Bơm 300 ngàn tỉ đồng nhưng kinh tế Việt Nam vẫn đình đốn - Dân Làm Báo

Bơm 300 ngàn tỉ đồng nhưng kinh tế Việt Nam vẫn đình đốn

HÀ NỘI (NV) -Ngân Hàng Nhà Nước bơm một lượng tiền khổng lồ, 300 ngàn tỉ đồng, để cứu nguy kinh tế nhưng tác dụng chẳng thấy gì.

Ðây là nhận xét của ông Cao Sỹ Kiêm, cựu thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước hiện làm chủ tịch Hiệp Hội Doanh Nghiệp Nhỏ và Vừa ở Việt Nam.

Qua cuộc phỏng vấn của báo điện tử Diễn Ðàn Kinh Tế (VEF), số tiền nói trên ông Kiêm cho rằng nó “không đủ kích thích kinh tế.”

Một nửa số tiền đó, tức 180,000 tỉ đồng, Ngân Hàng Nhà Nước mua 9 tỉ USD rồi lập tức “phát hành trái phiếu để thu về con số 90,000 tỉ đồng.” Một phần “tiền còn được luân chuyển trên thị trường liên ngân hàng dưới hình thức cho vay qua thị trường liên ngân hàng. Thêm vào đó là các ngân hàng thanh toán vay mượn lẫn với nhau...”

Một phần khác trong số đó, bơm 60,000 tỉ đồng cho khu vực nông nghiệp mà những kẻ hưởng lợi ích không ai khác hơn các đại gia xuất cảng nông sản từ lúa gạo đến thủy sản.

Khách hàng ký thác những cục tiền vào trương mục ngân hàng ở Hà Nội. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

Hệ quả, “Số tiền còn lại có đến được với các doanh nghiệp (sản xuất khác) không còn nhiều và cũng chưa đủ để trám vào những khoản nợ đọng, vay mượn từ trước nên hết ngay.”

Vì vậy, theo ông “nền kinh tế cần khối lượng tiền lớn, trong khi khả năng thanh khoản của người dân cũng như các doanh nghiệp đã cạn kiệt từ lâu, vì vậy nó không đủ kích thích kinh tế.”

Trong những tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng tại Việt Nam là “tăng trưởng âm” vì đám ngân hàng thương mại cho vay với lãi suất rất cao và đòi hỏi điều kiện rất ngặt nên ôm những số tiền lớn mà cho vay không được.

Ngân Hàng Nhà Nước có kế hoạch bơm hàng tháng tới 71,000 tỉ đồng vào thị trường để kích thích tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, ngân hàng được bơm tiền cho vay thì “thừa vốn” và “không thể rót tiền được” trong khi giới doanh nghiệp thì dở sống dở chết.

Cái kẹt trong vấn đề, theo một bài viết khác của VEF, các ngân hàng “không chịu nhả vốn” vì các doanh nghiệp không có khả năng thế chấp để mượn nợ. Các ngân hàng không cấp tín dụng nếu không có tài sản bảo đảm cho món nợ.

Gần đây, Ngân Hàng Nhà Nước hạ lãi suất căn bản để hệ thống ngân hàng thương mại hạ lãi suất tín dụng xuống còn 13%. Tuy nhiên, không mấy xí nghiệp được vay nợ.

Trong một cuộc hội thảo gần đây về tín dụng cho các xí nghiệp vừa và nhỏ, ông Nguyễn Chí Hiếu, thành viên HÐQT của ngân hàng An Bình than rằng, “Dù lãi suất tiền gửi (ký thác) là 9% nhưng trên thực tế (tín dụng) vẫn là 15% đến 16%, 17% cũng có, 18% thậm chí lên tới 20%.”

Ðây là cái vòng luẩn quẩn đang xảy ra dù Ngân Hàng Nhà Nước, thực chất là nhà cầm quyền Hà Nội, muốn bơm tiền vào thị trường để cứu các ngành kỹ nghệ đang đình đốn nghiêm trọng.

“Hiện tại, Ngân Hàng Nhà nước (NHNN) kêu gọi các ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp vay trong bối cảnh các ngân hàng thương mại đang có quá nhiều tiền. Một bên thì ngân hàng thừa vốn, ứ vốn và lãi suất thì đang xuống... Trong khi đó, các doanh nghiệp đang thiếu vốn, đang chết lâm sàng. Hai bên không gặp nhau cho dù NHNN đứng ở giữa kêu gọi.”

Hàng chục ngàn hoặc đã khai báo ngừng hoạt động hoặc “chết lâm sàng,” nền kinh tế đình đốn đã thúc đẩy Ngân Hàng Nhà Nước bơm tiền cứu nguy. Các tin tức thời sự cho thấy nền kinh tế èo uột của Việt Nam không có gì phấn khởi. (TN)


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo