Võ Quý (Pháp Luật TP) - Nhiều người đã hướng đến thần linh, dựng cành tre trước con đường vào bản báo hiệu làng có người bị bệnh và bắt gà cúng mong giàng phù hộ cho họ tai qua bệnh khỏi.
Những cái chết liên tục khiến người dân nơi đây hoang mang cùng cực.
Đã có quá nhiều đoàn về kiểm tra và cả lãnh đạo cao nhất của Bộ Y tế là Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến về thị sát nhưng rồi câu trả lời về nguyên nhân gây bệnh “lạ” ở huyện miền núi Ba Tơ (Quảng Ngãi) vẫn chưa được công bố.
Hoang mang vì người bệnh lại chết
Tính đến ngày 11-5, tức hơn một năm xảy ra bệnh “lạ” ở xã Ba Điền rồi lan ra một số xã lân cận, đã có 207 ca mắc bệnh. Trong đó, 21 trường hợp đã tử vong. Hiện có 29 người bệnh nằm ở Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ, 10 trường hợp ở BV Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi và hai người đang điều trị ở BV Phong da liễu Quy Hòa (Bình Định).
Ông Phạm Văn Đang ở thôn Làng Rêu bộc bạch: “Khổ quá! Hết đoàn này đến đoàn khác về điều tra nhưng vẫn có thêm người bị bệnh. Chưa kể người bệnh điều trị trở về tái phát rồi lại bị chết”. Nói rồi ông đưa chúng tôi đến nhà chị Phạm Thị Lẫy. Chị Lẫy (28 tuổi) nói: “Mẹ mình, Phạm Thị Ngớt (60 tuổi), sau hai tháng điều trị ở BV Quy Hòa trở về lại phát bệnh, da sần sùi, lở loét, đưa vào Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ thì ngày 7-5 đã bị chết. Giờ mình và con trai Phạm Văn Thu cũng bị bệnh đang điều trị ở Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ. Mình lo lắm, sợ cái ma của bệnh lạ hết “kéo” mẹ của mình rồi lại kéo mẹ con mình đi”. Cũng ở thôn Làng Rêu, cuối tháng 4, thấy bệnh ông Phạm Văn Nhọc quá nặng, ngành y tế Quảng Ngãi đã chuyển ra BV C Đà Nẵng cứu chữa nhưng rồi ngày 7-5, ông chết bởi toàn thân lở loét và men gan quá cao.
Chị Phạm Thị Lẫy cùng con trai mình ở thôn Làng Rêu, xã Ba Điền, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) lo ngại cái “ma” của bệnh “lạ” rồi cũng sẽ gọi mình đi. Ảnh: VÕ QUÝ
Những cái chết liên tục khiến người dân nơi đây hoang mang cùng cực. Nhiều người đã hướng đến thần linh, dựng cành tre trước con đường vào bản báo hiệu làng có người bị bệnh và bắt gà cúng mong giàng phù hộ cho họ tai qua bệnh khỏi.
Hôm nay phát gạo trắng cho dân
Theo nhận định ban đầu của Bộ Y tế trong khi làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi vào ngày 28-4, nguyên nhân gây bệnh có thể do người dân nơi đây ăn gạo bị mốc nên đề nghị tỉnh Quảng Ngãi phải cấp gạo trắng cho dân ăn.
Thực tế ở vùng này, người dân bao đời nay sống nhờ lúa rẫy và lúa nước. Thường sau thu hoạch lúa rẫy vào cuối tháng 10 đến tháng 11 âm lịch hằng năm, gặp tiết trời mưa nên việc phơi phóng lúa của đồng bào chưa được chú trọng. Họ thường tuốt xong lúa rồi chuyển ngay lên nhà kho làm bằng tre ở gần nhà hoặc ở ngoài rẫy nên chuyện lúa bị vò hơi, ẩm mốc là điều không tránh khỏi. Do vậy, để phòng ngừa nguyên nhân gây bệnh từ lúa bị ẩm mốc, UBND tỉnh Quảng Ngãi phải hỗ trợ 60 tấn gạo để cấp cho dân xã Ba Điền.
Trong chiều 11-5, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Lê Hàn Phong cho biết: Từ nguồn hỗ trợ của MTTQ và các doanh nghiệp trong tỉnh, huyện đã hợp đồng với Công ty Lương thực Quảng Ngãi mua 60 tấn gạo giá 600 triệu đồng để hỗ trợ đợt 1 cho dân xã Ba Điền. Ngày 12-5 sẽ cấp phát với số lượng 15 kg/nhân khẩu.
Ông Phong bộc bạch: “Đã có quá nhiều đoàn đến thực tế nhưng rồi vẫn chưa tìm ra nguyên nhân nên không chỉ người dân hoang mang mà chính quyền và cả ngành y tế cũng lo lắng. Nếu như khó có thể tìm ra nguyên nhân thì ngành chức năng nên đề nghị Tổ chức Y tế Thế giới giúp đỡ để đảm bảo cuộc sống cho người dân”.
Nhanh nhất cũng cuối tháng 5 mới có kết quả
Trong tuần qua có thêm sáu ca bị bệnh lạ ở Ba Điền. Sở dĩ có tình trạng người bị tái phát bệnh lại mau chết hơn một phần là do phác đồ điều trị cũ chú trọng việc chữa bệnh ngoài da. Hơn nữa, người bị bệnh sau một thời gian chữa trị kháng thể trong người yếu nên khi bị tái phát sẽ gặp nguy hiểm hơn.
Tuy nhiên, với phác đồ điều trị mới mà Bộ Y tế vừa công bố hồi đầu tháng 5 thì ngoài việc điều trị ngoài da, phải chú trọng điều trị nội tạng bị tổn thương như rối loạn chức năng gan, bội nhiễm khuẩn, hy vọng tình hình sẽ được cải thiện. Sở Y tế cũng đã phân luồng người bệnh, tiến hành cấp phát thuốc để nâng cao sức đề kháng cho người dân trong vùng nhằm hạn chế bệnh lan rộng.
Việc phân tích nguyên nhân phải cần có thời gian nên nhanh nhất cũng phải cuối tháng 5 mới có thể công bố.
Ông LÊ HUY, Chánh văn phòng Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi
VÕ QUÝ