Nguyễn Ngọc Già (Dân Luận) - Bà Aun Sang Suu Kyi đã được tạp chí Forbes xếp hạng 47 trong 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới vào năm 2006 (1). Bà cũng được xem như là người góp phần vô cùng lớn lao cho cuộc đổi thay tốt đẹp Miến Điện hiện nay với những bước đi thận trọng nhưng không kém phần khéo léo và dứt khoát.
Đổi thay từ Miến Điện trong những tháng gần đây càng trở thành biểu tượng đấu tranh bất bạo động thành công từ Daw Aun Sang Suu Kyi - biểu tượng Hòa Bình không chỉ cho người Miến Điện.
Hai bài viết của nhà báo Huỳnh Thục Vy (2) và tác giả Nguyễn Thanh Sơn (3) đã khơi gợi lại cho tôi về "lãnh tụ" - tác nhân quan trọng cho cuộc cách mạng (có thể nói) ở những xứ sở bị coi là "dân trí thấp". Hình như ở những xứ sở như vậy, yếu tố "lãnh tụ" vẫn còn cần thiết lắm cho cuộc cách mạng thành công? Đó là câu hỏi cần đặt lại một cách nghiêm túc.
Cả hai bài viết của hai tác giả nói trên càng chứng tỏ văn hóa, đạo đức kể cả yếu tố Tôn giáo thuần khiết là vô cùng quan trọng cho cuộc đấu tranh.
Độc giả "Nhẫn" có viết:
Nhẫn (khách viếng thăm) gửi lúc 23:50, 02/06/2012 - mã số 59649
Trong khi tại Việt Nam, mới thấy ông CHHV bị bắt, mới thấy bà Lê Hiền Đức bị nhốt... đám "rân chủ" đã cảm thấy uất ức cùng cực, nhưng đáng tiếc lại bất lực không làm gì được, cuối cùng chỉ còn biết lên mạng nhảy chồm chồm chửi rủa ầm ĩ như bọn thất học. Các bạn "rân chủ" Bolsa còn hoành tráng hơn, la hét thúc giục với khí thế hừng hực, hét vào mặt người dân trong nước vùng lên, vùng lên, lật đổ đi, lật đổ đi, còn chịu đựng đến bao giờ...
Hãy nhìn cách nhẫn nhịn và cách đấu tranh của người ta mà học tập nhé, các bạn "rân chủ" nửa mùa. Nếu có đủ sự điềm tĩnh, ung dung, thư thái trước công an, bạo lực, nhà tù thì hãy nói chuyện Dân Chủ.
P/S: Bài không áp dụng cho các nhà Dân Chủ chân chính.
Tuy vậy, câu hỏi cần đặt ra, đó có phải là suy nghĩ một chiều thiếu công bằng khi tôi đặt cho bài viết này tựa đề "Đàn áp có cần văn hóa không?".
Xem lại tiểu sử sơ lược của bà Aun Sang Suu Kyi từ trang wikipedia, cho thấy bà chịu quản thúc tại gia trong thời gian dài, kìm tỏa và cấm ngặt mọi giao tiếp với xã hội. Bà đã bị kết tội cùng với hai người hầu trong việc nhà báo John Yettaw lội ngang hồ Inya để xin tá túc nhà bà vì kiệt sức. Sự việc đã gây ồn ào trên thế giới, sau đó một số nhân viên ngoại giao của Nga, Thái Lan và Singapore được vào gặp bà Suu Kyi. Chi tiết này cho thấy dù bà bị quản thúc nhưng hình như không gian sống tương đối tiện nghi, sự quan tâm của thế giới dành cho bà khá đặc biệt, quan trọng nhất: giới cầm quyền Miến Điện đàn áp bà Aun Sang Suu Kyi vẫn đạt mức văn hóa (cần có) bất chấp Miến Điện còn nghèo nàn hơn Việt Nam.
"Giấy rách phải giữ lấy lề".
Những hành vi đàn áp của phía cầm quyền Việt Nam đối với các nhà bất đồng chính kiến thật khó hình dung được đó là "chính quyền", những tưởng không cần dẫn ra chi tiết. Vì lẽ đó, tôi đồng ý với nhà báo Huỳnh Thục Vy:
Trái lại, dưới chế độ cộng sản Việt Nam, văn hóa, đạo đức và các truyền thống tôn giáo tốt đẹp đã gần như bị hủy hoại tận gốc rễ. Một xã hội hiện đại nửa mùa, một nền văn hóa mới theo kiểu Tây phương chưa xây dựng được (mà chỉ bắt chước người ta những thói xấu), còn cội nguồn văn hóa truyền thống thì đã biến thái thành những thứ quái dị. Những nhân đức hiền lành, chất phác, lòng yêu nước thiết tha biến thành những mánh mung, lừa đảo, vị kỷ. Một tôn giáo truyền thống từng góp phần to lớn xây dựng nên khí chất Việt Nam, bây giờ đã trở thành một thứ mê tín dị đoan.
Chúng tôi không nghĩ giới cầm quyền sẽ xót thương, ban bố cho những ai đang đấu tranh vì dân, vì nước. Chúng tôi cần văn hóa ứng xử. Dù đàn áp khốc liệt và hà khắc nhất, nhưng hãy có văn hóa - tôi gọi "văn hóa đàn áp".
Khi có bất kỳ một nhân vật nào đó vừa nổi lên như là những người đấu tranh cho dân, cho nước một cách thực tâm đều bị vùi dập ngay lập tức, điều đáng tiếc là vùi dập một cách quá kém về văn hóa. Phía cầm quyền khó thể chối cãi trong việc cố tình phá nát hình ảnh một cách vô văn hóa như thế bởi những "nhà báo" vô lương tâm tiếp tay như Hồ Thu Hồng, Quý Thanh, Nguyễn Văn Minh v.v... Đó có thể gọi là tội ác?
Những họng súng chĩa thẳng vào mình, có sợ không? Có. Còng số tám, dùi cui, nhà tù, có sợ không? Có. Nhưng điều chúng tôi sợ nhất, mà không, chúng tôi ghê tởm nhất, chính là "văn hóa đàn áp". Nó đã ngày càng trở nên ghê rợn như người Việt Nam đang sống giữa rừng già thâm u - nơi "ánh sáng văn hóa" chưa bao giờ rọi tới!
Giới cầm quyền có hiểu, nó - "văn hóa đàn áp" - không chỉ riêng cho chúng tôi, cho giới cầm quyền, mà trên hết cho nhân cách Người Việt Nam. Chúng tôi sợ nhất, bởi thế giới sẽ không dùng lời mạt sát nào cả mà có thể họ nhìn người Việt Nam như là những sản phẩm thiếu hoàn chỉnh do tạo hóa vô ý làm ra. Người Việt Nam không đáng bị xem như là một sản phẩm tật nguyền tinh thần như thế.
Đó là ý nghĩa dành cho giới cầm quyền Việt Nam hiện nay. Nếu tiếp tục đàn áp chúng tôi thì hãy cho chúng tôi thấy giới cầm quyền còn có Văn Hóa!
Nguyễn Ngọc Già
http://danluan.org/node/12822
http://danluan.org/node/12822
_______________
P/s: bản thân tôi, trong những ngày tập tễnh viết đầu tiên, giờ xem lại, tôi thấy cũng có văn hóa tối thiểu cần có của người cầm bút. Tôi gọi ông Nguyễn Tấn Dũng là "ngài" một cách thực tâm, trong bài viết về việc giải thể IDS http://danluan.org/node/2954, viết cho tù nhân lương tâm http://danluan.org/node/4977, viết cho những người bạn trong phong trào HS - TS - VNhttp://danluan.org/node/4707 và nhiều bài khác. Tuy vậy, sau này tôi thấy mình ngày càng cộc cằn hơn. Do ai? chắc chắn do tôi, và chẳng lẽ chỉ do tôi thôi sao?
Lòng vị tha như Nguyễn Thanh Sơn trong bài viết về bà Aun Sang Suu Kyi là rất đáng suy nghĩ. Vậy, xin hỏi, lòng vị tha được nuôi dưỡng không phải bởi từ văn hóa sao?