Nguyễn Viện (pro&contra) - Không thể chịu đựng nổi cái tình trạng phẳng lì khô khốc, hắn muốn thoát ra bằng cách nhảy từ ban công tầng bảy xuống bãi cỏ bên dưới. Hắn không nghĩ rằng bãi cỏ mượt sẽ làm hắn thoải mái hơn hay bớt tẻ nhạt hơn, mà đơn giản chỉ vì hắn muốn thay đổi. Kiểu gì cũng được, miễn là khác đi. Hắn chán cái việc phải đi làm mỗi ngày. Chán những bữa cơm trưa. Chán những buổi cà phê sáng. Chán những chầu nhậu. Chán phải nói năng. Chán phải có thái độ. Chán những viên thuốc hạ huyết áp và tăng tuần hoàn não. Chán bọn trơ tráo. Chán bọn ồn ào. Chán bọn trình diễn. Chán màu mè. Chán hiện tại và chán cả tương lai. Chán muốn nôn mửa.
L nói với hắn: “Em muốn xuống nghĩa trang quân đội cũ.”
Hắn hỏi: “Em cũng muốn làm tử sĩ à?”
L nói: “Không. Có cái gì đó thôi thúc em phải xuống đó. Anh biết nghĩa trang quân đội cũ không?”
Hắn bảo: “Biết. Ngày xưa đi trên xa lộ Hà Nội có thể nhìn thấy nó. Gần ngã ba Tân Vạn.”
L hỏi: “Anh dẫn em xuống đó được không?”
Hắn nói: “Được.”
L bảo: “Vậy khoảng 7 giờ sáng mai. Anh đón em ở chùa Từ Phước nhé.”
Hắn hỏi: “Em làm gì ở chùa Từ Phước?”
L nói: “Tụng kinh.”
Hắn nghĩ, L đã đi xuyên qua thế giới.
Bây giờ, đi trên xa lộ Hà Nội chỉ nhìn thấy nghĩa trang liệt sĩ của chế độ đương thời.
Xa khuất về phía bên kia đường là nghĩa trang quân đội chế độ cũ, có lẽ đây là nghĩa trang quân đội duy nhất còn lại của một chế độ đã bị xóa sổ.
Không còn nhìn thấy tượng chiến sĩ vô danh ngồi an nghỉ bên đường, toàn bộ khuôn viên rộng lớn và hoàn chỉnh của nghĩa trang này đã bị chia cắt và lấn chiếm xây dựng các công trình quân sự lẫn dân sự khác. Phong thủy địa lý hình thế con ong của nghĩa trang bị phá vỡ.
Phần còn lại của nghĩa trang là những ngôi mộ hoang tàn được cư dân địa phương tự nguyện chăm sóc, ngoài một số ít được thân nhân thuê trông coi, nhang khói.
L mua một bó hoa, ít bánh và hai bó nhang lớn.
Hắn phải đoán chừng mới tìm được đường vào nghĩa trang vì những dấu vết oai hùng và tôn nghiêm cũ đã bị hủy hoại.
Một anh bảo vệ của một xưởng sản xuất gần đó nhận biết họ muốn gì. Anh ta vẫy họ lại và chỉ lối vào Đền Tử sĩ. Giống như một cái miếu hoang, cây cỏ mọc um tùm che kín phía trước. Họ phải leo lên các bậc cấp phía sau, nơi có một số thanh niên đang đốt rác. Những người này chỉ họ chỗ để cúng và họ nói theo, “nhớ cúng gà”.
L nói: “Đất nước khốn nạn vì những linh hồn không được siêu thoát.”
L bày ít bánh lên cái dĩa. Cắm hoa vào bình. Và thắp nhang. Hắn không biết L khấn vái như thế nào. Nhưng hắn biết cô thành kính.
Hắn ra ngoài nhìn quanh.
U uất. Hắn nghĩ, L bước vào cõi oan khiên.
Cúng xong, họ quay trở lại chỗ gởi xe và hỏi người bảo vệ khu nghĩa trang ở đâu. Anh ta chỉ đường.
Hắn chạy xe qua cổng “Nghĩa trang Bình An”. Những người bảo vệ nghĩa trang chặn lại, hỏi: “Đi đâu?”
Hắn đáp: “Đi thăm mộ.”
Hỏi: “Mộ ai?”
Đáp: “Tất cả các mộ.”
Bảo vệ: “Vô văn phòng khai tên tuổi, địa chỉ.”
Hắn kiếm chỗ dựng xe. L vào văn phòng, cô ghi vào sổ: “Trần Thị Mít. Địa chỉ: số 1 Lê Duẩn. Tp. HCM.”
Hắn hỏi: “Chạy xe vào trong được không?”
Bảo vệ: “Được.”
L leo lên xe, hắn từ từ chạy vào khu vực trung tâm. Một bảo vệ chạy theo, bảo cấm chụp hình, quay phim. Sau đó anh ta quay lại.
Cây kiếm thiêng của Nghĩa Dũng đài đã mất ngọn. L đứng vái ba lần.
Một cậu bé đi tới tỏ ý muốn hướng dẫn họ tham quan. Họ đến bàn thờ cúng ở khu dành cho binh lính. L đốt tất cả số nhang mang theo, rồi họ cùng cắm từng cây nhang dưới chân mỗi ngôi mộ.
L hỏi cậu bé: “Ai trồng những cây tràm này?”
Cậu bé nói: “Bộ đội.”
L đi sâu xuống từng nấm mộ.
Rễ cây tràm đâm xuyên qua những xác chết và trói chặt các linh hồn. Thân xác thì đau đớn. Linh hồn thì ngục tù.
Cậu bé dẫn họ lại khu mộ mấy ông tướng và mộ của người đã làm mẫu cho bức tượng chiến sĩ vô danh. Một người bảo vệ nghĩa trang lượn xe gần chỗ họ. Cậu bé bảo nếu muốn chụp hình thì cậu trông chừng cho.
L đã bay lên ngọn cây.
Cô nhìn thấy một đám đông đi vào nghĩa trang. Họ mang theo hoa và những bịch cháo. Trong một thoáng rất nhanh, trên mỗi ngôi mộ đều có một bông hoa và một bịch cháo.
Cô nói: “Hãy an nghỉ.”
Trong lúc đó, hắn nghe được tiếng hát như lời sông núi và đám đông biến mất. Cùng lúc hắn thấy nhiều người “bảo vệ” xuất hiện.
L về chùa.
Cô lấy cái dùi gõ mõ gõ vào đầu gối Phật, nói: “Ngồi mãi không chán à?”. Phật im lặng. Ông “Thày dùi”, L gọi thế vì ông lúc nào cũng cầm cái dùi, đang đứng gần đó nghe thấy, nói: “Thày thì rất chán, nên lúc nào cũng phải tập cái đầu gối”. L bảo: “Đừng xưng Thày với tôi. Tôi là con Phật, nhưng không phải đệ tử ông.” Ông “Thày dùi” nói: “Cũng chẳng sao. Cái áo không làm nên thày tu.” L đáp: “Đúng vậy. Ông mặc cà sa nhưng không phải thày tu.” Ông “Thày dùi” bảo: “Lại càng đúng. Tu tại tâm mà.” L nói: “Ông trơ tráo không khác gì đồng bọn.” Ông “Thày dùi” cười đểu: “Cô nói đồng bọn nào?” L bảo: “Đồng bọn nào thì ông tự biết.”
Sư phụ của L đã già. Không biết có phải là chân tu hay không, nhưng cụ phó mặc mọi sự cho ông “Thày dùi” khi ông thày giả hiệu này được điều từ ở đâu đó về trụ trì và đòi quyền điều hành.
Sư phụ dạy L về khí công. Cô không mưu cầu sự giải thoát mà chỉ muốn thân xác được khỏe mạnh và tĩnh tại tinh thần. Tuy nhiên, sư phụ thường bắt L phải tụng kinh trong tư thế kiết già mỗi sáng một tiếng đồng hồ. Cụ muốn đưa L lên một cảnh giới cao hơn.
Ông “Thày dùi” cũng tụng kinh sáng chiều, nhưng ông thích uống rượu. Và ông thường uống rượu trong phòng riêng với một số thiện nam, tín nữ.
Bạn hắn bảo: “Những người tu hành thường có nội lực rất mạnh. Đàn bà mê lắm. Cái sức mạnh được coi là “siêu nhiên” và “tinh tuyền” đó dễ dàng đưa tâm tình hiến dâng của các bà tới cõi cực lạc”.
Hắn nghĩ, sự hàm dưỡng nào cũng tốt.
Bạn hắn nói: “Hồi trước 1975, tôi đã từng ở trong chùa 3 năm, khi có nguy cơ bị lộ tông tích.”
Hắn nói: “Có nghĩa là ông cũng từng là một nhà tu giả hiệu?”
Bạn hắn bảo: “Không. Tôi ở trong chùa, nhưng rất ghét sư sãi. Vì thế, tôi không phải là một nhà tu giả hiệu.”
Hắn hỏi: “Ông ăn cơm chay, có tinh tiến không?”
Bạn hắn nói: “Tôi chay mà không tịnh, nên có cái tinh tiến, có cái giật lùi. Tuy nhiên, tôi có một kinh nghiệm là cái gì được tập trung cao cũng tạo nên một sức mạnh đáng kể”.
Hắn hỏi: “Theo ông, cái gì bây giờ cần được tập trung nhất?”
Bạn hắn nói: “Về phương diện cá nhân, tôi muốn tập trung vào cái chết.”
Hắn lại hỏi: “Thế còn không phải cá nhân?”
Bạn hắn nói: “Cũng thế thôi. Khi bạn muốn thay đổi, cần phải có cái gì đó chết đi.”
Hắn hỏi lại: “Cái gì phải chết đi?”
Bạn hắn nói: “Một trở lực nào đó.”
Hắn bảo: “Chán nhất là cứ phải nói vòng vo.”
Bạn hắn cười: “Ông không biết là bọn cựu trào chúng tôi lúc này đang được chăm sóc kỹ à?”
Hắn nói: “Tôi không rõ lắm. Nhưng tôi nghĩ chính các ông phải là những người đầu tiên phản tỉnh. Các ông không thể nhắm mắt mãi. Không thể ngậm miệng ăn tiền mãi.”
Bạn hắn cười: “Dường như sự chai lì của cuộc sống đã làm cho người ta không còn bận tâm đến việc mình còn có lương tri hay không. Xét cho cùng cũng là vì hèn. Cũng đành phải nói theo kiểu AQ Nguyễn Tuân, nhờ hèn mới sống được. Trong khi tất cả chúng ta đều tỉnh, từ thằng dân đen đến thằng cai trị. Chỉ vì tham thành ra ác. Cũng vì tham mà bọn cai trị sẽ không bao giờ thay đổi thể chế. Độc tài là thành trì vững chắc của đặc quyền và đặc lợi. Vì thế, quyền lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của Đảng sẽ vẫn cứ muôn năm. Trừ ra, khi những áp lực xã hội đủ mạnh để nó tự diễn biến.”
Hắn nói: “Tôi nghĩ đã đến lúc Tiếng hát những người đi tới[i] (*) phải biến thành tiếng khóc của sự sám hối. Nếu cả đến sự sám hối cũng không thể được bày tỏ, vì bất cứ lý do gì, thì đấy là sự mạt vận.”
Bạn hắn hỏi: “Ông có biết vụ anh em cựu trào vừa rồi có dự định tổ chức một cuộc họp mặt không?”
Hắn nói: “Tôi có nghe loáng thoáng mấy ông định tổ chức ở Sài Gòn, nhưng không được, rồi phải mang ra Đà Nẵng, cũng không biết có thành không?”
Bạn hắn bảo: “Đảng sợ tất cả mọi cuộc tụ tập biểu hiện những khuynh hướng tự do. Cái vòng kim cô đang xiết lại. Một loạt các hoạt động tư tưởng văn hóa độc lập vừa rồi đã bị cấm…”
Hắn nói: “Đến mấy thằng ‘No U’ tụ tập đi đá bóng cũng bị làm khó dễ, thì những người tự cho rằng mình là ‘những người đi tới’ nên tự đâm đầu xuống lỗ.”
Bạn hắn cười: “Thì tôi đã tự chôn mình rồi đó thôi.”
L đang ngồi dưới chân tượng Phật. Cô sợ sự vọng động của mình. Nhưng cô không sợ những bóng ma lảng vảng.
Ông “Thày dùi” ngồi xuống cạnh cô. Ông cầm dùi gõ vào chiếc mõ và nói: “Cô ngồi mãi mà không mỏi chân à?”. Cô nói: “Tôi chỉ mỏi đít thôi.” Ông “Thày dùi” bảo: “Vào phòng tôi, đít cô sẽ bay bổng.”
L nghĩ, cô cần đi tìm hắn.
Hắn nghĩ, đít bay bổng hay đầu bay bổng cũng không khác nhau mấy.
11.5.2012
Nguyễn Viện
© 2012 pro&contra
[i] Tiếng hát những người đi tới, tuyển tập “giới thiệu các hoạt động đấu tranh của phong trào sinh viên học sinh thời chống Mỹ của Thành phố Hồ Chí Minh cùng một số tỉnh thành ở miềnNam”. NXB Trẻ, 1990.