Nghị quyết trung ương 4: Sự khốn cùng của (phương pháp) cách mạng - Dân Làm Báo

Nghị quyết trung ương 4: Sự khốn cùng của (phương pháp) cách mạng

Xích Tử (Dân Luận) - Việc Đảng CSVN ra nghị quyết trung ương 4 khoá XI “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay”, nhìn từ một số tiên đề xuất phát, là:

1) Một việc cấp bách, cần thiết phải làm vì những nguyên nhân được nêu trong mục I của văn bản Nghị quyết.

2) Một công cụ lãnh đạo tầm chính sách nhằm đạt các kết quả kỳ vọng được nói trong phần Mục tiêu của Nghị quyết.

3) Một cách phủ dụ nhân dân để củng cố niềm tin vào Đảng, vốn đã sa sút đến mức tận cùng.

4) Một cách tạo nên tính chính danh của cuộc đấu đá nội bộ nhằm cấu trúc lại phân công quyền lực, lợi ích của các thiết chế trong hệ thống chính trị, các nhóm, các êkip đã hình thành trên nền tảng lợi ích, kể cả quyền lợi truyền thừa các vị trí lãnh đạo trong tương lai cho đường dây gia tộc, thân hữu.

Tuy nhiên, cũng từ những ngụ ý đó của việc ra Nghị quyết, đã cho thấy sự mâu thuẫn, lúng túng, khủng hoảng và khốn cùng của phương pháp lãnh đạo.

Trước hết, Nghị quyết trung ương 4, dù được giải thích như là việc thường xuyên trong công tác xây dựng đảng, song qua đó đã thừa nhận sự thất bại sau tất cả cố gắng thường xuyên của công tác này. Khi khẳng định “Từ khi thực hiện đường lối đổi mới…. đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng” (văn bản nghị quyết), “Từ trước đến nay, Đảng ta luôn luôn quan tâm đến công tác xây dựng Đảng. Đã có không ít các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về xây dựng Đảng. Các Cương lĩnh, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc đều có đề cập đến công tác xây dựng Đảng; có đại hội có báo cáo riêng về xây dựng Đảng. Chỉ tính từ Đại hội VI đến nay, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành 8 nghị quyết, Bộ Chính trị ban hành 6 nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng. Ban Bí thư khoá VII đã chỉ đạo tiến hành tổng kết 20 năm xây dựng Đảng thời kỳ 1975 – 1995; Ban Bí thư khóa IX chỉ đạo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn 20 năm đổi mới (1986 – 2006), trong đó có phần về xây dựng Đảng” (Phát biểu của TBT Nguyễn Phú Trọng trong hội nghị quán triệt nghị quyết cấp trung ương), nhưng “công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém , khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm khắc phục…”. “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên… suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…” (trích văn bản nghị quyết), đảng đã thừa nhận, như được phân tích trong phần nguyên nhân chủ quan của văn bản nghị quyết, rằng toàn bộ quá trình xây dựng, chỉnh đốn đảng từ trước đến nay đã thất bại hoàn toàn. Bởi lẽ, nếu không thất bại, những thành công, kết quả tích lũy của công tác này qua từng giai đoạn sẽ không cho phép xảy ra tình trạng yếu kém, khuyết điểm lại ngày càng nặng hơn.

Sự thất bại đó, cùng với những phân tích trong đoạn nguyên nhân chủ quan nói trên của nghị quyết, có thể khái quát chung thành những khủng hoảng về phương pháp lãnh đạo, tổ chức, xây dựng đảng và giáo dục đảng viên như sau:

1. Sự tự giác chấp hành, tu dưỡng, rèn luyện của đảng viên đối với các yêu cầu của đạo đức cách mạng, tính đảng vô sản, điều lệ, qui định, chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước để tự hoàn chỉnh, hoàn thiện mình trở thành đảng viên tốt, công dân tốt, hết lòng phụng sự tổ quốc, nhân dân là không có, không đầy đủ xét trong nhân cách của từng người và tỉ lệ về lượng trong tổng số đảng viên. Con đường giáo dục theo nguyên tắc lêninít này cho chính đảng cộng sản để dẫn dắt đất nước tiến lên chủ nghĩa cộng sản đã phá sản và trở thành ảo tưởng của một biểu hiện về văn hóa, của kỳ vọng nhân văn chủ nghĩa trong một thời kỳ lịch sử lãng mạn bi đát. Sức đề kháng cộng sản của đảng viên là không có thật; con người, trước hết là con người và cuối cùng cũng là con người. Có thể, một lúc nào đó, người con vì đảng mà đứng lên tố thằng cha của mình; song hành vi đó khó và không thể trở thành bản chất, hiểu theo nghĩa bản chất được hình hành theo thiết kế của mô hình chính trị – xã hội.

2. Các nguyên tắc sinh hoạt đảng về tự phê bình và phê bình, về tập trung dân chủ và các yêu cầu về thiết lập những mối quan hệ xã hội mới giữa đảng viên với đảng viên, giữa từng đảng viên với đảng có tính chất duy đức, duy cảm đã chịu thất bại. Công cụ để quảng canh sản phẩm con người hàng loạt, đồng phục theo “tổng hòa các mối quan hệ xã hội” mới không đạt yêu cầu.

3. Điều lệ đảng, và kể cả Qui định về những điều đảng viên không được làm – một loại văn bản vi hiến, kém văn minh, đã không có hiệu lực gì đối với việc giáo dục đảng viên và xây dựng đảng.

4. Hệ thống ủy ban kiểm tra các cấp và công tác kiểm tra của đảng không có tác dụng, không góp phần được bao nhiêu đối với yêu cầu quản lý, xử lý, giáo dục đảng viên và xây dựng đảng. Trong một số trường hợp, các hành vi tiêu cực (tham nhũng, bao che…) lại nảy sinh từ quá trình công tác kiểm tra.

5. Sự can thiệp của luật pháp vào tổ chức đảng, hoạt động của đảng và đảng viên là không được, bị hạn chế, không hiệu quả và có lúc bị cố ý vô hiệu hóa một cách lạc hậu và hình thức (chẳng hạn khai trừ đảng đối với đảng viên bị truy tố trước khi ra tòa) dẫn đến những hệ lụy rất tiêu cực. Nói cách khác, quá trình chuyển mối quan hệ giữa đảng với nhà nước và toàn bộ các thiết chế xã hội khác, xác định tọa độ của đảng về mặt luật pháp và tọa độ pháp lý của cá nhân đảng viên – công dân theo yêu cầu pháp quyền hóa các mối quan hệ xã hội không được thực hiện một cách đồng bộ, đầy đủ; cơ chế đảng trị, đức trị kiểu của đảng, đảng đứng trên luật pháp, đảng can thiệp vào luật pháp vẫn còn quá rõ và cũng là nguyên nhân tạo ra các nguyên nhân được nêu trong nghị quyết. Về thực tiễn, đã được lý thuyết hóa, pháp luật Việt Nam hiện hành không can thiệp được vào đảng viên, tổ chức đảng và các hoạt động của đảng (kể cả hoạt động kinh tế, các can thiệp của đảng vào đảng viên với tư cách là thực thể công dân, cá nhân được luật pháp bảo vệ).

Những khái quát nói trên, tựu trung, chứng minh sự phá sản trong tư duy và lý thuyết, học thuyết của đảng cộng sản về con người, nhân cách, về khoa học xây dựng con người, xây dựng xã hội và xây dựng chính mình với tư cách là một tổ chức chính trị, một chính đảng. Sự phá sản này có tính phổ biến, bắt đầu từ những quan niệm của Marx quá đơn giản về con người, về quan hệ giữa con người và chủ nghĩa cộng sản, từ sự hãnh tiến, kiêu ngạo của Lênin và những học trò sau đó của ông sau thắng lợi của cách mạng xô viết ở Nga, vốn đã là một sự vượt ra ngoài qui luật dự báo của Marx, bị bạo lực hóa, quân sự hóa triệt để để tiếp tục mở rộng, phát triển từ 1945 đến thập kỷ 80 thế kỷ XX trong những hoàn cảnh chính trị đặc thù và phần lớn là phi marxist, từ thất bại, khủng hoảng và sụp đổ một cách có hệ thống của các thể chế chính trị mệnh danh là xã hội chủ nghĩa cũng trong một hiện tượng chính trị thế giới mệnh danh là hệ thống. Sự thăng trầm của giấc mơ xã hội xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa đó gắn liền và xuất phát một cách biện chứng với sự lầm lạc về quan niệm con người của chủ nghĩa Mác – Lênin được khái quát trong Tuyên ngôn của đảng cộng sản như một niềm tin tôn giáo.

Từ trong sự phá sản, khủng hoảng đó, vốn đã được lãnh đạo của đảng hiểu được trong cách nói hiểu bệnh, bắt mạch, ra toa, bốc thuốc, trị bệnh v.v…

Đúng ra là phải thay đổi phương thức đi, đảng vẫn kiên trì ra một nghị quyết mà tính khủng hoảng, phá sản thấy được ngay trong sự sinh thành và cả dự báo kết quả của nó.

1. Về mặt logic, để ra một nghị quyết có nội dung như nghị quyết 4 – xây dựng, chỉnh đốn đảng, kiểm điểm, phê bình, vạch ra và xử lý cái sai; qua đó có thể phát hiện những cá nhân vi phạm về tư tưởng chính trị, đạo đức, tham nhũng, quan liêu v.v.., chủ thể ra nghị quyết được giả định không thể là đối tương bị vi phạm đó. Không ai lại phấn khởi tạo ra một công cụ chế tài để xử lý những việc của chính mình mà cũng chính mình đã nhận ra, muốn được chế tài để tốt hơn. Thế nhưng, như nghị quyết chỉ ra, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã vi phạm. Vậy thì bộ phận nhỏ đó ở đâu, khi mà chính TBT sau đó là phần lớn cán bộ, đảng viên và nhân dân rất hồ hởi đón nhận nghị quyết? Đã khẳng định như vậy, chắc chắn TBT có thể chỉ ra được bộ phận này; BCH trung ương khi biểu quyết nghị quyết cũng chỉ ra được bộ phận này; Ban Tổ chức trung ương, đứng đầu là Trưởng ban, khi xác định suy thoái về đạo đức, lối sống “là sa vào chủ nghĩa cá nhân, sống ích kỷ, thực dụng, vụ lợi, lo vun vén cho bản thân và gia đình, không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, để vợ (chồng), con và người thân lợi dụng chức quyền của mình để trục lợi, tiến thân; là cơ hội, hám danh, chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy tội, chạy tuổi, chạy bằng cấp…; là đố kỵ, kèn cựa địa vị, cục bộ, bè phái, gây mất đoàn kết trong Đảng; là quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, nỗi khổ của nhân dân, bất chấp đạo lý, dư luận vì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm; là kiêu ngạo, tự phụ, gia trưởng, độc đoán, tùy tiện, vô tổ chức, tham nhũng, lãng phí, sống xa hoa, hưởng lạc”(trích hướng dẫn số 11 ngày 14/3/2012 của Ban Tổ chức trung ương) tất nhiên có thể chỉ ra chủ thể của những vi phạm đó. Tại sao lại không làm cái công việc chỉ ra để xử lý, đỡ phải tốn quá nhiều thời gian họp hội và tiêu tốn tiền của của dân ? Hay đó cũng là một kiểu bao che, vi phạm chính Qui định những điều đảng viên không được làm?

Suy cho cùng, trước hết, đây cũng là một khủng hoảng kiểu người bệnh tự chẩn bệnh và bốc thuốc chữa bệnh; là một kiểu tát nước cứu thuyền thủng do chính mình làm thủng.

2. Về phương pháp, trong 4 nhóm giải pháp, đảng vẫn trở lại những bổn cũ đã dùng và vô hiệu: tự giác, tự soi mình, tự nhìn mình, làm gương, tự phê bình, phê bình, kiểm điểm cùng với những việc khác như các cơ chế chính sách, công tác cán bộ, công tác kiểm tra, chế độ sinh hoạt đảng, thông tin tuyên truyền, nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, học tập và làm theo tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh v.v…

Có khác chăng chút ít, như quá trình tuyên truyền nghị quyết đã nhấn mạnh, là qui trình kiểm điểm, phê bình làm từ trên xuống; cấp trên thực hiện trước để làm gương và việc lấy ý kiến nhận xét của các tập thể, cá nhân ngoài tổ chức đảng của người kiểm điểm, kể cả ý kiến của số cán bộ đã nghỉ hưu.

Tuy nhiên, sự lúng túng cũng thể hiện ngay trong những cái khác này. Cho đến nay, chưa có phương án nào chỉ rõ cách thức làm gương của cấp trên đối với cấp dưới, ngoài cái thứ tự trước – sau. Kết quả kiểm điểm của cấp trên không được thông báo cho cấp dưới. Hơn nữa, chất lượng của việc kiểm điểm không hoàn toàn phụ thuộc vào cái thứ tự trước – sau: có những vi phạm của cấp dưới có nguyên nhân, có sự tham gia, chia chác, chỉ đạo từ cấp trên.

Việc lấy ý kiến của số cán bộ lão thành, cán bộ nghỉ hưu cũng vậy. Ngoài tác dụng trấn an, phủ dụ các cụ, cách làm này cũng sẽ tạo nên một sự đấu đá thế hệ dữ dội, thậm chí là trả thù nhau, nếu phiếu ý kiến của các cụ được ghi nhận, xử lý đầy đủ. Lý do thì ai cũng biết, trong hoàn cảnh Việt Nam. Có lẽ đây là lần đầu tiên đảng, trực tiếp là TBT, huy động và kích hoạt lực lượng này tham chiến.

Cùng với sự lúng túng trong phương pháp, các phương châm triển khai nghị quyết lại như một thức bòng bong rối mù. Văn bản nghị quyết viết “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, không nể nang, né tránh…đồng bộ, có trọng tâm…kết hợp “chống và xây”, “xây và chống”…kiên quyết, kiên trì…làm từng bước vững chắc…bình tĩnh, tỉnh táo, không nóng vội, cực đoan, đồng thời không để rơi vào trì trệ, hình thức… giữ đúng nguyên tắc (không nói rõ nguyên tắc gì – XT), không để các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội lợi dụng…”.

Hướng dẫn số 11-HD/BTCTW ngày 14/3/2012 của Ban Tổ chức trung ương lại càng cẩn thận, chi tiết hơn cả nghị quyết của tập thể Ban chấp hành:

“tiến hành nghiêm túc, thận trọng, làm đến đâu chắc đến đó…khắc phục tình trạng xuê xoa, nễ nang cũng như lợi dụng để “đấu đá”, trù dập, vu cáo lẫn nhau với những động cơ không trong sáng”…,“ tiến hành kiểm điểm với phương châm phòng ngừa, ngăn chặn, “trị bệnh cứu người”, giúp nhau cùng tiến bộ, vì sự trong sạch, vững mạnh của mỗi cá nhân, tổ chức và sự nghiệp chung của Đảng… không chủ quan, nóng vội, máy móc, cứng nhắc”.

Sự ràng buộc bởi các phương châm đó, cuối cùng cũng chỉ tạo ra những chỉ dẫn cho một cách làm cũ kỹ, vô hiệu, sẽ tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc và có khi cũng chỉ có cái tốn kém đó là rõ nhất. Đến nay các cấp đã làm xong việc phổ biến, quán triệt nghị quyết và kế hoạch thực hiện và bắt đầu giai đoạn lấy ý kiến. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, mỗi cấp, theo thời gian qui định, độc lập thực hiện việc của cấp mình một cách âm thầm, không có thông tin gì về việc làm gương. Phần quảng bá cho việc triển khai nghị quyết trên các phương tiện thông tin đại chúng rất mờ nhạt, nghèo nàn vì không có tin tức, thời sự công khai. Tuy hướng dẫn là làm kiên trì, từng bước thận trọng, làm đâu chắc đó và thường xuyên nhưng tất cả đều phải kết thúc vào tháng 11/2012 và không biết sau đó sẽ làm gì. Một điểm cũng rất mù mờ khác làm cho việc tự kiểm điểm của các tập thể, cá nhân lúng túng là nghị quyết không xác định thời gian của nội dung kiểm điểm (năm, nhiệm kỳ hay cả đời); sự cố tình tránh đi mốc thời gian kiểm điểm có khi là một khía cạnh hài hước của một cuộc vận động được xem như hết sức nghiêm túc này.

Vì tất cả những hàm ý về khủng hoảng, khốn cùng của phương pháp lãnh đạo cách mạng đó, cho đến nay, trong phát ngôn của các vị lãnh đạo cao nhất tại các cuộc họp, các chuyến làm việc ngành, cơ quan đơn vị và địa phương, chủ đề nghị quyết không được mặn mà gì lắm và có vẻ trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Trong 4 vị tứ trụ, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội hình như chưa có phát biểu gì rõ, có ấn tượng về nghị quyết. Chủ tịch nước, trong cuộc tiếp xúc cử tri ngày 2/5 tại Tp Hồ Chí Minh, khi trả lời báo Tuổi trẻ, đã nói: “Chúng ta đang nói đến “một bộ phận không nhỏ…” thì bộ phận này ở đâu phải được chỉ ra cụ thể. Nhóm lợi ích nằm ở đâu cũng phải được chỉ ra, “nếu cuối nhiệm kỳ này, trung ương công bố rằng việc thực hiện nghị quyết trung ương 4 thật tốt, nhưng tham nhũng, lãng phí không giảm là không thành công…, nếu như trung ương lãnh đạo chống tham nhũng, lãng phí trong nhiệm kỳ không làm giảm đi, không đẩy lùi được thì cũng có nghĩa nghị quyết trung ương 4 không thành công. Nếu không muốn nói là thất bại.” Thế nhưng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, phát biểu sau đó một vài ngày, lại có ý rằng không phải phát hiện được nhiều vụ tham nhũng là thực hiện nghị quyết thành công. Không biết nên hiểu từ đâu và như thế nào.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo