Quảng Ngãi lãnh đạo địa phương bức xúc trước thái độ “vô cảm” của bộ Y tế. Theo ông Lê Hàn Phong, chủ tịch UBND huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi), cho rằng đã đến lúc ngành y tế đừng đem người dân ra làm thí nghiệm, hãy giảm bớt bệnh “sĩ” và mời các tổ chức y tế thế giới vào cuộc.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong chuyến đi khảo sát bệnh lạ ở Ba Tơ, Quảng Ngãi. VTC
Cái đáng lo ở chỗ, cũng như vụ Tiên Lãng và những vụ tương tự xảy ra gần đây, không chỉ dừng lại ở nguy cơ lạm dụng quyền dùng vũ lực của người thi hành công vụ trong xử lý các vụ việc rối rắm trong đời sống xã hội, mà còn có thể nhận thấy, phẩm chất đạo đức thực thi công vụ của “công bộc” có dấu hiệu xuống cấp đang lây lan ở nhiều cấp của hệ thống.

Gần đây (ngày 26.3), trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội, bộ trưởng bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình phải trả lời về vấn đề tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và chế độ đối với cán bộ, công chức Nhà nước, giải pháp nâng cao chất lượng bộ máy chính quyền ở cơ sở. Còn bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn về vấn đề đảm bảo nguồn lực đáp ứng yêu cầu phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân; vấn đề y đức trong ngành. Đó là những vấn đề bức xúc xã hội quan tâm lâu nay.
Chính sự thiếu vắng những quy định có tính pháp lý cao về hoạt động công vụ lâu nay đã đưa đến những hệ luỵ, bất cập không thể tránh khỏi. Đó cũng là mảnh đất màu mỡ tạo điều kiện cho những hành xử công vụ một cách tuỳ tiện tự tung tự tác tiêu cực nhũng nhiễu.
Thật tình mà nói đó là những “đại vấn đề” đã tích tụ lâu nay và trở nên trầm trọng, gây bức xúc trong đời sống xã hội. Có nhiều vấn đề nhưng cốt lõi suy cho cùng vì CHƯA CÓ QUY ĐỊNH VÀ CHẾ TÀI ĐỦ MẠNH VỀ CÔNG VỤ VÀ Y ĐỨC. Thật ra cũng có quy định, hô hào đâu đó, rải rác chỗ này chỗ khác mỗi nơi một ít nhưng chưa được luật hoá một cách hệ thống toàn diện để thực hiện và chế tài đủ mạnh để răn đe. Chính vì vậy thật khó cho hai vị bộ trưởng trả lời thoả mãn được những ý kiến chất vấn về y đức (bộ trưởng Y tế, tuyển dụng, bổ nhiệm, chất lượng bộ máy và thái độ phục vụ của công chức... (bộ trưởng Nội vụ).

Nhìn lại thấy rõ, nhược điểm khi soạn thảo luật Cán bộ công chức là rất ít đề cập đến nội dung hoạt động công vụ. Hoạt động công vụ là hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của công chức trong các công sở nhằm giải quyết quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với nhân dân. Đối tượng phục vụ của công vụ là mọi tổ chức, công dân. Hoạt động công vụ phải thực hiện theo nguyên tắc thống nhất, công khai, tuân thủ pháp luật, đúng thẩm quyền và chịu trách nhiệm cá nhân. Hoạt động công vụ bao gồm: tổ chức công sở, trách nhiệm của công chức khi thi hành công vụ; quan hệ trong công vụ; thủ tục hành chính.

Chính sự thiếu vắng những quy định có tính pháp lý cao về hoạt động công vụ lâu nay đã đưa đến những hệ luỵ, bất cập không thể tránh khỏi. Đó cũng là mảnh đất màu mỡ tạo điều kiện cho những hành xử công vụ một cách tuỳ tiện tự tung tự tác tiêu cực nhũng nhiễu. Thiết nghĩ nguyên nhân và hệ quả của vấn đề tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và chế độ đối với cán bộ, công chức nhà nước, giải pháp nâng cao chất lượng bộ máy chính quyền ở cơ sở cũng phải dựa chủ yếu vào những quy định hoạt động công vụ được luật hoá.

Kinh nghiệm cho thấy rằng, những nguyên tắc đạo đức trong nền công vụ là cơ sở cần được nghiên cứu để luật hoá: chuẩn mực đạo đức cao trong nền công vụ đã trở thành một vấn đề thiết yếu đối với các chính phủ của các nước.

Không rút kinh nghiệm luật Cán bộ công chức, lẽ ra phải là luật Công vụ, chỉ có chưa đến 10% nội dung quy định về hoạt động công vụ. Luật Viên chức điều chỉnh hoạt động của những người giữ chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý (trừ các chức vụ được quy định là công chức), làm việc trong đơn vị sự nghiệp và hưởng lương từ nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp theo quy định của pháp luật cũng không đề cập đến lương tâm chức nghiệp. Chỉ riêng đội ngũ “hai ông thầy” – thầy giáo và thầy thuốc chiếm đến trên 80% viên chức cũng còn nhiều vấn đề cần “luật hoá” như: thực hiện việc “luật hoá” các quan điểm, chủ trương của Đảng về việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, thầy thuốc và cán bộ quản lý giáo dục, y tế. Cụ thể là: tôn vinh thầy giáo, thầy thuốc và nghề dạy học, nghề y, nâng cao vị trí xã hội của thầy giáo, thầy thuốc. Đào tạo đội ngũ thầy giáo, thầy thuốc và cán bộ quản lý giáo dục, y tế. Bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức, năng lực, chuẩn hoá đội ngũ thầy giáo và thầy thuốc.

Một khi các tiêu chuẩn đạo đức không được phản ánh một cách cụ thể trong khuôn khổ pháp lý thì thật khó xác định đâu là tiêu chuẩn, đâu là nguyên tắc bắt buộc để điều chỉnh hành vi của tất cả cán bộ, công chức và viên chức. Hơn nữa, sự “mơ hồ” trong việc xác định đạo đức của cán bộ, công chức và viên chức lại được kết hợp với chuyện không minh bạch các quy trình giải quyết công vụ, nghiệp vụ, cung cấp những thông tin được pháp pháp luật thừa nhận mang tính công khai sẽ là môi trường thuận lợi cho công chức, viên chức có thể vận dụng một cách tuỳ tiện mà rất khó bị phát hiện. Cứ thế, cùng một sự việc, công chức, viên chức có thể xử lý theo hướng bất lợi hay có lợi cho người dân tuỳ theo mối quan hệ, sự thân tình và cả những khoản thù lao, quà cáp không nằm ở bất cứ quy định nào. Đặc biệt, việc hành nghề của viên chức, đạo đức, lương tâm chức nghiệp cần phải được luật hoá. Nếu không sự xuống cấp trong môi trường giáo dục, y đức... sẽ ngày càng xuống cấp trầm trọng.

Nỗi lo lắng ngày càng lớn về sự suy giảm lòng tin ở cơ quan công quyền và nạn tham nhũng khiến cho Chính phủ phải xem xét lại các biện pháp tăng cường đạo đức cho từng công chức và văn hoá hành chính cho từng cơ quan. Hơn nữa, các cơ chế phát hiện và điều tra độc lập các hành vi sai trái như tham nhũng là một phần thiết yếu trong một nền tảng đạo đức. Cần có những thủ tục tin cậy và các nguồn lực cần thiết để giám sát, báo cáo và điều tra những vi phạm các quy định của nền công vụ, đồng thời phải có biện pháp kỷ luật hay xử lý hành chính ngăn chặn vi phạm đạo đức. Các nhà quản lý cần có sự nhìn nhận hợp lý trong việc sử dụng các cơ chế này khi họ hành động. Làm thế nào để người dân và tổ chức có cơ sở pháp lý đủ mạnh kiện các cá nhân và cơ quan công quyền khi các cơ quan này đùn đẩy trách nhiệm, quay lưng lại nhau, hành nhau… gây thiệt hại cho họ.

Chỉ khi có luật Hoạt động công vụ và được thực hiện nghiêm thì khi ấy mới có cơ sở mong muốn nền hành chính trong sạch, hoạt động hiệu quả, hiệu lực. Nên nhớ rằng, công chức là người chủ yếu đề xuất thiết kế và xây dựng thể chế, thiết kế vận hành bộ máy hành chính. Chính vì thế hiệu lực hiệu quả của bộ máy hành chính bộ máy chính phủ phụ thuộc vào tâm và tầm của công chức.

DIỆP VĂN SƠN



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo