Bán dâm cao cấp: Lựa chọn cá nhân hay sản phẩm xã hội? - Dân Làm Báo

Bán dâm cao cấp: Lựa chọn cá nhân hay sản phẩm xã hội?

Jeffrey Thai (Danlambao)Bán dâm cao cấp trong xã hội Việt Nam hiện nay vừa có dáng nét của một sự lựa chọn cá nhân, vừa có dáng nét của một sản phẩm xã hội. Hai dáng nét ấy không triệt tiêu nhau mà lại hòa quyện nhau tạo dựng nên một chân dung xã hội Việt Nam mà trong đó nhân phẩm và đạo đức đang tha hóa nghiêm trọng...
 
Lịch sử nước Việt Nam là một lịch sử lâu đời, nhưng có lẽ chưa có thời kỳ nào trong lịch sử ấy việc bán dâm lại trở nên rầm rộ và phổ biến như trong xã hội VN hiện nay. Nó hiện đang có dáng vẻ của một nghề thời thượng: vốn ít và phất lên rất nhanh. Vốn ở đây, ngoài cái vốn tự có, chỉ cần có thêm một danh hiệu gì đó mà nhiều người biết đến (như ca sĩ, diễn viên, người mẫu... hay hoa khôi, hoa hậu, chẳng hạn) là đủ; số tiền được trả có thể lên cao ngất ngưởng đến hàng nghìn đô - những con số làm choáng váng đại đa số người Việt, vốn còn phải sống trong cảnh nghèo khó, chạy cơm từng bữa. 

Một chị bán thịt, nghe được những cái giá ấy, cảm thấy choáng váng đến nỗi chị nói vui: Nếu có chút ít nhan sắc, chị nhất quyết bỏ bán thịt ngay để đi... bán dâm. Dẫu chỉ là một câu nói vui, nhưng nó cho thấy việc bán dâm bây giờ dễ dàng và đơn giản như thế đấy: Vốn có sẵn, được giá thì cứ bán thôi, chết ai nào! Đạo đức à? Nhân phẩm à? Chúng là gì thế nhỉ? Một số người, nhất là những con người trẻ, cảm thấy những khái niệm ấy thật xa lạ. Cũng phải thôi. Vì điều mà họ luôn được nghe nhắc nhở đến và đã thấm nhuần vào trong tâm trí từ thuở "hồng hoang" ngắn và gọn hơn thế, chỉ một từ thôi: Tiền! 

Việc bán dâm vốn dĩ là một việc xưa như trái đất. Nhân vật bán dâm xưa nổi tiếng nhất và được nhiều người VN biết đến nhất có lẽ là nàng Thúy Kiều trong thi phẩm Kim Vân Kiều của nhà thơ Nguyễn Du. 

Với nàng Kiều ngày ấy, việc bán dâm này là một hệ lụy của xã hội - nàng là một nạn nhân của xã hội phong kiến vào thời kỳ mà cường quyền lên ngôi bức bách, hiếp đáp dân lành - chứ hoàn toàn không phải là một sự lựa chọn cá nhân; nàng vốn là một khuê nữ "trong ngọc trắng ngần" đã phải bất đắc dĩ bán mình để chuộc cha, giúp ông thoát khỏi án oan ngục tù. Và vì không phải là một sự lựa chọn cá nhân nên dẫu nàng phải trải qua 15 năm lưu lạc với thân phận "gái lầu xanh", hình ảnh của nàng vẫn đẹp lung linh trong mắt chàng Kim Trọng, trong mắt mọi người. 

Còn với các nàng Kiều hôm nay thì sao - những nàng buôn bán được giá, với cái giá làm biết bao kẻ thèm thuồng? Việc bán dâm của họ là sự lựa chọn cá nhân hay là sản phẩm của xã hội? Câu trả lời không hề dễ dàng vì điều nào trong cả hai điều ấy cũng đều chứa đựng những lý lẽ hợp lý của nó. 

Sự lựa chọn cá nhân ư? Chứ còn gì nữa. Nghèo khổ quá, đành phải bán dâm đã đành, để tồn tại, để sống sót. Những phận người bất hạnh như thế luôn có mặt ở mọi nơi trong những xã hội còn nhiều lầm than, cơ cực. Số này cũng luôn là số đông, và nơi chốn hành nghề của họ thường là những con đường vắng lặng hay những ngõ hẻm tối tăm. Họ tuy đông nhưng lại không phải là thành phần làm cho cái nghề bán dâm trở nên xôm tụ, rộn ràng. Người ta đã quen với sự hiện diện khốn khổ và đầy dẫy của họ đến mức chấp nhận nó một cách vô thức, cho dù pháp luật có đồng ý hay không. 

Sự rầm rộ của việc bán dâm như thời điểm hiện nay là do có sự tham gia của một đội ngũ mới bao gồm những con người mà tạo hóa đã ban cho họ ít nhiều sự may mắn: sắc đẹp và danh hiệu. Trong xã hội VN đương đại, không hẳn là có sắc đẹp và danh hiệu là đương nhiên trở nên giàu có, lắm của, nhiều tiền. Và bi kịch chính là ở chỗ đó. Tục ngữ có câu: "Thuyền to, sóng lớn", "Càng cao danh vọng, càng dày gian nan". Sở hữu sắc đẹp, được đánh bóng thêm bằng một danh hiệu nào đó, những con người này bỗng dưng thấy nảy sinh trong lòng mình những khát vọng (nếu không muốn nói là tham vọng) bất tận về một sự phát sáng rực rỡ giữa đời (cho bằng chị, bằng em) bằng những bộ quần áo sang trọng, những ngôi nhà bề thế, những chiếc xe hơi lộng lẫy... 

Chính khát vọng ấy (tham vọng ấy) đã đưa họ trượt dần vào quĩ đạo của những con thiêu thân nông nổi: Họ đã nhắm mắt để bán cái mà họ chẳng nên bán bao giờ. Với số đông ngoài kia đang cùng làm chung cái động thái bán buôn ấy, sự mất mát chỉ là một, thậm chí có người chẳng còn gì để mất. Với họ, đáng thương thay, sự mất mát là trăm, là ngàn lần hơn: Mất nhân phẩm, danh tiếng và mất luôn cả một tương lai xán lạn đang đón chờ phía trước (nếu họ chấp nhận dấn thân và phụng sự nghệ thuật nghiêm túc). Những giọt nước mắt muộn màng của họ làm người ta vừa thấy giận, vừa thấy thương đến xót cả ruột gan. Giận vì trách họ nông nổi quá. Còn thương vì thấy họ sao quá ngu khờ, đường ngay không chọn, lại chọn lối đoạn trường mà đi. 

Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại. Họ biết làm sao hơn khi họ sống trong một xã hội như thế - một xã hội mà cái nghèo, nói chung, cũng như quá khứ nghèo khổ của họ, nói riêng, đã ám ảnh họ một cách ghê sợ như căn bệnh thế kỷ dẫu rằng họ có trong tay nhan sắc ấy, danh hiệu ấy? Nói về cái xã hội ấy, có một người đã phải cảm thán mà thốt lên rằng: "Thật khó để làm người đàng hoàng trong một xã hội thổ tả". Trong cái xã hội thổ tả đó, đồng tiền đã lên ngôi và chi phối mọi ý nghĩ, nhận thức và hành động của con người. Người ta sẵn sàng làm tất cả mọi thứ miễn sao có thật nhiều tiền. Họ đã thấm nhuần một chân lý vừa ra đời cách đây không lâu, cũng chính ngay trong xã hội ấy: "Cái gì không thể mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng rất nhiều tiền". 

Thật cũng không thể đổ hết mọi tội lỗi, trách nhiệm lên đầu họ khi mà ngay từ nhỏ, từ thời còn cắp sách đến trường; những gì mà họ được giáo dục, dạy dỗ, tiếc thay, lại không phải là nhân nghĩa giữa con người với nhau, là nhân cách để sống ở đời, mà thay vào đó, lại là những thần tượng không thực và những tín điều giả dối. Những điều không thực và giả dối được giáo dục ngay từ nhỏ đó đã tạo nên một thế hệ trẻ với tâm hồn mục ruỗng và nhận thức hời hợt. Hãy nhìn thẳng vào xã hội hiện giờ để thấy hết được sự tha hóa của những con người trẻ hôm nay, từ việc tôn sùng điên cuồng những thần tượng hào nhoáng đến những ứng xử gian dối, bạo lực trong học đường và ngoài xã hội. Được giáo dục và lớn lên trong một xã hội như thế, khái niệm về nhân phẩm và đạo đức đã bị lãng quên như những món hàng không còn hữu dụng. 

Góp phần không nhỏ vào con đường bán thân ấy của các nhan sắc trẻ, không thể không kể đến sự lôi kéo, chào mời, giăng bẫy của một tầng lớp đại gia mới nhiều tiền, lắm bạc. Họ có nhiều tiền đến nỗi họ trở nên "rửng mỡ" và nảy sinh ra sở thích trưởng giả lố bịch, phi nhân bản: chứng tỏ đẳng cấp của mình thông qua việc mồi chài những cô gái trẻ, đẹp có danh hiệu nhưng non lòng, trẻ dại và đang cần tiền. Số đồng tiền to tát mà họ bỏ ra đó để phục vụ cho sở thích rởm đời của mình vô tình làm cho hình ảnh của những con người Việt khốn khó, đang lần mò trong những hóc xó tối tăm nào đó của đất nước để kiếm từng đồng tiền bạc lẻ sống qua ngày, càng thêm nhiều chua xót và nghiệt ngã. 

Bán dâm cao cấp trong xã hội Việt Nam hiện nay vừa có dáng nét của một sự lựa chọn cá nhân, vừa có dáng nét của một sản phẩm xã hội. Hai dáng nét ấy không triệt tiêu nhau mà lại hòa quyện nhau tạo dựng nên một chân dung xã hội Việt Nam mà trong đó nhân phẩm và đạo đức đang tha hóa nghiêm trọng. 


17/06/2012 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo