Cảm nghĩ về Con Đường Việt Nam - Dân Làm Báo

Cảm nghĩ về Con Đường Việt Nam

Le Nguyen (Danlambao) Lịch sử đảng cộng sản Việt Nam ngoài độc tài, độc ác, khát máu như bản chất vốn có của nó, cộng sản còn là bậc thầy của các thủ đoạn láo lừa xuyên thế kỷ. Xin phép không nhắc đến những chuyện láo lừa vụn vặt của từng “cá thể cộng sản”(*) mà chỉ nhắc đến những láo lừa của “tập thể cộng sản” gây ra những cuộc tắm máu đồng bào được nhiều sử gia ghi lại qua những trang sử đen tối của lịch sử Việt Nam. 

Ngược giòng thời gian, vào thập niên 40 của thế kỷ trước đảng cộng sản hô hào hòa giải, thống nhất các khuynh hướng chính trị thành lập chính phủ liên hiệp cùng nhau đánh đuổi ngoại xâm xây dựng đất nước nhưng sau đó tất cả thiện chí đoàn kết của người Việt quốc gia đã bị tập đoàn cộng sản láo lừa đưa vào “xiếc” để tiêu diệt. 

Lần khác vào năm Mậu Thân 1968 dân quân Miền Nam tin tưởng hiệp ước hưu chiến của người “anh em” Miền Bắc vào ngày tết cổ truyền dân tộc đã bị đâm, chém, bắn, đập đầu chôn sống nhiều ngàn người ở Huế, không kể khắp các tỉnh thành Miền Nam bị pháo rơi, đạn lạc, bị bắn giết thẳng tay kể cả đàn bà con nít chỉ vì có cha, anh phục vụ cho chính quyền Miền Nam. 

Đến năm 1973 hiệp định hoà bình Paris ra đời, chấm dứt chiến tranh để hai miền Nam-Bắc bắt tay vào xây dựng đất nước nhưng hiệp ước ký kết chưa ráo mực thì cộng sản Bắc-Việt theo lệnh quan thầy Nga-Tàu xua quân vượt vĩ tuyến xuống phía Nam với quyết tâm nhuộm đỏ Miền Nam. 

Một lần nữa mùa xuân năm 1975 với sự phụ hoạ của thành phần thứ ba, thực chất là tổ chức ngoại vi của mặt trận giải phóng Miền Nam, con đẻ của cộng sản Bắc Việt hô hào hòa giải dân tộc vận động sĩ quan, binh sĩ chủ chiến của Miền Nam buông súng đầu hàng, chúng tuyên truyền láo lừa rằng chính quyền “cách mạng” không chủ trương trả thù, chúng kêu gọi quân cán chính, tùy theo nhiệm vụ cấp bậc đi học tập cải tạo 3 ngày, 10, ngày, một tháng nhưng đa phần trong số này, một số bị giết, bị hành quyết dã man không qua xét xử của tòa án, số khác bi giam tù không án nhiều năm và số đông đã vĩnh viễn nằm lại nơi góc núi rừng nào đó, không gặp lại mẹ, vợ con khi nhắm mắt xuôi tay lìa đời.

Có lẽ, mọi người Việt Nam từ Bắc chí Nam không ai không biết sự độc ác, bạo tàn, láo lừa của cộng sản cũng như không ai không là nạn nhân trực tiếp hoặc gián tiếp của chế độ cộng sản, nghĩa là người Việt Nam ít nhiều có kinh nghiệm với nhiều “trò chơi”ma mãnh, trí trá của cộng sản Việt Nam. Thế cho nên, khi nhóm Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định và Lê Thăng Long, người tù chính trị nhận tội xin khoan hồng, được ân xá về sớm hơn án tù, ngay sau đó ông phát động phong trào Con Đường Việt Nam, với danh sách mời lên đến 244 người. Tất cả những cá nhân được mời đều là người của công chúng, nghĩa là có thành tích hoạt động trong nhiều lãnh vực, ngành nghề, được số đông quần chúng ái mộ, ủng hộ.

Từ đó phong trào Con Đường Việt Nam dấy lên nhiều ý kiến bênh, chống rất ồn ào làm xôn xao dư luận, xoay quanh Con Đường Việt Nam với nhiều nghi vấn, là giả hay thật, có ai dàn dựng, có là cạm bẫy để “hốt” trọn ổ hay không? 

Có thể, tạm gọi hai nhóm bênh chống là nhóm ủng hộ và không ủng hộ, và theo những gì ghi nhận được thì nhóm nghi ngờ phong trào Con Đường Việt Nam có phần vượt trội hơn nhóm ủng hộ phong trào  Con Đường Việt Nam, cũng như nhóm lên tiếng không ủng hộ phong trào là những con người cụ thể có thể xác định được, còn nhóm ủng hộ phong trào số lượng người “ảo” nhiều hơn con người cụ thể. 

Nhóm tuyên bố không ủng hộ gồm các bloggers, các cá nhân có tiếng tăm, tiếng nói của họ có ảnh hưởng nhất định đến cộng đồng xã hội và thái độ biểu cảm của họ, mỗi người một khác. Có người bình tĩnh lịch sự xin rút tên khỏi danh sách mời, có người không dấu được bất bình dùng ngôn ngữ nặng nề đáng lẽ không nên có của một cá nhân đã chọn cho mình là người của công chúng. Số khác từ chối tham gia có vẽ như nhà mô phạm, bác học với lập luận, phân tích mổ xẻ từng con chữ đến câu chữ và cẩn thận sử dụng nhiều “tư liệu”phân tích diễn tiến vụ án tuyên truyền chống phá, âm mưu lật đổ của Thức-Long-Định, ngay cả việc đề cặp đến tài liệu trong Con Đường Việt Nam còn nhiều khiếm khuyết để nhẹ nhàng tuyên bố từ chối không ủng hộ. 

Nhóm ủng hộ ít tiếng tăm hơn nhưng lý lẽ, lập luận đưa ra để ủng hộ phong trào Con Đường Việt Nam cũng không đến nỗi kém cỏi. Quan điểm của nhóm ủng hộ rất thoáng không có nhiều khác biệt, họ không quan tâm nhiều đến thái độ của Thức-Long-Định trong vụ án âm mưu lật đổ nhà nước cộng sản cũng như không bận tâm lắm với việc nhận tội xin khoan hồng để được giảm án tù của Lê Thăng Long. Theo họ những người đấu tranh phải sống, phải tồn tại để tiếp tục chiến đấu, họ “cóc” cần biết có hay không có bàn tay an ninh cộng sản và không cần biết có phải đây là con đường do cộng sản dàn dựng để hốt sạch những phần tử “chống đối” hoặc Con Đường Việt Nam do Lê Thăng Long phát động chỉ là để mở lối cho đảng cộng sản “hạ cánh an toàn” theo tin đồn.

Nói chung, nhóm ủng hộ và không ủng hộ lên tiếng về phong trào Con Đường Việt Nam, chỉ là số nhỏ so với danh sách mời do Lê Thăng Long công bố và phải nói là cực nhỏ so với số đông chưa lên tiếng, không hân hạnh lọt vào danh sách được mời. Ở đây trong bài viết này chủ ý đến số đông, vì thế chúng ta sẽ không lạm bàn đến dư luận lên tiếng ủng hộ hay không ủng hộ phong trào Con Đường Việt Nam bởi hai nhóm đều đúng với lý lẽ của mình đưa ra. Theo thiển ý, phong trào Con Đường Việt Nam dù thật hay giả đều có “cửa” cho những ai thật lòng lẫn quyết tâm đấu tranh cho một nước Việt Nam tự do, dân chủ không cộng sản và không cần phải mất nhiều thời giờ cho những tranh cãi, những mục tiêu phụ không quan trọng.

Do đó, trước diễn biến khá ngoạn mục đầy bất ngờ của phong trào Con Đường Việt Nam, dù thế nào đi nữa phong trào cũng đã tạo được tiếng vang, gây sự chú ý, tìm hiểu của nhiều người Việt Nam từ trong ra đến ngoài nước và những cá nhân, tổ chức chọn lựa đấu tranh cho một nước Việt Nam dân chủ, dù muốn hay không vẫn phải đối diện lẫn đối phó với tình huống, một là thật hai là giả của phong trào Con Đường Việt Nam.

Trường hợp thứ nhất: nếu Con Đường Việt Nam là giả thì các tổ chức đấu tranh có nhiệm vụ cũng như thể hiện bản lãnh lãnh đạo nương theo giả để biến phong trào giả thành thật và nếu phong trào là cạm bẫy thì cũng khó bẫy được những cá nhân, tổ chức dạn dày kinh nghiệm đấu tranh. Với lại phong trào công khai mục tiêu nâng cao dân trí, tuyên truyền cho người dân hiểu biết về quyền con người để mọi người ý thức đấu tranh giành lấy quyền làm người phù hợp giá trị chung của nhân loại thời hiện đại. Do đó, với mục tiêu đòi quyền làm người, nhà nước cộng sản không dễ để bắt những người tham gia phong trào và trong thời đại toàn cầu hóa, bắt giam không lý do hoặc lý do vớ vẩn hẳn không dễ như mười, hai mươi năm trước, vì thế không có gì phải hoảng loạn với gỉa hay cạm bẩy của bất cứ ai, từ đâu đến! 

Trường hợp thứ hai: nếu Con Đường Việt Nam là thật thì nhóm ủng hộ cần phải chỉ ra điểm mạnh yếu cũng như điều chỉnh những khiếm khuyết, chưa hoàn hảo tương đối, trong phương thức đấu tranh bất bạo động công khai như chủ trương Con Đường Việt Nam đề ra, nhằm hoàn thiện phong trào để mục tiêu phổ biến quyền con người và thúc đẩy nhiều thành phần xã hội tham gia đấu tranh giành lấy quyền làm người. Chẳng hạn như lời kêu gọi, phương hướng đấu tranh của phong trào có vẽ như nghiêng về “xin” thoả hiệp chứ không “buộc” đối thủ phải lùi bước thỏa hiệp bởi trong nội dung phát động phong trào Con Đường Việt Nam chưa đề cặp tới những điều luật liên quan tới độc quyền lãnh đạo, tuyên truyền chống phá, âm mưu lật đổ, tự do lập hội, tự do ngôn luận theo luật pháp qui định vẫn còn tồn tại trong hiến pháp luật pháp Việt Nam. Như thế phong trào sẽ nằm ở thế yếu, thế xin cho chứ không ở thế thực hiện quyền làm người mà mọi người sinh ra phải được hưởng.

Nói cho tận kỳ cùng, dù phong trào Con Đường Việt Nam có là thật hay giả, chắc chắn sẽ xảy ra bất đồng quan điểm lẫn phương hướng hành động của các cá nhân, tổ chức đấu tranh cho dân chủ bởi đường lối của phong trào ít nhiều chỉ ra khuynh hướng ôn hòa, chịu đối thoại và có vẽ sẳn sàng thỏa hiệp để mở rộng con đường mà nhóm chủ trương Con Đường Việt Nam đã vạch ra. Chính vì lẽ đó, phong trào Con Đường Việt Nam sẽ không thuyết phục được nhóm đấu tranh cứng rắn, không khoan nhượng, không chấp nhận cộng sản dưới mọi hình thức, nhóm này chủ trương thay đổi độc tài cộng sản triệt để, kể cả sử dụng bạo lực cách mạng lật đổ chế độ cộng sản. 

Từ đó, cho chúng ta thấy trong lực lượng đấu tranh cho dân chủ tồn tại hai khuynh hướng bạo lực và ôn hòa, bạo động và bất bạo động. Vì thế để đấu tranh dân chủ đạt hiệu quả chúng ta cần nhìn ra thế giới bên ngoài để quan sát, học hỏi phương pháp đấu tranh chính trị thời hiện đại. Hiện nay thế giới đã thay đổi, hầu hết các nước dân chủ văn minh không còn ủng hộ sử dụng bạo lực trong đấu tranh chính trị và luật pháp quốc tế không cho phép bất cứ nước nào, tổ chức vũ trang cho nhóm bất đồng chính kiến chống lại chính quyền của nước họ. Trừ trường hợp chính quyền bắn giết người dân đứng lên đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình sẽ được thế giới xem xét và có phản ứng thích hợp trong khuôn khổ luật pháp quốc tế quy định như trường hợp của Libya.

Vài năm qua tình hình biến động chính trị khắp nơi trên thế giới, nhất là Tunisia, Egypt, Libya, Syria... gần đây nhất là Myanmar hẳn cho chúng ta nhiều bài học hữu ích và không ít người trong chúng ta mơ ước một Việt Nam dân chủ dù phải đổ máu xương như Egypt, Libya cũng cam lòng. Thế nhưng, hình mẫu chuyển đổi độc tài sang dân chủ như Myanmar quả là phúc đức, là mơ ước của nhiều người Việt nam và không ai có thể phủ nhận sự chuyển đổi của Myanmar, có phần đóng góp không nhỏ của bà Aung San Suu Kyi. Người dân Myanmar cũng biết để đạt được kết quả như đang hiện có, bà Suu Kyi qua đối thoại cũng đã phải uyển chuyển nhân nhượng, thoả hiệp với nhà cầm quyền quân phiệt Myanmar và rất may mắn không người Myanmar nào đặt vấn đề “chính trị phức tạp” với bà Aung San Suu Kyi.

Trở lại hiên tượng phong trào Con Đường Việt Nam xảy ra giữa bối cảnh thế giới nhiều biến động, chuyển biến nhanh đầy bất ngờ trong giai đoạn hội nhập, toàn cầu hóa và trong nước Việt Nam ở thời điểm hiện tại, thời chúng ta đang sở hữu nhiều “chiến binh” dày dạn trận mạc, nhiều kinh nghiệm đấu tranh chống độc tài cộng sản. Thế cho nên, cho dù thế trận Con Đường Việt Nam bày ra có thật hay giả, có là cạm bẫy hay không cạm bẫy vẫn khó gây tổn thất cho lực lượng đấu tranh cho dân chủ và dù có hay không có phong trào Con Đường Việt Nam, công cuộc đấu tranh cho dân chủ là ý chí, nguyện vọng của toàn dân vẫn tiếp diễn cho đến ngày thành công. Thế thì, các khuynh hướng ủng hộ hay không ủng hộ  Con Đường Việt Nam, khuynh hướng bạo động hay bất bạo động, chấp nhận hay không chấp nhận mọi hình thức cộng sản. Nói theo lý sự cùn dân dã, giả sử Con Đường Việt Nam thành công thì chúng ta đã đi được nửa chặng đường vì đối thủ đã biến chất không còn nguy hiểm như bản chất của nó vốn có và phải chấp nhận lùi bước, vô tình giúp cho công cuộc đấu tranh dân chủ cho Việt Nam có phần dễ dàng hơn. Thế bạn đọc có chia sẻ, đồng tình với cảm nghĩ về Con Đường Việt Nam này không? 

Le Nguyen

Chú Thích: (*) chữ của các báo lề đảng thường dùng để nói về một con người hay một con vật, xin phép bạn đọc sử dụng lại tuy rườm rà, tối nghĩa nhưng chỉ ra được một khía cạnh khác của đỉnh cao trí tuệ cộng sản.


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo