Khát vọng ấy không phải của con người! - Dân Làm Báo

Khát vọng ấy không phải của con người!

“Chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân Việt Nam!” 
(TBT Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng)

Hoàng Thanh Trúc (Danlambao) -  Anh bạn của tôi, người Nhật Bản (PV chuyên nghiệp “ảnh thời sự” khu vực ASEAN, báo Asahi Shimbun) từ Hà Nội vừa về lại TP. HCM và ghé nhà tôi thăm.
Tôi pha hai ly café Trung Nguyên kiểu “cái nồi ngồi trên cái cốc” (thứ mà anh rất thích) đặt lên bàn thì thấy bên cạnh lĩnh kỉnh những máy ảnh và ống kính là cuốn tạp chí Cộng Sản nằm ở đó.

- Ở đâu anh có thứ này? Đọc được sách Việt ngữ rồi sao? – Tôi hỏi.

Anh nói, được tiếp viên Vietnam Airline tặng trên chuyến bay, khuấy nhẹ ly, rất vui tính, trước khi nếm anh hít thật sâu mùi café, gật đầu đưa ngón tay cái, theo anh, trong khu vực ASAEN chưa có nơi nào anh tìm thấy hương vị café đậm đà như thế này. 

Hớp môt ngụm, lật qua trang bìa cuốn tạp chí anh chỉ tôi dòng chử in đậm tiêu đề trên trang nhất: “Chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân Việt Nam” với chú thích “lời phát biểu của TBT/Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, thuyết giảng về chủ nghĩa xã hội của Việt Nam ngày 9/4/2012 tại Trường đảng cao cấp Nico Lopez Trung ương Đảng CS cuba”.

Anh nói, người học trò VN, một nữ sinh viên báo chí tự nguyện tháp tùng theo anh thực tập trong chuyến đi, cứ chỉ vào dòng chử này tủm tỉm cười hoài, mà anh thì không rõ có phải vì hàng ghế ngồi trên chuyến bay có nhiều khách Việt hay không mà anh hỏi tại sao thì cô ấy cứ cười nhưng không nói? Anh hỏi, riêng tôi thì nghĩ gì về dòng chữ này ? Tôi giải thích ngữ nghĩa và nhìn thẳng vào mắt người bạn nước ngoài, chân thành nói:

- Nếu có thể được, tôi xin trừ đi 1/2 quỹ thời gian còn lại của tuổi thọ đời mình để đổi lấy cái “khát vọng” ấy biến mất vĩnh viễn trên đất nước Việt Nam hiện nay! 

- Nhưng dựa trên cơ sở nào ông TBT đảng CSVN khẳn định là như thế trước truyền thông quốc tế? Nhân dân và Nghị Viện VN có biểu quyết chuẩn thuận? – Bạn tôi hỏi .

- Chưa bao giờ (Never) tôi lắt đầu nói với anh ấy .

- Kể cả sau thời điểm cộng sản Nga và toàn Đông Âu sụp đổ? 

- Đúng như thế cho đến ngày hôm nay, cả nước không ai được phép đề cập sâu hơn về vấn đề này, nếu không muốn cửa nhà tù đón họ. - Tôi khẳng định.

- Việt Nam là một quốc gia thành viên LHQ. Ai cho phép họ làm như thế giữa thế kỷ 21 này? – Bạn tôi tròn xoe mắt hỏi. 

Tôi chỉ vào cái Logo “búa liềm” biểu tượng đảng CSVN trên cuốn tạp chí chua chát phân tích cho anh ấy hiểu :

- Cái “búa và liềm” này nó ra lệnh cho Hiến Pháp VN qui định : đảng cộng sản VN, duy nhất, độc quyền chỉ đường và toàn dân tộc phải đi theo con đường XHCN ấy mà không cần biết và cũng không được phép hỏi, thời gian bao lâu? Và nơi nào là điểm đến cuối cùng, cả dân tộc hơn tám mươi triệu người, giống hệt đàn cừu chỉ biết ngoan ngoãn lặng thinh cúi đầu gặm cỏ dưới cái bóng “búa liềm” chăn dắt với bầy đàn chó săn trung thành chuyên nghiệp vây quanh canh giữ…

Tôi dứt lời thì người bạn Nhật bật lưng trên ghế ngồi ngữa mặt nhắm mắt thở dài trong tiếng “Oh! My God” (Lạy chúa tôi)…

Đến đây thì tôi cười trong một ví dụ vui vui hỏi anh...

- Nếu tình huống giữa hai lựa chọn “khát vọng XHCN” và “Sóng Thần Tohoku ngày 11/3/2011” rơi vào Nhật Bản thì liệu Anh và nhân dân Nhật sẽ chọn cái nào ? 

Lặng thinh một thoáng, anh cười khẩy:

- Nếu không thể khác được như Việt Nam và hậu quả bất hạnh giống nhau thì tôi và người dân Nhật xin đổi “khát vọng XHCN” để lấy “khát vọng Sóng Thần Tohoku ngày 11/3/2011”!

Tôi chưng hửng, anh giải thích ngay :

- Thế giới đều biết cơn sóng thần ấy khủng khiếp như thế nào, thiệt hại vài trăm tỷ USD, mấy chục ngàn mạng sống thương vong, tuy nhiên cũng như trên điêu tàn đổ nát của những cơn thịnh nộ động đất kinh hoàng quá khứ trước đó, thì chỉ một hai năm người dân Nhật chúng tôi xây dựng lại mới và vững chãi thêm lên trên hoang tàn ấy vẫn còn vinh hạnh hơn nhiều so với cái “khát vọng XHCN” mà dân tộc Việt Nam đã hy sinh hơn 3 triệu sinh mạng trải trên con đường dài hơn 2/3 thế kỷ đến nay…vẫn còn là “khát vọng” như anh nói! – Tôi nhắp ngụm café dù có đường nhưng vị đắng như đậm hơn khi nghe anh nói...

Như gặp dịp tâm giao, anh bạn người Nhật của tôi thổ lộ : Đến bây giờ, sau năm năm bám trụ trong khu vực anh mới có câu trả lời thỏa đáng cho cái thắc mắc từ trước, vì sao một Việt Nam vượt lên trên, hơn hẳn, có nhiều lợi thế còn bỏ xa Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản về địa lý, thổ nhưỡng, tài nguyên đất đai..v.v.. nói chung là những điều kiện rất cần để cho đủ, bổ xung với yếu tố con người cho một quốc gia lấy đà đưa nền kinh tế cất cánh bay lên, nhưng hiện tại thì lại nghèo và tụt hậu rất xa về khoa học, kinh tế, tài chính...

Tất cả bốn quốc gia khởi đi xuýt soát nhau trong cùng thời gian, sau thế chiến II (1945). So với lãnh thổ 3 nước kia, Việt Nam (cả hai miền Nam Bắc) là “hân hạnh” hơn cả dù di lụy chiến tranh và tàn tích thực dân là không tránh khỏi, một Hà Nội cố đô yên bình, một Sài Gòn “hòn ngọc viễn đông” thủ phủ Đông Dương của thực dân Pháp và khắp các TP quan trọng cả nước với cơ sở hạ tầng do Pháp xây dựng còn tương đối nguyên vẹn. 

- Còn Đài Loan, một đảo biển cô lập với đa số là thổ dân chài, cơ sở hạ tầng sơ sài không có gì đáng kể, chỉ là đầu tư tối thiểu nhất thời,giai đoạn, để phục vụ chiến tranh cho quân Nhật chiếm đóng .

- Nhật Bản và Hàn Quốc điêu tàn đổ nát sau chiến tranh, TP Seoul Nam Hàn đạn bom cày qua sới lại mấy lần nát tan không có lấy một giọt nước máy hay giòng điện cho dân sự, toàn dân Nam Hàn thiếu đói nghiêm trọng nếu không nhờ Hoa Kỳ trợ giúp lương thực, chắc nạn chết vì đói đã xảy ra . 

Riêng Nhật Bản còn bất hạnh hơn, là quốc gia đầu tiên trên thê giới biết thế nào là “bom nguyên tử” hai Thành Phố Nagasaki và Hiroshima với mấy trăm ngàn dân vừa chết vừa oằn oại trong thương tích phóng xạ không đủ thuốc men chữa trị, nền kinh tế vốn chỉ phục vụ quân sự quay trở về con số không dưới sự kiểm soát giải giới của quân đội Mỹ, một nửa lương thực của cả nước là “rong biển và hải sản thô”.

Nhưg sau hơn 1/2 thế kỷ (1945-2008) – Giá trị tổng sản phẩm nội địa GDP (Gross Domestic Product) đã được thống kê trên Wikipedia ghi nhận : Nhật Bản 4.923.761 (triệu USD) – Hàn Quốc: 947.010 – Đài Loan: 392.552 – Việt Nam: 89.829.

Thu nhập bình quân đầu người (2009) : Nhật Bản 36.952 USD/năm – Hàn Quốc 20.759 USD/năm  – Đài Loan 20.117 USD/năm. Việt Nam (dự kiến 2011) : 1.300 USD/năm.

Tôi tiếp lời cùng người bạn Nhật : 

- Những con số tự nó như biết nói rồi,nhưng không lạ để làm ai ngạc nhiên, bởi nếu không phá bỏ hiệp định Genève đánh chiếm Nam VN và CNCS thế giới chưa sụp đổ thì nền kinh tế miền Bắc của CSVN chắc còn tệ hại hơn cả Bắc Triều Tiên bây giờ, (bởi khoa học kyx thuật VN vẫn còn thua Bắc Triều Tiên vài bậc) và con số GDP đầu người 1.300 usd/năm, hắt hiu đạm bạc (dù chỉ là dự kiến) nói trên chắc cũng chưa nằm trên giấy, bởi rất giản đơn với giấc mơ “đại đồng” CNXH/CS độc tài nó “ám sát” từ trong trứng nước mọi khát vọng vươn lên của cá nhân, gia đình để đóng góp cho xã hội . 

Và gần như ai cũng biết nguyên nhân tạo nên sự khác biệt quá lớn GDP ấy là do khác biệt thể chế chính trị, ba quốc gia có thu nhập cao hơn VN nhiều lần thuộc xã hội tự do dân chủ tư bản đa nguyên có những ưu điểm hơn hẳn toàn diện mà XHCN/CS không thể sánh bằng. Ai cũng biết chính xác như vậy chỉ riêng những nhà lãnh đạo CSVN đến nay vẫn không muốn biết và họ cũng bắt người dân VN đừng nên biết như vậy bằng “ngụy ngữ và ngụy biện ” XHCN là khát vọng của nhân dân VN!? 

Anh ấy hỏi tôi… như hỏi những người CSVN :

- Không biết những người CSVN có biết không ? Gần một nửa người dân Nhật Bản đêm đến đi vào giấc ngủ mà không đoan chắc giấc ngủ có trọn vẹn? Và sáng hôm sau có thức dậy trong yên bình!? Bởi gần 200 miệng núi lửa còn âm ỉ hâm hấp nóng và 1/2 diện tích nước Nhật như nằm trên những cái “phễu” nó sẽ sụp xuống bất cứ lúc nào trong 365 ngày/năm vì động đất, cây lúa sống hối hả 6 tháng/năm trước khi bị chết cóng, những hạt café, hồ tiêu làm mê mẩn người Nhật, trồng bạt ngàn ở VN không thể đứng một ngày trên băng giá nơi đây, xứ Phù Tang cũng thừa mứa núi tuyết sông băng, nhưng một vốc than đá như VN để sưởi ấm thì chưa tìm thấy bao giờ và hai bình nguyên bao la sông Hồng và Cửu Long sóng lúa bạt ngàn 12 tháng/năm của VN chỉ là giấc mơ thần thoại của người dân Nhật. Cũng giống như Hàn Quốc, cả 2 quốc gia núi non trùng điệp đá nhiều hơn đất nhưng khoáng sản giống như VN thì mò kim đáy bể, có nghĩa, về tài nguyên thiên nhiên và thổ nhưỡng khí hậu Hàn-Nhật rất nghèo để không thể nghèo hơn so với Việt Nam. Còn với Đài Loan thì nói chuyện so bì cùng VN chắc cư dân nơi ấy lắc đầu quầy quậy bởi đảo quốc này chỉ gần bằng một tỉnh hay TP Việt Nam thôi. Trong những điều kiện tối thiểu cả 3 quốc gia ấy đã cất cánh bay lên và lên thật cao mà không cần một “sợi gió XHCN” nào hiện diện….- Tôi cười ngắt lời anh : 

- Vì vậy cái “XHCN” đã từng đày đoạ và là nguyên nhân gây nên cái chết cho hàng trăm triệu người khắp thế giới trong đó có dân tộc Việt Nam để nhân loại gọi đó là thứ chủ nghĩa “tội ác chống nhân loại” thì nếu nó là khát vọng thì dứt khoát “khát vọng” đó thuộc một loài động vật khác chứ không thể là của con người lại càng không thể “là khát vọng của nhân dân Việt Nam” nạn nhân của chính nó – Và riêng tôi nhận xét : 

“ …Nếu không có một “phép lạ” nào khác xảy ra thì hết thế kỷ này (21), trừ Singapore quá mạnh và nước Lào quá yếu thì Việt Nam chắc không thể nào bắt kịp đà tăng trưởng tổng quát của các quốc gia còn lại trong khối ASEAN nếu đảng CSVN vẫn tồn tại trên đất nước này… bởi, không một nước tự do đa nguyên tư bản nào có thiện cảm chịu đứng lại chờ, chìa tay kéo giúp một đảng Cộng Sản VN lạc hậu nhưng độc tài mà hôm nay trước những chuyễn biến chính trị sâu sắc về tự do dân chủ nhân quyền trên toàn thế giới thì trên từng bước đi của họ, những người CSVN, vào thế giới Tư Bản vẫn còn in dấu xích xiềng cùm gông nhân dân mình vì khác biệt chính kiến và là chế độ “duy nhất” trong khối ASEAN, nằm ở vị trí gần “đội sổ” vi phạm nhân quyền, tự do báo chí và tham nhũng hàng đầu ở Châu Á. 
“Chủ nghĩa XH CuBa , Việt Nam, ưu việt hơn chủ nghĩa tư bản” 
(TBT Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng)

Và còn thêm một chuyện nữa, không thể không nhắc đến bởi nó liên quan đến bộ mặt quốc gia và liêm sỉ của con người . 

Phàm ông bà mình vẫn dặn dò: “Chim khôn hót tiếng rảnh rang – Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe” hay “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Thì một yếu nhân trước “nhĩ mục quan chiêm” diễn đàn quốc tế phải biết “khôn” để hót cho rảnh rang, đừng có “dại” để nói mà không lựa lời, cứ nói khoát lác, cường điệu cho sướng cái miệng mà không biết ngượng cái mồm, kiểu như “chủ nghĩa XH ưu việt hơn chủ nghĩa tư bản” - “Chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân Việt Nam” (TBT/Nguyễn Phú Trọng). Làm cho công đồng, công luận các quốc gia trên thế giới “chướng cái lỗ tai” chẳng có mấy thiện cảm dẫn đến việc Tổng thống Brazil không buồn gặp mặt Nguyễn Phú Trọng - Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 13/4/2012 sau khi thăm CuBa với lý do vì lịch trình không cho phép mà không báo trước, dù Việt Nam thông báo ông Trọng sẽ thăm hữu nghị Brazil "theo lời mời của Tổng thống Dilma Rousseff" vào ngày đó. mà thường thì các chuyến đi và lịch trình hội kiến với nhau của quan chức hàng đầu các quốc gia, nhất là các vị trí như Tổng thống, thủ tướng, đều phải được chuẩn bị trước một thời gian dài. (BBC 18 tháng 4, 2012) 

Không khó lắm để hiểu rằng: Chỉ có các “Vương triều độc tài Cộng sản” mới tự tôn vinh chức danh tổng bí thư đảng như “Thái Thượng Hoàng” chứ các nước tự do đa nguyên dân chủ Phương Tây ngoài mặt thì vì “tế nhị” ngoại giao họ không nói, nhưng thật ra họ đánh giá các chức vụ Thủ Tướng, Chủ Tịch Nước hay Tổng Bí Thư của các chế độ độc tài cộng sản không khác gì người đứng đầu một đảng phái bình thường của hàng trăm các đảng phái chính trị trong đa nguyên dân chủ, không hơn không kém, bởi “danh không chính, ngôn không thuận”. 

Họ - Những lãnh đạo cầm quyền độc tài CS, không do nhân dân bằng phổ thông đầu phiếu trực tiếp bầu lên trong quang minh chính trực, hơn nữa hiện nay CNCS bị đào thải, nhân loại nguyền rủa thậm chí cấm nó “đầu thai” lại dưới bất cứ hình thức nào tại chính những nơi nó từng là chủ nhân ông một thời như Ba Lan và một số nước CS Đông Âu cũ thì việc Bà Tổng thống Brazil, Dilma Rousseff, không cần “mềm mại, ưu ái, lịch sự” bằng một công văn có chữ ký chính mình mong TBT “đảng ta” lưu lại CuBa thêm một ngày để hôm sau đến Brazil cũng không muộn, cũng trọn vẹn nghĩa tình hửu hảo, nhưng không Bà đã thay đổi lịch trình của mình cho ngày 13/4 để lên đường tới Cartagena, Colombia, nơi bà tham dự Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ" mà không thèm đoái hoài đến chuyên viếng thăm của TBT “đảng ta” Nguyễn Phú Trọng làm bầu đoàn thầy trò ngài TBT lặng lẽ quay mũi máy bay về nước lặng như tờ, một sự cố hiếm có tiền lệ trong bang giao quốc tế đủ nói lên cái uy tín của “Cộng Hoà XHCN là khát vọng của nhân dân ta”.

Hoàng Thanh Trúc


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo